Gian lận thi cử ở Sơn La: Phải xử nghiêm minh!
Trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm của Sơn La có rất nhiều trường hợp là con của cán bộ, quan chức, lãnh đạo các ban – ngành tại tỉnh này. Rõ ràng họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng
Công an tỉnh Sơn La vừa chuyển hồ sơ liên quan đến vụ án gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 sang VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố 8 bị can liên quan về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Nâng điểm cho con lãnh đạo
Theo kết quả điều tra, ông Trần Xuân Yến, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La, đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này có 8 trường hợp do chính giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La “gửi gắm”. Đó là các thí sinh có bố là phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mai Sơn, phó chánh Thanh tra tỉnh Sơn La, chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP Sơn La, phó chủ tịch UBND TP Sơn La, cục trưởng Cục Thuế Sơn La… Nhiều trường hợp khác trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm có bố mẹ là cán bộ Công an tỉnh Sơn La, cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La, cán bộ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La, Công an huyện Quỳnh Nhai, phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phù Yên, Giám đốc VNPT Sơn La…
Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố ông Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Tỉnh ủy Sơn La đã yêu cầu các cán bộ, Đảng viên có con nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm phải làm báo cáo giải trình. Theo một nguồn tin, có 11 người phải làm giải trình vụ việc, trong đó một số cán bộ đã phải tiếp tục làm giải trình tại cơ quan, đơn vị đang công tác. Điều đặc biệt là các cán bộ, lãnh đạo của tỉnh Sơn La có con được nâng điểm đều khẳng định không biết tại sao con mình lại được nâng điểm. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, khẳng định tự tin về sức học của con nên không việc gì phải làm chuyện để mất uy tín như thế. Còn Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La đã đọc bản giải trình về việc con được nâng 23,35 điểm trong cuộc họp chi bộ mới đây và khẳng định không chạy điểm, mua điểm cho con.
Có thể quy vào hành vi đưa và nhận hối lộ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 26-5, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – nhận xét việc các phụ huynh cho rằng họ không biết việc con mình được nâng điểm chỉ là ngụy biện. “Không có lửa làm sao có khói. Tôi tin cơ quan điều tra sẽ làm rõ vụ việc để đưa ra ánh sáng. Gian lận thi cử này đã tước đi cơ hội của bao nhiêu người học tập nghiêm túc khác, chúng ta không thể ngồi nhìn bất công như vậy” – ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng chung quan điểm này, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD-ĐT, cho rằng một người bình thường sẽ không ai tự mình nâng điểm cho người khác. “Phải là vì tiền, vì quan hệ hay vì mắc nợ nhau, người ta mới làm việc đó. Tự nhiên không ai biết đó là con lãnh đạo để nâng điểm nếu không có thông tin. Trong giai đoạn 2 của vụ án, cần đưa giám đốc sở, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La ra đối chất để xét xử thật nghiêm minh” – ông Vinh kiến nghị.
Ông Lê Như Tiến nói thêm việc giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La đưa danh sách thí sinh cho cấp phó sửa điểm thực chất là gian lận điểm thi và cần phải gọi đúng tên như vậy. “Theo lời khai của ông Trần Xuân Yến với cơ quan điều tra, cả giám đốc sở, phó giám đốc sở lẫn cán bộ khảo thí, an ninh đều tham gia vào quá trình gian lận điểm thi, ông giám đốc sở không thể nói là mình vô can được” – ông Tiến nhận định. Chuyên gia này cho rằng phải xử lý nghiêm cả cấp trưởng, cấp phó và các cán bộ vi phạm khác. “Rõ ràng họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu cơ quan điều tra làm rõ được thông tin chạy điểm 1 tỉ đồng/thí sinh thì có thể quy vào hành vi đưa và nhận hối lộ” – ông Tiến nói.
Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng Bộ Công an cần vào cuộc điều tra chứ không nên giao Công an tỉnh Sơn La xử lý để bảo đảm công bằng, khách quan. “Càng cán bộ, lãnh đạo thì càng phải xử lý nghiêm” – ông Vinh nhấn mạnh.
Yến Anh
Theo nld.com.vn
Video đang HOT
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La khai được giám đốc nhờ nâng điểm cho 8 thí sinh
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La khai trong số 13 thí sinh ông này nhận sửa nâng điểm giúp, có 8 trường hợp do chính giám đốc Sở "nhờ vả".
Ngày 20/5, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 người trong vụ án gian lận thi cử tại địa phương này.
8 bị can bị đề nghị truy tố cùng về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a, khoản 2, điều 356 Bộ luật hình sự.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nhờ nâng điểm
Theo kết quả điều tra (đã được tống đạt đến các bị can), nhân vật quan trọng nhất trong vụ án này là ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Yến được phân công là ủy viên Ban chỉ đạo thi của tỉnh, phó chủ tịch Hội đồng thi, trưởng Ban vận chuyển và bàn giao đề thi, phó trưởng Ban thường trực Ban coi thi, phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi, tổ trưởng Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
Bị can Trần Xuân Yến (áo trắng) bị đưa về nhà riêng để thực hiện khám xét hôm 31/7/2018. (Ảnh tư liệu)
Trong vụ án gian lận thi cử, bị can Trần Xuân Yến nhận sửa giúp bài thi để nâng điểm cho 13 thí sinh. Đây là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp, người quen nhờ vả.
Cụ thể, ngày 28/6/2018, ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, gọi phó giám đốc Trần Xuân Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm.
Trong 8 trường hợp này, thí sinh số báo danh 1400.0619 nhờ nâng điểm Toán, Ngữ văn, Lịch sử để đạt tổng số 27 điểm.
Thí sinh 1400.1279 nhờ nâng điểm Toán, Vật lý, Tiếng Anh để đạt tổng 27 điểm. Thí sinh 1400.1545 nhờ nâng điểm Toán, Ngữ văn, Lịch sử để đạt tổng 27 điểm. Thí sinh 1400.1293 nhờ nâng điểm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để đạt tổng 27 điểm.
Thí sinh 1400.1415 nhờ nâng điểm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để đạt tổng 24 điểm. Thí sinh 1400.1479 nhờ nâng điểm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để đạt tổng 27 điểm.
Thí sinh 1400.1394 nhờ nâng điểm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để đạt tổng 24 điểm. Thí sinh 1400.1480 nhờ nâng điểm Toán, Vật lý, Hóa học để đạt tổng 24 điểm.
Cùng ngày 28/6, ông Nguyễn Ngọc Hà, trưởng Phòng giáo dục trung học của Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng đến gặp ông Trần Xuân Yến tại phòng làm việc, đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm. Trong số này, có hai trường hợp trùng với danh sách giám đốc Sở nhờ trước đó.
Ngoài hai người này, ông Yến còn nhận lời giúp nâng điểm cho ba cá nhân (mỗi người nhờ giúp một thí sinh), trong đó có trường hợp ông Phan Ngọc Sơn, chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, nhờ nâng điểm Toán, Vật lý, Hóa học cho con trai để thí sinh này đạt tổng 24 điểm.
Sau khi có thông tin của 13 thí sinh, ông Trần Xuân Yến tổng hợp thành một danh sách, trong đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, các mã đề, tổng số điểm cần phải đạt được của từng thí sinh.
Sau đó, bị can Yến trực tiếp đưa danh sách này cho Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm để Nga xử lý điểm cho các thí sinh.
Theo kết quả điều tra, hành vi của bị can Trần Xuân Yến là lợi dụng chức vụ được giao để làm trái công vụ, không chỉ đạo niêm phong các lô bài thi sau khi quét để tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan rút bài ra sửa.
Đồng thời, bị can này đồng thuận cho các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn rút sửa bài thi, nâng điểm cho nhiều thí sinh, trong đó có 13 thí sinh mà ông Yến trực tiếp nhận giúp.
Nhiều thủ đoạn đối phó với Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đáng chú ý, khi có thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cử tổ công tác lên kiểm tra tại tỉnh Sơn La, bị can Trần Xuân Yến lo sợ việc sửa nâng điểm bị lộ nên đã gọi chuyên viên Nguyễn Thị Hồng Nga đến nhà riêng trao đổi, yêu cầu Nga xóa dữ liệu file ảnh quét bài thi gốc của thí sinh trên máy tính tại Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La.
Ông Yến dặn Nga lên mạng tìm kiếm công cụ phần mềm có thể xóa triệt để toàn bộ dữ liệu file ảnh bài thi gốc trên máy tính (xóa cả trong phần "Thùng rác" trên máy tính), để nếu cơ quan chức năng có nghi ngờ cũng không thể khôi phục được dữ liệu file ảnh bài thi gốc của thí sinh.
Bị can Nguyễn Thị Hồng Nga (áo trắng bên phải) nghe tống đạt quyết định khởi tố. (Ảnh tư liệu)
Bà Nga lo sợ sử dụng phần mềm như vậy có nguy cơ xóa hết các dữ liệu trong máy tính nên bàn với ông Trần Xuân Yến trước khi chạy phần mềm trên thì sao lưu các dữ liệu file ảnh bài thi ra đĩa CD để đề phòng. Ông Yến đồng ý nên bà Nga đã thực hiện sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm của thí sinh ra 16 đĩa CD.
Sau khi sao lưu xong, bà Nga xóa toàn bộ dữ liệu file ảnh bài thi trên máy tính lưu tại Sở Giáo dục và Đào tạo, và chuyển 16 đĩa CD này cho ông Yến trực tiếp cất giữ.
Khi tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới, qua kiểm tra phát hiện có dấu vết của việc in sao dữ liệu trên máy tính ở thời điểm cụ thể. Để hủy bằng chứng, bị can Trần Xuân Yến đã đem 16 đĩa CD này đến nghĩa trang thành phố Sơn La đốt tiêu hủy.
Trong quá trình điều tra vụ án này, dù hành vi, tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, nhưng bị can Trần Xuân Yến vẫn được cơ quan công an cho tại ngoại.
Ngoài ra, với lời khai chi tiết của bị can Trần Xuân Yến về ông Hoàng Tiến Đức, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, cơ quan điều tra sẽ có nhiều việc phải làm trong giai đoạn hai của vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Sơn La.
Ông Hoàng Tiến Đức - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, xuất hiện sau khi cơ quan công an khởi tố ông Trần Xuân Yến, ông Lò Văn Huynh và một số cán bộ của sở hồi cuối tháng 7/2018 (Ảnh: HÀ THANH)
Trước đó, hồi đầu tháng 12/2018, khi HĐND tỉnh Sơn La tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, ông Hoàng Tiến Đức có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất trong số 30 người được lấy phiếu tín nhiệm.
Ông này chỉ nhận được 6/70 phiếu tín nhiệm cao (tỉ lệ 8,45%), trong khi có đến 39/70 phiếu tín nhiệm thấp (tỉ lệ gần 55%).
Kết quả này là đương nhiên khi xảy ra hàng loạt bê bối như vậy trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La.
Theo kết quả điều tra, trong vụ án gian lận thi cử, bị can Trần Xuân Yến nhận giúp 13 thí sinh.
Bị can Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 16 thí sinh.
Bị can Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La) nhận giúp 4 thí sinh.
Bị can Lò Văn Huynh (trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 7 thí sinh.
Bị can Nguyễn Thanh Nhàn (phó trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 4 thí sinh.
Bị can Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 1 thí sinh.
Bị can Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 2 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh là em vợ.
Nguồn: Tuổi Trẻ
Theo VTC
Vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia ở Sơn La : Các bị can có thể đối diện với án tử? Theo các luật sư, việc cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La nhận 1 tỷ đồng cho mỗi trường hợp sửa điểm thi THPT quốc gia có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La (áo trắng), nghe tống đạt quyết định khởi tố bị can. Ảnh: Tuổi Trẻ...