Gian lận thi cử ở Sơn La: Cán bộ công an bí ẩn xuất hiện liên tục kêu oan
Lần đầu tiên, cựu thượng tá công an bí ẩn trong vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La xuất hiện tại tòa, nhưng với tư cách bị cáo và liên tục kêu oan.
Chiều 21/5, trong phần xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La, bị cáo Đỗ Khắc Hưng, cựu thiếu tá, nguyên Đội phó Đội Giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La thừa nhận đưa thông tin một thí sinh cho Nguyễn Thị Hồng Nga vào ngày 29/6/2018 để nhờ nâng điểm.
Thí sinh này không có quan hệ gì với Hưng mà do bị cáo Nguyễn Minh Khoa, cựu thượng tá, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, chuyển cho Hưng.
Cụ thể, ngày 27/6/2018, Khoa gọi Hưng đến nhà, đưa thông tin thí sinh này và nói: “Anh giúp trường hợp này, đưa cho anh Huynh hoặc tổ chấm thi, ai cũng được” để nâng điểm. Hưng nhận lời.
Hưng cho rằng do nể nang, một phần do tư duy hạn chế nên cấp trên giao thì làm chứ không suy nghĩ gì.
Bị cáo Đỗ Khắc Hưng tại phiên tòa phiên tòa xét xử ngày 21/5.
Hưng cho biết quá trình trao đổi thông tin giữa bị cáo và Khoa đều qua lời nói.
Sau đó, HĐXX gọi Nguyễn Minh Khoa lên bục xét hỏi. Khoa nói không đồng tình với lời khai của Hưng về việc nhờ nâng điểm. Bị cáo khẳng định có nhờ Hưng xem điểm môn Toán cho con của một giảng viên Trường Đại học Tây Bắc.
Vị phụ huynh này đưa mẩu giấy chứa thông tin thí sinh, trong đó có ghi số điểm của môn Toán là 9; sau đó bị cáo gọi Hưng đến nhà để nhờ.
Do nể nang bạn bè nên Khoa đồng ý nhờ xem điểm giúp nhưng cũng không chắc có xem được hay không, sau này cũng không biết thí sinh trên được bao nhiêu điểm.
Ông Khoa cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo khai rõ ngày 28 hoặc 29/6/2018 mới gọi Hưng đến nhà, không phải ngày 27/6/2018 như Hưng nói và như cáo trạng truy tố.
Bị cáo Khoa không nhất trí với nội dung quy kết trong bản cáo trạng, cho rằng không có đủ tài liệu, chứng cứ buộc tội bị cáo. Khoa cho biết sẽ trình bày các căn cứ chứng minh mình không phạm tội “Đưa hối lộ” trong phần tranh luận.
Nguyễn Minh Khoa là một trong 4 bị cáo bị khởi tố, truy tố và xét xử bổ sung sau phiên tòa tuyên trả hồ sơ cách đây nửa năm.
Theo đó, người này bị cáo buộc nhận thông tin của nhiều thí sinh rồi chuyển cho Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí) cùng hai cấp dưới là Đinh Hải Sơn, Nguyễn Khắc Hưng (hai cựu cán bộ Phòng PA03).
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa tại phiên tòa xét xử ngày 21/5.
Đặc biệt, theo lời khai của Lò Văn Huynh, bị cáo nhận của ông Khoa 1 tỷ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai trong số những thí sinh trên. Số tiền này đã được nộp cho cơ quan điều tra.
Tại phiên xử hồi tháng 10/2019, Nguyễn Minh Khoa được triệu tập với tư cách người làm chứng nhưng vắng mặt. Tòa sau đó ra lệnh dẫn giải, nhưng Khoa vẫn không đến vì đã đi khỏi nơi cư trú. Nhiều người cảm thấy khó hiểu về sự “bí ẩn” của vị công an này.
Đến tháng 3/2020, sau khi tòa trả hồ sơ, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Minh Khoa về tội “Đưa hối lộ”.
Hôm nay (21/5), Nguyễn Minh Khoa lần đầu tiên xuất hiện tại tòa nhưng không phải trong tư cách người làm chứng mà là bị cáo.
Trong 12 bị can, 8 người bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT), Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên Đội phó Đội Giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng), Đặng Hữu Thuỷ (cựu Hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu).
Các bị can Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn bị đề nghị truy tố thêm về tội “Nhận hối lộ”.
4 bị cáo bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” là Nguyễn Minh Khoa, Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, Sơn La); Trần Văn Điện, Lò Thị Trường (trú tại thành phố Sơn La).
Video: “Điểm danh” nhiều lãnh đạo ở Sơn La có con được nâng điểm
Gian lận thi cử ở Sơn La: Khởi tố thêm 4 người tội đưa nhận hối lộ
Cơ quan công an vừa khởi tố thêm 4 người để điều tra hành vi đưa nhận hối lộ liên quan đến vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La 2018.
Công an khởi tố thêm 4 người để điều tra hành vi đưa - nhận hối lộ trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La năm 2018.
Ngày 18/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa ra quyết định khởi tố bổ sung đối với bị can Nguyễn Thị Hồng Nga; Cầm Thị Bun Sọn về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự. Đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Cầm Thị Bun Sọn.
Cùng với đó, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm Trần Văn Điện (SN 1969, trú tổ 10, phường Chiềng Lề, TP Sơn La, tỉnh Sơn La), cán bộ Trường tiểu học Chiềng Cơi, ở thời điểm xảy ra vụ án là cán bộ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành phố Sơn La và Hoàng Thị Thành (SN 1969, trú xóm 1, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại điều 364 Bộ luật hình sự.
Cơ quan công an vừa khởi tố thêm 4 người để điều tra hành vi đưa nhận hối lộ liên quan đến vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La 2018.
Vào hồi giữa tháng 10/2019, VKSNS tỉnh Sơn La đã trả hồ sơ, yêu cầu công an điều tra bổ sung vụ án với lý do trong quá trình xét hỏi phát sinh một số tình tiết mới tại tòa không thể giải quyết được. Đồng thời, đại diện VKS cho rằng việc trả hồ sơ nhằm đảm bảo giải quyết vụ án một cách khách quan.
TAND tỉnh Sơn La yêu cầu làm rõ nguồn gốc số tiền, hành vi thỏa thuận của các bị cáo và những người liên quan để xác định đủ hay chưa đủ cấu thành tội nhận hối lộ và đưa hối lộ.
Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận của ông Trần Văn Điện (cán bộ thư viện Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) 1,040 tỷ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho bốn thí sinh.
Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của bà Hoàng Thị Thành (Chủ tịch hội nông dân huyện Quỳnh Nhai) 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho con trai.
Lò Văn Huynh khai đã nhận của ông Nguyễn Minh Khoa (cựu phó trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 1 tỷ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai thí sinh; ngoài ra còn 1,1 tỷ đồng nữa thỏa thuận nhưng chưa đưa nhận.
Lò Văn Huynh còn khai nhận của bà Lò Thị Trường (phụ huynh có con được nâng điểm) số tiền là 300 triệu đồng để giúp sửa nâng điểm cho con trai.
Đặng Hữu Thủy khai nhận của bà Nguyễn Thị Kim (kế toán trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mai Hà (giáo viên trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên trường THCS Mường Bằng 1) 200 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho bốn thí sinh.
Riêng trường hợp bà Bùi Thị Xuân (chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La) có hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm sẽ đưa cho Thủy 270 triệu đồng, nhưng đến nay Thủy chưa nhận được tiền.
TÙNG LÂM
Theo vtc.vn
Cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La phủ nhận đưa danh sách nhờ nâng điểm Bị cáo Trần Xuân Yến cho rằng lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga về việc đưa danh sách nhờ nâng điểm là không đúng. Sau khi công bố bản cáo trạng dài 31 trang, chiều 21/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La chuyển sang phần xét hỏi. HĐXX...