Giám đốc “hô biến” hàng chục ôtô thế chấp tại ngân hàng
Vay tiền và dùng chính tài sản mua sắm để thế chấp tại ngân hàng nhưng Hải vẫn nhanh chóng “hô biến” được hàng chục ô tô.
Bị dẫn giải tới tòa mới đây, Trần Minh Hải (SN 1982, trú ở phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Hội) – Giám đốc công ty TNHH Du lịch Thu Hà (gọi tắt là Công ty Thu Hà) bị truy tố về tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh Hà Nội (VPBank Hà Nội) cùng nhiều cá nhân.
Theo đó, cáo trạng truy tố Trần Minh Hải cho thấy, từ tháng 12-2008 đến tháng 1-2010, Giám đốc Công ty Thu Hà đã lần lượt ký kết 9 hợp đồng tín dụng với VPBank Hà Nội, tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Mục đích vay tiền được hai bên xác định là dùng để mua sắm 15 xe ô tô phục vụ kinh doanh.
Trần Minh Hải tại phiên tòa
Thực hiện hợp đồng vay tiền, Hải cũng chấp thuận dùng chính hàng chục ô tô đặt mua (thực chất ngân hàng chỉ cầm giữ đăng ký xe) làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, lợi dụng việc được giao quản lý phương tiện, Giám đốc Công ty Thu Hà lần lượt bán sạch toàn bộ số ô tô mua sắm từ tiền vay của ngân hàng.
Điển hình trong chuỗi hành vi chiếm đoạt tài sản của VPBank Hà Nội là ngày 7-11-2008, Hải ký hợp đồng mua chiếc ô tô Daewoo Gentra trị giá hơn 300 triệu đồng với Công ty CP Đầu tư thương mại Trung Sơn. Với hợp đồng mua bán ô tô ấy, ngày 10-12-2008, VPBank Hà Nội cho công ty của Hải vay 160 triệu đồng và trả dần trong thời hạn 36 tháng.
Video đang HOT
Chiếc Daewoo Gentra nêu trên vì thế mà được mang tên chủ sở hữu là Công ty Thu Hà. Vậy nhưng ngay sau khi mua xe từ tiền vay của ngân hàng, Hải lệnh cho cấp dưới “sang tay” luôn cho một người ở quận Hoàng Mai với giá hơn 358 triệu đồng cũng với phương thức trả góp.
Sử dụng một thời gian, ngày 8-1-2010, người mua ô tô của Hải trả nốt tiền, đồng thời yêu cầu thanh lý hợp đồng để nhận đăng ký gốc, nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn suông. Về sau, người này tá hỏa khi không thể liên lạc được với Giám đốc công ty Thu Hà.
Về phía VPBank Hà Nội, thời điểm bị khách hàng cho ăn “quả đắng” thì doanh nghiệp vay vốn vẫn còn thiếu nợ 1/2 số tiền vay mượn để mua chiếc ô tô Daewoo Gentra. Cay đắng hơn vì đó chỉ là phi vụ đầu tiên trong số trong số hàng chục ô tô mà VPBank Hà Nội bị Giám đốc Công ty Thu Hà “qua mặt”.
Bởi trong một thời gian dài tiếp theo, Hải tiếp tục sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Thu Hà cùng thủ đoạn vay vốn mua ô tô trả góp để chiếm đoạt tiền ngân hàng. Tổng cộng, tính đến tháng 3-2010, Giám đốc Công ty Thu Hà đã chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng của VPBank Hà Nội, thông qua các hợp đồng mua 15 xe ô tô.
Cùng với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của VPBank Hà Nội, cũng trong khoảng thời gian trên, Giám đốc Công ty Thu Hà còn thuê 3 chiếc ô tô của 3 cá nhân (tổng trị giá 1,1 tỷ đồng) với lý do kinh doanh lữ hành. Tuy nhiên, sau khi thuê các xe ô tô này, Hải mang đi cầm cố để vay gần 600 triệu đồng, rồi bỏ trốn.
Quá trình xét xử, HĐXX sơ thẩm nhận thấy lời khai của bị cáo phù hợp với tài liệu điều tra. Từ đó, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo 15 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố. Và tổng hợp hình phạt với 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào năm 2014, Trần Minh Hải phải chấp hành mức án chung là 29 năm tù.
Theo Minh Long
An ninh thủ đô
Phá đường dây xuất khẩu lao động "chui" qua đường biển
Bắt tay với 1 chủ tàu người Đài Loan (Trung Quốc), Quân khai thác nhu cầu của những người muốn đi xuất khẩu lao động chui, kiếm chênh lệch từ 1.000 - 1.200 USD/trường hợp.
CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ ngày 1.5 cho biết, đơn vị đang điều tra mở rộng đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép, liên quan đến Triệu Hồng Quân (28 tuổi, trú tại khu 7, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).
Đối tượng Triệu Hồng Quân.
Thời điểm hiện tại, CQĐT xác định Quân đã 8 lần đưa trót lọt 88 người ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam... xuất cảnh trái phép sang Đài Loan (Trung Quốc).
Manh mối vụ án bắt nguồn từ trường hợp Nguyễn Thị Nhan (trú tại Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), bị nhà chức trách Đài Loan trục xuất về nước hồi cuối năm 2015. Khai thác người phụ nữ này, cơ quan Công an biết được, đầu năm 2016, qua một người tên là Cúc ở Hải Dương, Nhan kết nối với Triệu Hồng Quân nhờ giúp đưa sang Đài Loan với chi phí 6.000 USD.
Cuối tháng 3.2016, theo sự sắp đặt của Quân, Nhan sang Phúc Kiến (Trung Quốc) bằng visa du lịch. Tại đây, Nhan cùng 11 người khác liên lạc với chủ thuyền người Đài Loan, theo số điện thoại Quân cung cấp.
Việc di chuyển diễn ra vào ban đêm, chủ tàu đưa nhóm Nhan vào một chiếc hầm tối thui, sau khoảng 5 tiếng đồng hồ mới cập bến. Do từng có thời gian dài sinh sống ở Đài Loan nên Nhan dễ dàng xin được việc làm ở một cơ sở lao động. Nhưng trong một lần nhà chức trách kiểm tra, Nhan bị phát hiện và bị trục xuất về nước.
Tiếp nhận thông tin từ CQĐT Bộ Công an, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc, và bắt được Triệu Hồng Quân khi đối tượng này đang có mặt tại Hà Nội.
Quá trình đấu tranh, cơ quan chức năng xác định: tháng 8.2010, Quân đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan và đến tháng 9.2011, anh ta trốn ra nước ngoài. Tháng 6.2014, Quân đến Sở di dân Đài Loan đầu thú và bị trục xuất về nước. Khoảng 1 năm sau đó, thông qua một người tên là Tuấn ở Vĩnh Phúc, Quân xuất cảnh sang Trung Quốc theo hình thức du lịch, sau đó xuống tàu biển trốn sang Đài Loan lao động.
Tháng 9.2015, Quân từ Đài Loan sang Phúc Kiến để về Việt Nam. Trong chuyến đi này, Quân đã làm quen với một chủ tàu người Đài Loan. Qua trao đổi, người này nói với Quân, về Việt Nam nếu có ai muốn sang Đài Loan thì gọi cho anh ta. Theo thỏa thuận, đối tượng người Đài Loan sẽ thu 5.000 USD/người từ Phúc Kiến sang Đài Loan. Còn từ Việt Nam sang Phúc Kiến, Quân thu của họ bao nhiều thì tùy ý. Nhẩm tính thấy lợi nhuận cao, Quân đã lấy số điện thoại của chủ tàu người Đài Loan để liên lạc.
Sau khi về nước, Quân đăng số điện thoại cá nhân lên Facebook, nick là "Henny Họ Triệu". Nhiều người trước đây đã đi Đài Loan nhưng bị trục xuất về nước, không đi được nữa và người quen của những người này đã liên lạc với Quân nhờ đưa đi. Quân thông báo với các khách hàng lộ trình đưa người sang Đài Loan bằng hình thức du lịch sang Trung Quốc, sau đó xuống tàu biển trốn sang Đài Loan, chi phí từ 6.000 đến 6.200 USD/người.
Ai đồng ý sẽ nộp trước cho Quân từ 1.000 đến 1.200 USD, cùng hộ chiếu và bản photocopy chứng minh nhân dân để Quân làm visa du lịch và mua vé sang Trung Quốc. Số tiền còn lại khách sẽ nộp cho chủ tàu biển.
Vụ án đang được Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục đấu tranh, mở rộng. Song một thực tế thấy rõ là ngoài hành vi vi phạm pháp luật, những người đi xuất khẩu lao động chui qua đường dây của Triệu Hồng Quân sẽ phải chịu thiệt thòi. Họ phải sống chui lủi nơi đất khách và sẽ lập tức bị trục xuất khi bị nhà chức trách nước sở tại phát hiện.
Theo Thúy Minh (ANTĐ)
Bắt 21 phụ nữ đánh bạc xì lát ăn tiền gây bức xúc khu phố Ngày 28/4, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa bắt quả tang nhóm đối tượng đánh bạc dưới hình thức xì lát tại số nhà 62 Bạch Đằng, phường Phú Cát, TP Huế. Theo thông tin ban đầu, sòng bạc do Dương Thị Thúy (49 tuổi) và mẹ ruột là Nguyễn Thị Hợp (68...