Giảm thuế VAT giúp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong năm 2023
Các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đối với một số doanh nghiệp hay ngành nghề cụ thể được khuyến nghị tiếp tục áp dụng, đó sẽ là bài thuốc chuyên sâu dành cho các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn hơn.
Được hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp chế biến nông sản tại huyện Ninh Phước đẩy mạnh sản xuất sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Công Thử /TTXVN
Trước triển vọng không mấy lạc quan của nền kinh tế toàn cầu năm 2023, với mức tăng trưởng dự báo giảm mạnh xuống khoảng 2,2 – 2,7% so với mức trung bình 4-5% ở thập kỉ trước, nhiều chuyên gia không khỏi lo ngại kinh tế Việt nam sẽ chịu nhiều tác động trong thời gian tới. Hầu hết đều dự báo GDP Việt nam sẽ tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu có lẽ sẽ là hạng mục chịu nhiều biến động nhất.
Phía trước nhiều thách thức
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng các chỉ số từng đạt mức tăng cao trong năm 2022 như GDP, xuất khẩu, đầu tư… có khả năng chững lại dù vẫn đạt mức khá trong năm 2023, trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng cao hơn, và áp lực tăng lãi suất, tỉ giá vẫn còn khá lớn.
Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức hôm 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Trong nước, dù các yếu tố khó khăn thuận lợi vẫn đan xen nhau, nhưng các thách thức, khó khăn đang ngày một nhiều hơn.
Để chuẩn bị đối mặt với các khó khăn trước mắt, cần những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, chủ động từ cả phía cơ quan quản lý điều hành, đến mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân. Nhưng có lẽ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp – xương sống của nền kinh tế – sẽ là mấu chốt để một quốc gia đương đầu được với khó khăn, tiếp tục chinh phục những cột mốc tăng trưởng mới.
Cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Trong điều kiện nền kinh tế bình thường, đã có rất nhiều giải pháp được chính phủ áp dụng, như hỗ trợ hành lang pháp lý, nâng cấp hạ tầng, đổi mới công nghệ… Những giải pháp này vẫn tiếp tục nên được xem xét và triển khai để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.
Video đang HOT
Tuy nhiên đặt trong bối cảnh nền kinh tế hậu đại dịch và nhiều thách thức trước mắt, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong “tình thế đặc biệt” có lẽ một lần nữa nên được xem xét đánh giá kỹ lưỡng. Giải pháp nào đã phát huy hiệu quả tốt và còn nhiều cơ hội tận dụng nên phấn đấu duy trì, các giải pháp chưa phát huy tác dụng hay không phù hợp với tình hình mới cần điều chỉnh, thậm chí nên loại bỏ để chọn giải pháp phù hợp hơn.
Thời gian qua, một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chính đã thực hiện có thể kể đến như chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, v.v.; chính sách giảm 2% thuế VAT; một số chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Đa phần các giải pháp đó được đánh giá là hữu ích, kịp thời, giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng trong và sau đại dịch. Có thể nói tác động sâu rộng nhất trong số các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã thực hiện năm qua là chính sách giảm 2% thuế VAT. Chính sách này tác động trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp và người dân, gần như là một khoản hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân trong thời kì khó khăn nhưng được thể hiện trong giá cả hàng hóa góp phần làm giảm lạm phát, kích thích tiêu dùng, kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Giảm VAT khiến giá đầu vào giảm cũng giúp doanh nghiệp có cơ hội duy trì, phục hồi và mở rộng hoạt động kinh doanh. Cũng không cần qua các khâu xét duyệt hồ sơ phức tạp, hay các điều kiện ngặt nghèo, mức giảm được áp dụng chung cho phần lớn hàng hóa khiến đa số doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi ngay lập tức. Sau gần một năm thực hiện, không có doanh nghiệp hay người dân nào phải phản ánh mặt trái của chính sách này vì có lẽ đây là công cụ để đo tác dụng của chính sách khá hiệu quả.
Mặc dù vậy, chính sách giảm 2% thuế VAT mới chỉ được thông qua đến hết năm 2022. Sẽ khá đáng tiếc nếu giải pháp này không được tiếp tục áp dụng trong năm 2023, bởi các doanh nghiệp tuy đã bắt tay vào phục hồi sản xuất nhưng vẫn rất dễ bị tổn thương. Giống như người vừa ốm dậy, vẫn cần chế độ vận động nhẹ nhàng chứ chưa thể lao lực ngay như bình thường.
Vì những lo ngại đó, và cũng vì đánh giá được hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT, nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề xuất chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này trong năm 2023, hoặc ít nhất cho đến khi dự báo kinh tế đã bớt đi những gam màu xám.
Thêm vào đó, các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đối với một số doanh nghiệp hay ngành nghề cụ thể cũng được khuyến nghị tiếp tục áp dụng, đó sẽ là bài thuốc chuyên sâu dành cho các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn hơn.
Các chính sách này nếu tiếp tục được thực hiện tốt sẽ đan xen nhau, như những lớp bảo vệ vòng ngoài và vòng trong, tăng cường sức mạnh cho doanh nghiệp. Đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại diễn đàn kinh tế Việt nam nêu trên: “Các cơ quan, địa phương cần linh hoạt chủ động, có chính sách phù hợp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới”.
Tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn lãi suất 2% cho doanh nghiệp
Sau gần 3 tháng kể từ khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh triển khai, nhiều doanh nghiệp phản ánh, dù "khát" vốn nhưng họ rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn lãi suất 2%.
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May mặc Hồng Quang, xã Hồng Quang, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quá trình phục hồi nền kinh tế trong nước mới chỉ bắt đầu trong khi mọi nhu cầu về tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu lại đang yếu đi, rủi ro lạm phát gia tăng. Đặc biệt, khó khăn về nguồn vốn, rủi ro trong khu vực tài chính càng hiện hữu cao và là thách thức với doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm này, gói hỗ trợ lãi suất 2% dù đặt mục tiêu 800.000 tỷ đồng nhưng mới giải ngân chưa tới 1%. Số tiền lãi được cấp bù mới đạt hơn 1 tỷ đồng. Việc tiếp cận gói cấp bù lãi suất 2% vẫn còn nhiều khó khăn vì ngân hàng vừa thiếu hạn mức và siết chặt các thủ tục, việc kiểm soát vốn chặt vào các phân khúc rủi ro của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp trên thị trường và các ngành liên quan cũng gặp khó.
Trước vấn đề này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xác nhận chỉ khoảng 1% doanh nghiệp vay được gói hỗ trợ lãi suất 2% và chỉ các doanh nghiệp vừa và lớn mới vay được gói hỗ trợ này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải rời bỏ thị trường thời gian qua do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu trung lại đa số là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu các điều kiện đảm bảo, phương án kinh doanh thiếu khả thi sau đại dịch... nên khó tiếp cận tín dụng cũng là dễ hiểu. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng cũng cần phải đảm bảo kinh doanh để không mất vốn Nhà nước và vốn của ngân hàng.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, gói hỗ trợ lãi suất này khác với gói hỗ trợ năm 2009 ở chỗ: nguồn vốn rõ ràng (từ ngân sách), đối tượng hỗ trợ (là 13 lĩnh vực), thời hạn cụ thể (tối đa 2 năm). Ngoài ra, đối tượng thụ hưởng phải đáp ứng cơ bản các điều kiện của tổ chức tín dụng và có khả năng phục hồi.
Tuy nhiên, để đánh giá khả năng phục hồi lại của doanh nghiệp là khó. Vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Vì vậy, rất cần thúc đẩy Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Tại các địa phương, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp đều có nhưng hoạt động vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo lãnh giúp các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm mảng cho thuê tài chính bởi cho thuê tài chính không cần tài sản thế chấp. Hiện, Việt Nam đã có 11 công ty cho thuê tài chính và Nhà nước nên xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa trải nghiệm dịch vụ cho thuê tài chính.
Song song đó, cũng rất cần sự nỗ lực và thiện chí của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng, vì nếu tổ chức tín dụng muốn hỗ trợ, cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và nếu doanh nghiệp thiếu tính thiện chí, trung thực, không chú trọng xây dựng phương án kinh doanh..., thì cũng sẽ khó tiếp cận được tín dụng.
Đại diện tiếng nói doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay, tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện đang rất khó khăn. Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội lại có nội dung hạn chế Ngân hàng Chính sách xã hội cho chủ đầu tư vay vốn để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay tại một số ngân hàng khác lại phải áp dụng lãi suất thấp nhất 9%/năm do bất động sản không nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên vay với lãi suất thấp. Hay Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định không hạ chuẩn cho vay và không nới lỏng điều kiện vay. Do đó, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều không đáp ứng được điều kiện, đồng nghĩa với việc không tiếp cận được tín dụng ngân hàng.
Ông Châu cho biết, từ thực tế trên, với gói 40.000 tỷ đồng; trong đó có gói 15.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay không có sản phẩm để giải ngân. Tuy nhiên các chủ nhà trọ là những đối tương đang cần hỗ trợ. Hoặc với người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại 9%/năm nhưng nếu không tiếp cận được nguồn vốn, sẽ trở thành gánh nặng.
Vì thế, ông Châu đề nghị phần tiền còn lại để hỗ trợ cho những đối tượng đã vay với lãi suất thương mại. Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ", ông Châu bày tỏ mong muốn các ngân hàng thương mại cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và ngược lại khuyến nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cần chú trọng làm ăn kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo uy tín thương hiệu.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, sáng 26/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước
Ngân hàng Nhà nước nhận định, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả.
Về phía các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đều cam kết giải ngân tối đa gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng; tiếp tục truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận chương trình hỗ trợ theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP với mục tiêu tiếp sức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong quá trình phục hồi và phát triển.
Nghiêm cấm thêm điều kiện, thủ tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank...