Giám đốc FBI thừa nhận chiến thắng Apple sẽ tạo ra tiền lệ
Trong phiên điều trần Quốc hội Mỹ, James Comey, Giám đốc FBI, thừa nhận nếu chính phủ thành công trong việc buộc Apple mở khóa iPhone sẽ mở ra tiền lệ cho các trường hợp về sau.
Ngày 1/3, Apple và FBI điều trần trước Quốc hội Mỹ với chủ đề “Sự căng thẳng của mã hóa: Cân bằng giữa an ninh và quyền riêng tư của người Mỹ”. Trước đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI đề nghị Apple giúp họ truy cập chiếc iPhone 5c của tên khủng bố Syed Farook trong vụ thảm sát ở San Bernardino (Mỹ) cuối năm 2015. Tuy nhiên, Apple kiên quyết từ chối, nói rằng họ đã hỗ trợ FBI hết sức có thể, nhưng phần mềm để mở khóa iPhone lần này “đơn giản không tồn tại”. Apple phải tạo ra một phiên bản hệ điều hành mới mới có thể tiếp cận kho dữ liệu mã hóa trong iPhone.
James Comey, Giám đốc FBI, trong phiên điều trần ngày 1/3. Ảnh: AP.
Giám đốc FBI Comey hôm qua thừa nhận, chính họ đã làm mất cơ hội tiếp cận dữ liệu bên trong điện thoại của kẻ khủng bố. “Sai lầm xảy ra trong vòng 24 giờ sau vụ tấn công”, Comey nói.
FBI muốn truy cập iPhone 5c của Farook nhưng công nghệ mã hóa của Apple sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trong máy sau 10 lần nhập sai mã. Khi đó, FBI và quan chức quận San Bernadino đã tìm cách truy cập vào tài khoản iCloud của Farook bằng cách reset mật khẩu của tên này vài giờ sau khi chiếc điện thoại được thu hồi. Apple sau đó đã chỉ trích rằng nếu FBI không “hấp tấp” cài đặt lại mật khẩu, họ đã có thể lấy được vào nội dung sao lưu mà không cần tạo một cổng hậu để phá mã hóa của iPhone như thế này. Thực tế, trước đây Apple cũng từng được yêu cầu hỗ trợ unlock iPhone, iPad trong 12 vụ án khác.
Không còn cách nào, FBI đành phải thương lượng với Apple viết một phần mềm riêng “chỉ để mở iPhone 5c của Farook, ngay sau đó Apple có thể giữ lại phần mềm hoặc hủy nó theo ý muốn”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong phiên điều trần, chính Comey cũng nói nếu chính phủ chiến thắng trong cuộc chiến với Apple lần này, nó sẽ tạo ra tiền lệ cho những lần tiếp theo. Lần đầu trót lọt thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba.. khi các nhà thực thi pháp luật muốn tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc mở khóa các thiết bị trong tương lai.
Trong cuộc chiến giữa FBI và Apple, không ít người dân Mỹ nghĩ Apple đang “nước mắt cá sấu” và tốt nhất nên giúp nhà chức trách. Bruce Sewell, Phó chủ tịch phụ trách pháp lý của Apple, cho biết quyết định của họ không phải để “làm màu”, để “marketing cho sản phẩm” mà họ nhận thấy rằng “bảo vệ quyền riêng tư của hàng trăm triệu người dùng iPhone là điều đúng đắn”.
“Một số người ở đây hẳn đang để iPhone trong túi. Hãy nghĩ xem, có thể thông tin các ngài lưu trong chiếc iPhone đó còn nhiều hơn những gì một tên trộm có thể ăn cắp được khi đột nhập vào nhà của các ngài”, Sewell nhấn mạnh.
Ảnh: Forbes.
Trước đó, Tim Cook, CEO Apple, bày tỏ lo ngại: “Chính phủ nói công cụ bẻ khóa chỉ được sử dụng một lần trên một chiếc điện thoại. Nhưng một khi được tạo ra, kỹ thuật đó có thể áp dụng nhiều lần trên bất cứ thiết bị nào. Vụ việc này không chỉ đơn thuần là về một chiếc điện thoại hay một cuộc điều tra. Khi nhận phán quyết của tòa án, ta cần phải lên tiếng. Phán quyết đó đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm chưa từng có, đe dọa nghiêm trọng bảo mật thông tin của hàng trăm triệu khách hàng”.
“Cả thế giới đang theo dõi những gì đang diễn ra ở đây”, Sewell cảnh báo trong phiên điều trần.
Một số hãng công nghệ như Facebook, Microsoft, Google, Twitter, Amazon… đang chuẩn bị gửi hồ sơ ủng hộ Apple lên tòa án. Phiên tòa giữa Apple và FBI sẽ diễn ra vào ngày 22/3 tại tòa án liên bang ở Riverside.
Châu An
Theo VNE
Tòa án Mỹ: Không thể bắt Apple mở khóa iPhone
Vụ kiện xoay quanh việc Bộ Tư pháp Mỹ bắt Apple phải mở khóa chiếc iPhone 5s của trùm ma túy Jun Feng năm ngoái đã có kết luận mới nhất từ New York.
Apple đang phải chịu nhiều sức ép mở khóa iPhone.
Thẩm phán liên bang ở quận Brooklyn, New York (Mỹ) đã ra phán quyết: Chính phủ không thể ép buộc Apple phá vỡ mật khẩu cũng như lấy dữ liệu từ các mẫu iPhone bị khóa. Tuy nhiên, phiên xét xử này không liên quan đến trường hợp của kẻ giết người hàng loạt Syed Farook ở San Bernardino, California (Mỹ), vụ việc cũng bị FBI đưa ra yêu cầu tương tự gây nhiều tranh cãi thời gian qua.
Thay vào đó, thiết bị lần này thuộc về Jun Feng, một trùm ma túy bị bắt vào năm ngoái. Chính phủ khi đó cũng đã sử dụng đạo luật "All Writs Act" để yêu cầu Apple giúp truy cập dữ liệu điện thoại của Feng. "All Writs Act" là đạo luật có từ thế kỷ 18 cho phép tòa án liên bang ra bất cứ phán quyết và trát đòi nào nếu cảm thấy cần thiết và hợp pháp.
Các đơn vị thực thi pháp luật khi bắt Jun Feng đã tìm thấy chiếc iPhone 5s của y. Dù đã nhận tội, tên này tuyên bố đã quên mật khẩu để mở máy khiến Cục điều tra liên bang Mỹ gặp khó khăn trong việc thu thập các dữ liệu.
Theo Business Insider, một lãnh đạo của Apple giấu tên cho biết trường hợp về vụ án Jun Feng cũng giống như những gì hãng đang phải đối mặt ở San Bernardino, California (Mỹ). Phán quyết của tòa án sẽ giúp Apple đưa ra một "dẫn chứng thuyết phục" trong các buổi làm việc với FBI.
Tương tự như Jun Feng, Syed Farook - kẻ cùng với vợ mình đã giết 14 người ở San Bernardino, California (Mỹ) cuối năm ngoái cũng sở hữu một chiếc iPhone. FBI muốn Apple tạo một vài tính năng riêng trên hệ điều hành giúp các nhà điều tra vượt qua cơ chế bảo mật thông thường của Apple trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, Apple lo ngại trong tương lai, nếu phần mềm này rơi vào tay kẻ xấu thì chúng có thể mở khóa bất cứ chiếc iPhone nào mà chúng có được.
Tuấn Hưng
Theo VNE
Apple và FBI sẽ đối mặt tại phiên điều trần Quốc hội ngày 1/3 Các hãng công nghệ như Microsoft, Facebook, Google... cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các hồ sơ để ủng hộ Apple trong cuộc chiến liên quan đến mở khóa iPhone. Tuần này, Apple đệ đơn đề nghị tòa án thay đổi lệnh trước đó là yêu cầu Apple hỗ trợ Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI truy cập vào chiếc iPhone 5c...