Giám đốc HVNNVN: Tạo mạch nguồn cho người trẻ tìm về nông nghiệp
Mấy năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp trở nên mạnh mẽ, đã có nhiều bạn trẻ rời bàn giấy, rời thành phố phồn hoa trở về với đồng xanh, với ruộng vườn. Theo PGS – TS Nguyễn Thị Lan (ảnh) – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để các dự án khởi nghiệp thành công, chúng phải được ươm tạo trong một môi trường nhiều ưu đãi và cởi mở.
Bà đánh giá như thế nào về phong trào về quê khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ? Theo bà, đó chỉ là một trào lưu hay sẽ thành một xu hướng tất yếu?
- Thực tế đã chứng minh, khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt đưa đến sự phát triển kinh tế đột phá của các quốc gia. Đây chính là một trong những lý do để năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức đưa ra thông điệp “Quốc gia khởi nghiệp”. Ngay sau thông điệp này, rất nhiều chính sách, đề án, kế hoạch, chương trình đã được ban hành nhằm tạo sự đột phá trong công tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ những chính sách ưu đãi ngày càng sát thực tế, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân tìm về nơi này đầu tư. Con số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng đột biến trong 2 năm trở lại đây cho thấy, nông nghiệp đang là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng khởi nghiệp.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành. Ảnh: H.V
Ở bất kỳ địa phương nào, chúng ta cũng có thể bắt gặp những dự án khởi nghiệp bằng nông nghiệp, nhiều bạn trẻ đang có công việc ổn định ở các lĩnh vực khác cũng quyết định dấn thân làm nông nghiệp với những ý tưởng sáng tạo độc đáo và mới mẻ. Không những thế, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng chuyển hướng đầu tư, cho thấy nông nghiệp đang thực sự hấp dẫn, không hẳn là một trào lưu đầu tư nhất thời.
Cụ thể một chút, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên được ươm tạo như thế nào?
- Năm 2013, dự án Trung tâm Nông nghiệp thực nghiệm HUAZONE của Học viện Nông nghiệp Việt Nam giành chức vô địch khi tham gia Chương trình khởi nghiệp quốc gia 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Cùng với Dự án Nâng tầm nông sản Việt đoạt giải Nhất Chương trình Sáng tạo Việt 2013 do Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức đã góp phần thổi luồng gió mới cho phong trào khởi nghiệp trong sinh viên của Học viện.
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia cuộc thi và đạt giải, những dự án khởi nghiệp tại Học viện còn được ươm tạo, thu hút sự đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp, doanh nhân để thành lập những doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại tổ chức hoạt động, sản xuất, kinh doanh bước đầu có hiệu quả như: Công ty CP D-Green Việt Nam, Công ty Đào tạo và phát triển giáo dục quốc tế Hoàng Gia, Công ty CP Công nghệ cao Rau Việt, Trang trại Sản xuất và tiêu thụ gà Mông Yên Bái…
Hầu hết các dự án đều có giải pháp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiến tiến trong từng khâu hoặc trong cả quy trình sản xuất với mong muốn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số dự án khởi nghiệp đã được hiện thực hoá trong tổng số 795 dự án, ý tưởng khởi nghiệp trong 5 năm qua.
Video đang HOT
Theo bà, đâu là thách thức lớn nhất cho các dự án này?
- Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội để tăng tốc phát triển. Kết quả ngành đạt được trong năm 2018 chứng tỏ các chính sách thúc đẩy tái cơ cấu, xúc tiến thương mại đã phát huy hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo đang trở nên bức thiết. Đây chính là cơ hội cho các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Nhưng rõ ràng, những thách thức mà những người đang đầu tư vào nông nghiệp gặp phải cùng không hề nhỏ khi vẫn còn những rào cản đang ngăn bước khởi nghiệp phát triển như: Thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp, chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho khởi nghiệp phát triển. Các đầu tư cho chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ sinh viên và thanh niên tri thức ở nông thôn khởi nghiệp còn hạn chế…
Vậy để hóa giải những thách thức này, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở các bạn trẻ, theo bà cần những giải pháp gì?
- Theo tôi, để có thể tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo động lực cho các bạn trẻ tìm về nông nghiệp, cần phát triển các chương trình đào tạo tại các trường đại học nông nghiệp trọng điểm nhằm đào tạo, tăng cường nhận thức, xây dựng các mô hình thành công cho các đối tượng tiềm năng là sinh viên, thanh niên nông thôn.
Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, các quy định về thành lập và vận hành hệ thống trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các cơ chế chính sách tài trợ vốn và các ưu đãi về tài chính, tạo cơ chế huy động vốn cho thành lập và hoạt động của các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công để nhân rộng ở các địa phương, các nhà trường nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhóm thanh niên, sinh viên, chủ trang trại, doanh nghiệp…
Gắn kết khởi nghiệp nông nghiệp với các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đầu tư, kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp, nơi cung cấp không gian làm việc, sáng tạo ý tưởng, kết nối mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp…
Tôi nghĩ, các bạn trẻ luôn sẵn sàng dấn thân vào những thử thách mới, điều quan trọng là chúng ta có tạo được mạch nguồn, không gian cho những ý tưởng sáng tạo của họ thành hiện thực.
Xin cảm ơn bà!
Theo Danviet
Cô giáo rời bục giảng, trồng sachi, vừa khỏe người vừa nặng ví
Chia tay với nghề "gõ đầu tre", chị Lê Thị Vân đã chọn cho mình một hướng đi mới không ai ngờ tới, đó là làm nông nghiệp. Sau hơn 3 năm lăn lộn, chị đã thành công trong việc trồng cây sachi, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ sức khỏe, mở ra con đường thoát nghèo cho người dân tỉnh Hòa Bình.
Những mũi tên đều trúng đích
Nhiều người khi tiếp xúc với chị Lê Thị Vân - Giám đốc Công ty CP Inca Việt Nam (Hòa Bình) đều tỏ ra khá bất ngơ và thú vị khi biết chị từng là một một giáo viên. Không hề được đào tạo bài bản về nông nghiệp, ngành dược, cũng chẳng có nhiều vốn liếng kinh doanh, chỉ có sự quyết tâm, táo bạo và tâm huyết là điều giúp chị thành công.
Với tâm huyết của mình, chị Lê Thị Vân đã cho ra đời nhiều sản phẩm quý từ cây sachi. Ảnh: Ngọc Tùng
Vừa pha cốc trà được làm từ lá sachi, rồi đem hạt sachi sấy khô, sachi phủ chocolate mời khách, chị Vân vừa giới thiệu: Sachi là loại thực phẩm tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Quả sachi có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhất là omega 3, 6, 9; bên cạnh đó, đây cũng là loài thực vật chứa hàm lượng chất chống ôxy hóa tự nhiên rất cao. Tinh dầu sachi, cho lượng omega 3 gấp 17 lần từ cá hồi...
Có lẽ không cần phải nói nhiều về những công dụng ấy, bởi trước khi về Việt Nam, loại cây này được ví là "siêu thực phẩm mới" hay "vua của các loại hạt". Nhưng có một điểm mà ít người biết, hiện nay, sachi đã được chị Vân khai thác triệt để mọi thành phần của cây.
Nông dân ở bản Khạng, xã Địch Giáo (Tân Lạc, Hòa Bình) thu hoạch quả sachi. Ảnh: N.T
"Loại cây này độc đáo lắm, đó là cây đa tác dụng: Cây lâm nghiệp, nông nghiệp, cây dược liệu. Trên thế giới, sản phẩm chế biến từ cây sachi rất đa dạng, hạt có thể chế biến thành tinh dầu dùng để sản xuất dầu ăn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; xay làm bánh hoặc ăn trực tiếp cũng rất ngon. Nhưng thú vị hơn cả, lá sachi còn được dùng làm trà, ngọn làm rau, quả non ăn sống..." - chị Vân hồ hởi.
Đó là một lần khi đi thăm vườn sachi, nhìn những chiếc lá xanh tươi, chị thầm nhủ: Quả sachi có nhiều dinh dưỡng thì những bộ phận khác của cây cũng như vậy. Chị Vân mạnh dạn mang suy nghĩ của mình cùng một bó cây sachi tươi đến gặp PGS-TS Nguyễn Thị Trâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhờ bà phân tích. Một tuần sau, chị nhận được thông báo: Ngoài các thành phần dinh dưỡng như ở quả (tỉ lệ có thấp hơn), trong thân và lá sachi còn có hàm lượng canxi cao, có thể làm thức uống tốt cho sức khỏe.
Phấn khởi, chị Vân quyết định chế biến trà từ loại thực phẩm này. Với công thức khá đơn giản là sấy khô, nghiền nhỏ lá sachi, không cần thêm bất kỳ hương, phụ liệu như các loại trà khác, chị cho ra đời hai sản phẩm là trà túi lọc, bột trà hòa tan. Sau khi đem cho nhiều người cùng thưởng thức, chị Vân vỡ òa khi nhận được phản hồi về trà sachi có hương vị rất thơm ngon và đặc biệt là tính mát.
Đưa sản phẩm này ra thị trường, chị Vân nhận được tín hiệu rất tích cực, đem lại doanh thu và góp phần giải bài toán về vốn cho của công ty. Cũng từ đó, chị nhận thấy tiềm năng lớn để mở rộng diện tích trồng cây sachi ở Hòa Bình. Với mức đầu tư khoảng 60 triệu đồng/ha, sau 2 năm, người dân có thể thu hồi vốn và có lãi sau năm thứ ba với mức thu ổn định 150 triệu đồng/ha/năm.
Sau khi xây dựng vùng nguyên liệu, chị Vân đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến sản phẩm ngay tại Hòa Bình. Hiện nay, Công ty Inca Việt Nam đã có các sản phẩm như dầu Omega 3, 6, 9, trà túi lọc giải độc, hạt rang sấy, hạt phủ chocolate. Sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ nhanh đến đó, công ty có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ,
Nhân rộng "giấc mơ Sachi"
Khi được hỏi về cơ duyên đến với loại cây này, chị Vân chia sẻ: Từ nhỏ, sức khỏe tôi rất kém, người gầy như que củi, cuộc sống phải phụ thuộc vào thuốc men, sức khỏe yếu, ảnh hưởng đến gia đình, đồng nghiệp và học sinh. May mắn, năm 2012 chị gặp một vị tiến sĩ trong ngành dinh dưỡng. Sau khi khám và biết được nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe của chị, ông đã hướng dẫn chị chế độ ăn uống hợp lý, từ đó, sức khỏe chị cải thiện.
Sau đó, chị nảy ra ý tưởng mở câu lạc bộ dinh dưỡng để chia sẻ kiến thức sức khỏe, hướng dẫn mọi người cùng thực hiện. Cũng vì vậy, chị Vân phải gác lại việc dạy học để chuyên tâm hơn vào công việc này. Từ một bệnh nhân, chị trở thành người nghiên cứu nhiều về các loại cây dược liệu, đến công thức dinh dưỡng, thực phẩm chức năng cho sức khỏe.
Chị luôn tìm kiếm những loại dược liệu có thể trồng tại địa phương. May mắn, chồng chị Vân công tác trong ngành nông nghiệp tại Hòa Bình, thường xuyên tìm tòi thử nghiệm những cây trồng mới. Một lần, người bạn của chồng đi công tác tại Thái Lan, khi về đã chia sẻ về cây sachi với nhiều công dụng, hiệu quả kinh tế cao. Thấy đúng là loại thực phẩm mình đang cần, chị Vân và chồng quyết định sang đó học hỏi và mua giống về trồng.
Được các giáo sư ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn, năm 2015 chị quyết định thành lập Công ty CP Inca Việt Nam và bỏ vốn đầu tư 10ha vùng nguyên liệu ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Sau những thử nghiệm ban đầu thất bại, không nản chí, chị Vân kiên trì thuyết phục bà con thực hiện liên kết sản xuất. Công ty cung cấp giống, kỹ thuật và ký cam kết thu mua sản phẩm người dân.
Đi đến các huyện, nghe chị Vân trình bày mô hình, chứng minh sự hiệu quả, lãnh đạo địa phương và nhân dân đều bị thuyết phục. Nhờ đó, đến nay, vùng nguyên liệu của công ty đã được 100ha với 50ha đang cho thu hoạch, tập trung ở các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc và TP.Hòa Bình.
"Công ty đã lên kế hoạch cấp phát cây sachi giống và hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, để người dân tiếp cận với mô hình này và sử dụng sachi làm món ăn hàng ngày. Sau đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ để họ phát triển, tăng thu nhập hướng tới thoát nghèo" - chị Vân chia sẻ.
Theo Danviet
Niềm tin và trách nhiệm Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023) chính thức khai mạc. Nhiệt liệt chào mừng 999 đại biểu ưu tú trong phong trào nông dân, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh trong cả nước về dự. Đại hội là điểm hội tụ trí tuệ, gửi niềm tin của giai cấp nông dân với Đảng,...