Giám đốc hợp tác xã đưa dâu tây vào siêu thị, giá 200.000 đồng/kg
Với mong muốn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dâu tây cho nông dân, anh Nguyễn Văn Nam, ở bản Xuân Quế ( xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã tập hợp các hộ dân thành lập hợp tác xã dâu tây Xuân Quế.
Liên kết sản xuất
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Xuân Quế (Cò Nòi), bố mẹ anh Nam quê ở Hà Nam, lên Sơn La xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 1970. Ngay từ nhỏ anh gắn bó với nương rẫy, chủ yếu trồng ngô, mía. Thời điểm ngô, mía được giá, nông dân phấn khởi vì có thu nhập khá nhưng vài năm trở lại đây giá ngô, mía liên tục giảm. Là người làm nông anh Nam thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của bà con, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như đã thành quen.
Anh Nguyễn Văn Nam, giám đốc hợp tác xã dâu tây Xuân Quế.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Nam kể: Bản Xuân Quế này đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, trồng cây gì cũng xanh tốt, tuy nhiên trồng cây nông nghiệp truyền thống ngô, mía không còn phù hợp bởi hiệu quả kinh tế thấp. Từ ngày cây dâu tây bén rễ vùng đất này, đời sống kinh tế của người dân ngày càng khấm khá lên.
Dâu tây là cây trồng mang lại thu nhập cao cho nhiều người nông dân.
“Cây dâu tây trồng ở đất này đã có từ lâu, do trước đây người dân chủ yếu trồng các loại dâu địa phương nên quả ăn không ngon, vị chua nên ít người mua. Sau khi giống dâu tây nhật HaNa được đem về trồng chất lượng hơn hẳn, quả ăn rất ngon, giòn, ngọt. Tiếng lành đồn xa người biết đến dâu tây nhật HaNa ở Xuân Quế. Thấy cây dâu tây mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2015, tôi quyết định mở rộng diện tích trên 5.000 m2 đất”.
Năm đó, dâu tây được mùa bán được giá cao, đem thu nhập về cho gia đình anh Nam hơn 500 triệu đồng. “Hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần các loại cây trồng khác, thế là phong trào trồng dâu tây lên cao”, anh Nam chia sẻ.
Dâu tây vào siêu thị
Khi diện tích dâu tây tăng bắt đầu gặp khó khăn về đầu ra. Với mong muốn liên kết sản xuất theo chuỗi, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, anh Nam nảy ra ý tưởng tập hợp các hộ trồng dâu tây nhỏ, lẻ để thành lập HTX. Vì vậy năm 2018, anh đứng ra thành lập HTX dâu tây Xuân Quế, với 12 thành viên, tổng diện tích dâu tây hơn 8ha.
Để phát triển HTX, anh Nam cùng các thành viên bàn bạc tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, vận động các thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng công nghệ trong sản xuất, đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các công ty mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất cho các thành viên.
Video đang HOT
Dâu tây rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở Xuân Quế.
Khi sản phẩm nhiều, anh Nam cùng các thành viên HTX bàn nhau đưa dâu tây xuống chào hàng tại các siêu thị lớn, cửa hàng hoa quả sạch tại Hà Nội, ban đầu do sản phẩm chưa có thương hiệu nên bị khách hàng từ chối. Không nản chí, đến mùa anh lại đưa sản phẩm xuống Hà Nội chào hàng, dần dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng tại các siêu thị.
Đầu năm 2018, thông qua Hội nghị xúc thương mại của tỉnh Sơn La về quảng bá các mặt hàng nông sản tại Hà Nội, trong đó có dâu tây, sản phẩm dâu tây của HTX dâu tây Xuân Quế nhận được nhiều đơn đặt hàng của các siêu thị lớn như Vinmart, Big C,… Giá bán 1kg dâu tây vào các siêu thị này có giá 190.000 – 200.000 đồng/kg.
Đến nay, HTX đã hoàn tất thủ tục về tem mác truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm dâu tây. Những thành công bước đầu đã tạo cơ hội cho các thành viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Sản phẩm dâu tây suất bán tại các siêu thị lớn được chọn lọc, đóng hộp rất nghiêm ngặt.
Theo anh Nam, xây dựng được thương hiệu đã khó nhưng giữ được thương hiệu càng khó hơn. Với phương châm sản xuất nông sản sạch, chất lượng sản phẩm là mục tiêu hàng đầu, HTX tăng cường liên kết đào tạo nâng cao kỹ thuật sản xuất, cam kết giữa các thành viên sản xuất sạch, an toàn, không sử dụng thuốc kích thích…
Theo đó, HTX đã đăng ký sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5ha. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với các nhà đầu tư cung ứng cây giống, các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và liên hiệp HTX trên địa bàn, để sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Dâu tây mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Nam và các thành viên của HTX.
Với cương vị là giám đốc HTX, anh Nam luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao thu nhập cho các thành viên. Vì thế, ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, anh còn nỗ lực liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần giúp người trồng dâu tây có thu nhập khá.
Dâu tây nhật HaNa trồng tại bản Xuân Quế.
Theo Danviet
Kỳ công trồng cả trăm cây quý, giá bán đắt như vàng, lái cứ gạ mua
Giữa những triền đồi xanh ngát vườn cây ăn quả, có một khu rừng sưa đỏ rộng chừng 2 ha của lão nông Lèo Văn Châu, sinh năm 1959, ở bản Mòn (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), khiến bất cứ ai đặt chân tới cũng trầm trồ ngạc nhiên.
Khu vườn đã khiến cho mảnh đất thanh vắng trở nên nhộn nhịp người ra vào chiêm ngưỡng, gạ mua.
Giữa cái nắng oi ả của tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà ông Châu để được tận mắt chiêm ngưỡng khu rừng sưa đỏ quý giá của ông. Trên con đường bê tông nhỏ dẫn vào bản Mòn, dừng hỏi đường vào nhà ông mấy đứa trẻ đang nô đùa ai nấy đều chen vai nhanh tay chỉ hướng. Ông Châu là người hiền lành, cần cù, chịu khó, sống đoàn kết với mọi người nên được bà con dân bản quý mến biết đến.
Ông Lèo Văn Châu đi thăm rừng sưa đỏ của mình.
Tới nơi, thấy ông Châu dáng người hiền lành, da ngăm đen vì cháy nắng, giọng nói rõng rạc, đôi chân nhanh nhẹn, đang bận rộn với công việc chăm sóc những bầu cây giống Sa Chi chuẩn bị hạ xuống đất trồng. Thấy chúng tôi gạn hỏi muốn được thăm quan rừng sưa đỏ, ông tặc lưỡi đứng dậy phủi tay, không chút ngần ngại dẫn ngay chúng tôi sang quả đồi trước nhà để xem.
Rừng sưa đỏ đã có tuổi gần 10 năm đang phát triển tốt.
Vừa đi ông vừa chỉ trỏ kể chuyện về quãng thời gian cây sưa đỏ được trồng trên mảnh đất của ông. Ông kể rằng: Rừng sưa đỏ này tôi trồng cách đây gần 10 năm. Thời điểm đó, tôi cũng không hề hay biết cây sưa lại có giá trị đến như vậy. Ban đầu xem qua xem tivi, nghe đài, thấy nói sưa là cây gỗ quý nên tôi tò mò tìm giống về trồng thử. Được mọi người mách tại khu nhà máy giấy cũ (nay đã giải thể) gần thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn) có vườn ươm loại giống cây này. Tôi liền đi mua một lúc 800 cây về trồng, mỗi cây giống khi đó chỉ lớn bằng ngón tay.
Rừng sưa đỏ của ông Châu có gốc đã to bằng bắp chân người lớn.
"Do thiếu kinh nghiệm trồng và kỹ thuật chăm sóc loại cây này nên khi trồng xuống đất, cây bị chết gần một nữa, hiện chỉ còn hơn 400 cây sống và phát triển ở khu đất rộng gần 2ha của gia đình. Những cây còn sống giờ đều đã to bằng bắp đùi người lớn, nhiều cây có lõi đỏ chót to bằng bắp tay", ông Châu nói.
Nhiều người đến hỏi mua nhưng ông Châu không bán, ông muốn giữ lại khu rừng cho con cháu.
Sưa đỏ được đánh giá là là một trong những loại cây gỗ quý bậc nhất, giá bán đắt như vàng. Thế nên thời gian qua, tại khu rừng sưa của ông Châu có rất nhiều người đến thăm quan và gạ mua, nhưng ông không bán vì ông muốn giữ lại khu rừng sưa này cho con cháu đời sau. Và cũng là để cây phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường.
Nhiều cây phát triển tốt cao gần chục mét, có cây thương lái đến gạ mua với giá hàng chục triệu đồng.
Ông Châu nói rằng, trước đây vùng này toàn rừng là từng, trong rừng có nhiều cây gỗ quý như: nghiến, đinh, lát... có những cây gỗ to đến vài người ôm không xuể. Nhưng do cuộc sống mưu sinh, bị cái đói, cái nghèo rình rập, mà người dân trong bản đã phá rừng làm nương rẫy, lấy gỗ làm nhà... Bây giờ, nhìn đâu cũng chỉ thấy đồi núi trọc lốc, nắng cháy, không lấy một bóng cây. Vì thế tôi luôn ấp ủ trồng cây gây rừng, để có những cánh rừng xanh tỏa bóng mát.
Dưới tán sưa ông Châu trồng xen cây ăn quả xoài, nhãn, cà phê, mận... để tạo thêm thu nhập.
Quá trình trồng sưa đỏ đã cho ông Châu nhiều kinh nghiệm, "Cây sưa phát triển tự nhiên, không phải chăm bón gì, khi nào thấy cây biểu hiện bị bệnh sâu đục thân thì xử lý bệnh cho cây, nếu không cây sẽ chết. Cách phòng tốt nhất là dùng vôi trắng bôi quanh thân cây hoặc bơm thuốc vào vết sâu đục cho sâu chết.
Theo ông Châu, trồng cây không biết đến khi nào mới có hiệu quả kinh tế, nên để phát triển kinh tế ổn định cuộc sống gia đình, dưới tán xưa ông Châu trồng xen các loại cây ăn quả, nào là cà phê, mận, xoài, nhãn... cách này không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây sưa mà vẫn tạo ra thu nhập. Ngoài ra, để tiện chăm sóc và bảo vệ khu rừng sưa đỏ ông Châu dựng một ngôi nhà sàn nhỏ làm trang trại ở luôn tại chỗ.
Nghề ươm cây giống bán cho bà con trong vùng của ông Châu.
Ngoài việc trồng cây ăn quả dưới tán sưa, ông còn lên những quả đồi hoang để khai khẩn trồng thêm cây ngô, cây mía, chăn nuôi lợn, gà... kết hợp với ươm cây giống để bán cho bà con trong vùng. Ước tính thu nhập của gia đình được vài trăm triệu mỗi năm. Kinh tế gia đình ổn định lại càng tiếp thêm động lực cho ông Châu giữ gìn và bảo vệ rừng sưa đỏ của mình.
Theo Danviet
Sơn La: Thức ì ọp cả đêm canh từng giọt nước ở vùng đất khát Tuy đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa xoa dịu đi cái oi bức sau trận nắng nóng kéo dài vừa qua ở Sơn La, nhưng vẫn chưa thể giảm bớt đi cơn khát nước ở nhiều nơi, trong đó có bản Búc (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn). Thiếu nước sinh hoạt nhiều người phải thức ì ọp cả đêm lên...