Giảm lương, chuyện của sẻ chia và trách nhiệm
Hôm nay (16/4) là tròn đúng một tháng kể từ ngày LS V-League 2020 tạm dừng. Diễn biến gần nhất là nhiều đội bóng đã đồng loạt giảm lương cầu thủ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Giảm lương cầu thủ được coi như xu hướng chung của bóng đá thế giới hiện thời. Chuyện này buộc phải làm với cả những đội bóng lớn, tiềm lực kinh tế đủ đầy.
Không thi đấu, bóng ngừng lăn, V-League chưa biết ngày trở lại, quá trình như thế sẽ kéo thêm thời gian hoạt động cho một mùa bóng. Phát sinh chi phí khó tránh khỏi, trong khi nguồn lực hoạt động cho dù từ nhà tài trợ hay của địa phương đã được bó gọn “một cục” cho kế hoạch từ đầu rồi.
Nhiều CLB đã giảm, vài đội đang chờ tình hình
Gần nhất, những thành viên của CLB Sài Gòn chấp nhận giảm 20% lương tháng 4 như hành động san sẻ cùng đội bóng. Chủ tịch Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành thông tin rằng sau cuộc họp nội bộ, các thành viên đã thống nhất bước đầu về việc giảm lương như thế.
Đến thời điểm này Sài Gòn là CLB thứ 6 ở V-League thực hiện cắt giảm lương cầu thủ để trang trải gánh nặng tài chính khi các hoạt động bóng đá vẫn phải “cách ly”.
Trước đó, CLB Nam Định giảm 25% lương tháng 4. CLB TP.HCM giảm 30% lương tháng 4, 40% lương tháng 5 và 50% lương tháng 6 nếu V-League vẫn chưa thể diễn ra. Đội bóng xứ Thanh đã giảm 30% lương từ tháng 3, thêm 40% lương tháng 4, sẽ lên mức 50% trong tháng 5, nếu các hoạt động bóng đá vẫn chưa chốt ngày trở lại.
Câu chuyện giảm lương cũng đã được thực hiện ổn thỏa ở tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Tập thể đội bóng đã chung tay cho cắt giảm từ 20 đến 30% lương nhằm chia sẻ gánh nặng cùng CLB. Tùy theo mức lương nhận được sẽ có mức giảm tương ứng ở đội bóng Hà Tĩnh.
Những thành viên nào hưởng lương từ 30 triệu đồng trở lên, mức giảm là 30%; lương từ 20 triệu đến 29 triệu đồng, mức giảm 25%; lương dưới 20 triệu đồng, mức giảm 20%. Phương án cắt giảm được CLB áp dụng theo từng tháng kể từ tháng 4 và sẽ được điều chỉnh phù hợp khi giải đấu chính thức trở lại.
Với Quảng Nam FC, Chủ tịch CLB Nguyễn Húp chia sẻ: “Mỗi năm tổng chi phí dành cho đội bóng chúng tôi vào khoảng 70 tỉ đồng, trong đó tỉnh đầu tư khoảng 1/3, số còn lại do 3 nhà tài trợ chi trả. Chúng tôi đang đề xuất giảm lương trong tháng 4 và 5. Nếu giảm thì tổng số tiền giảm khoảng 1 tỉ đồng. Không phải quá nhiều.
Đây cũng là một cách để các thành viên trong đội chia sẻ khó khăn với tỉnh và các chủ đầu tư. Mức giảm của đội bóng là giống nhau cho tất cả thành viên vào khoảng 30%. Nếu giải trở lại trong tháng 6, cả đội lại được nhận lương đầy đủ như trước. Các cầu thủ đều mưu sinh bằng nghề đá bóng nên nếu bị cắt giảm chi tiêu, đời sống sẽ gặp khó khăn”.
Sài Gòn FC là đội bóng mới nhất ở LS V-League 2020 mà cầu thủ đồng lòng giảm lương để chia sẻ với CLB. Ảnh: VPF
Ở chiều ngược lại, vẫn có nhiều đội bóng tại V-League hiện chưa có quyết định về việc giảm lương cầu thủ. Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cho biết chưa tính đến chuyện giảm lương của các cầu thủ, vì quỹ lương của CLB vẫn ở mức dễ chịu so với mặt bằng chung.
Nói như lãnh đạo đội bóng sông Hàn thì ở CLB không có nhiều cầu thủ thuộc hàng “ sao số” cũng như cũng chẳng ký kết các hợp đồng “bom tấn”, nên thu nhập của cầu thủ không nằm vào mức cao như các đội bóng khác. Tuy vậy, tùy vào diễn biến cụ thể trong thời gian sắp tới, SHB Đà Nẵng sẽ cùng cầu thủ ngồi lại với nhau để tìm thêm phương án ổn thỏa, vẹn cả đôi đường.
Còn Hà Nội FC cam kết đảm bảo lương, thưởng cho các cầu thủ đến ít nhất tháng 9, đồng thời đội bóng ĐKVĐ V-League cũng sẽ đảm bảo quyền lợi và duy trì hoạt động của các tuyến trẻ, cùng chế độ cho cán bộ nhân viên. Cũng như Hà Nội FC, từ nay cho đến hết tháng 6, CLB HAGL cũng sẽ chưa cắt giảm lương với các thành viên đội bóng.
Giảm lương, câu chuyện tế nhị được sự đồng lòng của giới cầu thủ
Việc cắt giảm lương vẫn được coi như vấn đề tế nhị ở mỗi đội bóng. Vì thế, khi đề cập đến câu chuyện này, đa phần lãnh đạo mỗi CLB luôn nhìn nhận vấn đề tất cả phải cùng nhau chia sẻ .
Sự đồng tình cũng như quyết định đưa ra đều trên tinh thần các bên cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc, thỏa thuận để đi tìm tiếng nói chung nhất để tất cả cùng thấy thoải mái. Lúc đó, không có sự áp đặt từ lãnh đạo, đồng thời nhận lại cảm thông và san sẻ trách nhiệm của mỗi thành viên đội bóng.
Nói cách khác, trong bối cảnh hiện tại, các CLB buộc phải bàn đến chuyện này, cùng với đó cầu thủ cũng ý thức được trách nhiệm của mình với tập thể.
Nói nhạy cảm là vậy, khi dựa trên hợp đồng hay quyền lợi của từng cá nhân. Còn thực ra, với việc kinh phí không phải quá dư dả ở một số đội bóng, chưa kể nhiều đội còn khá eo hẹp thì chuyện giảm lương như việc phải chấp nhận mà thôi.
Lúc này, như đã nói, ngoài gói kinh phí đã được duyệt từ đầu cho mối mùa bóng thì đâu còn nguồn thu khác. Giải đấu tạm dừng thì câu chuyện có thêm kinh phí từ bán vé (dù không phải quá nhiều) cũng là bất khả thi.
Thậm chí, vì chưa biết bao giờ hết dịch bệnh, chẳng biết lúc nào bóng lăn trở lại, nên nguy cơ nợ lương sẽ hiển hiện chứ không chỉ còn cắt giảm nữa.
Giảm lương trong bối cảnh này đâu chỉ có địa hạt bóng đá. Đa phần người lao động cũng phải như thế, thậm chí họ giảm việc hay cả mất việc tạm thời.
Bóng đá cũng không thể nằm ngoài vòng quay khó khăn ấy. Hơn lúc nào hết, bây giờ tất cả những ai đang tham gia vào đời sống bóng nước nhà cần nêu cao tinh thần tự giác. Không chỉ trách nhiệm với nghề của mình, với bóng đá, trách nhiệm cùng cộng đồng cũng chính từ đây.
Trần Tuấn
V-League tìm tiếng nói chung trong mùa dịch
Đây thực sự là một thách thức với giải bóng đá VĐQG, LS V-League 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng từng ngày tới các CLB. Các đội bóng có thể tìm được tiếng nói chung hay không, khi phương án đá như bình thường đã bị "vỡ" vì dịch?
V-League cần sự đồng thuận của các đội bóng để tiếp tục diễn ra
Cuộc họp trực tuyến hôm 31/3 của VPF với 13 đội bóng V-League chưa đưa ra được quyết định cuối về phương án cho V-League trở lại sau khi hết dịch. Tuy nhiên tạm thời đã có 1 số kiến nghị được các CLB đưa ra.
Phương án dự kiến của VPF là đá tập trung tại miền bắc, xét trên các yếu tố tiết kiệm chi phí, có cơ sở vật chất, sân bãi... Kế hoạch này sẽ giúp rút ngắn thời gian tổ chức lượt đi, tạo điều kiện cho giải kết thúc đúng hạn để cuối năm, đội tuyển Việt Nam có thời gian tập trung cho Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020. HLV Park Hang Seo chắc chắn sẽ phàn nàn nếu V-League khiến đội bóng của ông không đủ thời gian chuẩn bị cho 2 giải đấu trên, vốn đều rất quan trọng.
Một loạt đề xuất khác đã được các CLB đưa ra, gồm các khả năng như: V-League chỉ đá 1 lượt không có đội xuống hạng, đá theo thể thức lượt đi-về như bình thường. Dễ thấy dù còn một vài ý kiến gay gắt (như Chủ tịch Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành phát biểu trên báo), nhưng hầu hết các đội bóng còn lại đều tham dự cuộc họp với tinh thần xây dựng rất cao.
Hãy nhìn thực tế giải Ngoại hạng Anh, vốn đã trôi qua gần hết mùa (29/38 vòng) với chức vô địch khó thoát khỏi tay Liverpool (82 điểm so với 57 điểm của đội đứng thứ nhì Manchester City), trong số phương án đưa ra vẫn có đề nghị huỷ giải, năm sau đá lại. Chuyện này nghe qua vô lý nhưng lại hoàn toàn có thể giải thích được.
Phương án huỷ giải gần như chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của ít nhất 5 đội đang đứng cuối bảng xếp hạng gồm: West Ham United, Watford, AFC Bournemouth (27 điểm), Aston Vila (25 điểm) và Norwich City (21 điểm). Thậm chí Brighton & Hove Albion (29 điểm) cũng có thể ủng hộ phương án này khi vẫn còn đứng trước rủi ro rớt hạng. Nhưng Liverpool chắc chắn sẽ phản ứng dữ dội.
COVID-19 đã ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống bóng đá trên thế giới, tình cảnh ở giải Ngoại hạng Anh hiện nay cũng là những gì Serie A, Liga, Bundesliga...và cả bóng đá Đông Nam Á, trong đó có V-League đang phải đối diện. Các cuộc họp được tổ chức ở khắp nơi nhằm giúp bóng đá vượt qua được giai đoạn khó khăn. Một loạt đội bóng đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu trái bóng không lăn trở lại.
Điều dễ thấy là mỗi CLB khi bước vào một cuộc họp đều sẽ đưa ra những ý kiến theo hướng đảm bảo tối đa lợi ích cá nhân. Hãy trở lại với V-League để thấy rõ thêm điều này. Những đội bóng đề nghị thi đấu không có suất xuống hạng gồm Quảng Nam, Đà Nẵng hay SLNA. Trên thực tế đây đều là những đội nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng, thực lực không mạnh và tài chính cũng vừa phải. Đà Nẵng xuất phát từ nhu cầu cắt giảm ngoại binh để tiết kiệm chi phí. Nhưng những đội bóng mạnh như Hà Nội đã lập tức bắn đi tín hiệu không ủng hộ phương án này. Nói vui như HLV Lê Thuỵ Hải thì bóng đá "búng tai", không có lên xuống hạng thì còn gì tính cạnh tranh.
Với Nam Định, mối ưu tiên hàng đầu là được tổ chức trên sân Thiên Trường có khán giả. Điều này cũng dễ lý giải, Thiên Trường luôn nằm trong tốp các sân bóng thu hút đông khán giả nhất ở V-League, có những trận trên 20.000 CĐV. Tiền vé là nguồn thu đáng kể với một đội bóng tiềm lực tài chính không mạnh như đội bóng của HLV Nguyễn Văn Sỹ.
Bất chấp dịch bệnh đang hết sức nghiêm trọng, các giải bóng đá VĐQG châu Âu vẫn đang nỗ lực để vượt qua. Đức và Ý, thậm chí cả Anh đang tính tới một loạt phương án, gồm cả đá tập trung trong mùa dịch. Mỗi đội bóng có một nhu cầu khác nhau, và rõ ràng đó là bài toán rất khó để BTC các giải đấu có thể đưa ra một đáp án hoàn hảo. Nam Định tới đây có thể sẽ phải chấp nhận việc V-League trở lại với các trận đấu trên sân không có khán giả, như một bước đệm đảm bảo sự an toàn ngay cả đã công bố hết dịch.
Mười bốn đội bóng V-League sẽ phải chấp nhận thực tế không thể đưa ra 1 phương án đáp ứng đủ 100% mong muốn của từng đội. Khi đó, V-League chắc chắn cần sự đồng thuận theo đa số để có thể tiếp tục lăn bánh.
NGUYÊN PHONG
Hà Đức Chinh sẵn sàng ra sân cùng SHB Đà Nẵng Sau đúng 1 tháng từ ngày phải nhập viện để điều trị men gan cao, đến thời điểm này, tiền đạo Hà Đức Chinh đã trở lại tập luyên chuyên môn cùng đồng đội. Tuy nhiên, do LS V-League 2020 tạm nghỉ, Đức Chinh chỉ có những bài tập chay trong bối cảnh CLB SHB Đà Nẵng "cấm trại" tại đại bản doanh...