Giận hờn đang hủy hoại hôn nhân
Trong tình yêu và cả ở thời kỳ hôn nhân, sự giận hờn vẫn được xem như gia vị cho tình yêu thêm đậm đà. Nhưng nếu đã là gia vị, chỉ cần nêm quá tay một chút là có thể hỏng một món ăn.
Giận hờn nào của riêng ai
Cho rằng phụ nữ phải giận hờn mới thể hiện được sự yểu điệu thục nữ, chuyện giận chồng của chị Quý Mão (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) diễn ra như cơm bữa. Chồng về trễ: giận. Chồng ăn ít cơm: hờn; bạn đến nhà, chồng tiếp chuyện lâu quá: giận… Có lẽ hiếm có cặp vợ chồng nào “đồng thanh đồng thủ” như vợ chồng chị. Chị chỉ giận anh được vài phút, ngay lập tức chồng được dịp trổ tài chiều chuộng vợ và… huề. “Nếu vợ suốt ngày chỉ biết nhất nhất gật đầu làm theo ý chồng thì cuộc sống sẽ nhạt thếch”, chị nói.
Quan niệm giận hờn là cách để hai vợ chồng hiểu nhau hơn, thương nhau hơn nên giận chồng cung là chuyện thường ngày của chị Hải My (Q.7, TP.HCM). Cách thể hiện sự giận hờn của chị cũng có nhiều sắc thái khác nhau vì theo chị “Cái gì một màu cũng dễ gây nhàm chán”. Có hôm giận chồng, chị “ngậm tăm” chẳng thèm nói một từ nào suốt hai ngày.
Lần khác, sự giận hờn của chị thể hiện bằng mâm cơm úp lồng bàn nguội lạnh và lời nhắn trên giấy: “Người này no rồi, người đó cứ tự nhiên”. Có hôm, chị khiến chồng chưng hửng vì tự nhiên đang đêm đùng đùng nổi giận, ôm mền gối chạy tót qua phòng ngủ dành cho khách và khóa trái cửa. Chồng chị gọi cửa suốt gần hai giờ đồng hồ, chị vẫn giả lơ.
Ai nói giận dỗi là “bệnh” của phụ nữ? Với trường hợp gia đình anh Văn Vĩnh thì anh là “sư phụ” của vợ về sự giận hờn. Đàn ông giận hờn cũng có khác. Mỗi lần anh giận, dù chẳng nói câu nào nhưng không khí gia đình cứ nặng như chì vì khuôn mặt hầm hầm của anh. Mà phải chi có chuyện gì lớn khiến anh giận đã đành. Đằng này, nguyên nhân của sự giận dỗi cũng chẳng đâu vào đâu. Thậm chí có lần, buổi sáng đi làm anh quên chìa khóa ở nhà, đến chiều vợ về trễ nên anh phải chờ ngoài cửa gần 30 phút. Lỗi rành rành ở anh, vậy mà cũng giận vợ mất ba ngày.
Coi chừng ngộ độc
Mới đây, bạn bè “sốc” khi nghe tin Hải My đang ly thân với chồng bởi họ vốn là một cặp rất đẹp đôi. Tuy nhiên, vài người bạn thân thi hiểu rõ “nội tình” và đều cho rằng đổ vỡ là điều tất nhiên. Nhiều lần chồng Hải My tâm sự với bạn bè: “Ban đầu cái sự giận dỗi của My thấy cũng vui vui, ngồ ngộ vì mình được cơ hội bày tỏ sự yêu chiều, chăm sóc dành cho vợ. Nhưng riết mình cũng cảm thấy mệt mỏi. Nhiều lúc đi làm đã áp lực, về đến nhà đầu lại căng như dây đàn vì không biết vợ đang giận mình vì lý do gì. Phải đoán già, đoán non, “nhọc óc”!”.
Mới tuần trước, thấy Hải My lại “bổn cũ soạn lại”, chồng cô mặc kệ, giả lơ. Chỉ có vậy, “chuyện bé xé ra to”, My quay sang chụp mũ: “Tôi biết, với anh bây giờ tôi chẳng là gì vì anh đã là chủ sở hữu của tôi. Anh đung là nợ đời”.
Video đang HOT
Nhưng thiếu sự tinh tế, giận hờn sẽ trở thành chất “phụ gia” cực độc có thể giết chết hôn nhân… (Ảnh minh họa)
Đến nước ấy thì chồng Hải My hết chịu nổi, hai vợ chồng cãi nhau một trận tam bành. Kết quả, chồng My giận dữ bỏ về nhà ba mẹ ngay trong đêm.
Chị Phương (nhà ở H.Bình Chánh, TP.HCM) cũng từng đưa đơn xin ly hôn với người chồng đầu ấp tay gối sau hơn 10 năm chung sống cũng chỉ vì tật hay nóng giận của chồng. Chị kể: “Cả tôi và gia đình đều không chê trách anh điều gì. Chỉ có điều tôi không thể chấp nhận những câu nói của anh khi anh tức giận, dù vẫn biết đó chỉ là phút anh không kiềm chế được cảm xúc của mình”.
Giọt nước tràn ly, khiến chị quyết định ly hôn là lần chị mải nấu ăn, không để ý nên thằng cu Út – năm đó mới bốn tuổi, bị cửa giập vào tay suýt bật cả móng. Xót con, anh giận dữ: “Đồ vô tích sự. Có mỗi chuyện trông con mà cũng không xong. May là cô gặp tôi, nếu không chắc có nước đi ăn mày”. Lân đo, nhơ nhiều người xúm lại can ngăn và lấy con ra “dụ dỗ”, chị mới rút đơn. Nhưng vết thương trong lòng thì không bao giờ có thể chữa lành.
Nêm sao cho vừa?
Ông bà đã từng nói: “Chén bát trong sóng còn khua, nói gì vợ chồng”, vợ chồng không giận nhau mới lạ. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt cho biết: “Về mặt tâm lý, sau mỗi lúc giận hờn, vợ chồng có cơ hội hiểu thêm về nhau và cảm xúc, tình yêu cũng có thể sôi nổi, mạnh mẽ hơn. Ở phương diện tích cực, những giận hờn nho nhỏ không gây bất kỳ sự tổn thương nào cho người bạn đời, thì giận hờn sẽ như chút gia vị, giúp đời sống hôn nhân thêm nồng nàn hơn. Nhưng việc “cường điệu” sự nóng giận hoặc nóng giận thái quá có thể sẽ gây ra những tổn thương không thể chữa lành. Khi quá mệt mỏi với những giận hờn của vợ (hoặc chồng) thì sự đổ vỡ hôn nhân là điều tất yếu”.
Cũng là người hay giận hờn và suýt trả giá bằng chính hạnh phúc của mình, chị Nguyễn Thị Mỹ Kim (Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Ngày mới cưới, vì còn trẻ nên tôi cũng là chúa hay giận. Hiếm khi nào anh để ý đến sự giận dỗi của tôi khiến tôi càng bực tức và làm mình làm mẩy nhiều hơn. Khi sắp tới mức “tức nước vỡ bờ” thì may mắn chồng tôi góp ý thẳng: “Anh rất căng thẳng mỗi lúc em giận dỗi. Anh nghĩ vợ chồng nên trao đổi thẳng thắn những gì mình chưa hài lòng về nhau. Nếu em còn tiếp tục hờn giận, anh e rằng mình sẽ khó chung sống với nhau”. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng chất “phụ gia giận hờn” phải được điều chỉnh tùy theo cá tính, nếp sống của người bạn đời. Thiếu sự tinh tế, giận hờn sẽ trở thành chất “phụ gia” cực độc có thể giết chết hôn nhân”.
Theo các chuyên viên tâm lý, để kiểm soát được sự nóng giận, có một nguyên tắc hết sức đơn giản trong đối thoại vợ chồng, đó là: không phóng đại cảm xúc của mình lên, nhất là khi đang ở trong trạng thái giận dữ, mất kiểm soát. Cách ứng xử tốt nhất là chỉ nói đúng vào trọng tâm sự việc đang khiến mình giận dỗi, bực bội.
Theo VNE
Tâm sự cay đắng của người đàn ông trót lấy "nhầm" vợ tâm thần
Gần đây nhất tôi có đọc bài viết "Bác sĩ tâm thần ám ảnh chuyện thiếu nữ phát điên vì người yêu phản bội" và "Hoang mang vì kẻ tâm thần từng ăn thịt người xuất viện". Thực sự tôi rất lo lắng cho chính mình và người thân của mình.
Tôi là người thường xuyên đọc các tin tức trên Báo An ninh Thủ đô. Gần đây nhất tôi có đọc bài viết "Bác sĩ tâm thần ám ảnh chuyện thiếu nữ phát điên vì người yêu phản bội" và "Hoang mang vì kẻ tâm thần từng ăn thịt người xuất viện", tôi rất lo lắng cho chính mình và người thân của mình. Tôi cũng thật sự buồn và cảm thấy cuộc đời mình đang bế tắc...
Chúng tôi làm cùng một Tập đoàn tại Hà Nội, tuy khác Công ty thành viên nhưng sau những lần tiếp xúc qua những cuộc họp phòng Hành chính nhân sự của Tập đoàn, ban đầu chỉ là sự chia sẻ những suy nghĩ, sau là sự đồng cảm... Vì khác Công ty nên thỉnh thoảng tôi có nghe cô ấy bị ốm, có điều gia đình không muốn bất cứ ai đến thăm. Có những lần Phòng Hành chính nhân sự đã tổ chức đến thăm và cô ấy tiếp mọi người vẫn vui vẻ bình thường nên sau đó cũng có người thắc mắc vì sao phải nghỉ ốm? Tôi tìm hiểu thì chỉ được biết cô ấy bị bệnh mất ngủ, trung bình mỗi năm cứ ốm một trận rồi lại đi làm bình thường. Chúng tôi đã đến với nhau, cũng hẹn hò, đi chơi... Tôi luôn cảm thấy cô ấy rất hiền dịu, đa sầu đa cảm...
Thế rồi cuối năm 2007 chúng tôi quyết định tổ chức lễ cưới, tất cả mọi người đều mừng cho hai người vì chúng tôi cũng đã khá cao tuổi. Sau lễ cưới chúng tôi sống với nhau những ngày khá hạnh phúc - điều mà ai cũng mong muốn.
Hạnh phúc tưởng chừng sẽ không có vấn đề gì nếu cô ấy không phát bệnh. Đó là những tháng cuối năm 2008, công việc của vợ tôi gặp những chuyện không suôn sẻ, áp lực và sinh ra căng thẳng. Đỉnh điểm là khi vợ tôi viết e-mail xin nghỉ việc tại Công ty rồi về thẳng gia đình bên Ngoại. Tôi đi làm về qua thăm vợ tôi ngay. Ngày đầu vẫn thấy bình thường nên để vợ nghỉ tại nhà bố mẹ đẻ cho nguôi ngoai. Nhưng vào ngày hôm sau, khi xuống thăm vợ tôi vẫn ngồi lì trong phòng ngủ, xem ti vi nhưng tâm trí cứ để ở đâu đâu. Bất chợt cô ấy hỏi tôi: "anh ơi, người phát thanh viên kia tên là gì nhỉ?" Tôi tưởng vợ hỏi đùa, chưa kịp trả lời thì vợ lại tiếp tục hỏi "anh ơi, ông kia giữ vị trí gì trong Chính phủ nhỉ ?". Ai cũng biết đó là một lãnh đạo cao cấp, vợ tôi cũng biết, thề mà giờ lại hỏi như vậy, tôi giật mình không hiểu chuyện gì nữa.
Những giờ phút sau đó vợ tôi hay mất tập trung, nói năng không tự chủ. Chị em trong nhà đi tìm thuốc cho uống (khi đó tôi vẫn chưa biết là thuốc gì và vì sao phải uống), thế nhưng cô ấy phản kháng và nói "tao không làm sao mà phải uống thuốc cả, chúng mày uống đi...". Tôi thực sự choáng vì vợ tôi vốn dịu hiền, thế mà không hiểu ở Công ty xảy ra chuyện gì mà bỗng biến thành một người khác, có lẽ bị áp lực nhiều nên khủng hoảng....
Chuyện sẽ không đáng nói nếu hôm sau vợ tôi không bị nghiêm trọng hơn. Tôi xin nghỉ phép để xuống gia đình nhà ngoại. Thật bất ngờ chứng kiến vợ tôi chửi mắng không từ một ai, nói với ai cũng rất căng thẳng, quát la như thể đang tức giận ai đó... Thế rồi cả mấy chị em trong gia đình ngoại và cả hàng xóm cùng nhau đưa vợ tôi vào bệnh viện. Tôi sụt sùi đi theo taxi và bất ngờ khi gia đình đưa cô ấy vào Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai... Em vợ tôi an ủi tôi: "chị ấy bị bệnh mất ngủ, vào đây uống thuốc khoảng 1 tuần là lại bình thường thôi".
Ảnh minh họa
Tôi xem các đơn thuốc trước đây thì trời ơi... vợ tôi bị bệnh "Rối loạn phân liệt cảm xúc" - bệnh mà tôi chưa bao giờ nghe đến. Và căn cứ vào thời gian kê thuốc từ các đơn thuốc trước đây tôi mới biết vợ tôi đã bị bệnh từ năm 2001, tiếp đến là 2004, lần này là 2008. Tôi thực sự bị bất ngờ, sao vợ tôi lại có thể bị bệnh tâm thần...? Sao một người dịu dàng như vậy mà lại có những giây phút hung hãn đến như vậy? Gia đình tôi biết chuyện này chắc thất vọng lắm, nghĩ thế nên tôi quyết định giấu bố mẹ ở quê, chỉ cho chị gái biết vì chị ấy vốn làm trong ngành y. Thế nhưng tôi lại càng buồn hơn khi biết rằng sẽ rất khó để có tương lai khi sống với một người mắc bệnh tâm thần, chị tôi cho biết sẽ có yếu tố di truyền cho thế hệ sau...
Cứ ngỡ vợ tôi chỉ cần điều trị 1 tuần như em vợ tôi nói, nào ngờ ròng rã 1 tháng điều trị tại bệnh viện, nửa tháng điều trị ngoại trú và sau đó vẫn phải uống thuốc duy trì hàng ngày theo đơn của Bác sỹ. Sau khoảng 20 ngày đi khám lại một lần để điều chỉnh thuốc.
Vợ tôi đi làm trở lại, lại khỏe và dịu dàng như ngày nào, có điều chúng tôi mãi vẫn không có con. Bố mẹ tôi chỉ có một mình tôi là con trai nên rất mong, thỉng thoảng lại gọi điện hỏi tình hình và mỗi lần về thăm nhà bố mẹ tôi lại thắc mắc "sao chúng mày lâu thế? làm sao mà mãi không có con...?" Tôi không biết phải trả lời như thế nào, nói thật ư? bố mẹ tôi sẽ rất buồn. Vì thế tôi viện lý do vợ con hay đau yếu nên chưa thể sinh con được...
Thế rồi đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ vào thời điểm giao mùa Hạ - Thu thì vợ tôi lại bất ổn. Trước đây cách nhau ít nhất 3 năm (2001 - 2004) thì nay cứ mỗi năm một lần. Đặc biệt là vào năm ngoái (2011) vợ tôi vào viện điều trị xong về đi làm được nửa tháng thì lại phải vào viện tiếp. Sự việc diễn ra trong vòng hơn 3 tháng, vì đã giáp tết nên mặc dù chưa ổn định lắm nhưng gia đình xin xuất viện về với gia đình đón xuân. Tôi buồn, đau khổ và là lần đầu tiên một mình về ăn tết với gia đình ở quê. Cho dù biết rằng ông bà sẽ rất buồn nhưng không thể giấu được nữa vì chẳng có lý do gì mà con dâu lại không về thăm bố mẹ chồng nên tôi đã nói ra sự thật. Bố mẹ tôi thực sự buồn. Tuổi già chỉ mong có đứa cháu nội nhưng mong chờ mãi vẫn vô vọng, nay biết sự thật ông bà rất bất ngờ. Hôm tôi trở lại Hà Nội, bố tôi đã khuyên tôi nên xin con nuôi...
Chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm 2012, không chờ đợi nhưng điều gì sẽ đến lại sắp đến... Vợ tôi vẫn đều đặn uống thuốc duy trì nhưng không hiểu tại sao mấy hôm nay lại có dấu hiệu bất ổn: hãy quên, nói năng không lễ phép với chính mẹ đẻ, hỏi những câu vu vơ không để làm gì cả...
Tôi đã tìm hiểu rất nhiều thông tin trên mạng về việc kết hôn với người bị tâm thần, hôn nhân, gia đình với người có tiền sử tâm thần... Đọc xong thấy mình thực sự sai lầm khi không yêu cầu cô ấy khám sức khỏe trước khi cưới, giờ biết làm sao đây? sao trước đây vợ tôi không nói thật cho tôi biết? vì sao gia đình bên ngoại lại giấu tôi? Tôi đã ngoài 40 tuổi - cái tuổi mà lẽ ra phải có con cái, có hạnh phúc, nhưng hiện nay có vợ mà như không. Là người con trưởng, vẫn chưa có cháu cho ông bà nội, tôi thấy mình thật bất hiếu. Tôi biết làm sao đây? Ly dị ư? Tôi làm sao có thể bỏ cô ấy khi đang bệnh tật! Tiếp tục ư? Tôi sẽ sống như thế nào khi về già?
Qua câu chuyện buồn của bản thân, tôi muốn khuyên tất cả các bạn trẻ nếu đang chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình thì hãy tỉnh táo. Cho dù mình có yêu họ như thế nào, hãy tìm hiểu kỹ, hãy quyết định đúng đắn để khỏi ân hận về sau. Đừng bỏ qua giám định sức khỏe trước hôn nhân, và nếu đã lỡ như tôi thì cũng nên tìm cách tự giải phóng cho nhau. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, tế bào có khỏe thì xã hội mới tốt được!
Theo VNE
Chữa trầm cảm cho chồng mang tiếng "dốt hơn vợ" Chán vì ông chồng bỗ bã chỉ học bổ túc, thạc sĩ Ngọc đã ngã vào tay người đàn ông khác. Chồng Ngọc biết và bị trầm cảm. Nhưng rồi một ngày Ngọc đã bừng tỉnh. Dương Thanh Ngọc (29 tuổi - ở Thanh Ba, Phú Thọ) từng là dân trường chuyên lại tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân nên cô...