Giảm nhẹ mức phạt, lùi hạn xử “xe không chính chủ”
Cùng với việc giảm sâu nhiều mức phạt hành chính các vi phạm giao thông đường bộ – đường sắt thì việc lùi thời hạn xử phạt “ xe không chính chủ” đến năm 2015 là những nội dung mới nhất trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành.
Trong Nghị đinh 171/2013/NĐ-CP mới ban hành, một số quy định được người dân đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến phản hồi là quy định về tạm giữ phương tiện, quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (xe không chính chủ)… đã được sửa đổi để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế.
Cụ thể: Đối với quy định về xử phạt xe không chính chủ, mức phạt đối với mô tô, xe máy giảm xuống còn 100.000 – 200.000 đồng (mức phạt trước đây là 800.000 – 1.200.000 đồng); mức phạt đối với ô tô là 1.000.000 – 2.000.000 đồng (mức phạt trước đây là 6.000.000 – 10.000.000 đồng).
Thời điểm áp dụng quy định xử phạt “xe không chính chủ” được thực hiện theo lộ trình sau: Đối với xe ô tô từ 1/1/2015 và đối với mô tô, xe máy từ 1/1/2017. Đồng thời, giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt theo hướng quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe chứ không kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên đường để tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.
Nghị định mới của Chính phủ đã giảm nhẹ mức phạt “xe không chính chủ”
và lùi thời hạn xử phạt đến năm 2015
Ngoài ra, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP cũng tiếp tục giao Bộ Công an, Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục chuyển tên chủ phương tiện theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bao gồm cả thủ tục đăng ký sang tên xe tại cơ quan công an và thủ tục nộp lệ phí trước bạ tại cơ quan tài chính, quy định rõ đối tượng có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe.
Video đang HOT
Như vậy, cùng với việc lệ phí trước bạ khi đăng ký từ lần thứ 2 trở đi đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi được giảm xuống còn 2% theo quy định tại Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ và thủ tục đăng ký cho những phương tiện đã qua nhiều chủ được đơn giản hoá theo quy định của Bộ Công an tại Thông tư số 12/2013/TT-BCA ngày 01/3/2013, quy định lùi thời điểm xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP đã tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trước khi nhà nước áp dụng các hình thức xử lý vi phạm để bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc.
Đối với quy định về việc tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, thời gian tạm giữ đã giảm xuống còn đến 7 ngày (trước đây là đến 10 ngày), số lượng các trường hợp tạm giữ cũng giảm nhiều so với trước đây.
Nghị định mới ban hành chỉ quy định tạm giữ phương tiện đối với những vi phạm của người điều khiển có tính chất nguy hiểm, nếu để người vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao như hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ…hoặc những vi phạm về điều kiện an toàn của phương tiện như điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe, điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số), điều khiển xe ô tô không đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, điều khiển xe mà không có Giấy phép lái xe…
Trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm không tăng mà được giữ nguyên như các Nghị định trước đây và có giảm nhẹ đối với một số hành vi như: Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe, chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định; Quy định thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 04 tháng thay cho hình thức tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không thời hạn.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng quy định thêm một số hành vi mới bị xử phạt như: điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; người ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe (trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước – PV).
Nhiều mức phạt vi phạm giao thông được giảm nhẹ so với trước
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm cũng được mô tả chi tiết, cụ thể hơn, giúp cho việc xác định hành vi vi phạm được chính xác hơn, điển hình là việc mô tả chi tiết từng hành vi vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải như : “Không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định”, “không đánh số thứ tự ghế ngồi trên xe ô tô chở hành khách”… thay vì quy định chung “Không bảo đảm các điều kiện về kinh doanh vận tải”… như các Nghị định trước đây;
Các hành vi vi phạm khác của người điều khiển xe ô tô được mô tả chi tiết để xác định vi phạm, như: Vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái; Hành vi vi phạm của người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy “không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”.
Với việc ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được quy định chi tiết, đúng tinh thần của Luật, là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện, đưa Luật Xử lý vi phạm hành chính từng bước đi vào cuộc sống trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường sắt.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014 và thay thế các Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt và Nghị định số 156/2007/NĐ-CP ngày 19/10/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2006/NĐ-CP.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Phạt nặng quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su trong giờ cơm
Quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chưa bệnh ngoài da... trên đài phát thanh, truyền hình trong khoảng thời gian từ 18h đến 20h hàng ngày sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng; đồng thời, phòng karaoke sử dụng nhân viên phục vượt quá số lượng quy định cũng bị phạt.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Với những quy định cụ thể tại Nghị định cho thấy, các đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu vi phạm sẽ chịu mức phạt khá nặng.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là 50 triệu đồng; trong lĩnh vực quảng cáo là 100 triệu đồng.
Một trong những nội dung xử phạt theo Nghị định là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo trên báo nói, báo hình mà không có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.
Đặc biệt, Nghị định cũng quy định xử phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng khi quảng cáo băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự trên đài phát thanh, truyền hình trong khoảng thời gian từ 18h đến 20h hàng ngày.
Với các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, nếu quảng cáo thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, quảng cáo thuốc bị xử phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Các hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam trong quảng cáo mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia; sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam bị phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng.
Với hành vi quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca... bị xử phạt từ 70 triệu đến 90 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định, các hành vi kinh doanh trò chơi điện tử có địa điểm cách trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dưới 200m; kinh doanh karaoke và vũ trường ở địa điểm cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ quan hành chính nhà nước dưới 200m; tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử từ sau 10h đêm đến 8h sáng... bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/hành vi.
Theo Điều 19, vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke vượt quá số lượng quy định; treo tranh, ảnh, lịch hay đồ vật có nội dung khiêu dâm, kích động, đồi trụy tại vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng...
Theo Dantri
Phạt nặng hành vi tu bổ, tôn tạo di tích trái phép Từ 1-1-2014, Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm về văn hóa là 50 triệu đồng và 100 triệu đồng cho hành vi vi phạm về quảng cáo, bên cạnh...