Giảm sản lượng xi măng vì càng sản xuất càng lỗ
Hiện các nhà máy sản xuất xi măng đang rất khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, đặc biệt là giá than.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Tính toán sơ bộ cho thấy, giá than hiện nay đã chiếm trên 60% giá thành sản xuất xi măng khiến các doanh nghiệp sản xuất xi măng đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt về giá. Tình hình này buộc nhiều doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất vì càng sản xuất càng lỗ.
Một doanh nghiệp xi măng đã từng phải cho dừng 4 dây chuyền sản xuất cho biết, giá than cám loại 4b mà đơn vị này nhập về đã lên tới 5,5 triệu đồng/tấn, trong khi trước kia chưa đến 2 triệu đồng/tấn. Cùng đó, giá xăng dầu cũng tăng hơn 50% trong nửa đầu năm 2022, giá thạch cao tăng 50%. Các yếu tố này đã đẩy toàn bộ chi phí sản xuất xi măng tăng phi mã.
Mỗi tấn xi măng sản xuất ra có giá thành 1,4-1,5 triệu đồng, trong khi giá bán ra thị trường chỉ 1,1 – 1,3 triệu đồng. Với mỗi tấn xi măng, doanh nghiệp đang lỗ từ 200.000 đến 240.000 đồng. Trong khi đó, thị trường lại đang dư thừa khiến doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tạm dừng sản xuất để tránh lỗ kéo dài.
Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vicem Hoàng Thạch Lê Xuân Khôi chia sẻ, với 3 dây chuyền sản xuất, đơn vị này cũng khá chật vật với tiêu thụ trong tình hình ngành xi măng thừa cung. Nếu giá nguyên, nhiên liệu tăng quá mức, việc dừng 1 lò nung cũng nằm trong kịch bản được tính toán của doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, hiện áp lực tiêu thụ ngành xi măng đang tập trung vào thị trường trong nước do xuất khẩu những tháng vừa qua giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng vẫn tăng cao, đặc biệt là giá than khiến các doanh nghiệp xi măng gặp nhiều khó khăn.
Chỉ tính riêng tháng 8, sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 8,86 triệu tấn. Con sôs này mặc dù đã tăng 3,01 triệu tấn so với tháng 7 trước đó nhưng vẫn giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 6,36 triệu tấn; trong đó, riêng sản phẩm của hệ thống Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) tiêu thụ khoảng 2,01 triệu tấn; lượng xi măng xuất khẩu ước đạt khoảng 2,5 triệu tấn.
Video đang HOT
Tính chung, trong 8 qua, lượng xi măng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 65,33 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, tiêu thụ trong nước là 43,56 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 21,77 triệu tấn, giảm tới 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tồn kho của cả nước trong 8 qua khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương từ 25 đến 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker. Sau 3 lần điều chỉnh tăng giá bán từ đầu năm 2022 đến nay, tại thời điểm kết thúc tháng 8, giá bán xi măng vẫn duy trì ở mức tương đương tháng 7.
Tiêu thụ nội địa chậm, doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp, nhưng bán hàng rất vất vả. Nhiều nhà phân phối cho biết, giá xi măng tăng cao, nên người tiêu dùng không muốn xây sửa nhà, do thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh suốt 2 năm qua, thậm chí có nhà đang xây dựng cũng tạm dừng.
Liên quan quan đến việc tăng giá này, các chuyên gia chỉ rõ, không riêng gì mặt hàng xi măng, chỉ số giá vật liệu xây dựng nói chung cũng đều tăng theo giá nguyên vật liệu.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá xây dựng tháng 8/2022 đã tăng 3,71% so với thời điểm đầu năm, tác động chính đến từ sự tăng giá của các vật liệu đầu vào như nhựa đường, xi măng… cùng với nhu cầu xây dựng tăng cao.
Với nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, chỉ số nhóm này trong tháng 8/2022 đã tăng 0,26% so với tháng trước. Cụ thể, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,54% do công sơn tường, lát gạch, xây tường, công lao động phổ thông tăng và nhu cầu xây dựng tăng cao.
Cùng đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng 0,49% do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.
Như vậy, tính chung 8 tháng qua, chỉ số giá vật liệu xây dựng đã tăng 1,4% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng trong giai đoạn này. Giá tiêu dùng, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16%.
Từ quý II đến nay, mặc dù giá thép đã có nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng xi măng, gạch cát… vẫn đồng loạt tăng giá, chưa “hạ nhiệt” kể từ đầu năm đến nay khiến nhiều người dân có kế hoạch xây dựng nhà cửa phải đắn đo. Giá vật liệu xây dựng “leo thang” nhanh đang ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và thi công các công trình hạ tầng.
Nhiều nhà thầu phản ánh, cơn sốt giá vật liệu xây dựng khiến họ đứng trước nhiều khó khăn, rủi ro. Nhiều nhà thầu phàn nàn việc thiếu nguyên vật liệu hoặc buộc phải mua với giá cao hơn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không có khả năng bù đắp chênh lệch giá nên sẽ bỏ công trình và đối mặt với nguy cơ phá sản.
Bộ Xây dựng nhận định, hiện nay, theo quy định, các địa phương xác định và công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh (chung hoặc theo các khu vực); tổ chức xác định và công bố chỉ số giá xây dựng của các loại công trình trên địa bàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, công bố giá của của địa phương còn chậm, đa số theo quý và chưa sát với thị trường. Danh mục công bố còn thiếu nhiều loại vật liệu xây dựng chủ yếu. Giá công bố tại các thời điểm khác nhau, nhiều khi không cập nhật so với biến thị trường dẫn đến giá lập dự toán, đấu thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện giải pháp quản lý của nhà nước nhằm kiểm soát và tránh hiện tượng tăng giá từ các nguyên nhân đầu cơ, thổi giá.
Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu các địa phương cần phải công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng, sát với biến động của thị trường để bù đắp các biến động giá cho các nhà thầu xây dựng. Mặc dù vậy, những khó khăn vẫn hết “bủa vây” doanh nghiệp.
Nguyên nhiêu liệu đầu vào tăng cao, sản xuất xi măng gặp khó
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng; trong đó có VICEM.
Dây chuyền số 4 Nhà máy xi măng Thành Thắng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ảnh minh họa: Thanh Tuấn/TTXVN
Điển hình là việc giá xăng, dầu, than... tiếp tục tăng cao. Đặc biệt giá than nhập khẩu có thời điểm lên đến 490 USD/tấn, đồng thời nguồn cung khan hiếm. Điều này khiến thị trường xuất khẩu clinker, xi măng gặp nhiều khó khăn.
Trong điều kiện nguồn than khó khăn, các đơn vị của VICEM đã nghiên cứu sử dụng than phẩm cấp thấp để đốt lò. Điều này tuy có ảnh hưởng đến năng xuất và tiêu hao nhiệt của lò song đã duy trì hoạt động liên tục của các lò nung clinker.
Nhờ đó, tổng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ của VICEM trong 2 quý đầu của năm 2022 đạt 14,12 triệu tấn bằng 47% kế hoạch năm và bằng 95,6% cùng kỳ năm 2021; trong đó, tiêu thụ xi măng 12,775 triệu tấn bằng 49% kế hoạch năm, tăng 8% cùng kỳ năm trước; xuất khẩu đạt 1,682 triệu tấn bằng 41,9% kế hoạch năm và bằng 80,6% cùng kỳ 2021.
Theo đó, tổng doanh thu của VICEM đạt 19.219 tỷ đồng bằng 51,2% kế hoạch năm, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 1.108,6 tỷ đồng bằng 51,7% kế hoạch năm và chỉ bằng 86,4% cùng kỳ; nộp ngân sách đạt 1.099 tỷ đồng bằng 56,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng đó, VICEM đã thực hiện hiệu quả chương trình đốt rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế. Riêng 2 quý đầu năm, lượng rác thải đã sử dụng tại 4 đơn vị của VICEM là 91.967 tấn, lượng bùn thải là 49.770 tấn, lượng tro, xỉ làm nguyên liệu điều chỉnh là 1,5 triệu tấn. Khối lượng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên đạt khoảng 49.089 tấn...
Một trong những điểm sáng của VICEM trong năm 2022 là đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sửa chữa, cải tạo xử lý "nút thắt" dây chuyền; sử dụng hiệu quả tài nguyên, tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, nhiên liệu thay thế; triển khai các giải pháp để ổn định nguồn than cho sản xuất.
Về tiêu thụ, VICEM đã linh hoạt sử dụng chính sách bán hàng theo định hướng gia tăng chính sách gắn với tăng sản lượng. VICEM đã xây dựng nhiều giải pháp để đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh phương án tiêu thụ tại khu vực miền Trung -Tây Nguyên. Đồng thời, thực hiện xuất khẩu ủy thác xi măng, clinker; tham vấn giá xuất khẩu, giới thiệu khách hàng nhập khẩu và hỗ trợ các đơn vị thành viên về điều kiện cần thiết.
Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh cho biết, để đảm bảo các mục tiêu của năm, VICEM sẽ tăng cường theo dõi, giám sát vận hành và thực hiện các giải pháp đồng bộ về quản lý, điều hành sản xuất để khắc phục tồn tại, vướng mắc về công nghệ, thiết bị nhằm giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu.
Bên cạnh đó, VICEM tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể tình trạng thiết bị, công nghệ của các dây chuyền sản xuất để đẩy nghiên cứu giải pháp cải tiến, cải tạo thiết bị trong dây chuyền để sử dụng than có phẩm cấp thấp trong sản xuất clinker nhằm đa dạng hóa nguồn than, giảm áp lực, đáp ứng cho sản xuất...
Khâu tiêu thụ sản phẩm sẽ theo dõi diễn biến của thị trường để xây dựng giải pháp thúc đẩy lưu thông hàng hóa; linh hoạt trong chính sách bán hàng để tăng sản lượng, thị phần tiêu thụ xi măng trong nước.
Ngoài ra, VICEM chủ động bám sát biến động về nhu cầu nhập khẩu, thông tin thị trường để đề xuất giải pháp thực hiện xuất khẩu cho đơn vị thành viên; tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để đa dạng hóa khách hàng và nguồn xuất khẩu trong VICEM; nâng cao vai trò tư vấn xuất khẩu của VICEM cho các đơn vị thành viên để giảm thiểu rủi ro pháp lý, loại bỏ cạnh tranh nội bộ, đạt hiệu quả cao từ xuất khẩu.
Hiện VICEM đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ chi tiết trên từng địa bàn và các giải pháp cụ thể; trong đó đầu tư nguồn lực cho tiêu thụ xi măng trong nước trên cơ sở hiệu quả (điều chỉnh chính sách bán hàng linh hoạt gắn liền gia tăng sản lượng) để tăng sản lượng xi măng, tăng thị phần, chuẩn bị thị trường cho năm 2023.
Đối với thị trường xuất khẩu, VICEM xây dựng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để gia tăng sản lượng và phát triển thị trường xuất khẩu bền vững.
Đứng vững trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI Phụ tùng xe máy FOMECO chất lượng cao thỏa mãn yêu cầu của thị trường xuất khẩu; đồng thời giúp FOMECO đứng vững trong chuỗi cung ứng của Honda, Piaggio, Yamaha, Suzuki. Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Cơ Khí Phổ Yên (FOMECO) Thành lập ngày 19/10/1974 với tên gọi "Nhà máy vòng bi", Công ty Cổ phần Cơ Khí...