Giảm thuế cứu doanh nghiệp
Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia và cũng là mong muốn của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Việc giảm thuế TNDN rất cần thiết để hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn hiện nay – Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo TS Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đang có đến 98% trong tổng số 500.000 doanh nghiệp (DN) Việt Nam là DN vừa và nhỏ. Vì thế, thuế luôn tác động lớn lên tâm lý DN và sức chịu đựng của họ. Nếu giảm thuế thu nhập DN xuống 20% thì thu ngân sách vẫn đảm bảo bởi DN có thêm cơ hội đầu tư, tạo công ăn việc làm, giúp xã hội giảm gánh nặng.
“Thu thấp nhưng thu được ở nhiều DN thì tốt hơn là thu nhiều mà thu ít DN. Thu thuế nhiều nhưng lãng phí, đầu tư tràn lan, vô tội vạ thì thu ít mà sử dụng có hiệu quả vẫn tốt hơn”, ông Huỳnh nói.
Video đang HOT
Luật sư Trần Xoa – Giám đốc Công ty TNHH luật Minh Đăng Quang – kiến nghị: “Trong xu hướng các nước đang ngày càng giảm thuế suất thuế TNDN, Việt Nam cũng cần nhanh chóng giảm xuống mức 20%. Bởi từ năm 2009 đến nay, mỗi năm Chính phủ đều cho phép DN gia hạn và giảm thuế đến 30% số thuế, tức thuế suất được giảm tương đương 8%, như vậy DN còn lại đóng thuế với thuế suất từ 17 – 18%. Vậy tại sao chúng ta không mau chóng giảm thuế suất xuống 20% mà phải chờ đến năm 2020 (theo lộ trình cải cách thuế của Chính phủ). Đừng lo ngân sách sẽ thất thu vì thực tế đã chứng minh, năm 2009, khi thuế TNDN giảm từ 28% xuống 25%, thu ngân sách không giảm mấy ngàn tỉ đồng như tính toán ban đầu mà còn tăng lên nhiều hơn trước đó. Thuế TNDN thấp sẽ khuyến khích DN đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khi có nhiều DN giải thể, chết chưa chôn khá nhiều”.
Cần sớm sửa
DN mong muốn giảm thuế TNDN càng sớm càng tốt, có thể là ngay năm 2013 nên giảm còn 20%, chứ không cần phải đợi đến năm 2013 giảm xuống 23% và đến năm 2020 còn 20% như đề xuất của Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Minh Tuấn, TGĐ Công ty cơ khí Kềm Nghĩa
Hiện các nước trong khu vực đã áp dụng thuế suất thuế TNDN thấp hơn Việt Nam nhiều. Chẳng hạn, Singapore là 17% Campuchia 20% Thái Lan 23% và sẽ tiếp tục xuống 20% từ ngày 1.1.2013… Việc Việt Nam kịp thời điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNDN cũng có tác dụng tốt trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.
Từ góc độ DN, ông Nguyễn Minh Tuấn, TGĐ Công ty cơ khí Kềm Nghĩa, cho biết: “DN mong muốn giảm thuế TNDN càng sớm càng tốt, có thể là ngay năm 2013 nên giảm còn 20%, chứ không cần phải đợi đến năm 2013 giảm xuống 23% và đến năm 2020 còn 20% như đề xuất của Bộ Tài chính”. Theo ông Tuấn, khoản tiết giảm 5% thuế TNDN khi được giảm có thể giúp DN đầu tư cho kinh doanh, sản xuất. Khi DN gia tăng được sản xuất, hàng hóa bán tốt sẽ bổ sung được cho nhà nước khoản tiền thuế thậm chí nhiều hơn khoản đã được giảm. Chưa kể, một khi DN bán được hàng, doanh số tăng thì tiền thuế GTGT nộp vào ngân sách cũng sẽ lớn hơn.
Theo luật sư Trần Xoa, việc giảm thuế TNDN về 20% còn có ý nghĩa hơn đối với DN khi hiện nay, tuy thuế suất là 25% nhưng thực tế DN phải nộp cao hơn nữa do thu nhập tính thuế không đơn giản là lấy thu trừ chi, nhân thuế suất, mà DN còn bị vướng nhiều quy định khống chế chi phí. Do nhiều khoản chi phí không được cơ quan thuế chấp nhận nên số thuế thực đóng ước tính có thể lên hơn 30%. Ông Mai Thanh Tòng – Phó chủ tịch Hội Kế toán TP.HCM – kiến nghị cùng với việc giảm thuế suất, cũng cần xem lại các quy định về chi phí của DN, nếu không, việc giảm thuế sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Theo TNO
Khởi điểm nộp thuế TNCN: Chốt 9 triệu
Theo đề xuất của Chính phủ: Người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng, người có hai người phụ thuộc có thu nhập 16,2 triệu đồng/tháng vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng cho người nộp thuế của Chính phủ ở dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã gần hiện thực hơn khi cơ bản đạt được sự nhất trí của cơ quan thẩm tra tại phiên họp ngày 25/9.
Như vậy, đã không còn sự khác biệt lớn từng gây tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều về nội dung được quan tâm nhất của dự án luật này. Khi thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị mức giảm trừ gia cảnh thấp hơn mức đề nghị của Chính phủ, với 7 triệu đồng cho người nộp thuế và 2,8 triệu đồng cho người phụ thuộc (Chính phủ đề nghị 3,6 triệu đồng).
Chính phủ đề xuất người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân
Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, dù cơ quan thẩm tra nêu khá nhiều căn cứ để chứng minh mức đề xuất như quy định tại dự luật là quá cao, song đa số ý kiến vẫn nghiêng về phương án Chính phủ trình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng 9 triệu đồng chỉ tạm đủ sống, còn Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn thậm chí đã đặt câu hỏi "mình đại diện cho dân mình có thương dân không, tại sao mình không đề nghị nâng lên mà lại đòi hạ xuống".
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói, dù có đề nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh thì cũng là vì nhân dân, vì đất nước. Vì hoàn cảnh của đất nước hiện nay còn nhiều việc phải lo nên phải có sự tính toán cho hợp lý, cá nhân ông đồng ý nâng mức giảm trừ nhưng như Chính phủ đề nghị là nâng hơi nhanh.
Ông Hiển cũng cho biết có 2/8 ý kiến ở thường trực cơ quan thẩm tra đồng ý với phương án của Chính phủ, qua kết quả bỏ phiếu kín.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban hôm 25/9, số thành viên Ủy ban vắng mặt khá nhiều, dù còn có những băn khoăn, phân tích nhiều chiều song cơ quan thẩm tra cũng không tiến hành bỏ phiếu, khi cơ bản nhiều ý kiến đã nghiêng về phương án của Chính phủ. Tuy nhiên, một số vị vẫn cho rằng nếu ở mức như Chính phủ trình thì bản chất của thuế thu nhập cá nhân sẽ chuyển thành thuế thu nhập cao và quan ngại sẽ làm giảm thu ngân sách.
Cũng không khó lý giải điều này, bởi ở báo cáo thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã nhấn mạnh rằng, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân phải bảo đảm đề cao trách nhiệm, ý thức của công dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, bảo đảm theo đúng quy định của Hiến pháp và thể hiện rõ quan điểm kiên trì xây dựng, giữ vững và thực thi nghiêm túc một đạo luật đúng bản chất là Luật Thuế thu nhập cá nhân không tái xây dựng lập lại một đạo luật về thuế thu nhập cao như trước đây bằng việc thu hẹp quá lớn đối tượng nộp thuế...
Có thể vẫn sẽ còn tranh cãi về nhiều điểm sửa đổi của dự án luật đã và đang gây tranh luận này. Một phương án được nhiều người kỳ vọng là ở kỳ họp tới, Quốc hội chấp nhận đề xuất của Chính phủ thì khi luật có hiệu lực (đề nghị của cơ quan thẩm tra là từ 1/7/2013) người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng, người có hai người phụ thuộc có thu nhập 16,2 triệu đồng/tháng vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Còn nếu có thu nhập 20 triệu đồng/tháng mà có một người phụ thuộc thì chỉ nộp 490 nghìn đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế).
Theo 24h
Thuế thu nhập cá nhân: Chưa vì dân Thuế thu nhập cá nhân phải bảo đảm nguyên tắc điều tiết thu nhập và chỉ đến ngưỡng nhất định mới đánh thuế mạnh. Việc Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội (QH) có ý định hạ mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) so với mức đề xuất của Chính phủ đang gây nhiều bức xúc...