Giảm giãn cách, tăng ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Liên tục 34 ngày qua, cả nước không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Đối với những trường hợp trở về từ nước ngoài đều được cách ly an toàn.
Cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.
Gần 5 tháng qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đồng tâm, hiệp lực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở quy mô chưa từng có tiền lệ. Với tinh thần “ Chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh ngay từ đầu, “sẵn sàng kịch bản xấu nhất để không xảy ra tình huống tệ nhất”. Kết quả phấn khởi là dịch bệnh được kiểm soát, sau thời gian giãn cách xã hội đã từng bước trở lại nhịp sống bình thường, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh.
Trải qua thời gian phòng, chống dịch bệnh, điều nhận thấy rõ nhất chính là ý thức của người dân đã được nâng lên cao độ. Mỗi người đều thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế, có ý thức đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay nhiều hơn, hạn chế tụ tập đông người, hạn chế bắt tay… và nhất là có ý thức phòng bệnh cao hơn. Có thể nói, cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ thì ý thức người dân chính là “liều thuốc đủ mạnh” để đẩy lùi dịch bệnh.
Bài học nhãn tiền ở một số quốc gia cho thấy, sự lơ là, chủ quan, sớm nới lỏng giãn cách, khiến dịch bệnh bùng phát trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn. Lo ngại “làn sóng thứ 2″ khi có nhiều cas bệnh nhập cảnh, chúng ta chuẩn bị mọi phương án thận trọng để có thể đưa công dân về nước an toàn, vừa tránh được các nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng.
Với sự chung sức, đồng lòng của cả nước, chúng ta triển khai mạnh mẽ biện pháp “kiểm soát bên trong, siết chặt bên ngoài”, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, tập trung điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 phục hồi, nhanh chóng ra viện và khẩn trương nghiên cứu vaccine.
Ở An Giang, người dân luôn đồng hành cùng chính quyền và các cấp, ngành thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Có đường biên giới dài tiếp giáp Campuchia, chúng ta liên tục bố trí nhiều chốt tuần tra, kiểm soát nhằm đảm bảo “ngăn ngừa dịch bệnh từ bên ngoài” kết hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Video đang HOT
Đặc biệt, trong giai đoạn cách ly xã hội, các tầng lớp nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch bệnh, tuy phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế… nhưng được thực hiện rất nghiêm túc, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Hình ảnh những đường phố vốn dĩ nhộn nhịp nay vắng vẻ, những hàng quán đóng cửa, nhiều điểm sinh hoạt vui chơi, giải trí, khu du lịch treo biển tạm nghỉ… cho thấy tinh thần chống dịch bệnh của nhân dân nâng lên cao độ.
Chiều 18-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký Công văn số 533/UBND-KGVX yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nội dung công việc theo tinh thần Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 15-5-2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các địa bàn đô thị, nơi đông dân cư; phải bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết không để dịch bệnh quay trở lại. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng và trên phương tiện hành khách công cộng đông người, rửa tay, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc ở nơi đông người.
Tiếp tục ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài; chưa mở cửa đón du khách quốc tế. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở, đường thủy trên các tuyến biên giới; thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung đối với tất cả những người nhập cảnh, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, công chức thực hiện công vụ, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam được tạo điều kiện nhập cảnh nhưng phải thực hiện cách ly phù hợp.
Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, đặc biệt chú ý quản lý tốt, tạo thuận lợi nhưng bảo đảm chặt chẽ trong thực hiện cách ly y tế đối với các chuyên gia, công nhân tay nghề cao, nhà quản lý được nhập cảnh. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện gói an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, trục lợi chính sách.
Đại diện chính quyền không được ép người dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm. Đồng thời, xử lý nghiêm việc tung tin thất thiệt liên quan đến phòng, chống dịch bệnh. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất – kinh doanh, xúc tiến, thu hút đầu tư, xuất-nhập khẩu để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong điều kiện bình thường mới.
UBND tỉnh đề nghị UBMTTQVN tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh về tình hình vận động quỹ Covid-19 và sử dụng, phân bổ các khoản kinh phí ủng hộ cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, phối hợp Sở Y tế và Sở Tài chính đề xuất vận động, sử dụng, phân bổ kinh phí công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới theo quy định. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết toán bước một việc sử dụng kinh phí phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định, tránh sai phạm. Giao Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị thực hiện quyết toán theo quy định.
Cán bộ y tế và người làm công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được hưởng các chế độ phụ cấp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh tiếp tục hoạt động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước giao Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời phối hợp Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh đề xuất tiêu chí xét khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình, có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua
Lo dịch bệnh Covid-19, không quên sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang đã xảy ra hơn 800 cas mắc sốt xuất huyết, trong đó có 171 cas nặng, nhiều địa phương có số cas mắc tăng cao hơn so cùng kỳ. Giữa thời điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, điều kiện ăn ở sinh hoạt của các gia đình tập trung nhiều hơn, cộng với thời tiết bất thường, xuất hiện mưa, là yếu tố rất đáng quan tâm để chủ động phòng sốt xuất huyết.
Tổ chức xuống địa bàn dân cư kiểm tra môi trường sinh hoạt kết hợp tuyên truyền cho người dân về sốt xuất huyết
Tại TX. Tân Châu, từ đầu năm đến nay, bệnh sốt xuất huyết và tay- chân- miệng tiếp tục xảy ra. Toàn thị xã ghi nhận 58 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm 2019, số cas mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 20 cas, có 6 cas bệnh nặng. Trung tâm Y tế TX. Tân Châu khuyến cáo người dân, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc tập trung nhân lực, kinh phí, trang thiết bị để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cần được ưu tiên.
Bên cạnh đó, không thể chủ quan, lơ là đối với dịch bệnh sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh theo mùa khác. Những ngày qua, lần lượt các địa phương đã tổ chức ra quân diệt lăng quăng ở địa bàn dân cư kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình nhiều biện pháp phòng bệnh. Trước mắt đã thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 1 trong năm đối với các xã, phường có số cas mắc bệnh cao.
Trong điều kiện thực hiện "giãn cách xã hội", ngành chức năng đã vận động toàn dân cùng nhau nâng cao ý thức trong thực hiện các biện pháp vệ sinh, theo tinh thần "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", không nên để dịch bùng phát sẽ càng khó khăn trong việc chữa trị.
Các huyện: Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, An Phú và TP. Long Xuyên... là những địa phương có cas mắc sốt xuất huyết cao của tỉnh. Thời gian qua, các địa phương này tiếp tục duy trì biện pháp phòng bệnh, như: mỗi xã 1 đội đặc nhiệm xử lý môi trường khi có dịch bệnh xảy ra, tuyên truyền bằng loa phóng thanh lưu động, thực hiện "Tổ tự quản không có lăng quăng", cử cán bộ giám sát các đợt ra quân, treo băng-rôn trực quan tại văn phòng ấp, địa bàn dân cư, phát tờ rơi...
Riêng trong tháng 4, xã Khánh Hòa (Châu Phú) đã xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết và được phun hóa chất 2 đợt để dập dịch diện rộng. Ấp Khánh Hòa có 900 hộ dân với gần 5.000 dân số; đầu tháng 4, trong ấp có 10 cas sốt xuất huyết, toàn xã Khánh Hòa có 47 cas mắc. Các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cán bộ y tế tuyên truyền, vận động sâu rộng ở từng hộ dân và hướng dẫn người dân xử lý môi trường cùng các biện pháp phòng bệnh cần thiết.
Từ ngày 28-4, ngành y tế huyện Phú Tân phối hợp các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2. Hiện tại, toàn huyện ghi nhận 49 cas mắc sốt xuất huyết với 18 ổ dịch, xảy ra ở 13/18 xã, thị trấn, tập trung nhiều ở các xã: Phú Thọ, Hòa Lạc, Phú Thạnh...
So cùng kỳ, số cas mắc tăng 11,3%, trong tình hình thời tiết bất thường như hiện nay, dự báo nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tăng, nhất là khi xuất hiện mưa, dễ phát sinh muỗi gây dịch bệnh. Trung tâm Y tế huyện Phú Tân đã tích cực giám sát phát hiện và điều trị sớm cas bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời và hiệu quả, thực hiện phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực nguy cơ, duy trì và nâng chất các mô hình phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Thạnh (ngụ ấp Phú Đông, xã Phú Xuân) chia sẻ, nhờ được cán bộ, cộng tác viên đến nhà hướng dẫn thường xuyên, gia đình ông nắm rõ kiến thức phòng sốt xuất huyết, như: vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ, ngủ mùng, xúc rửa dụng cụ chứa nước để không phát sinh lăng quăng, luôn ý thức phòng bệnh bất kể là mùa nào.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, do thời tiết thay đổi bất thường nên số cas mắc còn tăng ở một số địa phương. Thêm vào đó, chỉ số muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình chưa hạ thấp ở mức an toàn cho phép. Bên cạnh những hộ đã ý thức, vẫn còn bộ phận người dân ỷ lại ngành chức năng và chỉ thực hiện thời gian ngắn... Phòng, chống sốt xuất huyết sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác của cộng đồng.
Để khống chế và không để dịch sốt xuất huyết gia tăng, phải chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, tích cực hơn. Lưu ý nữa là hiện nay người dân tập trung sinh hoạt ở nhà nhiều, việc vệ sinh ăn ở và dọn dẹp môi trường thông thoáng là rất cần thiết.
Do vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng mạnh, trong khi một số nơi nguồn nước máy cung cấp yếu, cúp nước thường xuyên, các gia đình tích trữ bằng cách hứng nhỏ giọt vào lu, thùng để dành, đây là môi trường dễ phát sinh muỗi nếu không được xúc rửa thường xuyên.
MỸ HẠNH
Thắc mắc vì chưa nhận được tiền hỗ trợ người bán vé số Báo An Giang nhận được phản ánh của ông Lý Văn Bé (ngụ khóm 5, phường Mỹ Long) và vợ chồng ông Nguyễn Văn Mẫm, Nguyễn Thị Hồng (ngụ khóm Trung An, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, An Giang) thắc mắc về việc chưa được nhận tiền hỗ trợ cho người bán vé số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tạm...