Giảm thiệt hại TNGT bằng trồng rừng: Bộ GTVT nói gì?
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Trồng rừng không phải là giải pháp giải quyết được căn bản các vụ tai nạn giao thông thảm khốc”.
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải đã đề xuất với Bộ trưởng Đinh La Thăng một kế sách mới góp phần hạn chế tai nạn thảm khốc ở các khu vực đèo dốc nguy hiểm đó là… trồng rừng.
Nên làm hộ lan bằng bê tông
Bình luận về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường nói rằng, trồng rừng là tốt, nhưng nếu trồng rừng với mong muốn ngăn cản các xe gặp nạn thì rất bị động.
“Nói cách khác, trồng rừng không phải là giải pháp giải quyết được căn bản các vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Một khi đã xảy ra tai nạn giao thông thì dù có cây cản, vẫn chết người”, Thứ trưởng bày tỏ.
Theo Thứ trưởng Trường, muốn giảm số vụ tai nạn giao thông ở các khu vực đèo dốc nguy hiểm, phải xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn nữa để đáp ứng được vấn đề an toàn cho các loại xe.
Video đang HOT
Theo ông Trường, nên chủ động về cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống an toàn, không để xe gặp nguy hiểm khi đi vào đèo dốc. Ông cho rằng: “Có thể xây hộ lan bằng bê tông để xe không bị lăn lóc xuống vực khi xảy ra va chạm.
Cùng với đó, phương tiện cũng phải đáp ứng đủ chất lượng mới được cho phép lưu thông ở các đoạn đường xấu, đèo dốc, nguy hiểm.
Ngoài ra phải quy định, kiểm soát tốc độ xe đi qua các đoạn đường đó, không được để tài xế “phi” với tốc độ quá lớn.
Nói về chất lượng tài xế, ông Trường cho rằng, trong quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách đã có khá đầy đủ, chặt chẽ. Hiện tại, vấn đề đặt ra là việc tổ chức thực hiện, ý thức chấp hành luật của một số doanh nghiệp vận tải chưa tốt.
Do vậy, tuyên truyền cho họ hiểu tính mạng con người là trên hết chứ không phải lợi nhuận kinh doanh. Thời gian tới, cần phải chủ động ở nhiều yếu tố chứ không thể để tai nạn thảm khốc xảy ra rồi mới làm.
“Nếu người ta thực hiện tốt theo các quy định hiện hành, tôi nghĩ đã giải quyết căn bản được vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông ở vùng đèo dốc”, ông Trường khẳng định.
“Bộ Giao thông vận tải chưa làm tròn trách nhiệm”
Có cùng quan điểm với Thứ trưởng Trường, ông Mai Văn Thanh – Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng trồng rừng có tác dụng khác như chống xói mòn, cải tạo môi trường chứ không có tác dụng giảm thiểu thiệt hại về người và của trong các vụ tai nạn giao thông.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Lào Cai làm 14 người thiệt mạng hôm 1/9
“Hẳn ông Thụ đang muốn đề cập tới việc trồng các cây to lớn để cản, không cho xe lao xuống vực sâu. Thế nhưng, tôi nghĩ giải pháp đó không ổn. Khi xe đang trên đà lao xuống vực, nếu bị cản lại cũng nguy hiểm không khác gì khi nó lăn tự do”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, muốn giảm tai nạn giao thông ở khu vực đèo dốc, cần phải gắn các giải pháp theo 3 nhóm nguyên nhân sau: về con người, về hạ tầng, về các phương tiện giao thông vận tải.
Nếu nguyên nhân là do con người, phải chọn những lái xe quen đường, thạo lối. Nên nhớ hầu hết các vụ tai nạn lớn xảy ra đều do lái xe không quen đường, chủ quan với tay nghề.
Ông Thanh cho rằng đến giờ Bộ Giao thông vận tải chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Họ chưa cung cấp đủ các biển cảnh báo cho lái xe khi vào khúc cua, đoạn đường cong, dốc nguy hiểm. Hiện nay nhiều đèo dốc cao, nhiều khúc cua nguy hiểm chưa có biển cảnh báo trước.
“Thế nhưng, Bộ Giao thông đang làm khá tốt việc giám sát kỹ thuật của các xe thường xuyên lưu thông qua các đoạn đèo dốc nguy hiểm. Bằng chứng là ít xe xảy ra tai nạn do lỗi kỹ thuật. Tuy vậy, các doanh nghiệp vận tải vẫn cần nâng cao trách nhiệm bảo trì cho các xe đó trong quá trình sử dụng”, ông Thanh nhận định.
Ngày 29/9, khampha.vn đăng tải ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải đề nghị ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng tham gia vào hạn chế tai nạn giao thông bằng việc trồng rừng. Theo ông Thụ, lan can phòng hộ hiện nay chỉ có chức năng cảnh báo và chỉ chặn được những cú va chạm nhẹ. Còn với một ô tô cỡ trung bình và lớn lao vào với vận tốc trên 20 km/h thì lan can không thể cản ô tô dừng lại được. Ông đề xuất là ngoài việc làm lan can như hiện nay, nên trồng cây để chắn xe không lăn xuống vực đến vài trăm mét. Nhờ thế sẽ giảm mức độ thảm khốc của các vụ tai nạn ở khu vực đèo dốc nguy hiểm như ở Lào Cai vừa qua.
Theo Khampha