Giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải: Công bố các tài liệu quan trọng
Chiều 7/5, Hội đồng Thẩm phán tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan nêu trong kháng nghị và công bố các tài liệu quan trong khác có liên quan.
Ngày 7/5, phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi) kêu oan về cáo buộc giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) tiếp tục với phần chất vấn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, VKSND Tối cao đối với các cơ quan tố tụng tỉnh Long An. Động thái này nhằm làm rõ các mâu thuẫn, bất thường trong quá trình giải quyết vụ án.
Trong buổi chiều 7/5, VKSNDTC đã nêu nhiều sai sót về tố tụng trong quá trình điều tra vụ án, từ cơ quan điều tra đến những sai sót của cơ quan công tố và Tòa án hai cấp, chủ yếu là cơ quan điều tra.
Theo Tạp chí Tòa án, trong buổi chiều làm việc, cơ quan chức năng đã bám sát nội dung kháng nghị, Hội đồng chất vấn cơ quan điều tra về dấu vân tay tại hiện trường là của ai? Tài liệu nào cho biết đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn My Sol. Trong hồ sơ chỉ có lời khai của Nguyễn My Sol với tư cách nhân chứng, nhưng không có lời khai của Nguyễn Văn Nghị. Những ai trong diện tình nghi, kể từ 17h ngày 13/1/2008 đến sáng hôm sau?
Điều tra viên trả lời: Nghị và Sol có mối quan hệ với chị Hồng, là những đối tượng tình nghi đầu tiên. Xác minh tổng hợp nhiều biện pháp, nhiều tài liệu, trong đó có phương pháp xác minh dấu vân tay. Sol khai một số tình tiết có giá trị, Nghị thì không có.
Căn cứ loại hai đối tượng này ra khỏi diện tình nghi là cả hai có bằng chứng ngoại phạm. Khi thời điểm vụ án xảy ra, Nguyễn My Sol đang ở TP.HCM, còn Nghị thì đang ở nhà tại TP.Tân An.
Về Nghị và Sol, đại diện VKSNDTC cho biết khi tiến hành xác minh để làm hồ sơ thi hành án tử hình mới phát hiện ra hai đối tượng này. Cơ quan điều tra khẳng định Nghị không trốn khỏi địa phương.
Cơ quan điều tra kiểm tra những người thường gọi điện thoại đến Bưu cục nhất là thời điểm gần vụ án xảy ra, nên có đến 144 người được lấy dấu vân tay trưng cầu giám định, có người lăn tay trực tiếp…
- Tại sao lời khai đầu tiên của Hải không nhận tội không lưu trong hồ sơ?
Điều tra viên cho biết: Do rà soát list điện thoai thấy có Hải nên mời Hải lên hỏi, như những người khác, trên 100 ngừi được hỏi rất tỉ mỉ. Khi hỏi Hải về thời gian sử dụng trong ngày, thì Hải khai đi đám tang với một số người. Xác minh thì thấy Hải không đến đám tang, dẫn đến nghi vấn nên ngày hôm sau, 21/3/2008 hỏi tiếp, qua đấu tranh thì Hải khai nhận hành vi phạm tội. Do lời khai ban đầu chỉ là sàng lọc nên không lưu trong hồ sơ.
Chủ tọa nhận xét: Mặc dù điều tra viên đã giải thích nhưng không đưa lời khai ngày 20/3 của Hải vào hồ sơ là sai, vì Hải không giống những người đã được loại trừ. Có một số biên bản hỏi cung cũng có sửa chữa nhưng không có chữ ký của người khai như kháng nghị đã nêu, điều tra viên giải thích thế nào?
Điều tra viên cho rằng chỉ sửa chữa lỗi chính tả, không ảnh hưởng đến lời khai của bị can. Hội đồng yêu cầu chiếu những bút lục mà kháng nghị đã nêu xem sửa chữa như thế nào. Bản chiếu lên cho thấy đó là những sửa chữa nhỏ.
Chủ tọa nhận xét: Dù là sửa chữa nhỏ nhưng điều tra sai vì đây là biên bản tố tụng, sửa phải có chữ ký của người khai. Cơ quan điều tra cũng thừa nhận có những thiếu sót trong khi tiến hành điều tra vụ án này.
Chủ tọa hỏi tiếp cơ quan xét xử: “Khi đưa những nội dung ra Tòa thì có khai thác không?”. Thẩm phán sơ thẩm cho biết, bị cáo khai như nội dung đã sửa, Tòa không khai thác những văn bản này.
Phiên làm việc chiều nay cũng cho thấy tại trong giai đoạn điều tra gia đình Hồ Duy Hải đã bồi thường tiền mai táng cho thân nhân bị hại Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân, mỗi gia đình 22 triệu đồng. Bản án sơ thẩm số 97/2008/HSST ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội giết người, 5 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là tử hình. Ngày 5/12/2008 Hải kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Bản án phúc thẩm số 281/2009/HSPT của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP HCM ngày 28/4/2009 không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Công bố các tài liệu quan trọng khác
Đầu năm 2015, thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước và Đoàn Giám sát của UBTVQH về việc giải quyết vụ án Hồ Duy Hải, lãnh đạo liên ngành gồm Bộ Công an, VKSNDC, TANDTC đã thành lập Tổ công tác để xác minh theo yêu cầu. Tại phiên giám đốc thẩm, Hội đồng đã nghe một số bản hỏi cung của Tổ công tác với Hồ Duy Hải và công bố báo cáo đề ngày 27/3/2015 của Tổ công tác. Sau khi nêu toàn bộ diễn biến vụ án và quá trình giải quyết, báo cáo nêu quan điểm của lãnh đạo liên ngành về vụ án này.
Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách khách quan, thận trọng và toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, những vi phạm thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án, lãnh đạo liên ngành Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC thấy rằng: Vụ án Hồ Duy Hải phạm tội giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2008 ở tỉnh Long An là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp được dư luận quan tâm. Quá trình điều tra ban đầu có một số vi phạm thiếu sót, tuy nhiên Cơ quan điều tra đã cố gắng khắc phục, thu thập các chứng cứ để chứng minh các tình tiết xác định sự thật của vụ án. Vì vậy, những vi phạm thiếu sót đó không làm thay đổi bản chất của vụ án.
Căn cứ vào các lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra, xét xử phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như đặc điểm hiện trường vụ án; kết quả thực nghiệm điều tra; kết quả khám nghiệm, giám định pháp y tử thi; phù hợp với các vật chứng, đồ vật được thu giữ; các biên bản nhận dạng; phù hợp với lời khai các nhân chứng, người liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác; phù hợp về thời gian, không gian xảy ra vụ án, có đủ cơ sở xác định Hồ Duy Hải có hành vi giết chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân, sau đó lấy một số tài sản của họ và của bưu điện Cầu Voi. Do đó Tòa án các cấp kết án đối với Hồ Duy Hải mức án tử hình về các tội giết người cướp tài sản là có căn cứ pháp luật.
Gần đây, sau khi có Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng VKSNDTC thì Bộ trưởng Bộ Công an đã thành lập tô công tác xác minh độc lập. Tại phiên giám đốc thẩm, chủ tọa đã mời đại diện Bộ Công an công bố báo cáo này. Sau khi làm rõ các nội dung liên quan, báo cáo xác định bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Video đang HOT
Bât thương vê thơi gian gây an cua Hồ Duy Hải
Trong buổi sáng 7/5, Hội đồng thẩm phán đã làm rõ các mâu thuẫn, bất thường trong quá trình giải quyết vụ án.
Về thời gian gây án, kết luận điều tra xác định Hải có mặt tại bưu điện lúc 19h30 ngày 31/3/2008. Nhưng VKSND Tối cao cho rằng không thể, bởi lúc 19h13 Hải có mặt tại hiệu cầm đồ cách đó khoảng 7,5 km. Sau đó Hải đi về nhà dì ruột trả xe máy, tiếp tục qua nhà người dì khác lấy xe khác, chạy đến một quán trả tiền cho anh Võ Lộc Đang rồi mới đi đến bưu điện. Tổng thời gian từ hiệu cầm đồ đến khi trả tiền cho anh Đang, Hải phải mất gần 30 phút. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa làm rõ Hải mất bao lâu để đi từ điểm gặp anh Đang đến bưu điện.
Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao gồm toàn bộ 17 thẩm phán cao cấp của cả nước. Ảnh: Báo Công Lý.
Theo TTXVN, tại buổi làm việc, đại diện Hội đồng thẩm phán đọc nguyên văn bút lục 20 – lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường ngày 31/3/2008. Theo đó, anh Thường cho biết, lúc 19h39 ngày 13/1/2008 (xảy ra án mạng) đến bưu điện gọi điện về Cà Mau.
Anh Thường khai: “Xe tôi đậu kế một xe Dream màu nho, bên trái xe có kính chiếu hậu màu đen. Khi tôi đi vào trong ngay cửa, thấy một người nữ ngồi ngoài ghế salon, một thanh niên ngồi giữa trên ghế salon đang cúi đầu bấm cái gì đó, có ánh đèn màu sáng hiện lên, tôi đoán là đang bấm điện thoại… Người thanh niên để tóc hai mái, khi cúi xuống tóc phủ lên mí mắt, không cắt cao như đầu đinh, không để dài quá tai… Về nhận dạng, tôi thấy chiếc xe Dream màu nho đỗ gần xe tôi. Trên chiếc xe đấy, tôi không thấy con số nào hết”. Anh Thường xác nhận chỉ nhìn thoáng qua nam thanh niên ngồi ghế salon, không nhớ mặt nên không thể nhận dạng.
Hội đồng thẩm phán sau đó đặt hàng loạt câu hỏi: Cơ sở nào tòa sơ thẩm vẫn xét xử vụ án khi không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường? Việc anh Thường vắng mặt có ảnh hưởng đến kết quả xét xử không? Vấn đề này, luật sư Trần Hồng Phong (bảo vệ Hồ Duy Hải) đã nêu lên và nhấn mạnh là rất quan trọng.
Đại diện TAND tỉnh Long An cho biết, khi thẩm tra vụ án có lấy lời khai Đinh Vũ Thường. Anh này khai phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải và lời khai của các nhân chứng khác về thời gian tối hôm đó có mặt Hải. Hải không nói về giờ, nhưng nói thời điểm đó có mặt ở Bưu điện Cầu Voi. Việc vắng mặt Thường không ảnh hưởng đến quá xét xử vì đã có lời khai trong quá trình điều tra.
Tham gia chất vấn, đại diện VKSND Tối cao hỏi đại diện Công an Long An: “Có lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường, tại sao không đưa vào hồ sơ vụ án?”.
Theo điều tra viên, ngày 19/1/2008, cơ quan điều tra lần đầu lấy lời khai anh Thường với tư cách “đối tượng tình nghi trong vụ án” do có mặt tại hiện trường tối xảy ra vụ án. Quá trình lấy lời khai đã tập trung làm rõ về thời gian có mặt, nhân thân, nhận dạng. Sau đó, cơ quan điều tra lưu hồ sơ liên quan anh Thường chung với các đối tượng tình nghi khác, chứ không phải là nhân chứng vụ án.
Trả lời Hội đồng thẩm phán về việc Hải có hay không gọi điện thoại đến Bưu điện Cầu Voi ngày xảy ra án mạng, đại điện cơ quan điều tra tỉnh Long An cho biết, căn cứ dữ liệu bộ nhớ điện thoại của bưu điện đã truy ra Hải có gọi đến bưu điện bằng số điện thoại di động lúc 11h25.
Theo báo Công lý, về căn cứ xác định thời gian Hải gây án, điều tra viên cho biết đã cùng kiểm sát viên, mỗi người đi một xe máy và chạy theo đoạn đường như lời khai của Hải. Tổng chiều dài đoạn đường là 7,5 km, đi theo vận tốc 40km/h mất khoảng 15 phút (trên lý thuyết khoảng 11 phút). Kết hợp với thời gian Hải thực hiện các thao tác, cơ quan điều tra tính toán về toán học, sau đó đưa ra kết luận “Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi lúc 19h30 là có sở khoa học vững chắc”.
Sau khi nghe các bên đối đáp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, căn cứ vào thời gian các hoạt động của Hải tối hôm đó thì thời điểm gây án chưa hợp lý. Nhưng sự có mặt của Hải không chỉ chứng minh bằng thời gian – cơ quan điều tra giải trình là còn bằng những chứng cứ khác. “Chúng ta phải tổng hợp chứng cứ, mới chứng minh được vấn đề này”, ông Bình nói.
Chánh án lập luận, dữ liệu điện thoại thể hiện Hải có gọi đến bưu điện. Thực nghiệm điều tra về khoảng thời gian Hải có mặt tại hiện trường là phù hợp. Tiếp đó, nhận dạng trong lời khai của nhân chứng Thường chưa xác nhận chính xác thanh niên đó là Hải vì hai người này không biết nhau, không thể nhìn qua là nhận dạng được. Nhưng mô tả đặc điểm nhận dạng là tương đồng, đặc biệt có một chi tiết phù hợp với lời khai của Hải là cầm điện thoại và anh Thường cũng nhìn thấy.
Tuy nhiên, đại diện VKSND Tối cao không đồng tình, cho rằng kết luận về thời gian Hải có mặt ở bưu điện đều từ những chứng cứ gián tiếp. Dữ liệu của bưu điện có cuộc điện thoại của Hải nhưng là từ buổi trưa không có ý nghĩa chứng minh điều gì. Hơn nữa, lời khai của nhân chứng chỉ nói “nhìn thấy có một thanh niên” chứ không khẳng định đó là Hải. Anh Thường nói có nhìn thấy “ánh đèn màu sáng” nhưng cũng không có căn cứ chứng minh đấy là điện thoại. Cơ quan điều tra giải thích, anh Thường là đối tượng tình nghi nên lời khai không đưa vào hồ sơ nhân chứng, nhưng lời khai này là một chứng cứ quan trọng trong vụ án, nên đề nghị cung cấp cho VKS và Hội đồng giám đốc thẩm.
Từ đó, VKSND Tối cao đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường. Trong đó, tính cả thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe… rồi từ đó đến bưu điện. “Chúng ta không ngồi đây để suy diễn về khoảng thời gian”, đại diện VKS nói. “Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá động cơ, mục đích. Khi xét xử, tòa án phải đánh giá toàn diện những vấn đề đó”.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận đây là những chứng cứ gián tiếp. Nếu tách ra từng lời khai, tình tiết, chứng cứ một cách độc lập không nói lên điều gì, nhưng tổng hợp lại sẽ có vấn đề. “Tại sao lại có nhiều vấn đề trùng hợp nhau đến như vậy với lời khai của Hải. Nên chúng ta không thể lấy từng việc, chẻ ra để phủ định từng cái”, ông Bình nói và đề nghị, đến phần đánh giá chứng cứ, các thẩm phán sẽ đánh giá một cách tổng thể.
Liên quan đến tài liệu luật sư Trần Hồng Phong cung cấp, thể hiện ngày 17/12/2011 nhân chứng Đinh Vũ Thường khẳng định không được các cấp tòa mời tham gia vụ án với tư cách nhân chứng. Anh này nói không nhận dạng được Hồ Duy Hải, nhưng trong cáo trạng nêu Thường đã nhìn thấy Hải tại khu vực Bưu điện Cầu Voi buổi tối vụ án diễn ra.
“Chứng cứ này là bản photo, chưa có công chứng, không giám định chữ viết, chữ ký nên không đủ tin tưởng là chữ ký của ai nên không thể đưa ra để làm căn cứ xét xử được”, Chánh án Bình nói.
Hồ Duy Hải bị cáo buộc, tối 13/1/2008 đã đến Bưu điện Cầu Voi chơi – nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.
Cuối năm 2008, Hải bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình. TAND Tối cao tại TP.HCM mấy tháng sau đã bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Hải y án sơ thẩm. Hải sau đó xin Chủ tịch nước ân giảm nhưng không được chấp nhận. Hải và gia đình đã làm đơn kêu oan gửi tới nhiều cơ quan. Đến 22/11/2019, VKSND Tối cao đã có kháng nghị chỉ ra loạt sai phạm, bất thường trong vụ án và đề nghị Hội đồng thẩm phán xem xét hủy hai bản án trước đó để điều tra lại.
Ngày mai (8/5), buổi sáng đại diện VKSNDTC phát biểu quan điểm, sau đó Hội đồng Thẩm phán đánh giá các chứng cứ trên cơ sở tài liệu đã nghiên cứu và quá trình hỏi và nghe giải trình hai ngày qua.
Buổi chiều Hội đồng Thẩm phán TANDTC tuyên án.
Dương Minh Đức nhà báo "duyên nợ" trong vụ án Hồ Duy Hải
Thật khó khăn, khi tôi cố gắng lục lọi, tìm lại những bài báo cách đây đã 11 năm của Dương Minh Đức viết về vụ án Hồ Duy Hải.
Bởi, thời gian đã hơn một thập kỷ, mà Dương Minh Đức thì không còn nói năng được gì trong lúc này. Nhưng, không vì thế lại có thể quên được anh - một nhà báo đầy "duyên nợ" trong kỳ án Bưu điện Cầu Voi - Hồ Duy Hải.
Tôi còn nhớ, vào khoảng giữa năm 2009, thời điểm đó cách thời điểm xảy ra vụ án mạng tại Bưu điện Cầu Voi (tháng 1/2008) được khoảng một năm rưỡi. Vào một buổi trưa, anh Đức hùng hục ghé cơ quan ngả lưng nghỉ trưa. Quăng tập hồ sơ lên bàn, Dương Minh Đức buông một câu:
"Này, cái vụ án giết người ở Bưu điện Cầu Voi có dấu hiệu oan sai đấy". Tôi thắc mắc: "Báo chí đăng rõ ràng, cơ quan điều tra đã bắt được thủ phạm, thừa nhận hết rồi, oan chỗ nào ?". Anh ấy trả lời: "Oan chắc luôn. Kết luận bậy bạ hết. Báo chí viết một chiều, toàn nghe theo công an. Tôi đang xác minh lật lại vụ việc này". Sau một hồi nói qua nói lại, Dương Minh Đức... ngáy như kéo bễ.
Không lâu, trên chuyên mục "Điều tra theo thư bạn đọc" của báo Lao Động ngày ấy, xuất hiện bài viết đầu tiên của nhà báo Dương Minh Đức: "Lật lại vụ án giết người tại Bưu điện Cầu Voi (Long An): Có đúng Hồ Duy Hải là hung thủ?" (ra ngày 7/8/2009) và kỳ 2 ra ngày 8/8/2009 là bài "Hồ Duy Hải có cướp tài sản ?". Với 2 bài điều tra ấy, nhà báo Dương Minh Đức gần như phản biện lại toàn bộ Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Long An.
Nhà báo Dương Minh Đức (bìa phải) trong chuyến điều tra tại một phum sóc của đồng bào S'tiêng, ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, vào năm 1997. Ảnh: Cao Hùng
Thời điểm đó, khi mà hầu hết các tờ báo đều viết một chiều theo bản Kết luận điều tra của Công an tỉnh Long An, khẳng định Hồ Duy Hải giết người, thì loạt bài điều tra của Dương Minh Đức là ... lạc điệu, đầy rủi ro, có thể bị kiện cáo từ các cơ quan luật pháp đầy quyền lực.
Một suy nghĩ bất di bất dịch rằng, cơ quan điều tra bao giờ cũng có lý khiến không ít người, trong lúc trà dư tửu hậu, luôn phản biện lại Dương Minh Đức. Với cá tính cương trực, thẳng thắn, tôi đã tận mắt chứng kiến Dương Minh Đức nổi nóng, đập bàn, mắng bất kỳ ai bao biện cho cơ quan điều tra trong vụ án Bưu điện Cầu Voi.
Có lẽ từ một linh cảm nào đó, một niềm tin sắt đá, anh Đức luôn bảo vệ cho Hồ Duy Hải và khẳng định Hải vô tội. Cơ quan luật pháp tỉnh Long An, từ công an, đến viện kiểm sát và toà án đều... "sai be bét hết rồi"; "tòa kết án chỉ dựa trên lời khai đầy mâu thuẫn của bị cáo và bỏ qua những sai phạm trầm trọng của cơ quan điều tra".
Đặc biệt, trong bài báo "Chưa đủ căn cứ thuyết phục" (ra ngày 9/5/2011), nhà báo Dương Minh Đức đã không ngại ngần phủ định luôn quan điểm của Phó Chánh toà Hình sự Toà án nhân dân tối cáo Hoàng Doãn Phúc vào thời điểm đó; sau khi ông này có công văn khẳng định "có đủ cơ sở kết luận" Hồ Duy Hải giết người.
Bí cáo Hồ Duy Hải tại phiên toà. Ảnh: T.L
Ông Phúc viện dẫn "Biên bản khám nghiệm hiện trường" và "Kết quả giám định pháp y vụ án" để làm cơ sở pháp lý cho kết luận của mình. Thế nhưng, nhà báo Dương Minh Đức đã chứng minh cả 2 chứng cứ trên đều ngược lại ý kiến của ông Phúc.
Theo ông Phúc: Khoảng 20h30 ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi, do chị Nguyễn Thị Ánh Hồng từ chối quan hệ và bỏ chạy nên Hải đuổi theo đẩy ngã chị Hồng rồi dùng thớt tròn đập vào đầu làm chị Hồng bất tỉnh, sau đó Hải dùng dao cắt cổ chị Hồng cho đến chết.
Khi chị Nguyễn Thị Thu Vân (ở cùng phòng với chị Hồng) đi mua hoa quả về, sợ bị phát hiện, Hải đã bất ngờ dùng ghế đánh vào đầu chị Vân làm chị Vân bị ngất xỉu rồi Hải kéo chị Vân đến chỗ chị Hồng nằm, dùng dao cắt cổ chị Vân cho đến chết.
Bà Nguyễn Thị Loan - mẹ của tử tù Hồ Duy Hải vẫn miệt mài gửi đơn kêu oan cho con trong suốt hơn 12 năm qua. Ảnh: Đình Việt.
Sau đó, Hải mở tủ lấy tiền, sim card, điện thoại của bưu điện và tháo dây chuyền, nhẫn, hoa tai, lắc tay bằng vàng của chị Hồng và chị Vân rồi đem về nhà cất giấu.
Khoảng 1 tuần sau, do sợ bị phát hiện, Hải đốt hết quần áo, dây thắt lưng Hải mặc khi gây án, đồng thời tiêu thụ các tài sản mà Hải đã chiếm đoạt được. Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là "giết nhiều người" và "giết người mà ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng" được quy định tại điểm a, e khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, toà án cấp sơ thẩm và toà án cấp phúc thẩm xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội "Giết người", 5 năm tù về tội "Cướp tài sản" là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, Dương Minh Đức phản biện như sau: Thứ nhất, việc toà án kết tội bị cáo Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi lúc 19h30 tối 13/1/2008 và giết 2 nạn nhân, trong đó nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng bị giết trước và nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân bị giết sau, nhưng lại không có chứng cứ nào thể hiện giờ chết của các nạn nhân. Vậy, liệu hai nạn nhân Hồng và Vân có bị giết trong lúc Hải không có mặt tại bưu điện?
Bà Loan và con gái (bìa trái, em Hồ Duy Hải) vẫn không ngừng hy vọng ngày Hải trở về sum họp cùng gia đình. Ảnh: Đình Việt
Thứ hai, kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Long An khẳng định: "Dấu vân tay thu được tại hiện trường không trùng với dấu vân tay của bị cáo Hải", trong khi ngay sau án mạng (tức là trước khi bắt Hải hơn 1 tháng), CQĐT đã triệu tập, tạm giữ ít nhất 23 đối tượng, nhưng không lưu lại hồ sơ.
Vậy, 23 đối tượng nói trên có được giám định vân tay? Có dấu vân tay nào trùng với dấu vân tay kẻ giết người để lại hiện trường?
Thứ ba, tang vật gây án là con dao với cái thớt đều không thu được, trong khi các chứng cứ lời khai liên quan đến tang vật vụ án thì bị tẩy xóa. Đã thế, dấu vết khám nghiệm hiện trường trên thi thể nạn nhân lại không phù hợp với lời khai cùng các chứng cứ và tang vật gây án. Vậy, CQĐT và cả hai cấp toà căn cứ vào đâu để kết tội Hải giết người?
Thứ tư, CQĐT kết luận sau khi Hải gây án đã đốt quần áo, thắt lưng và số sim card cướp được để phi tang, nhưng kết quả giám định tàn tro thu được lại là: "Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và sim card".
Thứ năm, Hải bị kết tội cướp, nhưng tài sản bị cướp gồm những gì? Trị giá bao nhiêu? Người tiêu thụ là ai?... thì CQĐT không xác định được.
Thứ sáu, vụ án có rất nhiều chứng cứ, kết luận giám định và lời khai mâu thuẫn với nhau, nhưng đã không được làm rõ, không được đối chất, đơn cử: CSĐT kết luận Hải đưa tiền cho Vân là tờ tiền polymer 50.000 hoặc 100.000 đồng, trong khi nhân chứng khai nạn nhân đưa tiền 10.000, 20.000 đồng tiền polymer và tiền giấy...
Theo nhà báo Dương Minh Đức, "kẻ giết người man rợ trong vụ án Bưu điện Cầu Voi cần phải được loại bỏ khỏi xã hội. Thế nhưng, phải buộc đúng người, đúng tội, tránh hàm oan".
Mấy ngày gần đây, khi dư luận và báo chí sôi sục khơi lại vụ án "tử tù" Hồ Duy Hải, thì nhà báo Dương Minh Đức từ giã nghề báo cách đây đã 7 năm. Căn bệnh tiểu đường, dẫn tới 3 lần bị tai biến đã khiến Dương Minh Đức không thể viết lách gì nữa. Ngay cả nói năng, cũng trở nên vô cùng khó khăn đối với anh lúc này.
Mặc dù không còn viết, nhưng như một định mệnh, những bài điều tra năm xưa của Dương Minh Đức khác nào "duyên nợ" của anh đối với tử tù Hồ Duy Hải. Dường như tất cả những phản biện của anh ngày xưa đều khớp với những gì mà hàng trăm bài báo sau này đã phản ánh. Và, đó cũng chính là "cục xương" khiến các cơ quan luật pháp không thể kết tội và tử hình Hồ Duy Hải.
Mẹ và em gái của Hồ Duy Hải. Ảnh: Đình Việt.
Nối tiếp loạt bài của Dương Minh Đức, chị Phương Yên - PV báo Lao Động ở Hà Nội, người cầm trịch chuyên mục "Điều tra theo thư bạn đọc" - cũng có những nỗ lực vô cùng ý nghĩa, vừa viết bài, vừa vận động hành lang để tử tù Hồ Duy Hải không bị tử hình phút... 89 vào năm 2015. Và, nhờ đó mà Hải có được cơ hội sống sót đến tận hôm nay.
Trong những ngày này, khi trên các trang báo và Facebook tràn ngập vụ án oan Hồ Duy Hải, tôi lại nhớ về đồng nghiệp Dương Minh Đức thật nhiều. Giữa bao nhiêu lời lên án mạnh mẽ các quan chức gây ra sai phạm nghiêm trọng trong vụ án, thì lúc này, Dương Minh Đức không một lời lên tiếng. Anh Đức im lặng cũng đúng thôi, vì hiện nay, anh Đức đang từng giờ, từng ngày giành giật sự sống giữa lằn ranh sinh tử...
Trong khi đó, cách đây hơn 10 năm, Dương Minh Đức mắng quan chức làm sai từ bàn nhậu, cho đến... trên mặt báo, anh "to mồm" hơn ai, cho dù đơn độc, hiếm người đồng hành...
Mẹ Hồ Duy Hải: 'Mong con được thả sau phiên tòa' Từ Long An ra Hà Nội hai ngày trước, bà Loan (mẹ tư tu Hồ Duy Hải) co măt ơ TAND Tối cao tư rang sang 6/5, mong con đươc tha sau phiên giam đôc thâm. Mẹ Hồ Duy Hải (bên phải), em gái (giữa) và dì ruột của Hải tại cổng TAND Tối cao sáng nay. Ảnh: Phạm Dự. Bà Nguyễn Thị...