Giang hồ vặt
Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có văn bản giao Công an TP nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm việc bảo kê (thu tiền bến bãi trái pháp luật) của một số đối tượng núp dưới danh nghĩa tổ đội bốc xếp ở chợ đầu mối Long Biên, báo cáo lên Thành ủy, UBND TP trước ngày 30/9 – được coi là động thái rất kịp thời của chính quyền TP nhằm ngăn chặn tình trạng “giang hồ cát cứ”, lộng hành, đe dọa cuộc sống, hoạt động buôn bán, làm ăn của người lương thiện.
Chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội được dư luận hoan nghênh nhưng cũng không thể không đặt ra câu hỏi: Ai, tổ chức, cá nhân nào “chống lưng” cho hoạt động phi pháp của những kẻ “giang hồ vặt”, để chúng ngang nhiên lộng hành tại một khu chợ lớn của Thủ đô, giữa ban ngày?
Thu tiền bảo kê giữa chợ. Ảnh: Cắt từ video VTV.
Chợ đầu mối Long Biên là nơi tập kết hàng hóa từ các địa phương vùng Đông Bắc và cả vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ trước khi tỏa về các chợ lớn trên địa bàn Hà Nội. Khu chợ cửa ngõ phía Đông Hà Nội này có khoảng 1.000 hộ buôn bán, với 300 hộ thường xuyên sử dụng xe ô tô chuyên chở hàng hóa, nông sản.
Theo phản ánh của tiểu thương, để xe được vào ra buôn bán tại chợ, họ phải chung tiền bảo kê (gấp hàng chục lần mức tiền mua vé vào cổng của Ban Quản lý chợ) cho một nhóm người nhân danh tổ đội bốc xếp. Thậm chí, có những tiểu thương phải nộp tiền bảo kê bến bãi khoảng 100 triệu đồng/năm cho người của tổ đội bốc xếp.
Làm con tính đơn giản sẽ thấy số tiền thu lợi bất chính từ việc tự đặt ra luật – lệ, đe dọa, khủng bố hàng ngàn tiểu thương của nhóm giang hồ vặt ở chợ đầu mối Long Biên, là vô cùng lớn. Hình ảnh được ghi lại, đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng cũng cho thấy, 2 tổ đội bốc xếp ở chợ đầu mối Long Biên do một người đàn ông tên là Nguyễn Kim Hưng (còn gọi là Hưng “kính”) làm tổ trưởng. Là tổ trưởng tổ đội bốc xếp ở một khu chợ nhưng ông Hưng ăn mặc khá tươm tất (áo trắng, quần trắng, giày trắng, cổ quàng khăn) không phù hợp với công việc mà ông này phải làm hàng ngày. Hình ảnh được đăng tải cũng cho thấy thái độ trịch thượng, kẻ cả, ngang tàng, thách thức, đe dọa tiểu thương của ông Kính – dù chỉ là tổ trưởng tổ đội bốc xếp.
Việc nhóm người dưới danh nghĩa tổ đội bốc xếp chợ đầu mối Long Biên tự đặt ra luật – lệ, trắng trợn thu tiền bến bãi từ hàng ngàn tiểu thương buôn bán ở đây, khiến dư luận nhớ lại vụ án Dương Văn Khánh (Khánh “trắng”) vào những năm 1990. Dưới danh nghĩa tổ trưởng tổ đội bốc xếp, Khánh “trắng” điều khiển đàn em thực hiện nhiều hoạt động phi pháp, đe dọa, thu tiền bảo kê của tiểu thương chợ Đồng Xuân, vươn vòi cả vào đời sống chính trị của địa phương, trở thành Chủ tịch nghiệp đoàn lao động dịch vụ Đồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên. Ngày 24/5/1996, khi bị Ban chuyên án của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) Bộ Công an bắt tại nhà riêng ở số nhà 31/10 phố Nguyễn Thiệp – Hà Nội với 4 tội danh là giết người, cướp tài sản công dân, trốn thuế, che giấu tội phạm; Khánh “trắng” còn vỗ ngực: “Tôi là đoàn viên công đoàn, là Chủ tịch nghiệp đoàn!” cùng lời đe dọa lực lượng thực thi công vụ “bắt dễ, thả khó!”.
Vụ việc chợ đầu mối Long Biên cũng khiến nhiều người nhớ lại vụ án Năm Cam ở TP Hồ Chí Minh. Xuất thân chỉ là giang hồ vặt, bảo kê chợ búa, bến bãi, nhà hàng nhưng Năm Cam, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, đã móc nối, mở rộng quan hệ với nhiều cán bộ ở các cấp – ngành từ Trung ương đến địa phương nơi y và gia đình cư trú. Vụ án Năm Cam khép lại bằng phiên tòa xét xử, khai mạc ngày 25/2/2003 tại TP Hồ Chí Minh với 155 bị can bị truy tố 24 tội danh khác nhau, trong đó có những người là cán bộ lãnh đạo cấp bộ – ngành và nhiều người là lãnh đạo tại các cơ quan ở TP Hồ Chí Minh, cho thấy tính chất phức tạp của vụ án do đối tượng giang hồ vặt Năm Cam cầm đầu.
Vụ việc chợ đầu mối Long Biên còn chờ kết quả điều tra của Công an TP Hà Nội. Tuy nhiên, phản ánh đầy bức xúc của tiểu thương, thái độ thách thức, đe dọa của tổ trưởng tổ đội bốc xếp, phần nào cho thấy, có gì đó rất không bình thường phía sau hoạt động thu tiền bảo kê bến bãi trắng trợn cũng như việc tự đặt ra luật – lệ để khống chế hàng ngàn tiểu thương hàng ngày phải vào ra, buôn bán. Vụ Khánh “trắng” ở Hà Nội, vụ Năm Cam ở TP Hồ Chí Minh là bài học lớn, là cái giá phải trả vô cùng đắt về sự “chống lưng” của một bộ phận cán bộ, tổ chức quản lý địa phương với hoạt động tội phạm núp dưới các vỏ bọc khác nhau tại các khu vực dân cư và tại các khu chợ, bến bãi trên cả nước.
Với những gì đang diễn ra, có thể thấy rất nhiều tiểu thương ở chợ đã không còn tin tưởng vào hoạt động của Ban Quản lý chợ đầu mối Long Biên. Theo phản ánh của tiểu thương thì mỗi khi xảy ra xung đột giữa họ với người của tổ đội bốc xếp, nhân viên Ban Quản lý chỉ đến “chứng kiến” rồi bỏ đi. Lãnh đạo Ban Quản lý chợ Long Biên cũng chỉ chấn chỉnh và nhắc nhắc nhở tiểu thương và thành viên tổ đội bốc xếp mỗi khi xảy ra xung đột. Ai bảo kê cho hoạt động phi pháp của một số đối tượng giang hồ vặt núp dưới vỏ bọc tổ đội bốc xếp chợ đầu mối Long Biên? Đây là câu hỏi mà hơn 1.000 tiểu thương chợ đầu mối Long Biên và dư luận trông chờ ở cơ quan có trách nhiệm của TP Hà Nội.
Video đang HOT
Có một thực tế không thể không nhắc đến là nhiều năm nay, đời sống xã hội khá “quen thuộc” với các cụm từ “giang hồ” hay “xã hội đen”. 2 cụm từ này gắn với các đối tượng bất hảo, câu kết kết bè đảng, làm những việc trái pháp luật, đạo lý, đe dọa việc buôn bán và cuộc sống bình thường của người dân lương thiện. 2 chữ “giang hồ” khi xưa, vốn chỉ dành cho những người có võ công cái thế, hành tung nghĩa trượng, lấy tín nghĩa làm đầu, đã bị biến tướng trở thành cụm từ đầy đe dọa đối với cuộc sống và việc làm ăn buôn bán của người dân. Trị cho nghiêm các đối tượng giang hồ vặt, đã và đang manh nha lộng hành, cát cứ ở các khu chợ hay bến bãi là đòi hỏi bức bách của đời sống xã hội, vì sự yên bình của mọi người dân.
Dương Thanh Tùng
Theo daidoanket
Vì sao tiểu thương chợ Long Biên phải è cổ nộp trăm triệu bảo kê?
Tiền phí bến bãi mỗi năm một hộ kinh doanh phải nộp 100 triệu đồng dưới danh nghĩa "bốc xếp hàng hóa". Tất cả tiền này không có hóa đơn, chứng từ khi thu - nộp.
Người đứng đơn tố cáo hoạt động bảo kê, thu phế bến bãi vô lối trong một thời gian dài của "tổ bốc xếp số 2" do người có tên Hưng "kính" làm tổ trưởng - là vợ chồng anh Hoàng Anh Hà (chủ ki-ốt buôn bán hoa quả tại chợ đầu mối).
Ki-ốt của vợ chồng anh Hà bị nhóm người trong tổ bốc xếp bắt đóng tiền mua lốt đỗ xe mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng/hộ
Buộc phải nộp tiền vô lối để mua sự yên ổn
Thông tin với VietNamNet, anh Hà cho hay: Việc bị thu tiền vô lối, không có chứng từ, hóa đơn xảy ra từ năm 2010 đến nay. Mọi người ai cũng bức xúc nhưng vì để mua sự yên ổn làm ăn nên đành "nuốt bồ hòn làm ngọt".
Trước năm 2016, mỗi một lốt đỗ xe để bốc xếp hàng hoa quả, mỗi ki-ốt bị thu 100 triệu đồng.
Riêng năm 2017, vợ chồng anh Hà bị ép đóng số tiền mua bến bãi lên tới 700 triệu đồng.
Lý giải về việc, vì sao chỗ đỗ xe để bốc xếp hàng hóa mà bị ép đóng lên tới hàng trăm triệu đồng/hộ/năm, một nạn nhân cho hay: "Nếu không đóng thì cũng giống như chấp nhận bị bật bãi không còn cửa kinh doanh tại chợ, hoặc chấp nhận phá sản".
Không bốc xếp hàng hóa nhưng bắt chủ hàng phải trả tiền hàng trăm triệu/năm. Sự việc kéo dài từ năm 2010 đến nay...
Theo anh Hà, với ngành hàng hoa quả tại chợ đầu đầu mối Long Biên có đặc thù chỉ hoạt động buôn bán vào ban đêm. Hoa quả từ các nơi đổ dồn về nhiều nhất từ khoảng 19h ngày hôm trước cho đến 4h sáng hôm sau.
"Chúng tôi kinh doanh bán buôn vào buổi tối cho đến rạng sáng hôm sau. Lúc này, chợ có rất nhiều xe ra vào. Nếu không có chỗ đỗ cố định, xe hàng không biết khi nào mới được cho vào chợ, vào chợ rồi thì chưa biết được cho đỗ ở đâu.
Vì vậy, việc có chỗ đỗ xe ổn định để lên - xuống hàng hóa là nhu cầu thiết yếu, có tính chất quyết định thành bại đối với những hộ kinh doanh ban đêm tại chợ. Chỉ chậm một vài tiếng, hoa quả bị thối, ảnh hưởng chất lượng, bạn hàng cũng bỏ sang mối khác vì mất uy tín" - anh Hà cho biết.
Nắm được "huyệt mạch" trên, nhóm người thuộc "tổ bốc xếp số 2" do ông Hưng "kính" làm tổ trưởng là có "quyền sinh quyền sát" toàn quyền quyết định cho ai được mua lốt hay không được mua đã biến đây thành chỗ kiếm lời.
Một lốt đỗ xe, mỗi hộ phải trả 100 triệu đồng; không có phiếu thu, và được thông báo miệng là "tiến phí bốc xếp" dù người của tổ bảo vệ này không bao giờ bốc xếp cho chủ hàng.
Quyền trưởng BQL chợ đầu mối Long Biên Hoàng Văn Thanh (ngồi giữa) cho biết: Tổ bốc xếp không có chức năng đi thu tiền
Đối với những hộ kinh doanh chống đối, sẽ bị nhóm người của tổ bốc xếp số 2 "khủng bố" bằng nhiều thủ đoạn, như vứt cá thối, rác thải, mang xe ô tô chặn trước cửa ki-ốt để cản trở việc kinh doanh... như trường hợp hộ anh Hà.
BQL chợ Long Biên buông lỏng quản lý?
Quyền trưởng BQL chợ đầu mối Long Biên Hoàng Văn Thanh - người thay thế trưởng ban Đàm Đình Dũng vừa nghỉ hưu thừa nhận: "Chúng tôi đang yêu cầu các bên liên quan làm đơn tường trình, cung cấp các tài liệu liên quan để củng cố hồ sơ đúng yêu cầu của Công an quận trong quá trình điều tra xử lý hành vi vi phạm pháp luật".
Mặt bể nước phục vụ cứu hỏa bị lấn chiếm làm ki-ốt kiên cố và bán cho một hộ kinh doanh với giá vài tỷ đồng.
Ki-ốt dựng trên mặt bể nước cứu hỏa, dù chủ tịch UBND quận Ba Đình yêu cầu BQL chợ tháo dỡ nhưng vẫn tồn tại
Ông Thanh cho biết, chợ đầu mối Long Biên có trên 1.000 hộ kinh doanh nên lượng người mua bán rất là đông. Trong chợ, người bốc vác tự do rất nhiều nên chủ trương thành lập hai tổ bốc dỡ hàng hóa.
Những người tham gia tổ bốc dỡ này gồm nhiều thành phần, trong đó có cả đối tượng có tiền án tiền sự. Nhóm người trong tổ bốc vác không được quyền thu tiền phí từ các tiểu thương.
BQL chợ Long Biên cũng bị tố cáo buông lỏng quản lý để nhóm người tự xưng "tổ bốc xếp số 2" chiếm dụng mặt bằng của bể nước cứu hỏa, xây ki ốt trên đó và bán mặt bằng làm ki-ốt để chiếm dụng số tiền nhiều tỷ đồng?.
Sự việc đã được Chủ tịch UBND quận Ba Đình chỉ đạo BQL chợ Long Biên tổ chức tháo dỡ các công trình sai phạm trước ngày 15/5/2018, tuy nhiên, đến nay những công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Bị đè nén trong một thời gian dài, nhiều lần phải nộp tiền bến bãi hàng trăm triệu đồng, vợ chồng anh Hà đã đi lập vi bằng trước khi tố cáo.
Thái Bình
Theo VNN
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu điều tra vụ bảo kê lộng hành Chợ Long Biên Ngày 21/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có công văn gửi Công an TP. Hà Nội liên quan đến thông tin bảo kê bắt nạt tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên. Chợ Long Biên là chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội. Ngày 20/9, báo chí phản ánh hoạt động bảo kê đang diễn ra công khai...