Giản dị như “Xe đạp Bắc Kinh”
Một câu chuyện giản dị và bình thường như đời sống, nhưng để lại nhiều day dứt lẫn ám ảnh…
Xe đạp Bắc Kinh có bối cảnh là thành phố Bắc Kinh những năm 2000, khi đó, nơi này được công nhận là có nhiều xe đạp nhất thế giới. Nhưng bộ phim không chỉ khai thác nét độc đáo này, mà qua một cốt truyện đơn giản và những chi tiết châm biếm, đời sống giới trẻ tại thành phố được phác họa chân thực và ấn tượng.
Hai nhân vật chính của bộ phim có thể được coi là đại diện cho hai kiểu người trẻ sống tại thành phố. Quý là một thiếu niên từ quê ra thành phố lập nghiệp với bàn tay trắng, bản tính thật thà, ngây thơ nhưng cần cù, nỗ lực. Với một chiếc xe đạp mua trả góp, Quý chăm chỉ làm việc để mong một ngày trở thành chủ nhân của chiếc xe. Khi chỉ còn một ngày nữa là đủ tiền mua xe, đột nhiên một chuyện bất ngờ xảy đến với Quý: xe của cậu bị mất cắp.
Kể từ đây, bộ phim có thêm sự xuất hiện của Kiên, một thiếu niên nhà nghèo sống ở thành thị. Kiên khá đua đòi, cậu đã lấy cắp tiền dành dụm của bố để mua xe đạp vì không muốn thua kém bạn bè. Tình cờ, Kiên mua nhầm phải chiếc xe mà kẻ cắp đã ăn trộm của Quý. Cuộc chiến giành giật chiếc xe đạp giữa hai cậu thiếu niên đã bộc lộ nhiều nét tính cách giữa hai người, cũng như những thông điệp sâu sắc và giàu tính nhân văn được phát biểu một cách rất tự tin.
Ở Xe đạp Bắc Kinh (có tên tiếng Trung là Xe đạp tuổi 17), chiếc xe đạp là một hình tượng xuyên suốt, giống như một nhân vật đặc biệt trong bộ phim, có số phận, có kết cục, góp phần dẫn dắt mạch phim cũng như những mâu thuẫn.
Chiếc xe đã đồng cam cộng khổ với cậu thiếu niên nông thôn Quý từ những ngày đầu đi làm tràn đầy lạc quan, mơ mộng và tin tưởng. Chiếc xe đạp mới tinh từ những lúc đầu phim sau đó phải trải qua nhiều biến động: bị đánh cắp, được tìm lại rồi lại bị giành giật… cũng trở nên tơi tả, y như số phận của cậu chủ với cuộc sống đầy thăng trầm ở thành phố.
Video đang HOT
Phim kết thúc bằng hình ảnh Quý bị thương, đơn độc vác chiếc xe đạp bị đập phá tan nát đi giữa đường phố tấp nập của Bắc Kinh khiến người xem thực sự day dứt. Chiếc xe đạp bị hỏng lẫn giữa hàng triệu chiếc ở thủ đô ồn ào, cũng như cậu thiếu niên Quý bị nhòa giữa hàng triệu triệu người lao động nhập cư, nhưng có lẽ đó là một biểu tượng cho sự bền bỉ, âm thầm, quyết tâm bám trụ và đi tới.
Dù kể về một câu chuyện giản dị, Xe đạp Bắc Kinh vẫn hết sức hấp dẫn bằng những chi tiết đời thường. Bối cảnh trong phim rất quen thuộc, đó là những con phố đông nghịt người và xe, là khu nhà chật chội của những người lao động nghèo… Hình ảnh người dân ở Bắc Kinh xuất hiện trong ống kính rất sinh động, như những người dùng xe đạp để chở chăn đệm, tivi, giường tủ, hay những thanh niên nông thôn đến phỏng vấn xin việc.
Ngay cả trong cảnh Quý và Kiên bị đám côn đồ truy đuổi trong những ngõ ngách, ống kính không đuổi theo nhân vật mà đứng ở những đoạn ngõ có nhân vật chạy qua, giống như cuộc sống với nhịp điệu vốn có, không hề bị xáo trộn.
Bộ phim có những hình ảnh chân thực về cuộc sống của dân lao động nghèo
Các nhân vật của phim có vẻ ngoài không hề nổi bật, họ bước lên màn ảnh với diễn xuất và hành động rất tự nhiên. Thêm vào đó, có nhiều chi tiết nhỏ nhưng tinh tế khiến người xem bật cười thú vị, như lúc Quý lần đầu tiên đi cửa xoay ở khách sạn đã loay hoay không thoát ra được, hay lúc anh trai Quý dạy cậu đánh răng… Chính vì thế, câu chuyện trở nên thực sự thuyết phục và mang phong cách hiện thực độc đáo.
Đề tài về những người lao động nhập cư của Xe đạp Bắc Kinh không hề mới, nhưng có lẽ đây là lần hiếm hoi những người dân nghèo khổ ở nông thôn xuất hiện rất đẹp đẽ trong phim. Cũng giống như Việt Nam, người dân quê đi kiếm tìm hy vọng ở thành phố thường có kết cục xấu, hoặc phải bỏ về quê vì thất bại, hoặc sẽ trở nên tha hóa, biến chất, trở thành những trọc phú sa đọa.
Trong bộ phim của đạo diễn Vương Tiểu Soái, nhân vật Quý nỗ lực hết sức để tồn tại, ngây thơ, chất phác nhưng đầy tin tưởng. Cậu bị mất xe đạp nhưng đã tìm lại được và quyết không buông. Quý không sợ đám thanh niên thành phố dù bị đánh đập, đe dọa vì cậu tin là mình đúng, mình lương thiện. Đó là hình ảnh đẹp về một thế hệ mới ở nông thôn đã chiếm lĩnh thành công không gian đô thị bằng chính phẩm chất đẹp đẽ của mình.
Theo TTVN
Chuyện tình buồn của So Ji Sub
Nét buồn trong ánh mắt, giọng nói của nam diễn viên "Giày thủy tinh" đã ám ảnh tôi suốt cả bộ phim...
Bộ phim đi theo lối mòn khi xây dựng câu chuyện tình yêu giữa một cựu võ sĩ quyền anh u buồn và một cô gái khiếm thị nhưng luôn lạc quan, yêu đời. Mô-tip phim cũ nhưng hình tượng nhân vật lại đúng ngay sở trường diễn xuất của So Ji Sub và Han Hyo Joo nên khán giả vẫn có lý do để mà hy vọng và ngóng phim.
"Only you" có sự tham gia của So Ji Sub và Han Hyo Joo
Cũng giống như các phim bi khác, các nhà làm phim đã chia Only you ra hai phần khá rõ ràng, phần đầu vui tươi, trong sáng bao nhiêu thì phần sau lại u tối và buồn bã bấy nhiêu. Thế nhưng nút thắt của câu chuyện dùng để đẩy cảm xúc người xem lên cao trào, chia mạch phim thành hai phần như thế lại không được xử lý khéo léo khiến khán giả hơi hụt hẫng khi theo dõi. Chính vì hụt hẫng nên khi xem xong sẽ thấy hơi... bực mình vì phim bi mà chẳng thấy bi, chẳng thấy ám ảnh gì cả...
Nhân vật mà So Ji Sub và Han Hyo Joo đảm nhiệm đều là vai diễn sở trường của cả hai. Có khác chăng, ở phim này, Han Hyo Joo phải thể hiện nét bi nhiều hơn trong lối diễn của mình mà thôi. Nhưng cá nhân tôi vẫn cảm thấy Hyo Joo diễn không tới thì phải, có lẽ một phần vì... ngoại hình của Hyo Joo chăng?
Dễ hiểu thôi, ấn tượng mà Hyo Joo để lại cho khán giả luôn là hình ảnh một cô nàng hay cười, và cười rất đẹp, cùng dáng người khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, chứ không mình hạc xương mai như những diễn viên cùng lứa khác. Có lẽ vì vậy mà Hyo Joo khó có thể thể hiện được vẻ mong manh, thoáng yếu mềm lẩn khuất sau những nụ cười của nhân vật nữ chính.
Hơn nữa, chắc do Hyo Joo... hơi cao nên khi cô đứng cùng với So Ji Sub chỉ thấy hai người đẹp đôi quá chừng chứ nhìn mãi cũng không thấy được hình ảnh nhân vật nam đang cố gắng bảo vệ, che chở cho người mình yêu.
Về phần So Ji Sub, anh đã diễn tròn vai trong bộ phim này với giọng nói trầm buồn, đầy tâm trạng cùng ánh mắt lúc thì hừng hực lửa với những trận tranh tài trên võ đài, lúc nồng nàn yêu thương khi đi bên cạnh người yêu, hay đôi mắt u buồn khi biết được sự thật mà không thể nói ra...
Cuối cùng, về "cảnh giường chiếu" mà dân tình bàn tán sôi nổi lâu nay, có cảm giác đoạn cao trào đã được tung ra ở trailer rồi, nên xem phim thấy... bình thường! Cảnh nóng của phim Hàn thì không thể nào so được với các cảnh tương đương của phim Mỹ rồi, nhưng tôi thấy vui vì cuối cùng Hyo Joo cũng dần tìm kiếm những vai diễn góc cạnh hơn, táo bạo hơn để thể hiện khả năng diễn xuất của mình.
Only You là bộ phim đánh dấu sự trở lại của So Ji Sub sau vài năm vắng bóng trên màn ảnh rộng cùng sự thay đổi nhất định trong nét diễn - trưởng thành và sâu sắc hơn, cũng như của Hyo Joo (dù có những "lợn chợn" khi xem như đã nói ở trên). Theo tôi, đây là một bộ phim đáng xem với những ai yêu mến điện ảnh Hàn: cảnh quay đẹp, nhạc phim du dương sâu lắng và một câu chuyện tình buồn, nhưng thật may, kết thúc có hậu.
Theo TTVN
Lắng lòng nghe một "Câu chuyện Tokyo" Năm 2002, bộ phim này đã từng được Viện Điện ảnh Hoàng gia Anh bình chọn là phim đứng thứ 5 trong danh sách 10 phim hay nhất của nhân loại. Yasujiro Ozu là đạo diễn Nhật Bản tôi yêu thích nhất. Ông là người có phong cách đặc biệt và ảnh hưởng tới rất nhiều người. Kể cũng kỳ lạ, vì phim...