Giang hồ trấn lột bệnh viện: Vòng vây cho vay nặng lãi
Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải vụ triệt phá băng giang hồ trấn lột tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Q.5, TP.HCM), tiếp tục có nhiều nạn nhân là nhân viên bệnh viện đến tố cáo bọn cho vay nặng lãi.
Đe dọa, hành hung
Theo đơn tố cáo của bà N.T.A.H (52 tuổi, ngụ Q.4, điều dưỡng), tháng 8.2009, bà H. đã vay 5 triệu đồng của một người tên Th., với lãi suất 20%/tháng. Bà phải đóng cho bà Th. 1 triệu đồng/tháng. Tính đến gần cuối năm 2011, bà đã đóng cho Th. tổng cộng 22 triệu đồng nhưng món nợ gốc 5 triệu đồng vẫn còn nguyên. Đến tháng 12.2011, bà Th. cho bà H. vay thêm 16 triệu đồng nữa, tiền lãi còn nợ 4 triệu đồng, cộng với 5 triệu đồng tiền gốc vay lần đầu; nâng tổng số tiền vay lên 25 triệu đồng. Từ tháng 12.2011 – 6.2012, bà H. đã đóng cho bà Th. thêm 24 triệu đồng tiền lãi. Đến tháng 7.2012, bà H. hết khả năng chi trả… Khi bà H. xin khất nợ, trả chậm, bà Th. không đồng ý mà cho người đến bệnh viện hành hung. Bảo vệ phát hiện đến can ngăn kịp thời. Từ đó, bà Th. cho người canh trước cổng bệnh viện chờ bà ra về là “xử” khiến bà H. không dám ra sớm mà đợi đến khuya mới về. Con bà H. cũng vay của Th. 25 triệu đồng nhưng chưa kịp trả thì bà Th. cho người đến tận nhà xiết xe, đồ đạc, nhắn tin đe dọa sẽ “xử” con bà. Hiện hai mẹ con sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, không dám về nhà, phải xin ở nhờ nhà người thân và đang làm đơn xin nghỉ việc vì sợ bị hành hung. “Vì sợ bị đánh nên tôi đã viết đơn xin nghỉ việc, không hưởng lương để chờ ngày nghỉ hẳn. Tôi nhờ báo lên tiếng cho công an vào cuộc điều tra vì tại bệnh viện có rất nhiều người đang trong tình cảnh như tôi”, bà H. nói.
PV Báo Thanh Niên tiếp các nạn nhân tới tố cáo – Ảnh: Nguyên Bảo
Năm 2009, bà H.T.T.H (47 tuổi, ngụ Q.7, điều dưỡng) vay của Th. nhiều đợt với tổng số tiền vay là 25 triệu đồng. Bà T.H đã đóng hàng chục triệu đồng tiền lãi nhưng đến nay tiền gốc vẫn còn y nguyên 25 triệu đồng. Ngày 20.6.2012, bà T.H bị té cầu thang, tiếp đó bị tai nạn giao thông may 5 mũi ở đầu, không đi làm được nên không có tiền đóng lãi (hiện nợ tiền lãi 11,3 triệu đồng). Dù vậy, Th. không những không thông cảm mà còn cho người vào tận bệnh viện chửi bới, đe dọa chặn đường đánh. “Tôi đã nài nỉ bà Th. cho trả nợ dần dần nhưng không được. Chồng chết, một mình phải nuôi 2 con ăn học; nếu nghỉ làm thì cả gia đình sẽ không có tiền sinh sống”, bà T.H nói trong nước mắt.
Video đang HOT
Bủa vây bệnh viện
Bà Th. chỉ là một trong số nhiều “đầu nậu” cho vay nặng lãi đang tấn công vào công nhân viên bệnh viện, đặc biệt là những người làm việc ở khâu hộ lý và điều dưỡng. Số người này có cuộc sống khá khó khăn, cần tiền để trang trải hoặc đóng tiền lãi vay… Nắm được nhu cầu đó, các “đầu nậu” cho vay đã cấu kết với một nhân viên của bệnh viện đã nghỉ hưu tên D. Nếu bà D. phát hiện “con mồi” nào cần tiền thì có nhiệm vụ chỉ điểm cho “đầu nậu” biết để tiếp cận. Một khi nhân viên nào dính vào đường dây cho vay nặng lãi thì khó mà thoát ra khỏi “vòng kim cô”. Có nhiều người đã đóng tiền lãi gấp nhiều lần tiền vay gốc nhưng đến nay tiền vay gốc vẫn còn nguyên vẹn. Điều đáng lo ngại là hiện có quá nhiều “đầu nậu” cho vay đang tập trung tấn công vào những nhân viên hộ lý, điều dưỡng của bệnh viện để thu lợi bất chính.
Trường hợp bà N.T.K.H (36 tuổi, ngụ Q.4, hộ lý) là một điển hình. Ngoài vay của bà Th. 25 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng, bà K.H còn vay của một số “đầu nậu” khác: Ông Ph. cho bà vay 20 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng; bà C. cho vay bạc đứng 3 triệu đồng (đóng tiền lãi 30.000 đồng/ngày); Tr. “Bắc kỳ” cho vay 5 triệu đồng (đóng 50.000 đồng/ngày); H. “khùng” cho vay 5 triệu đồng (đóng 50.000 đồng/ngày); L. “bến xe” cho vay 5 triệu đồng (đóng tiền lãi lẫn tiền gốc 200.000 đồng/ngày); L. cho vay 7 triệu đồng (đóng tiền lãi 70.000 đồng/ngày)… Do vay chỗ này để đóng lãi chỗ khác nên đến nay bà K.H đã nợ hàng trăm triệu đồng và mất khả năng chi trả. Bà K.H cũng đang làm đơn xin nghỉ việc vì sợ bị “xử”.
Theo chúng tôi tìm hiểu, ngoài các nạn nhân nói trên, nhiều nhân viên của bệnh viện khác cũng bị nợ nần chồng chất, “lãi mẹ đẻ lãi con” vì dính đến các đường dây cho vay lãi suất cao. Chiều 17.8, PV đã hướng dẫn cho các nạn nhân đến cơ quan công an tố cáo. Theo các nạn nhân, băng nhóm của tên Nguyễn Kim Của cũng có cho vay và quan hệ làm ăn với một số “đầu nậu” cho vay nói trên. Một cán bộ của Công an TP.HCM cho biết cơ quan công an sẽ tiến hành ghi nhận lời khai và điều tra làm rõ các đường dây cho vay này.
Đến nay, cơ quan công an đã ra quyết định bắt khẩn cấp Nguyễn Kim Của (45 tuổi, ngụ Q.Bình Tân), Vương Sĩ Hùng (42 tuổi, ngụ Q.8), Huỳnh Như (tức Bé “đen”, 22 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) để điều tra làm rõ về hành vi cưỡng đoạt và cướp tài sản.
Không dám tố cáo
Trao đổi với PV Thanh Niên về tình trạng nhân viên của bệnh viện bị vướng vào vòng cho vay nặng lãi của các băng nhóm ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, một bác sĩ cho biết từ rất lâu, đã có nhân viên phản ánh với Ban giám đốc về việc này trong giao ban; và nhiều lần lãnh đạo bệnh viện có nhắc nhở các nhân viên cẩn thận, không được dính dáng (không vay tiền – PV) đến các băng nhóm. Có nhân viên vay tiền, sau đó bị người của băng bảo kê chặn tịch thu thẻ ATM.
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, một lãnh đạo Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nói đầu tuần tới sẽ làm việc với Phòng Tổ chức, các khoa phòng có những nạn nhân liên quan đến băng nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi và trực tiếp với các nạn nhận để ghi nhận sự việc; xem họ vay tiền của băng nhóm nào. Phần lớn khi nói về băng nhóm bảo kê ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, các bác sĩ đều e ngại trước sự hung hăng của chúng, vì vậy nhiều nhân viên lâu nay không dám tố cáo.
Theo Thanh Niên
Giang hồ quấy rối, vòi tiền tại bệnh viện
Của và đàn em buộc người lái xe ôm, bán hàng rong phải nộp tiền "bồi dưỡng" mới được làm ăn ở trước cổng bệnh viện. Người thăm nuôi bệnh nhân cũng phải "cho" chúng tiền nếu không muốn ăn đòn.
Nguyễn Kim Của. Ảnh: T.H
Công an TP HCM đã tạm giữ hình sự 11 người thuộc băng nhóm bảo kê trước Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (đường Hùng Vương, quận 5) hôm 15/8. Trong đó, Nguyễn Kim Của (42 tuổi) được xác định là kẻ cầm đầu.
Theo cơ quan điều tra, thời gian gần đây hàng loạt người dân trình báo về việc bị một nhóm thanh niên bặm trợn "xin đểu" trước cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạnh. Ra quân truy bắt, sáng 15/8, Của và 10 đàn em sa lưới.
Của khai đã quy tụ nhiều người vào băng của mình, phân công đi cưỡng đoạt tiền trước cổng bệnh viện từ năm 2009. Bọn chúng gây sức ép, hăm doạ buộc những xe ôm, hàng rong mỗi tháng phải nộp vài trăm nghìn đồng để đổi lấy "sự bình yên".
Ngay cả thân nhân đến thăm bệnh cũng bị chúng "xin" 500.000-800.000 đồng. Nếu họ chống trả thì bị cả nhóm xông vào hành hung.
Theo VNExpress
Định giở trò trấn lột, hai côn đồ bị nông dân đuổi đánh Khi chị Nhung đang chuẩn bị đưa tiền cho Tất và Tâm thì nhiều nông dân gần đó đã vác gậy đuổi đánh. Hai tên côn đồ phải bỏ xe máy lại, chạy thoát thân. TAND thị xã An Khê (Gia Lai) vừa đưa vụ án "cưỡng đoạt tài sản" (Khoản 1, Điều 135) ra xét xử lưu động tại hội trường UBND...