Giang hồ bảo kê máy gặt, nông dân khốn khổ
Hiện đã vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2018, nhưng vẫn như những năm trước, nông dân thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân ( huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phải ngậm ngùi trả cái giá bị “chặt chém” cho chiếc máy gặt “độc quyền” mà đối tượng có tiền án, tiền sự bảo kê đưa về.
Chiếc máy gặt duy nhất tại thôn Quang Trung này được “bảo kê” nên “chém” giá cao, nông dân phải “cắn răng” chấp nhận. Ảnh: Trần Tuấn
Sáng 11.9, PV Báo Lao Động ghi nhận tại cánh đồng thôn Quang Trung có một chiếc máy gặt đang gặt lúa, trong khi rất nhiều người nông dân vây quanh chờ đến lượt gặt lúa cho gia đình mình. Nhiều nông dân cho biết, chủ máy lấy giá 180.000đ/sào (500m2). Trong khi, giá mà UBND xã Kỳ Xuân “phê duyệt” đã được thông báo đến nhân dân và chủ máy gặt tối đa chỉ 160.000đ/sào.
Theo nhiều nông dân, tình trạng bảo kê máy gặt đã xảy ra vài, ba năm nay. Có vụ, người ta còn lấy tiền gặt 200.000đ/sào nhưng nông dân vẫn phải “cắn răng” chấp nhận vì không có máy nào khác để mà lựa chọn.
Dù Công an xã đã có văn bản yêu cầu chỉ được thu tối đa 160.000đ/sào nhưng chiếc máy gặt của đối tượng bảo kê vẫn thu 180.000đ
Video đang HOT
Cũng do tình trạng bảo kê, độc quyền máy gặt mà nhiều nông dân ở xã Kỳ Xuân lúa chín nhưng chờ máy không được đã phải gặt tay. Ảnh: Trần Tuấn
Theo một cán bộ thôn Quang Trung, tình trạng “ xã hội đen” kết nối dẫn máy gặt về làng rồi lấy giá ‘chặt chém” đã xảy ra mấy năm nay. Như năm ngoái, các nơi khác giá gặt chỉ 110.000 – 120.000đ/sào nhưng máy của đối tượng bảo kê lấy 180.000đ/sào. Trong khi thực tế, chúng chỉ trả cho chủ máy gặt 120.000, còn 60.000 bỏ túi.
Bức xúc hơn, vụ xuân 2017, khi Trưởng thôn Quang Trung kết nối đưa một máy gặt khác về để tránh tình trạng một máy “độc quyền” của nhóm bảo kê tung tác chặt chém, thì bị một số thành phần vào tận nhà Trưởng thôn đe dọa, khiến chủ máy sợ hãi phải “chuồn” ngay cho an toàn.
Cũng vì để nhóm bảo kê tung tác nên có vụ, lúa đã chín rũ ngoài đồng, nhưng máy của chúng đang đi gặt ở đồng khác chưa đến nên nhiều người phải ra gặt tay (gặt bằng liềm) để vớt vát, đến cả nhà Bí thư chi bộ thôn và nhà Trưởng thôn cũng phải ra đồng gặt tay.
Ông Lê Đình Đức – Trưởng Công an xã Kỳ Xuân xác nhận có tình trạng mấy năm nay, một đối tượng có tiền án tiền sự ở xã Kỳ Bắc dẫn máy gặt về gặt lúa ở thôn Quang Trung và thường lấy giá cao hơn mặt bằng chung. Trước tình trạng này, năm nay xã đã có văn bản chỉ cho máy gặt lấy tối đa 160.000đ/sào. Dù vậy, thực tế họ vẫn lấy 170.000 – 180.000đ/sào. Nhưng khi hỏi thì dân không dám nói thật, mà nói do ruộng sục rồi tự bồi dưỡng thêm cho máy từ 10 – 20.000đ.
Ông Đức cũng cho biết, Công an xã rất bức xúc nhưng chưa có cơ sở để xử lý đối tượng được cho là bảo kê, vì người dân và chủ máy gặt không tố việc họ bị đe dọa, hay cưỡng ép.
TRẦN TUẤN
Theo LĐO
Lão nông gặt lúa thuê đã thoát khỏi "nhóm bảo kê" ra sao?
Nhiều đối tượng lạ mặt mang theo hung khí ngang nhiên ra đồng đe dọa, đánh đập người khi đưa máy về làng gặt lúa thuê cho dân địa phương. Sự việc nghiêm trọng này vừa xảy ra tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Vụ việc đỉnh điểm xảy ra gần đây nhất là từ ngày 25-28.5 vừa qua. Theo đó, một nhóm thanh niên lạ mặt ở địa phương khác liên tục kéo nhau về thôn Đồng Tiến (xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương) đe dọa, đánh người dân và chủ máy gặt.
Ông Vũ Ngọc Tấn với vẻ mặt thất thần, hoang mang, đang được điều trị tại bệnh viện.
Sáng 29.5, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Giới (54 tuổi, ở thôn Đồng Tiến, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương) vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: "Chiều hôm qua (28.5), trong lúc tôi ra đồng thu hoạch lúa thì thấy gia đình Nguyễn Sinh Dân (60 tuổi, ở cùng thôn với gia đình tôi) có thuê máy gặt của anh Vũ Ngọc Tấn (49 tuổi, ở cùng thôn Đồng Tiến) để gặt lúa. Trong lúc anh Tấn đang điều khiển máy gặt lúa cho gia đình ông Dân, bỗng nhiên xuất hiện một nhóm thanh niên đi trên 2 xe máy chạy tới. Chúng mang theo hung khí đến chửi bới, đe dọa anh Tấn, sau đó xúm vào đánh đập anh ấy một cách dã man. Khi thấy đám thanh niên tấn công anh Tấn thậm tệ quá, bà con đang làm đồng liền hô hào nhau chạy lại giải cứu anh Tấn".
"Thấy đông người dân hò la vây lại, nhóm thanh niên đã bỏ lại 2 chiếc xe máy để chạy thoát thân. Bà con chỉ giữ được một tên, rồi hô hào nhau trói tay anh ta lại để đưa lên Công an xã. Một số người khác đã vội đưa anh Tấn đến bệnh viện điều trị vết thương", ông Giới kể.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Cường - Chủ tịch UBND xã Quảng Trường - xác nhận, có vụ việc nhóm đối tượng lạ mặt kéo đến ruộng nhà ông Dân để hành hung, đánh đập người chủ máy gặt do bà con thuê về thu hoạch lúa. "Chính quyền địa phương rất khuyến khích máy gặt các nơi về đây gặt thuê cho bà con địa phương. Bởi lẽ, trong khi toàn xã Quảng Trường có hơn 360ha đất trồng lúa nhưng chỉ có chiếc 2 máy gặt của người dân trong xã tự bỏ tiền ra mua về gặt thuê. Vì thế, không thể thu hoạch kịp thời đúng vụ, nên năm nào người dân cũng phải thuê máy ở những nơi khác về gặt mới xuể", ông Cường nói.
"Chiều qua (28.5), khi nhận được thông tin có một nhóm thanh niên lạ mặt kéo nhau ra đồng hành hung người gặt thuê cho bà con, chúng tôi đã cử công an xã xuống ngay hiện trường, sau đó đưa một thanh niên xăm trổ về trụ sở giải quyết. Nam thanh niên tên là Bùi Sỹ Lương (29 tuổi, trú xã Đông Vinh, TP.Thanh Hóa) đã cùng nhóm của mình xuống đe dọa, đánh đập ông Tấn với ý đồ thu tiền gặt lúa của ông Tấn. Do vụ việc có tính chất phức tạp nên chúng tôi đã bàn giao thanh niên này cùng tang vật cho Công an huyện Quảng Xương điều tra, làm rõ", ông Cường kể.
Đang được điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh - lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa), ông Vũ Ngọc Tấn - người bị nhóm thanh niên lạ mặt liên tục đe dọa, đánh đập những ngày qua - cho biết: "Ngày 25.5, tôi đưa 2 máy gặt thuê của một người ở tỉnh Quảng Trị cùng với nhóm thợ về để bắt đầu gặt lúa thì bất ngờ xuất hiện một nhóm thanh niên lạ mặt đến đe dọa, đánh đập tôi. Rất may mắn là trong lúc chúng tấn công tôi, bà con lối xóm đang làm ở ngoài đồng đã hô hào đến giải cứu và bắt giữ được một tên. Nếu không được bà con giải cứu, có lẽ nhóm côn đồ ấy đã đánh chết tôi".
Máy gặt thu hoạch lúa ở xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.
Cũng theo ông Tấn, khoảng hơn 8h ngày 25.5, khi ông đưa máy gặt về đồng thôn Đồng Tiến, có 8 thanh niên lạ mặt đi trên 3 xe máy, mang theo dao, tuýp sắt đến chặn máy không cho máy gặt. Chúng đe dọa ông không được đưa máy về gặt lúa mà phải để cho máy của người khác gặt.
"Lúc đó, tôi thấy nhóm thanh niên này hung hãn, hùng hổ quá nên tôi đã báo Công an xã. Khi công an xã xuống, bọn chúng liền bỏ đi. Tiếp đến, hôm sau (26.5), máy cũng đang gặt lúa cho bà con thì nhóm thanh niên nêu trên lại kéo đến, mang theo hung khí xông vào đánh anh Phan Văn Hòa (40 tuổi, trú tại tại xã Giao Mai, huyện Giao Linh, Quảng Trị) là chủ 2 máy gặt tôi thuê. Lúc đó, thấy công an xã và công an huyện xuất hiện, cả nhóm côn đồ ấy nhanh chân tẩu thoát. Cứ tưởng mọi chuyện đã yên, đến khoảng 16h ngày 28.5, bọn chúng lại kéo nhau đến, 6 tên côn đồ xông vào dùng tuýp sắt đánh tôi tới tấp. Đến khi người dân hô hoán nhau đến can ngăn bọn chúng mới dừng tay, sau đó tôi được người dân đưa đi cấp cứu", ông Tấn kể.
Ông Tấn cho biết thêm, ông bị nhiều vết thương trên mặt, vùng tai trái, cánh tay trái... Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng do thấy trong người có biểu hiện choáng váng nên ông vẫn phải tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Đại tá Tào Quang Chiến - Trưởng Công an huyện Quảng Xương - cho biết, chiều qua (28.5), đơn vị này đã tiếp nhận thanh niên tên Bùi Sỹ Lương và tang vật là xe máy, hung khí từ Công an xã Quảng Trường để tiến hành điều tra, làm rõ. Qua lời khai của Lương, cơ quan cảnh sát điều tra của đơn vị đang triệu tập những người khác có liên quan để làm rõ vụ việc.
Cũng theo Trưởng Công an huyện Quảng Xương, đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn huyện này xuất hiện tình trạng các đối tượng xấu gây mất an ninh trật tự khi mùa gặt đến. Khoảng một tuần trước, Công an huyện Quảng Xương cũng đã xử lý vụ việc tương tự xảy ra ở xã Quảng Vọng.
Để ngăn chặn tình trạng mất an ninh trật tự khi mùa gặt, Công an huyện Quảng Xương đã cử lực lượng xuống địa bàn, nhằm dẹp bỏ tình trạng "bảo kê", tranh giành địa bàn gặt lúa, giúp bà con nông dân yên tâm trong sản xuất.
Theo Danviet
[ĐIỀU TRA] Lao động Việt kêu cứu từ đất khách: Tan cửa nát nhà vì Youko Nửa tỉnh nửa mê; vợ ôm con bỏ về quê; bán đất, vay tiền trả nợ vì bị giang hồ gây sức ép... là hoàn cảnh của những nạn nhân bị Công ty Youko lừa đi xuất khẩu lao động Trong quá trình điều tra, chúng tôi tiếp xúc hàng chục nạn nhân bị Công ty Youko, do bà Trần Thị Hoàng Phương...