Giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 750/QĐ-TTg về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cụ thể, lãi suất cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm giảm từ 7,2%/năm (0,6% tháng) xuống còn 6,6%/năm (0,55% tháng).
Lãi suất cho vay đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn giảm từ 9,6%/năm (0,8%/tháng) xuống còn 9,0%/năm (0,75%/tháng).
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 5/6/2015 và áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ khi Quyết định có hiệu lực thi hành.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, sau 12 năm hoạt động, với mạng lưới trải rộng từ Trung ương tới cơ sở và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được 136.750 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến ngày 31/12/2014 đạt 129.456 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần so với thời điểm thành lập.
Theo thống kê, đã có trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng doanh số cho vay trên 285 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng đã góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động, trong đó có trên 104 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 6 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, gần 700 nhà chòi tránh lũ cho hộ nghèo ở 7 tỉnh miền Trung, trên 102 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc.
Video đang HOT
Kết quả trên đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững từ đó góp phần vào những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Phương Nhi
Theo_Báo Chính Phủ
Khung pháp lý chung điều chỉnh hoạt động tài chính vi mô
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô (TCVM) của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo số liệu thống kê, hiện có 30 chương trình, dự án TCVM của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong, ngoài nước đang hoạt động tại 23 tỉnh, thành phố. Các chương trình, dự án TCVM đều thực hiện hoạt động TCVM với tên gọi là "Quỹ ...", "Hội ...", hoặc "Chương trình ...".
Hoạt động TCVM của các chương trình, dự án chủ yếu là cho vay với các khoản vay nhỏ, dưới 30 triệu đồng, được chia thành các gói sản phẩm từ thấp đến cao tính theo giá trị khoản vay, phù hợp với khả năng sản xuất, kinh doanh và khả năng tài chính của từng nhóm khách hàng, thấp nhất là 1,5 triệu đồng. Thời hạn cho vay chủ yếu là ngắn hạn và trung hạn đến 3 năm, phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Vốn hoạt động chủ yếu là vốn chủ sở hữu của chương trình, dự án.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Chương trình, dự án TCVM đã khẳng định sự cần thiết và vai trò của TCVM trong việc cho vay đối với cá nhân và hộ gia đình nghèo, có thu nhập thấp để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là cá nhân, hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, không có khả năng tiếp cận vốn vay của các NHTM, cá nhân, hộ gia đình ở các vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, do năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro chưa tương xứng với quy mô hoạt động ngày càng tăng, nhiều chương trình, dự án có quy mô lớn không đủ điều kiện để được cấp phép chuyển đổi thành tổ chức TCVM.
Bên cạnh đó, hệ thống khung pháp lý đối với hoạt động TCVM hiện nay chưa có sự đồng bộ để điều chỉnh hoạt động và quản lý, giám sát hoạt động của loại hình tổ chức hoạt động TCVM. Chưa có đơn vị đầu mối trong việc thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các chương trình, dự án TCVM.
Thực tế đòi hỏi cần có khung pháp lý chung điều chỉnh tổ chức, hoạt động của các chương trình, dự án TCVM. Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hoạt động của các chương trình, dự án TCVM.
Thành lập, đăng ký chương trình, dự án tài chính vi mô
Theo dự thảo, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước, tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thực hiện hoạt động TCVM phải thành lập chương trình, dự án. Các tổ chức nói trên chỉ được thực hiện hoạt động TCVM sau khi được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép.
Theo dự thảo, việc thành lập chương trình, dự án của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước để hoạt động TCVM thực hiện theo quy định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội và các quy định của pháp luật liên quan. Việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội thực hiện theo quy định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và các quy định của pháp luật liên quan.
Dự thảo nêu rõ, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được thành lập chương trình, dự án TCVM hoặc kể từ ngày sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước, tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải đăng ký hoạt động TCVM, việc bổ sung, sửa đổi nội dung hoạt động TCVM theo quy định với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi có chương trình, dự án TCVM.
Trong thời hạn 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động, chương trình, dự án TCVM phải thông báo công khai tại trụ sở của chương trình, dự án TCVM và thông báo trên đài phát thanh của địa phương về nội dung hoạt động, phạm vi hoạt động, địa bàn hoạt động, đối tượng phục vụ của chương tình, dự án TCVM.
Trước ngày khai trương hoạt động, chương trình, dự án TCVM phải có trụ sở làm việc, phương tiện, trang thiết bị cần thiết, bảo đảm thuận lợi, an toàn cho hoạt động của chương trình, dự án TCVM.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên website của cơ quan này.
Tuệ Văn
Theo_Báo Chính Phủ
Cho vay lãi cao hơn 200% lãi suất cơ bản chưa bị quy là "tín dụng đen" Lãi suất cho vay theo thỏa thuận được quy định tại dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi được nâng từ mức khống chế không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố hiện nay lên mức 200%. UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về vấn đề này trong phiên thảo luận ngày...