Giang hồ ép người dân bán sầu riêng giá thấp
Khi thương lái đến nhà người dân hỏi mua sầu riêng thì bị nhóm thanh niên gây sự, thậm chí đánh dằn mặt, yêu cầu không được giao dịch.
Những ngày qua, người dân tại thôn Ea Chăm, xã Ea Tân (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) hoang mang khi bị nhiều thanh niên ép bán trái cây với giá thấp.
Theo nhiều người, khi các thương lái từ địa phương khác đến hỏi mua sầu riêng thì bị nhóm thanh niên gây sự, đánh bị thương.
Ép bán thấp hơn 3.000 – 5.000 đồng/kg
Ngày 12/9, anh Đặng Văn Thanh (thôn Ea Chăm, xã Ea Tân) bức xúc, cách đây hai ngày có thương lái tên Quy đến mua sầu riêng của gia đình. Trong lúc 2 bên đang thương lượng giá thì nhóm thanh niên 5-6 người xuất hiện.
Một người nói với thương lái “nhà có nhiều sầu riêng lắm, ông qua tôi bán cho”. Khi anh Quy nói mua xong ở đây sẽ đến thì người này tỏ vẻ khó chịu, hăm dọa. Thấy vậy, thương lái không dám mua sầu riêng của gia đình anh nữa rồi bỏ đi.
“Nhà có hơn 100 gốc sầu riêng, thương lái vào thỏa thuận 30.000/kg, thấy được giá nên tôi bán. Nhóm thanh niên trên xuất hiện không cho thương lái mua, mà ép bán cho một người cùng địa phương với giá 25.000 đồng/kg”, anh Thanh bức xúc.
Theo anh Thanh, nhiều người dân gặp cảnh tương tự nhưng không dám lên tiếng vì sợ trả thù. Trước đây, có một người phản ánh lên chính quyền thì vài hôm sau vườn tiêu của gia đình bị cắt sạch.
Video đang HOT
Ông Trần Thi (thôn Ea Chăm, xã Ea Tân) cũng cho biết, nhà có hơn 50 gốc sầu riêng đến thời kỳ thu hoạch. Khi thương lái vào mua thì nhóm thanh niên trên đến hăm dọa, sợ hãi nên họ bỏ về.
Sau khi thương lái bỏ đi thì có một người khác đến hỏi mua nhưng trả giá thấp hơn 3.000 đồng/kg. Lúc này, ông sợ để lâu sầu riêng lâu sẽ hỏng nên đành bán tháo.
Theo người dân, hàng ngày có hơn chục thanh niên lượn lờ trên các con đường của thôn. Khi thấy người lạ đến dò hỏi mua sầu riêng thì họ liền đến hăm dọa yêu cầu rời đi. Mục đích của nhóm này là gây sức ép để người dân bán sầu riêng với giá rẻ cho một số chủ vựa trên địa bàn.
Biên bản công an xã Ea Tân, huyện Krông Năng ghi nhận sự việc anh Hùng bị đánh trong lúc mua sầu riêng. Ảnh: M. Qúy
Hành hung để dằn mặt
Thương lái Đặng Văn Hùng (40 tuổi, quê Tiền Giang) bị nhóm giang hồ đánh bầm mắt, rách một đường trên mặt. Anh cho biết, ngày 8/9 được 2 người dẫn vào thôn Ea Chăm để mua sầu riêng. Lúc anh đang nói chuyện với chủ nhà để làm hợp đồng đặt cọc thì có 2 thanh niên xuất hiện.
Một người hỏi mua giá bao nhiêu, thương lái trả lời tùy theo trái lớn hay nhỏ. Vừa nói xong, người này liền đánh vào mặt anh, sau đó chạy vào nhà rút con dao ra kề vào cổ hăm dọa yêu cầu rời đi.
Anh Hùng kể: “Thanh niên này yêu cầu tôi không được mua sầu riêng tại khu vực này. Lý do đây là địa bàn do chúng ‘bảo kê’. Sau đó, tôi được người dân đưa lên công an xã trình báo rồi qua trạm y tế chữa trị”.
Cũng theo thương lái, khi về đến nhà nghỉ thì kẻ hành hung anh gọi điện yêu cầu “nhường” lại 2 hợp đồng mới mua lúc chiều. Sợ bị đánh tiếp nên người này đã chuyển 2 hợp đồng cho nhóm thanh niên.
“Qua xác minh, kẻ đánh tôi tên là H. nhà ở xã Ea Tân. H. mới được tha tù trước thời hạn trong đợt đặc xá vừa rồi. Ngoài H. thì còn hơn chục thanh niên khác tham gia trong nhóm này”, anh Hùng nói.
Trao đổi với phóng viên, đại diện công an xã Ea Tân (huyện Krông Năng) cho biết, thương lái Hùng có lên trình báo. Sau khi ghi nhận lời khai, công an yêu cầu anh qua trạm y tế điều trị rồi quay lại viết tường trình. “Tuy nhiên, đợi đến chiều vẫn không thấy anh Hùng quay lại”, vị này nói.
Theo vị đại diện công an xã Ea Tân, để có chứng cứ xử lý vụ việc thì các thương lái phải viết đơn tố cáo gửi công an. Khi đó, nhà chức trách sẽ báo cáo gửi công an huyện để có hướng xử lý. “Sau khi xảy ra sự việc công an xã đã cho cán bộ xuống thôn Ea Chăm nắm tình hình”, người này cho biết.
Theo Zing
Sầu riêng tẩm hóa chất, lợn ngập chất tạo nạc, vì sao?
Cứ khoảng dăm tháng, báo chí và dư luận lại ồn ã lên chuyện hoa quả nhúng hóa chất bảo quản...
Sầu riêng ngậm hóa chất - Ảnh minh họa
Cứ khoảng dăm tháng, báo chí và dư luận lại ồn ã lên chuyện hoa quả nhúng hóa chất bảo quản, món nọ món kia có dư lượng kháng sinh, chất độc hại, ăn vào ung thư, bại não, teo cơ... Doanh nhân nhập khẩu, người bán hàng méo mặt, ế hàng, bà con sản xuất lao đao. Được dăm bữa, rồi mọi chuyện lại lắng xuống, hàng hóa lại túc tắc bán được.
Người ta lại "nhắm mắt" vào ăn, uống bởi cũng chẳng biết ăn cái gì, tin cái gì. Tương tự, người bán cũng "nhắm mắt" đưa sản phẩm kém chất lượng đến người tiêu dùng vì lợi nhuận.
Vô hình trung tạo ra một thói quen sống chung với chất độc hại, mà tệ hơn nữa là "sống chung với cái xấu". Người kinh doanh không có đạo đức, người bán hàng độc hại không bị lên án, hàng hóa không bị tẩy chay. Cùng lắm là chịu một án phạt hành chính 15 - 20 triệu đồng/lần, thấp hơn rất nhiều số lợi nhuận khủng họ thu được từ việc làm ăn gian dối. Tệ hại hơn, xã hội chìm ngập trong vô vàn nhu yếu phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thiếu niềm tin.
Trên báo, các cán bộ ngành Nông nghiệp, chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm lý giải chi phí để xác định sản phẩm nông nghiệp có dùng hóa chất độc hại, chất cấm hay không là rất lớn trong khi nguồn thu từ xử phạt lại rất thấp. Việc xác định tác hại của các hóa chất không rõ nguồn gốc lên sức khỏe con người cũng cần thời gian.
Phải chăng do vậy mà trong cuộc chiến giữa kiểm soát và buôn bán thực phẩm, người kiểm soát toàn đi sau một bước. Mỗi khi cơ quan chức năng phát hiện được một loại thực phẩm bẩn, thì thực tế nó đã được bán ra khá lâu trên thị trường. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đã tiêu thụ sản phẩm đó mà không hề được cảnh báo.
Để sớm chấm dứt tình trạng này, nhất thiết cần có chế tài mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm khắc hơn những hành vi buôn bán thực phẩm bẩn, độc hại. Cơ quan Nhà nước cần có biện pháp xử lý hình sự với hành vi mua bán và sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt.
Và chính chúng ta, trước khi mong chờ vào hiệu quả trong quản lý Nhà nước, vào tiếng nói mạnh mẽ hơn từ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, hãy chủ động tẩy chay sản phẩm bẩn và những người kinh doanh thiếu đạo đức. Hãy dùng sức mạnh của cộng đồng mạng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình.
Theo Đức Hoàng
Báo Giao thông
"Chặt chém" dịp nghỉ lễ và chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi..." Cứ mỗi kỳ nghỉ lễ, ngành du lịch lại nóng lên về tình trạng "chặt chém". Hết khách quốc tế bị "móc túi", giờ đến du khách trong nước. Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian gần đây. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài...