Gian lận chấm thi tại Hòa Bình: Khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can
Ngày 3.8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng có dấu hiệu làm sai lệch kết quả thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình.
Cơ quan an ninh điều tra tiến hành lệnh khám xét tại nơi làm việc của ông Nguyễn Khắc Tuấn tại Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình ẢNH LÊ HIỆP
Trước đó, ngày 2.8. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định số 02 khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Hòa Bình để điều tra về hành vi có dấu hiệu làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh khi chấm thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình ra Quyết định số 21/QĐ-VKS-V1 chuyển vụ án hình sự đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để điều tra.
Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, xin lỗi vì vụ án gian lận thi cử
Ngày 3.8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp nhận vụ án và ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với: Đỗ Mạnh Tuấn (sinh ngày 4.12.1979; Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: Khu 7, thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (sinh ngày 12.1.1981; Chuyên viên Phòng khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: Tổ 21, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại điều 356 bộ luật Hình sự.
Hiện tại Cơ quan an ninh điều tra đang tiến hành lệnh khám xét nơi ở của ông Đỗ Minh Tuấn tại Tổ 21 phường Tân Thịnh, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Trao đổi với Thanh Niên, một người dân Tổ 21 cho biết lâu rồi ông Tuấn không về nhà thuê này. Nhà không có điện tối om.
Tại trụ sở Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, công an đang tiến hành khám xét phòng làm việc của ông Nguyễn Khắc Tuấn kể từ 16 giờ 30.
Theo TNO
Hủy 16 đĩa CD bài thi, PGĐ Sở GDĐT Sơn La đối diện hình phạt nào?
Theo Luật sư Đinh Công Luân (Văn phòng luật sư Đinh Luân, Sơn La), việc Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La tiêu hủy 16 đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc có thể phạm vào tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước và tội Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước.
Sau khi VTV.vn phát đi thông tin ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La khai nhận, 16 đĩa CD chứa dữ liệu gốc cùng một số tài liệu đã bị ông tiêu hủy tại một nghĩa trang ở TP.Sơn La, dư luận đang đặt ra câu hỏi vị lãnh đạo này sẽ phải đối diện với hình phạt nào?
Sau khi củng cố tài liệu, chứng cứ, xác minh hành vi của một số đối tượng liên quan đã cấu thành tội phạm đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La. (Nguồn: Sơn La 24h)
Để làm rõ câu hỏi này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đinh Công Luân (Văn phòng Luật sư Đinh Luân, đoàn Luật sư tỉnh Sơn La), nguyên là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La.
Văn phòng Luật sư Đinh Luân, đoàn Luật sư tỉnh Sơn La.
Theo luật sư Luân, việc tiêu hủy 16 đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc cùng một số tài liệu tại một nghĩa trang ở TP.Sơn La chứng tỏ đối tượng tiêu hủy hoàn toàn biết đây là việc làm vi phạm pháp luật nên mới tiêu hủy chứng cứ.
Tại mục 5, điều 1, Thông tư số 11 của Bộ Công an "Quy định danh mục bí mật Nhà nước độ Mật trong ngành giáo dục và đào tạo" ngày 23.3.2017 có nêu rõ: Các tài liệu liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ Mật trong ngành giáo dục và đào tạo.
Luật sư Luân phân tích, theo điều 337 "Tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước" của Bộ luật Hình sự số 100/2015, được sửa đổi bổ sung ngày 20.6.2017 nêu rõ: Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Như vậy, nếu ông Trần Xuân Yến bị khởi tố thêm tội Tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước, ông này có thể đối mặt với mức án lên đến 7 năm tù giam.
Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La nơi xảy ra vụ bê bối gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 31.7, sau khi củng cố tài liệu, chứng cứ, xác minh hành vi của một số đối tượng liên quan đã cấu thành tội phạm đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 đối tượng gồm: Bà Nguyễn Thị Hồng Nga (SN 1967, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, thư ký Ban chỉ đạo, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm); ông Đặng Hữu Thủy (SN 1964, Hiệu phó Trường PTTH Tô Hiệu, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm); ông Lò Văn Huynh (SN 1961, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, Ủy viên Ban chỉ đạo, Ủy viên Hội đồng thi, Trưởng Ban thư ký).
Khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 đối tượng là ông Trần Xuân Yến (SN 1971, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, Ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm) và bà Cầm Thị Bun Sọn (SN 1969, Phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm).
Tất cả đều về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Theo Tuệ Linh - Văn Chiến (Dân Việt)
Bất thường điểm thi ở Hòa Bình: Chuyển hồ sơ lên Bộ Công an Ngay sau quyết định khởi tố vụ án làm rõ sai phạm điểm thi ở Hòa Bình, cơ quan công an tỉnh này đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an. Ngày 3/8, trao đổi với PV về quá trình điều tra dấu hiệu bất thường điểm thi ở Hòa Bình, ông Đinh Thế Hệ...