Giám đốc Tân Sơn Nhất: ‘Một số đánh giá về chất lượng sân bay là đúng’
Tại cuộc họp khẩn, người đứng đầu cảng Tân Sơn Nhất nhìn nhận nhiều dịch vụ ở sân bay chưa tốt và hứa khắc phục để năm sau nơi này không còn nằm trong danh sách “những sân bay tệ nhất châu Á”.
Sau khi Tân Sơn Nhất bị trang web Sleeping in Airportsxếp hạng là một trong những sân bay tệ nhất châu Á, chiều 20/10, Cảng vụ hàng không miền Nam đã mời các đơn vị liên quan họp khẩn để đánh giá tình hình.
Tại cuộc họp, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn NhấtĐặng Tuấn Tú thừa nhận một số đánh giá của website về chất lượng phục vụ ở sân bay này là đúng, chẳng hạn như chất lượng wifi, đặc biệt là ở ga quốc tế. “Chúng tôi sẽ chọn nhà cung cấp khác và chắc chắn từ đây đến cuối năm vấn đề wifi sẽ được khắc phục”, ông Tú khẳng định.
Đối với đánh giá về dịch vụ vệ sinh, lãnh đạo Tân Sơn Nhất cho rằng có thể website đánh giá dựa vào một thời điểm nhất định nào đó, vì kiểm tra cho thấy cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, lúc cao điểm khách đông nên có thể phải chờ đợi, có mùi hôi.
“Những tháng gần đây, công tác lấy ý kiến hành khách cũng như đường dây nóng không ghi nhận phàn nàn về chất lượng nhà vệ sinh”, ông Tú nói.
Về ý kiến nhà hàng trong sân bay quá ít, ông Tú cho rằng có thể hành khách thiếu thông tin, vì thực tế ở cả hai nhà ga đều có nhiều nhà hàng thương hiệu phục vụ. Riêng ga quốc tế, nhà hàng được bố trí trên tầng 3 nên có thể khách chưa biết. Sắp tới, cảng sẽ tăng cường thêm bảng hướng dẫn để thuận tiện cho hành khách.
“Với tinh thần cầu thị, chúng tôi tiếp thu ý kiến của tất cả hành khách, báo chí để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ”, ông Tú nói.
Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng thừa nhận một số dịch vụ tại sân bay còn chưa tốt như: dịch vụ taxi vẫn còn lộn xộn; bãi giữ xe máy nhiều lúc phải ngưng nhận; thái độ của nhân viên sân bay, nhân viên các hãng chưa đúng mực…
Bên cạnh đó, ga quốc nội do được cải tạo lại cơ sở từ trước năm 1975 nên có bất cập là luồng hành khách đi và đến cùng ở một sảnh, chứ không phân biệt rõ ràng đi một tầng và đến một tầng như ở ga quốc tế. Vì vậy, ôtô chở khách đến và khách đi bị giao thoa nhau.
Video đang HOT
Tân Sơn Nhất bị website Sleeping in Airports xếp hạng là một trong những sân bay tệ nhất châu Á. Ảnh: Hữu Công
Ông Tú cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay sân bay Tân Sơn Nhất đã đón hơn 21,7 triệu lượt hành khách. Dự kiến đến cuối năm, số lượt khách đạt 26 triệu lượt, vượt quá quy hoạch của nhà ga. Với tốc độ tăng trưởng này, chỉ 2 năm nữa Tân Sơn Nhất sẽ đón trên 30 triệu lượt khách.
“Sẽ phải tiếp tục chịu đựng cảnh quá tải này ít nhất 8 năm nữa trước khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng. Với điều kiện như thế này, chúng tôi cố gắng duy trì chất lượng dịch vụ ở mức có thể đáp ứng nhu cầu hành khách. Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an ninh an toàn, dành những tiện ích cộng cộng theo tiêu chí cho phép”, ông Tú nói.
Về phía các đơn vị phục vụ mặt đất, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Tân Sơn Nhất (SAGS) – cho rằng cần cầu thị tiếp thu ý kiến của hành khách để cải tiến chất lượng dịch vụ.
Theo ông Hùng, hiện khách đến Tân Sơn Nhất còn nhiều bất cập, chẳng hạn như ở nhà ga quốc tế, hành khách sau khi xếp rồng rắn phải qua 3 khâu thủ tục. Đầu tiên là công an cửa khẩu, sau đó vác hành lý lên máy soi chiếu Hải quan, rồi đưa hành lý xuống, đi một đoạn lại bốc hành lý lên để kiểm tra an ninh.
“Chỉ thế này thôi thì Tân Sơn Nhất bị mất điểm rồi. Nhiều khách cảm thấy rất phiền phức, khó chịu vì đã xếp hàng lâu mà còn bị kiểm tra nhiều lần chỉ trong phạm vi hẹp. Nên chăng gộp kiểm tra Hải quan và An ninh vào chung?”, ông Hùng đặt vấn đề.
Ông Đặng Tuấn Tú cho biết, vấn đề này đã được kiến nghị lên Cục Hàng không. Bộ Giao thông đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin gộp việc kiểm tra vào một cửa và đang chờ ý kiến.
Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú. Ảnh: Hữu Công
Cũng theo ông Hùng, một vấn đề tế nhị mà website Sleeping in Airports đề cập là tình trạng nhũng nhiễu của Hải quan sân bay. “Thực tế, Hải quan sân bay có tiêu cực không? Chúng ta phải xem xét vấn để giải quyết”, ông Hùng nói.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đức Minh – Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất – khẳng định, quan điểm của Cục Hải quan là không dung túng cho tiêu cực. Đơn vị đã trang bị camera giám sát, công bố số điện thoại nóng để nhận phản ánh của hành khách.
“Chỉ cần hành khách phản ánh nhân viên Hải quan nhũng nhiễu, chưa biết là có hay không, chúng tôi cũng điều chuyển nhân viên đó đi làm việc chỗ khác để tiến hành điều tra”, ông Minh nói.
Cuối cuộc họp, ông Trần Doãn Mậu – Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam – cho biết trên tinh thần cầu thị, cảng vụ luôn tiếp thu ý kiến phản ảnh của hành khách. Những phản ánh này liên quan đến bộ phận nào thì cảng vụ sẽ trực tiếp làm việc với đơn vị đó để chấn chỉnh.
“Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng tối đa trong việc phục vụ hành khách trong điều kiện quá tải như hiện nay. Với sự nỗ lực của các đơn vị liên quan, hy vọng, năm sau Tân Sơn Nhất sẽ không còn bị xếp vào danh sách những sân bay tệ nhất châu Á nữa”, ông Mậu nói.
Hữu Công
Theo VNE
Trăm CSGT chống kẹt xe xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất
Trước tình trạng ùn tắc liên tục ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, gần 200 người gồm CSGT, thanh tra, 113... được huy động để giải quyết.
Ngày 20/10, các chiến sĩ Phòng CSGT TP HCM; cảnh sát 113; công an các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp; thanh tra giao thông... được huy động trong kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự giao thông các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
CSGT và nhiều đơn vị tham gia đảm bảo giao thông xung quanh sân bay. Ảnh:Quốc Thắng.
Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, từ đầu năm đến nay sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 20 triệu hành khách, dự kiến đến cuối năm sẽ tăng lên 25 triệu người. Mỗi ngày trung bình có hơn 2.000 xe ra vào sân bay khiến mật độ giao thông tại các tuyến đường xung quanh luôn dày đặc. Tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra từ sáng đến chiều.
"Do vậy, để đảm bảo thuận tiện cho hành khách đi và đến thì việc thiết lập trật tự giao thông xung quanh khu vực là rất cần thiết", đại diện Cảng vụ nói.
Đồng quan điểm, Phòng CSGT TP HCM cho rằng có đến 19 điểm, giao lộ xung quanh sân bay có tình trạng ùn tắc và điều này ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố trong mắt các đoàn khách quốc tế. Để khắc phục tình trạng này, CSGT sẽ có mặt thường trực tại các điểm từ 6 đến 22h hàng ngày.
Xung quanh sân bay có 19 điểm, giao lộ ùn tắc. Ảnh: Quốc Thắng.
"Khi có sự cố, anh em sẽ phối hợp với các đơn vị khác làm sao để giải toả nhanh nhất theo phương án đề ra. Vấn đề taxi, xe buýt dừng đỗ sai qui định cũng được các nhân viên sân bay cùng CSGT xử lý triệt để. Về lâu dài, có thể chúng tôi đề xuất xây cầu vượt nhằm giải toả những nút thắt giao thông xung quanh", lãnh đạo Phòng CSGT TP HCM nói.
Ngoài ra, Công an TP HCM cũng đề xuất các đơn vị quản lý giao thông đô thị, Phòng quản lý khai thác hạ tầng (Sở GTVT) khảo sát, điều chỉnh các biển báo, vạch sơn, các khu dừng đậu xe...
Quốc Thắng - Duy Trần
Theo VNE
Hút thuốc, trốn nộp phạt, một nữ hành khách bị cấm bay Nữ hành khách trẻ bị cấm bay 6 tháng (bắt đầu từ 1/9/2015) do hành vi hút thuốc trên máy bay, sau đó cố tình không chấp hành quyết định xử phạt. Cục Hàng không VN vừa quyết định cấm vận chuyển có thời hạn bằng đường hàng không với nữ hành khách tên Nguyễn Thị Yến Linh (28 tuổi, Đồng Tháp). Trước...