Giám đốc Sở GTVT giải thích chuyện “HN cấm xe máy chứ không cấm mua”
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã có chia sẻ liên quan đến phát ngôn “Hà Nội chỉ cấm đi xe máy chứ không cấm mua xe máy”.
Hà Nội dự kiến sẽ cấm phương tiện cá nhân vào năm 2030
Trong buổi gặp gỡ báo chí vào cuối tháng 6 vừa qua, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện có chia sẻ liên quan đến đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017-2030″.
Tại buổi chia sẻ ông Viện nói rằng: “Hà Nội chỉ cấm đi xe máy chứ không cấm mua xe máy”. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người dân có ý kiến trái chiều liên quan đến nội dung này.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội làm rõ hơn nội dung này.
Thưa ông, theo lộ trình, Hà Nội sẽ bắt đầu cấm xe máy tại khu vực nội thành từ năm 2030. Vậy, thời điểm này người dân sẽ di chuyển từ khu vực cấm ra khu vực ngoại thành như thế nào?
Trước hết, việc mua sắm, sở hữu là quyền của người dân, không thể cấm. Bởi vậy, chúng tôi chỉ cấm người dân sử dụng phương tiện cá nhân ở các tuyến đường cấm. Còn ở các khu vực khác không cấm người dân vẫn di chuyển bình thường.
Khi cấm phương tiện cá nhân (xe máy) vào các tuyến phố cấm, người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Tại các điểm vào khu vực cấm đều có gắn biển báo kết nối giao thông cá nhân và giao thông công cộng.
Hà Nội sẽ xây dựng các bãi đỗ xe tĩnh tại điểm đầu, cuối của tuyến phố cấm hoặc những nơi gần với tuyến phố cấm nhất. Người dân di chuyển vào tuyến phố cấm sẽ gửi xe ở các bãi xe này, sau đó di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.
Và ngược lại, người dân di chuyển từ tuyến phố cấm ra ngoại thành sẽ đi phương tiện giao thông công cộng, sau đó ra khu vực bãi đỗ xe lấy xe và đi sang các tuyến phố không bị cấm. Tất nhiên, người dân sẽ phải mất chi phí gửi xe hàng tháng ở các bãi gửi xe này.
Vậy Hà Nội dự tính sẽ xây dựng bao nhiêu bãi đỗ xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân?
Chúng tôi đang tính toán và xây dựng các bãi đỗ xe. Phương châm đặt ra đáp ứng đủ nhu cầu của người, đảm bảo việc kết nối với giao thông công cộng một cách tốt nhất.
Video đang HOT
Tôi tin rằng đến giai 2030, không ai ở trong nội thành giữ xe máy làm gì cả. Bởi vì nhu cầu sử dụng xe máy sẽ rất ít. Tất nhiên cũng có người yêu thích xe máy thì lúc đó họ có thể gửi ở các bãi gửi xe ở ngoại thành và sau đó đi về quê hoặc đi chơi đâu đó.
Với những tuyến phố hẹp, phương tiện giao thông công cộng không vào được, người dân sẽ đi bằng gì thưa ông?
Hà Nội đặt ra mục tiêu 80% đáp ứng nhu cầu kết nối với người tham gia giao thông dưới 500m, 20% còn lại với người dân trong ngõ có thể đi bộ, đi bằng xe đạp. Do vậy, tại các con ngõ hẹp, người dân có thể đi bộ hoặc thuê xe đạp.
Hà Nội có trợ giá hay hỗ trợ người dân khi mà họ từ bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang đi phương tiện giao thông công cộng thưa ông?
Nội dung này chúng tôi đang cân nhắc và nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, nếu người dân không dùng xe máy nữa sẽ đưa về các tỉnh dùng làm phương tiện đi lại, buôn bán. Hoặc người dân có thể cho tặng nhau.
Chúng tôi đặt ra một lộ trình rất dài để người dân tự thấu được việc có cần thiết phải mua thêm xe máy không, sao cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng, khi phương tiện giao thông công cộng tốt rồi thì không người dân nào bỏ tiền ra mua thêm xe máy làm gì cho tốn kinh phí.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Đến năm 2030 những tuyến phố nào sẽ bắt đầu cấm xe máy thưa ông?
Trong đề án có nêu rất rõ là sẽ mở rộng vùng hạn chế xe máy để phù hợp với hạ tầng, kết cấu giao thông và năng lực vận tải hành khách công cộng. Hiện chúng tôi đang xây dựng bản chi tiết mở rộng các tuyến đường cấm xe máy.
Hà Nội đã có phương án mở rộng, nâng cao hệ thống giao thông công cộng như thế nào để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khi cấm xe máy?
Đến năm 2025, Hà Nội cơ bản đầu tư xong hạ tầng khung như các tuyến đường vành đai, xuyên tâm, 8 tuyến đường sắt đô thị. Thời điểm này, dự kiến phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội phải đáp ứng được 30-40% nhu cầu đi lại của nhân dân.
Hiện tại, lượng ô tô trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 500 nghìn xe và xe máy trên 5 triệu chiếc. Điều này khiến ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Xin cám ơn ông!
Theo Danviet
Chuyên gia phản biện đề án cấm xe máy của Hà Nội
Các chuyên gia nêu câu hỏi về tính pháp lý và cho rằng nhiều nước phát triển hơn Việt Nam không cấm xe máy.
Ngày 16/6, tại hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về tăng cường quản lý phương tiện giao thông vào năm 2030, trong đó có việc cấm xe máy tại các quận, nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội khó thực hiện lộ trình trên.
"Căn cứ pháp lý nào để Hà Nội dừng lưu hành xe máy cũ nát và đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động tại khu vực các quận nội thành. Nếu cấm xe máy nội thành thì người dân đi xe máy từ nội thành ra ngoại thành thế nào?", Chủ tịch Hội luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến nêu vấn đề.
Hà Nội hiện có 5.2 triệu xe máy trong nội đô từ năm 2030. Ảnh minh hoạ: Bá Đô.
Nhận định việc cấm xe máy nội đô là cần thiết, tuy nhiên chuyên gia giao thông Trần Thị Kim Đăng (Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) nói "sẽ khó làm". Theo bà, về lý thuyết cấm xe máy phải có giao thông công cộng thay thế chứ không thể nói cấm thì người dân phải chạy bộ, đi bộ.
Chuyên gia đến từ ĐH Giao thông phân tích, hiện các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe bus phân bố rất xa nơi người dân ở, trong khi thói quen đi bộ của người Hà Nội (người già dưới 1 km, người trẻ khoảng 200 m) khác với người phương Tây (khoảng 2 km).
Cũng đến từ ĐH Giao thông, GS. TS Nguyễn Viết Trung cho rằng, chỉ tiêu đến năm 2030 cấm xe máy là không thể đạt được vì chỉ còn 13 năm nữa, lộ trình này cần phải dài thêm có thể đến năm 2040 và cũng chỉ là hạn chế ở mức nào đó. Ông đưa ra đề xuất thành phố tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng cho người có nhà ở cách xa bến xe buýt.
GS.TS Ông Bùi Xuân Cậy (nguyên trưởng bộ môn Công trình, ĐH Giao thông) thông tin, đa số các nước trên thế giới cho phép người dân sử dụng xe máy, chỉ có một số quốc gia, thành phố cấm. Ông Cậy dẫn chứng, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan... thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhưng hiện họ vẫn sử dụng xe máy.
"Liệu đến năm 2030, thu nhập đầu người của chúng ta đạt được như các nước hay không?", ông Cậy nói và cho rằng, thành phố nên đưa chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm được khoảng 50% số lượng xe máy lưu thông trên đường ở các quận nội thành là hợp lý.
Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Ngô Anh Tuấn phân tích, dự thảo dường như đặt nặng việc "cấm đoán" hơn là đưa ra giải pháp. "Phải đưa vào nghị quyết giải pháp tập trung phát triển giao thông công cộng rồi hãy đề cập đến hạn chế xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy" ông Tuấn nêu quan điểm.
Đối với lộ trình dừng hoạt động xe máy tại nội thành vào năm 2030, ông Tuấn nhận định đây là việc quá "nóng vội". Theo ông, việc dừng hoạt động xe máy tại nội thành không thể gắn với một năm cụ thể mà phải gắn với sự phát triển của giao thông công cộng đến mức nào, gắn với kết quả đạt được về hạ tầng giao thông.
"Gắn với thời hạn 2030 là không có căn cứ", ông Tuấn nói và đề nghị nội dung cấm xe máy tại nội đô nên xây dựng một đề án riêng để "nghiên cứu thật kỹ càng", trong đó có phải trả lời được câu hỏi "cấm xe máy thì người dân đi phương tiện gì?".
Lãnh đạo Hà Nội: Cấm xe máy vì lợi ích chung
Giải đáp băn khoăn về căn cứ cấm xe máy tại khu vực nội thành vào năm 2030, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, thẩm quyền tổ chức giao thông là của lãnh đạo chính quyền địa phương.
"Vừa qua Hà Nội đã cấm xe ở một số khu vực như tuyến phố đi bộ. Cho đi ở tuyến phố nào, khu vực nào, đi vào thời điểm nào, dừng đỗ ở khu vực nào... là thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội", ông Viện nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của dự thảo nghị quyết là nhằm "phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đây là chăm lo cuộc sống bền vững của người dân Thủ đô chứ không chỉ là quản lý một vài cái xe máy... Chúng ta làm cái này là cho đại bộ phận nhân dân chứ không phải một số người".
Ông Hùng cũng cho rằng, về mặt pháp lý và điều kiện để thực hiện mục tiêu dự thảo đề ra vẫn còn nhiều vấn đề. Hà Nội đang và sắp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có tăng cường năng lực giao thông công cộng, tổ chức giao thông hợp lý, áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, tuyên truyền cho người dân...
Với lộ trình 2030, ông Hùng cho hay Hà Nội phải đưa lộ trình dài để có căn cứ, có mục tiêu cụ thể "đong đếm được" để thực hiện.
Theo dự thảo nghị quyết, Hà Nội hiện có 5,2 triệu xe máy, trên 485.000 xe ôtô các loại, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 1,1 vạn xe đạp điện và xe máy điện, chưa kể khoảng 10 - 15% các phương tiện ngoại tỉnh đang hoạt động.
Lượng phương tiện giao thông tăng bình quân hàng năm: giai đoạn 2011 - 2016 là 10,2% đối với ôtô và 6,7% đối với xe máy. Theo tính toán, nếu 60% số ôtô, xe máy hiện có lưu thông với vận tốc 20 km/h, thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống giao thông đường bộ (trong khu vực trung tâm vượt 3,72 lần).
Về môi trường, theo khảo sát, hoạt động giao thông vận tải chiếm khoảng 70% trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí.
Võ Hải
Theo VNE
Hà Nội cấm xe máy trong các quận nội thành từ năm 2030 Thời gian tới Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Từ năm 2030, Hà Nội sẽ dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành. Sáng 4/7, HĐND TP Hà Nội đã...