Giàn khoan Hải Dương 981 có dấu hiệu di chuyển
Chiều nay (10/6), Cục Kiểm ngư cho biết, hôm nay giàn khoan Hải Dương 981 có dấu hiệu di chuyển không ổn định theo hướng Đông – Đông Nam.
Trong ngày, các tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường giàn khoan Hải Dương 981, đồng thời tổ chức hoạt động đấu tranh với cường độ cao trên khu vực cách giàn khoan 7-10 hải lý để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc hung hãn phun vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam
Tàu cá Việt Nam tiếp tục bám trụ tại ngư trường cách khu vực giàn khoan khoảng 30-40 hải lý, tổ chức đánh bắt thủy sản, đấu tranh đòi ngư trường và phản đối hành động ngang ngược của tàu cá, tàu hải cảnh Trung Quốc, yêu cầu giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu cá của Trung Quốc rút khỏi khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong khi đó Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 119 tàu, trong đó có 38 tàu hải cảnh, 13 tàu vận tải, 19 tàu kéo, 43 tàu cá và 6 tàu quân sự bố trí bảo vệ giàn khoan.
Các tàu quân sự được Trung Quốc bố trí xung quanh giàn khoan như sau: phía Đông 2 tàu, phía Tây 2 tàu, trong đó có 1 tàu có số hiệu 756, phía Nam có 2 tàu mang số hiệu 842 và 839.
Ngoài ra, có 3 máy bay tỉnh sát Y-8 hoạt động tại khu vực giàn khoan ở độ cao khoảng 300-500m và 1 máy bay chiến đấu hoạt động tại khu vực.
Đáng chú ý, theo quan sát của lực lượng kiểm ngư, trong ngày giàn khoan có dấu hiệu di chuyển không ổn định theo hướng Đông – Đông Nam.
“Tàu cá Trung Quốc với khoảng 43 chiếc, dưới sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh đã hung hăng, manh động và tiếp tục vây ép, chủ động vượt lên trước và chạy máy lùi vào tàu cá của ngư dân Việt Nam để tạo hiện trường giả là tàu cá Việt Nam đâm vào sau tàu cá Trung Quốc khi các tàu cá của ta đang khai thác ở ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981″, đại diện cục Kiểm ngư cho hay.
Video đang HOT
Tại khu vực giàn khoan, các tàu của Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh, hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải đã tổ chức thành từng nhóm cách giàn khoan 7-8 hải lý và 9-11 hải lý để ngăn cản quyết liệt và sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam nhằm đẩy phạm vi hoạt động của các tàu kiểm ngư ra xa khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
H.Chiến
Theo_VTC
Việt Nam nên gấp rút chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, Việt Nam nên gấp rút chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi Trung Quốc đưa ra hàng loạt chiến thuật khiêu khích, đổ vạ, lợi dụng mùa mưa bão...
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam ngày 28-5 - Ảnh: My Lăng
Âm mưu của Trung Quốc khi mùa mưa bão tới
Trung tướng Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh quân chủng Hải quân Việt Nam, chỉ rõ: "Việt Nam không có ảo tưởng Trung Quốc có thiện chí để giải quyết vấn đề trong lúc này, trừ khi họ tuyên bố hoạt động thăm dò chấm dứt nên rút giàn khoan. Hành động xâm lấn, bành trướng của họ đã thành hệ thống không có gì mới lạ".
Với những diễn biến ngày càng phức tạp tại thực địa quanh khu vực giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, trả lời trả lời báoPháp luật TP. HCM, tướng Vĩnh lưu ý, thời gian tới, diễn biến về khí hậu, thời tiết trên biển sẽ khó lường, nên Việt Nam cần chuẩn bị các phương án tối ưu để đối phó với âm mưu mới của Trung Quốc.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ lợi dụng tàu thuyền lớn để duy trì sự có mặt tại vùng chủ quyền Việt Nam, ngược lại tàu thuyền của ta nhỏ hơn nên khó hiện diện để cản trở sự xâm lấn của họ.
"Việt Nam không bao giờ gây sự trước nhưng trước sự hung hăng, bất chấp của Trung Quốc thì các lực lượng của ta cần luôn đặt ở tư thế sẵn sàng để đáp trả họ đích đáng", tướng Vĩnh góp ý.
Cẩn thận với chiến thuật khiêu khích quân sự của Trung Quốc
Chuẩn đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm cho rằng, diễn tiến của sự vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cho thấy, nước này đang muốn mở rộng và mặc định vùng đặc quyền, thềm lục địa từ cái mà họ tự cho mình có chủ quyền ở Hoàng Sa - quần đảo Trung Quốc đã cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép của Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Đồng thời với việc thể hiện rằng mình có hoạt động kinh tế ở khu vực này qua việc áp đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc xua một lượng lớn tàu cá ồ ạt vào đánh bắt ở vùng biển này để hợp thức hóa sự xâm chiếm trái phép. Khi tàu cá Việt Nam đánh bắt thì Trung Quốc sẽ cho tàu cản trở, tấn công và lu loa rằng tàu cá Việt Nam vi phạm.
Trước chiến thuật khiêu khích quân sự này, tướng Lâm phân tích: "Trung Quốc đang cố tình khiêu khích để Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang. Đây là bẫy Trung Quốc cố tạo ra trong thời gian hơn một tháng qua trên biển. Và họ đang tiếp tục điều thêm tàu quân sự ra khu vực giàn khoan trái phép là muốn đẩy mạnh sự khiêu khích đó".
Trung Quốc luôn khiêu khích để Việt Nam đáp trả nhưng lực lượng chức năng Việt Nam luôn tỏ ra mềm mỏng, kiên trì. Ảnh: VOV
Chiến thuật "đổ vạ"
Còn đại tá Nguyễn Hồng Sâm, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển 2, nhìn nhận việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rồi đưa một lực lượng tàu chấp pháp hùng hậu và cả tàu quân sự để bảo vệ rõ ràng đây là một kế hoạch có tính toán rất kỹ từ trước.
Trung Quốc dùng lực lượng tàu chấp pháp với số lượng áp đảo ngăn chặn, gây hấn với tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển. Bên cạnh đó, họ vẫn bố trí tàu quân sự ở vòng trong, sát giàn khoan nhằm uy hiếp các lực lượng của ta.
Rồi Trung Quốc lấp liếm rằng giàn khoan đặt cách đảo Tri Tôn 17 hải lý trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (mà nước này dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam từ 1974) thuộc chủ quyền của họ để sử dụng tàu chấp pháp trực tiếp tấn công, gây hấn với tàu chấp pháp của Việt Nam.
"Đó chính là phương cách Trung Quốc thực hiện chiến lược 'xâm lược mềm' đối với Việt Nam và có thể sẽ thực hiện tương tự với các nước khác có chủ quyền trên Biển Đông", đại tá Sâm nói.
Theo ông Sâm, trong khi Việt Nam thiện chí thì trên biển, Trung Quốc có những hành động hung hăng, hiếu chiến, gây hấn, khiêu khích với lực lượng chấp pháp của Việt Nam nhằm "cài bẫy" và chỉ chờ ta mắc mưu để tạo cớ. Còn trên kênh truyền thông thì vu cáo trắng trợn, đổ lỗi cho Việt Nam.
"Chúng ta cần tỉnh táo, bình tĩnh, kiên trì, kiên quyết và tránh mắc mưu Trung Quốc nhưng không phải ta cứ phải chịu đựng cho tàu Trung Quốc đâm húc, phun vòi rồng mãi hoặc né tránh mãi. Ta phải có những biện pháp linh hoạt, phù hợp để đối phó hiệu quả chặn đứng hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Về lâu dài, cần phải dấy lên tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các bạn trẻ", nguyên Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển 2 nói.
Việt Nam nên gấp rút chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Ngày 9/6, Kiểm ngư Việt Nam ghi nhận thêm sự leo thang của Trung Quốc khi tăng cường tàu chiến, trực bảo vệ đủ ba mặt quanh giàn khoan. Trả lời Tuổi Trẻ, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho biết, với dã tâm chiếm biển và sự hung hăng sẵn sàng tấn công, Trung Quốc lu loa rằng các tàu Việt Nam sẽ tấn công vào giàn khoan của họ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tuyên bố sẽ đưa tàu tiếp tế tải trọng 11.000 tấn đến Biển Đông để phục vụ các tàu khác hoạt động lâu dài. Đây vừa là một động thái đe dọa Việt Nam, vừa là đợt diễn tập thực tế.
"Trước thái độ 'trơ như đá' này, tôi nghĩ Trung Quốc có thể sẽ còn động thái khác. Nhiều công trình quân sự cũng đang được Trung Quốc xây dựng tại các đảo Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên... ở Trường Sa phục vụ âm mưu chiếm trọn Biển Đông lâu dài. Việt Nam nên gấp rút chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra để giữ được chủ quyền lãnh thổ", Chuẩn đô đốc Lâm khuyến cáo.
Theo Zing
Biến họa thành phúc trước âm mưu của Trung Quốc Trong họa có phúc, trong nguy có cơ, chúng ta cần nhận rõ những mặt yếu kém, hạn chế của chúng ta để tích cực, chủ động có phương án phòng tránh tình huống xấu nhất. Trung Quốc ngày càng lộ rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông Bằng hành động xâm lược được chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động số đông tàu...