Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang nói mức phí qua trạm Cai Lậy “hơi cao”
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết mức phí trạm BOT Cai Lậy thu hiện nay được cho là cao nếu so với đường cao tốc Trung Lương – TP.HCM.
Trao đổi với Zing.vn chiều 8.8, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, cho biết địa phương rất quan tâm đến những phản ánh của tài xế và doanh nghiệp vận tải về việc giá vé được cho là bất hợp lý tại trạm BOT Cai Lậy (trạm Cai Lậy).
Trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy . Ảnh: Việt Tường.
Hiện, mức phí thấp nhất cho mỗi lượt ôtô qua trạm là 35.000 đồng ( xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại vận tải khách công cộng) và cao nhất 180.000 đồng (xe tải trên 18 tấn, container trên 40 feet).
Theo người đứng đầu ngành GTVT Tiền Giang, đường cao tốc Trung Lương – TP.HCM dài 40 km, vận tốc cho phép 120 km/h nhưng giá vé thấp nhất là 40.000 đồng. Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) thực hiện dự án làm mới đường tránh Cai Lậy 12 km và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài hơn 26 km (từ xã Mỹ Quý, thị xã Cai Lậy đến xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè) nhưng bán vé thấp nhất 35.000 đồng là “hơi cao”.
“Tuần sau Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vào kiểm tra các trạm BOT ở miền Tây. Lúc đó, tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét giảm giá vé cho phù hợp tại trạm Cai Lậy. Mức giá đưa ra sau này sẽ được sự đồng thuận hơn từ tài xế và các doanh nghiệp vận tải”, ông Bon chia sẻ với Zing.vn.
Nhiều xe né trạm thu phí, chạy vào huyện lộ ở Cai Lậy, Tiền Giang vào chiều 8.8. Ảnh: Việt Tường.
Cũng theo ông Trần Văn Bon, các doanh nghiệp vận tải hiện nay đang bị gánh nặng về chi phí khiến cho giá thành vận chuyển hàng hóa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cao. Doanh nghiệp và tài xế phản ánh có vài tỉnh đầu tư đường tránh đô thị nhưng không thu phí.
“Theo tôi, giá thấp nhất hiện nay là 35.000 có thể giảm xuống 25.000 đồng; cao nhất 180.000 giảm còn 150.000 đồng hoặc tỷ lệ tương ứng. Giảm giá vé dịch vụ đường bộ sẽ giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải và để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư thì có thể kéo dài thời gian thu phí “, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang nói.
Để không phải mất ít nhất 70.000 đồng cho hai lượt đi, về khi qua trạm Cai Lậy, từ ngày 1.8 đến nay, mỗi ngày có hàng nghìn lượt ôtô né trạm bằng cách chạy vào huyện lộ 63 và 67 ở Cai Lậy. Cụ thể, khi chạy gần giữa đoạn tránh thị xã Cai Lậy, tài xế từ TP.HCM về miền Tây sẽ cho xe rẽ trái vào đường Bình Phú – Phú An (còn gọi là lộ Giồng Cát), rồi đi ra quốc lộ 1, cách chùa Phước Long khoảng 1,2 km (cách trạm thu phí khoảng 1,5 km).
Sau khi né trạm thu phí, nhiều xe quay đầu trên quốc lộ gây ùn tắc giao thông cục bộ. Ảnh: Việt Tường.
Video đang HOT
Theo khảo sát của phóng viên, đoạn né trạm thu phí chỉ dài khoảng 5 km, trong khi đi quốc lộ 1 hoặc đường tránh thị xã Cai Lậy dài hơn 2 km. Tuy nhiên, do đường huyện hẹp, chỉ cho phép xe tải trọng 10 tấn lưu thông nên thời gian tài xế né và không né trạm tương đương nhau.
Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết ông đã chỉ đạo Sở GTVT kết hợp với cảnh sát giao thông của huyện Cai Lậy thường xuyên tuần tra, kiểm soát tải trọng và lượng xe né trạm thu phí để có hướng xử lý.
“Lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý xe chở quá tải vào huyện lộ hoặc xe khách chạy sai tuyến. Còn xe dịch vụ và xe gia đình từ 12 chỗ trở xuống thì không có cơ sở nào để hạn chế họ chạy được, dù biết rằng xe chạy nhiều thì đường sẽ mau hư hỏng”, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang nói.
Phóng viên đặt vấn đề địa phương có bị áp lực từ tài xế và doanh nghiệp vận tải về việc yêu cầu dời trạm thu phí vào đường tránh thị xã Cai Lậy, ông Phạm Anh Tuấn nói tỉnh chưa nghĩ đến việc này; vì khi lập dự án và xem xét đặt trạm trên quốc lộ 1 đã được Bộ GTVT phê duyệt.
“Dự án này được duyệt từ 2014. Bộ duyệt phương án làm BOT thì phê duyệt luôn mức phí, thời gian thu, vốn đầu tư và các hạng mục. Do đó, địa phương chưa có ý kiến gì. Còn việc làm đường tránh là để giảm áp lực, tránh kẹt xe ở ngã tư Cai Lậy, chứ quãng đường chênh lệch giữa đường tránh và quốc lộ 1 không lớn”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nói thêm.
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang, cho biết từ ngày 8.8, trạm Cai Lậy không gặp tài xế nào mua vé bằng tiền lẻ nhét vào chai nhựa. Để tránh ùn tắc cục bộ nếu tài xế tìm cách kéo dài thời gian mua vé, BOT Tiền Giang đã được công an địa phương hỗ trợ điều tiết giao thông.
“Chúng tôi có đến 85 nhân viên làm việc tại trạm. Tiền lẻ như bạc cắc chúng tôi cũng thu. Công an chỉ hỗ trợ điều tiết giao thông chứ họ không phải giúp trạm xử lý tài xế mua vé bằng tiền lẻ như nhiều người hiểu nhầm”, ông Hiệp khẳng định.
Nhiều tài xế cho rằng giá vé dịch vụ đường bộ tại BOT Tiền Giang không hợp lý nên đã chạy vào đường 63 và 67 (huyện Cai Lậy) để né trạm thu phí.
Theo Việt Tường (Zing)
Ảnh: Hàng nghìn ôtô né trạm thu phí Cai Lậy mỗi ngày
Tài xế cho rằng giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ tại BOT Tiền Giang không hợp lý khi so với cao tốc Trung Lương - TP.HCM, nên hàng nghìn lượt ôtô né trạm Cai Lậy mỗi ngày.
Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy (BOT Cai Lậy) chính thức hoạt động từ ngày 1.8. Trạm đặt tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang)
Theo Công ty Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang), dự án xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987 560 đến Km 2014 có tổng vốn đầu tư trên 1.398 tỷ đồng.
Trong đó, tuyến tránh dài 12,02 km đầu tư mới trên 1.000 tỷ và phần tăng cường mặt đường 26,5 km từ xã Mỹ Quý (thị xã Cai Lậy) đến xã Mỹ Đức Đông của huyện Cái Bè, cách trạm dừng chân Phương Trang khoảng 2 km về hướng Cần Thơ.
Sau gần 10 ngày BOT thu phí qua trạm Cai Lậy, nhiều tài xế và doanh nghiệp vận tải phản ánh rằng phí nơi này cao hơn khi so với tuyến cao tốc Trung Lương - TP.HCM. Theo các tài xế, trạm đặt trên quốc lộ 1 nên xe đi đường tránh hay vào thị xã Cai Lậy đều phải qua trạm.
Vài ngày trước, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ nhét vào chai nhựa khi mua vé qua trạm. Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang, cho biết đến nay trạm ghi nhận 10 trường hợp tài xế mua vé bằng tiền lẻ nhét vào chai nhựa. Đơn vị đã tăng cường nhân viên làm việc tại trạm Cai Lậy để cắt chai, lấy tiền lẻ ra đếm để xe qua nhanh.
Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy có 5 mức thu dành cho các loại xe. Trong đó, mức phí thấp nhất là xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại ôtô vận tải khách công cộng (35.000 đồng/vé); phí cao nhất là 180.000 đồng/vé, dành cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet.
Để tài xế bớt căng thẳng khi chạy xe qua những đoạn đường dài, nhân viên trạm Cai Lậy luôn vui vẻ khi khách mua vé và nói lời cảm ơn khi giao vé.
Không muốn mất tiền khi qua trạm Cai Lậy, nhiều tài xế taxi và hàng nghìn xe khách, ôtô tải, xe cá nhân đã né trạm, chạy vào đường huyện 63 và 67 của huyện Cai Lậy.
Theo một chủ quán giải khát ở đầu lộ Giồng Cát (đường liên xã Bình Phú - Phú An), mỗi ngày có hàng nghìn ôtô né trạm Cai Lậy, chạy nối đuôi nhau ra quốc lộ 1 ở khu vực gần chùa Phước Long ở ấp 6, xã Phú An. Khi đổ ra quốc lộ 1, ôtô phải vòng lại cuối dải phân cách để chạy về hướng Cần Thơ.
Cảnh sát giao thông tuần tra đường huyện 63 và 67 ở Tiền Giang để kiểm tra xe quá tải, hoặc ôtô khách chạy sai tuyến khi né trạm Cai Lậy.
Đoạn quốc lộ 1 nằm trong gói dự án tăng cường mặt đường ở huyện Cái Bè. Mặt đường có 2 làn ôtô mỗi bên và một làn dành cho xe máy.
Tài xế Trần Văn Hùng cho biết trạm Cai Lậy đặt trước nhà của ông là không hợp lý vì khu vực này đông dân cư. "Cách trạm thu phí một đoạn không xa là đất trống nhưng họ không đặt trạm. Người dân chạy xe vào nhà rất bất tiện vì cạnh làn đường dành cho xe máy, khói xe bay vào nhà bám đen mọi vật dụng. Mỗi ngày tôi qua lại trạm nhiều lượt và lần nào cũng tốn 50.000 đồng để mua vé cho xe 16 chỗ", ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Tuấn Nghiêm phản ánh trạm thu phí gây ứ đọng nước trước nhà dân mỗi khi trời mưa.
Theo lãnh đạo BOT Tiền Giang, trạm Cai Lậy là "thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ" chứ không phải thu phí đường bộ.
Để tránh ùn tắc giao thông, BOT Tiền Giang phân công nhân viên trực suốt ngày đêm để hướng dẫn ôtô vào các làn đường phù hợp.
Theo Việt Tường - Thanh Tùng (Zing)
Cháy trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Mỹ Tho Sáng nay (14/7), khi cán bộ nhân viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Mỹ Tho (số 28 Ngô Quyền, phường 1, TP Mỹ Tho), Tiền Giang chuẩn bị làm việc thì bất ngờ phát hiện lửa và khói ở tầng 2 của trụ sở bốc lên nên báo cơ quan chức năng và dùng bình chữa cháy tại...