Giám đốc sở đặc cách con trai và chuyện “phù phép” thi tuyển công chức
Liêm chính và kiến tạo thế nào nếu các cuộc tuyển chọn công chức nhà nước đều có vấn đề, nếu không bị phù phép cho người nhà, người thân thì cũng tiêu cực bởi quan hệ, gửi gắm?
Sự việc Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương có 46 trường hợp công chức thì có tới 44 người làm lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên, tháng 1.2017, Thanh tra Bộ Nội vụ đã có kết luận.
Theo đó, thời điểm Thanh tra Bộ Nội vụ thanh tra, Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương có 9 phòng với số lượng phó trưởng phòng là 31 người, trong đó có 6 phòng chuyên môn có số lượng phó trưởng phòng nhiều bất thường. Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương quyết định cho 7 công chức thôi giữ chức phó trưởng phòng (theo đơn tự nguyện thôi giữ chức vụ của công chức) và một phó trưởng phòng chuyển công tác.
Trong số những phó phòng có đơn tự nguyện thôi chức phó trưởng phòng, có con trai của giám đốc Sở Nội Vụ, ông Phạm Văn Kháng.
Ông Phạm Văn Kháng, 37 tuổi, là con trai ông Phạm Văn Tỏ – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương. Ông Kháng được tiếp nhận về công tác tại phòng Việc làm – an toàn lao động từ ngày 15.2.2016 theo Quyết định số 02/QĐ-SNV ký ngày 3.2.2016 do chính cha đẻ là ông Phạm Văn Tỏ ký.
Video đang HOT
Quyết định của ông Tó ký đặc cách cho con trai là Phạm Văn Kháng.
Theo quyết định bổ nhiệm không qua thi tuyển công chức, ông Kháng được xếp ngạch chuyên viên mã số 01.003, bậc 3, hệ số lương 3.00.
Ngày 15.2.2016, Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 308 về việc tiếp nhận bổ nhiệm cán bộ đối với ông Phạm Văn Kháng vào vị trí Phó trưởng phòng việc làm – an toàn lao động. Thời hạn giữ chức vụ 5 năm.
Trả lời báo chí, ông Tỏ nói rằng mình ký quyết định bổ nhiệm con trai là “sai quy trình và ông cũng đã xin nhận hình thức kỷ luật trước lãnh đạo tỉnh Hải Dương”…
Nhìn rộng ra trên cả nước, trong các kỳ thi tuyển công chức, không khó để tìm kiếm thêm nhiều thông tin về những ì xèo, tiêu cực, “chạy”, cả về sự lạm quyền, sự lợi dụng chức vụ để lo cho con, cháu, hoặc xoay xở để người nhà “vượt” qua kỳ tuyển, trở thành công chức nhà nước, làm méo mó đi tiêu chí của hai chữ” thi tuyển”.
Đôi khi chính những người có chức vụ, có quyền hạn lại ẩn nau khôn khéo dưới hai chữ “thi tuyển” có vẻ rất công khai minh bạch này để ủn người nhà vào cơ quan.
Vì thế, rất dễ hiểu vì sao có người bằng thạc sĩ học ở nước ngoài về vẫn “trượt” công chức. Dễ hiểu vì sao nhiều sinh viên khá giỏi, có năng lực, “hồn nhiên” đi thi để rồi dù làm bài tốt vẫn trượt mà không biết kêu ai.
Những cuộc thi nhí nhoáy như thế ngày càng nhiều, nó giảm chất lượng trông thấy về năng lực làm việc và đạo đức công chức, viên chức nhà nước.
Nguy hiểm hơn, hễ có thi là “xoay” là “chạy” là í ới anh ơi, cô ơi, chú ơi, là thư tay, là điện thoại, còn không thì tâm lí người đi thi bất an, lòng tin vào sự mực thước, minh bạch, nghiêm cẩn của các cuộc thi đang giảm sút.
Chính phủ đang quyết liệt phấn đấu xây dựng cho được một chính phủ liêm chính và kiến tạo. Nhưng để làm được việc này thì mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi đều phải có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức thực sự “liêm chính và kiến tạo”.
Thế nhưng, liêm chính và kiến tạo thế nào nếu các cuộc tuyển chọn công chức nhà nước đều có vấn đề, nếu không bị phù phép cho người nhà, người thân thì cũng tiêu cực bởi quan hệ, gửi gắm?
Vì thế, bất cứ trường hợp nào tuyển dụng sai trái đều phải được huỷ bỏ quyết định.
Không chỉ kỷ luật nghiêm khắc người cố tình làm sai mà còn phải rà soát, lọc ra cho hết những công chức, viên chức do “chạy” do ” vượt rào” do được “phù phép” mà thành.
Theo đó, cần buộc họ thi tuyển lại, dứt khoát, minh bạch như thế, vừa làm sạch đội ngũ, lấy lại niềm tin, vừa góp phần nâng cao chất lượng hệ thống hành chính, tạo mảnh đất tốt cho người tài giỏi được phụng sự và cống hiến.
Trước khi tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cần hơn hết một chế tài đủ nghiêm, đủ mạnh, đủ rắn để bảo vệ hệ thống công chức, viên chức thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”.
Mọi việc bắt đầu từ chất lượng con người…
Theo Danviet