Giám đốc Sở Y tế: Có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế ngoài công lập
Việc thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế dẫn đến nhiều bất cập, đó là tình trạng “nở rộ” các cơ sở y tế ngoài công lập, tình trạng thương mại hóa, cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Chiều 2/8, Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh có cuộc làm việc với Sở Y tế về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 (Nghị quyết số 18) của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Dự cuộc làm việc có các Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng dự. Ảnh: Thanh Lê
Còn nhiều bất cập, vướng mắc
Báo cáo của Sở Y tế đánh giá qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18, công tác khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều kỹ thuật mới, khó, hiện đại được áp dụng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Công tác xã hội hóa thu được nhiều kết quả quan trọng, giảm gánh nặng đầu tư công cho y tế trong điều kiện ngân sách khó khăn.
Bên cạnh kết quả đạt được, Sở Y tế nêu rõ, chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật mới ở một số cơ sở khám, chữa bệnh còn hạn chế; việc chuyển giao kỹ thuật tuyến trên cho tuyến dưới triển khai chưa được nhiều, đặc biệt là số bệnh viện tuyến huyện, miền núi. Ngân sách đầu tư cho y tế còn quá thấp so với nhu cầu phát triển.
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh phản ánh những bất cập, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 18. Ảnh: Thanh Lê
Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, các bệnh lây nhiễm có xu hướng gia tăng. Việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc. Việc thực hiện xã hội hóa y tế còn lúng túng và thiếu đồng bộ; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Y tế,…
Theo Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cho biết: Chính sách xã hội hóa là cần thiết nhất là trong khi nguồn lực nhà nước còn nhiều khó khăn. Kết quả, từ chủ trương xã hội hóa, Nghệ An có nhiều bệnh viện ngoài công lập ra đời đã giảm tải cho bệnh viện công lập. Nhờ xã hội hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện được tăng cường đầu tư.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế dẫn đến nhiều bất cập, đó là tình trạng “nở rộ” các cơ sở y tế ngoài công lập.
Tình trạng thương mại hóa, cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Vấn đề đặt ra phải cần quy hoạch lại mạng lưới khám, chữa bệnh ngoài công lập.
Video đang HOT
Trang thiết bị các bệnh viện được tăng cường đầu tư nhờ chủ trương xã hội hóa. Ảnh: Thanh Lê
Liên quan đến công tác quy hoạch cơ sở y tế ngoài công lập, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Đức Thành dẫn chứng, năm 2008 toàn tỉnh có 1.077 cơ sở thì năm 2019 lên đến 2.645 cơ sở hành nghề y dược tư nhân ngoài công lập, nhưng các sơ sở này chỉ tập trung ở vùng thành phố, trung tâm. Điều đó cho thấy, công tác quy hoạch mạng lưới y tế còn bất cập.
“Nhiều cơ sở y tế hành nghề y dược tư nhân không có giấy phép hoặc mượn bằng để hành nghề. Vấn đề đặt ra là ngành Y tế cần có giải pháp lâu dài trong phát triển mạng lưới y tế từ chủ trương xã hội hóa”- ông Nguyễn Đức Thành đề xuất.
Bài toán nguồn nhân lực
Thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở Y tế làm rõ các vấn đề: Tỷ lệ bác sỹ/giường bệnh, bác sỹ ở tuyến xã; giải pháp quản lý xã hội hóa; thực hiện liên danh liên kết giữa các cơ sở Y tế với nhà đầu tư theo Nghị định 151 về quản lý tài sản công.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ của các bệnh viện; tổ chức bộ máy ở các đơn vị bệnh viện công lập; cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực nhất là các cơ sở y tế tuyến huyện, miền núi khó khăn, y tế cơ sở; bất cập thực hiện chính sách thông tuyến; tháo gỡ khó khăn trong thực hiện quy trình, đề án để xã hội hóa còn rườm rà…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Đức Thành đề nghị tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Ảnh: Thanh Lê
Làm rõ những vấn đề đoàn giám sát quan tâm, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh bày tỏ trăn trở: Một trong những khó khăn của ngành Y tế tỉnh nhà là thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là thiếu đội ngũ bác sỹ có chuyên môn cao. Đây là bài toán khó của ngành Y tế tỉnh. Mặc dù tỉnh có cơ chế riêng, tuy nhiên việc thu hút và giữ chân bác sĩ có chất lượng về công tác tại bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.
Chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết 18 của ngành Y tế tỉnh.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn Sở Y tế tiếp tục làm tốt công tác tham mưu tốt cho tỉnh, Bộ Y tế những vấn đề bất cập vướng mắc trong lĩnh vực Y tế để sớm có sự điều chỉnh; kịp thời tham mưu cho tỉnh điều chỉnh mạng lưới khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phù hợp; nghiên cứu kỹ vận dụng một cách hợp lý mô hình xã hội hóa.
Ngành Y tế tiếp tục quan tâm chính sách tuyển dụng, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ bác sĩ có tay nghề chuyên sâu; tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh…
Liên quan đến các vướng mắc, bất cập trong thực hiện các Luật và văn bản dưới Luật về lĩnh vực Y tế, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp kiến nghị với Quốc hội, Bộ Y tế và Bảo Hiểm Việt Nam sửa đổi, thay thế một số văn bản quy phạm pháp luật phù hợp cho việc thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Thanh Lê
Theo Baonghean
Huy động nguồn xã hội hóa để khắc phục bất cập về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế
Giá dịch vụ y tế chưa phù hợp, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh... là những vấn đề được nêu ra tại cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu.
Sáng 2/8, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 (Nghị quyết số 18) của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dự cuộc làm việc có các Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Phương Thúy
Cơ sở vật chất không đảm bảo
Nêu lên những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18 trong thực hiện các chính sách pháp luật về xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu cho biết: Giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa tính đủ, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá, vẫn còn 3 yếu tố chưa được tính vào đó là: Khấu hao tài sản - trang thiết bị, điện nước, đào tạo - nghiên cứu khoa học.
Do đó, các cơ sở khám chữa bệnh không bảo đảm cân đối thu chi, thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng tài sản, mua sắm các thiết bị thay thế.
Đoàn giám sát thị sát cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu. Ảnh: Phương Thúy
Bên cạnh đó, theo bác sỹ Nguyễn Tiến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu chia sẻ, hiện nay, cơ sở vật chất của bệnh viện xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.
Hành lang của bệnh viện được cơi nới làm thành phòng bệnh phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Thúy
Trước thực trạng đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bệnh viện hoặc có cơ chế chính sách thuận lợi để tận dụng các nguồn trong xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu trao đổi, làm rõ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh; xử lý vệ sinh môi trường tại bệnh viện; tiếp nhận, sử dụng nguồn xã hội hóa từ các tổ chức trong và ngoài nước; danh mục cần xã hội hóa trong thời gian tới; cơ cấu đội ngũ bác sỹ, y sỹ đã đạt theo yêu cầu quy chuẩn của bệnh viện; phương hướng, nhiệm vụ để đào tạo bồi dưỡng của cán bộ, y sĩ, bác sĩ; chiến lược đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của bệnh viện nâng tầm bệnh viện...
Đoàn giám sát thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Phương Thúy
Kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận đánh giá cao kết quả chăm sóc sức khỏe nhân dân của Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn thời gian tới bệnh viện hết sức nỗ lực cố gắng để có giải pháp tốt nhất, tối ưu nhất cho sự phát triển của bệnh viện; tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, ý bác sỹ, nhân viên y tế đạt chuẩn; quan tâm hạn chế tối đa tai biến y khoa; xây dựng tốt các tổ chức Đảng và đoàn thể; giữ vững và phát triển thương hiệu của bệnh viện; quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý rác thải bệnh viện...
Đối với các kiến nghị đề xuất, vướng mắc đơn vị đề xuất, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp kiến nghị đến các bộ, ngành liên quan; đồng thời báo cáo với Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật khám, chữa bệnh, Luật BHYT, Luật Lao động và các văn bản dưới luật phù hợp hơn với thực tiễn.
Phương Thúy
Theo Baonghean
Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 240/TB-VP, truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Trưởng ban chỉ đạo 138/TP tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo 138/TP thành phố. Ảnh minh...