Giàn khoan HD 981 nằm trong âm mưu nào của Trung Quốc?
Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam là nhằm “tạo sự cố chủ quyền”, một phần của chiến lược rộng lớn hơn để tiến tới chứng tỏ Bắc Kinh đã kiểm soát được cái gọi là “đường lưỡi bò” nói riêng và các vùng mà nước này tranh chủ quyền với các nước khác nói chung.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Trung Quốc tạo “sự cố chủ quyền”
Động thái ngang ngược của Bắc Kinh, đưa giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ USD HD 981 cùng khoảng 80 tàu hộ tống vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, diễn ra chỉ 6 ngày sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Obama tới khu vực và ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào cuối tuần này.
Động thái của Bắc Kinh cũng diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông tăng cao. Manila đã yêu cầu một tòa án trọng tài của Liên hợp quốc ra phán quyết về tính bất hợp pháp của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. Manila cũng vừa bắt giữ một tàu của ngư dân Trung Quốc, vì vi phạm luật đánh bắt, bất chấp phản đối của Bắc Kinh. Về vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh không chấp nhận đưa vấn đề ra tòa và từ trước tới nay nước này luôn muốn đàm phán vấn đề tranh chấp lãnh thổ trực tiếp song phương với các nước láng giềng nhỏ hơn và yếu hơn, mà theo giới phân tích là để dễ bề giành thế thượng phong.
Giới chuyên gia cũng nhận định, hoạt động khoan dầu của tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC là một phần trong chương trình khai thác dầu dài hạn của cơ quan này. Tuy nhiên năng lượng chỉ là quan tâm thứ yếu của Bắc Kinh. Điều chủ yếu là Trung Quốc muốn chứng tỏ cái gọi là “sự cố chủ quyền”, một phần của chiến lược rộng lớn hơn để tiến tới khẳng định Bắc Kinh đã kiểm soát được Biển Đông nói riêng và các vùng mà nước này tranh chủ quyền với các nước khác nói chung.
“Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng xác lập tuyên bố chủ quyền của họ đối với Biển Đông và cả đối với quần đảo trên Hoa Đông, để giữ cho những tuyên bố đó được “sống”", Barry Sautman, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) cho hay.
“Theo luật quốc tế…tất cả các nước có tranh chấp lãnh thổ phải định kỳ làm điều gì đó nhằm chứng tỏ họ có lợi ích thiết thực trong vùng lãnh thổ họ đang tuyên bố chủ quyền”, ông giải thích. “Dĩ nhiên, động thái đưa giàn khoan có lợi ích về chính trị đối với Trung Quốc hay không lại là chuyện khác”, ông nói.
Video đang HOT
Bắc Kinh đã ngang ngược bảo vệ cho hành động của mình trên thềm lục địa của Việt Nam là “hoàn toàn hợp lý, đúng luật và chính đáng”, với giải thích họ khoan ở vị trí gần Hoàng Sa, quần đảo mà họ tuyên bố chủ quyền. Song trên thực tế, Hoàng Sa là do Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam trong cuộc chiến nhiều máu đổ vào năm 1974.
Trung Quốc “mắc kẹt giữa chính trị và luật pháp”
Trung Quốc đã cho tàu hộ tống giàn khoan HD 981 dùng vòi rồng và liên tục đâm vào tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam suốt từ ngày 3/5 vừa qua, khiến 6 người thuộc lực lượng kiểm ngư của Việt Nam bị thương.
Vụ việc chỉ là một trong rất nhiều vụ đụng độ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á, bao gồm cả với Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Theo Sautman, với Senkaku/Điếu Ngư, Nhật đã chỉ ra rằng cho tới tận những năm 1970, “có một khoảng thời gian dài Trung Quốc không có bất kỳ quan tâm nào” tới quần đảo và Bắc Kinh luôn muốn né tránh thực tế đó.
“Tôi nghĩ Trung Quốc đã bị mắc kẹt giữa những yêu cầu về chính trị và yêu cầu của luật pháp”, Sautman nhận định.
Còn theo giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam và giáo sư tại Học việc Quốc phòng Úc, thời điểm Bắc Kinh đưa giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam “cũng làm dấy lên nghi ngờ, đây là hành động ăn miếng trả miếng” đối với chuyến công du của Obama tới các nước đồng minh Nhật, Hàn, Philipines vào tháng trước.
Nhưng chính hành động đơn phương mới nhất của Trung Quốc, tương tự như tuyên bố lập “vùng nhận dạng phòng không” trên Hoa Đông hồi tháng 11 năm ngoái, minh chứng cho cáo buộc của Washington rằng Trung Quốc đang thực hiện những bước đi “khiêu khích” trong khu vực.
“Nếu tôi là người Mỹ, tôi sẽ nói: “Cảm ơn”, bởi hành động của Trung Quốc chỉ làm cho mọi người càng nhận thấy Trung Quốc đang ngày một hiếu chiến”, David Zweig, giám đốc Trung tâm Quan hệ xuyên quốc gia của Trung Quốc tại HKUST cho hay.
“Rõ ràng là, có căng thẳng trên khắp khu vực này và căng thẳng không hề xảy ra trước khi Trung Quốc mạnh lên”, ông cho biết thêm.
Hành động “bất ngờ, khiêu khích và phi pháp”
Theo giáo sư Thayer, dù sao động thái mới nhất của Bắc Kinh cũng khá bất ngờ, bởi nó “là sự quay ngoắt trên con đường quan hệ song phương” giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Ông nhận định mối quan hệ Việt-Trung trong những tháng vừa qua đang ở thời điểm tốt đẹp, sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Hà Nội vào tháng 10 năm ngoái và cam kết cả hai nước sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều lên 60 tỷ USD vào năm 2015.
Tuyên bố hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc được đưa ra “bất ngờ” và mang tính “khiêu khích, thậm chí là bất hợp pháp”, ông Thayer nhận định.
Còn theo Li Mingjiang, chuyên gia về an ninh Đông Á và phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết, thông báo đặt hạ giàn khoan công khai của Trung Quốc cho thấy ban lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, “có khuynh hướng sử dụng cách tiếp cận mạnh tay hơn” các thế hệ trước.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh, phản ứng mạnh mẽ của Hà Nội cũng chứng tỏ thái độ của khu vực với Trung Quốc cũng “đang cứng rắn lên” – điều mà Bắc Kinh có vẻ như không lường trước được.
“Có vẻ Trung Quốc đã không nghĩ là Việt Nam sẽ đưa các tàu tới để buộc Trung Quốc đưa giàn khoan ra” khỏi thềm lục địa của Việt Nam, ông Li nhận xét. Điều này cũng được thể hiện trong cuộc họp báo vào ngày 8/5 của Trung Quốc, một ngày sau khi Hà Nội tổ chức họp báo quốc tế về vụ giàn khoan Trung Quốc. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Yi Xianliang, Phó cục trưởng Cục biên giới và đại dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cho biết Trung Quốc “kinh ngạc và sốc” trước phản ứng của phía Việt Nam.
Theo ông Li, Hà Nội nên tránh gửi tín hiệu “cam chịu” tới Bắc Kinh. “Về cơ bản, tôi cho rằng Việt Nam không thể không phản ứng mạnh mẽ được”, ông nói.
Theo ANTD
Thêm một tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc tấn công, cướp tài sản
Sáng 10.5, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết có thêm 1 tàu cá ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc tấn công, cướp tài sản khi đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa.
Dòng sự kiện Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam
Theo ông Chinh, chiều tối 9.5, qua kết nối ICOM trạm bờ, nghiệp đoàn đã nhận được tin báo từ thuyền trưởng tàu cá QNg 96147- Dương Văn Giàu ở xã An Hải cho biết đang bị nạn.
Theo ông Giàu, sau khi tàu bị Quân sự Trung Quốc truy đuổi thời gian, họ đã thả 2 xuồng máy, cho người sang tàu ông iàu sang đập phá, lấy hết tài sản, ngư lưới cụ và bắt buộc ông Giàu phải quay về.
Vụ việc xảy ra lúc 18 giờ ngày 7.5 ở vùng biển Hoàng Sa, tại tọa độ 16,45 độ vĩ Bắc - 112,20 độ kinh Đông.
Theo ông Giàu, vì tàu quân sự Trung Quốc to, khó xoay trở, nên thay vì xáp lá cà, đâm thẳng vào tàu cá Việt Nam như thường lệ, phía Trung Quốc đã thay đổi hình thức tấn công bằng xuồng máy cơ động và nguy hiểm hơn.
Theo Laodong
Người TP HCM xuống đường phản đối Trung Quốc Sáng 10/5, nhiều người dân TP HCM đã tập trung trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc để phản đối việc nước này đưa giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam. Người thành phố Hồ Chí Minh xuống đường phản đối Trung Quốc Gần 9h, đoàn người bắt đầu tập trung trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc trên đường Hai...