Giám đốc doanh nghiệp thừa nhận phá rừng
Bị cáo Lê Văn Thiệt – nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư – Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, thừa nhận tham gia vụ phá 64ha rừng tại huyện An Lão. Tuy nhiên, bị cáo Thiệt và 8 bị cáo khác khai do thấy người khác phát rừng nên làm theo.
Ngày 24/7, TAND tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm vụ án hủy hoại rừng lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ở xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định) với 9 bị cáo liên quan.
Các bị cáo gồm: Lê Văn Thiệt (56 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư- kinh doanh tổng hợp Thương Thảo; Nguyễn Văn Ri, đội trưởng đội xe máy Công ty Thương Thảo; Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Võ Dần, Văn Ngọc Triển, Nguyễn Cứ, Nguyễn Nguyên Thực, Phan Dễ (cùng ngụ huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Lê Văn Thiệt – nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư – Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, thừa nhận tham gia vụ phá 64ha rừng tại huyện An Lão.
Tuy nhiên, sau 1 ngày xét xử, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề về giá trị thiệt hại, xác định lại diện tích rừng bị phá.
Theo HĐXX, các bị cáo khiếu nại đều cho rằng họ chưa được cơ quan điều tra cho xác định thực tế diện tích rừng bị phá là bao nhiêu, như thế nào. Ngoài ra, các bị cáo cũng khiếu nại về mức giá trị thiệt hại.
Theo cáo trạng, từ tháng 7/2015 – 8/2017, có 9 bị cáo trên đã tổ chức phá rừng trái phép trên địa bàn xã An Hưng (huyện An Lão) với tổng diện tích 64,1 ha, gồm: 26 ha rừng có chức năng phòng hộ, 38 ha rừng sản xuất, trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.520 m3, tổng thiệt hại trị giá gần 4,8 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều thừa nhận hành vi phá rừng của mình, nhưng họ đều khai rằng do thấy nhiều người khác phát rừng trồng keo nên cũng bắt chước làm theo.
Trong đó, bị cáo Lê Văn Thiệt phân trần: “Công ty CP Đầu tư – Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo do bị cáo làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc thời điểm trước khi vụ án xảy ra đã có gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện An Lão xin phép được khai thác và trồng lại 250 ha rừng trên địa bàn xã An Hưng”.
Theo bị cáo Thiệt, do chờ đợi các cơ quan cấp phép quá lâu, từ năm 2013-2017, ông Thiệt đã cử bảo vệ đến canh giữ khu vực rừng nói trên để tránh bị người khác khai thác, phát rẫy…Tuy nhiên, năm 2017, khi thấy nhiều người phát rừng trồng keo, các bảo vệ khuyên ông “nếu mình không phát thì người khác cũng phát”, nên ông Thiệt mới tổ chức phát rừng để trồng keo.
Các bị cáo tại tòa
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Ri cho rằng mình chỉ làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty là bị cáo Lê Văn Thiệt. Vì vậy, bị cáo này đề nghị được xem xét vì mình bị truy tố oan.
Trước đó, ngày 28/6, TAND tỉnh Bình Định quyết định hoãn phiên tòa xử vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại xã An Hưng, huyện An Lão (Bình Định) do vắng nhiều người có quyền, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng, người bào chữa cho bị cáo Lê Văn Thiệt.
Doãn Công
Theo Dantri
Hoãn xử vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng
Ngày 28/6, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Văn Thiệt (SN 1962, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cùng đồng bọn về tội "Hủy hoại rừng" vì vắng mặt nhân chứng và người bào chữa cho các bị cáo.
Các bị cáo liên quan đến vụ việc gồm: Lê Văn Thiệt (SN 1962, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Tổng hợp Thương Thảo), Nguyễn Văn Ri (SN 1975), Lê Hồng Đức (SN 1977), Lê Xuân Hậu (SN 1986), Võ Dần (SN 1949), Văn Ngọc Triển (SN 1969), Nguyễn Cứ (SN 1964), Nguyễn Nguyên Thực (SN 1984) và Phan Dễ (SN 1960, cùng ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định), đều phạm tội "Hủy hoại rừng" quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay (28/6).
Trong đó, bị cáo Lê Văn Thiệt và Nguyễn Văn Ri phạm tội với tình tiết: "Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn". Các bị cáo còn lại phạm tội với tình tiết: "Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng".
Theo cáo trạng Viện KSND tỉnh Bình Định, từ tháng 7/2015 đến tháng 8/2017, các bị cáo nêu trên đã có hành vi phá rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão, tỉnh Bình Định), với tổng diện tích là hơn 64 ha (641.800 m2), gồm 25,87 ha chức năng rừng phòng hộ và 38,31 ha chức năng rừng sản xuất, trữ lượng rừng bị thiệt hại hơn 5.522 m3, tổng giá trị rừng bị thiệt hại hơn 4,7 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, có 3 nhóm đối tượng và 1 cá nhân (tổng 9 người) đã thực hiện hành vi phá rừng. Trong đó, nhóm của Lê Văn Thiệt và Nguyễn Văn Ri đã thuê người chặt phá rừng với tổng diện tích 37,53 ha, chức năng rừng sản xuất với trữ lượng hơn 2.868 m3, giá trị rừng bị thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
Mặc dù quá trình chỉ đạo phá rừng, Thiệt không nói rõ với Ri đây là rừng chưa được cấp phép, nhưng Ri là đội trưởng đội xe máy của Công ty Thương Thảo, có nhiệm vụ chuyên môn là thực hiện việc trồng rừng, khai thác rừng cho công ty nên Ri phải biết 2 khu vực rừng này chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, Ri đã thực hiện theo chỉ đạo của Thiệt, thuê nhân công phá rừng trái phép gây ra hậu quả nêu trên.
Nhóm bị cáo, Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Nguyễn Nguyên Thực và Võ Dần, từ tháng 7/2015 đến tháng 8/2017, các đối tượng này cùng góp tiền để thuê người phát thực bì, cưa hạ cây rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão) với tổng diện tích 17,81 ha thuộc chức năng rừng phòng hộ, trữ lượng rừng bị thiệt hại hơn 1.791 m3, giá trị rừng bị thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Trong đó, Đức là người khởi xướng, rủ rê Hậu, Thực và Dần tham gia phá rừng và cùng Hậu chịu trách nhiệm toàn bộ phần diện tích rừng bị phá nói trên.
Hơn 64 ha rừng bị chặt phá tại xã An Hưng, huyện An Lão (tỉnh Bình Định).
Nhóm Văn Ngọc Triển và Nguyễn Cứ, từ tháng 3/2017 đến tháng 8/2017, đã góp tiền thuê người phát rừng 7 khu vực tại khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão) để trồng keo lai với diện tích 6,99 ha. Trong đó, chức năng rừng phòng hộ 6,21 ha và 0,78 ha chức năng rừng sản xuất, trữ lượng rừng bị thiệt hại là 676,3 m3 giá trị rừng bị thiệt hại là hơn 714 triệu đồng.
Riêng cá nhân Phan Dễ, từ tháng 3/2017 đến tháng 8/2017, đã tự phát rừng để trồng keo lại tại khu vực khoảnh 7, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão), chức năng rừng phòng hộ với diện tích rừng bị phá là 1,85 ha, trữ lượng rừng 186,1 m3 giá trị rừng bị thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Như Dân trí đã thông tin, vào ngày 31/8/2017, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão phát hiện vụ phá rừng với quy mô lớn tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định).
Đến ngày 15/9, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Hủy hoại rừng", xảy ra tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão), với diện tích rừng bị chặt hạ hơn 64 ha.
Doãn Công
Theo Dantri
Để mất rừng, nhiều cán bộ bị kiểm điểm Ngày 17/5, ông Phạm Văn Nam, Chủ UBND huyện An Lão (Bình Định) cho biết, vừa yêu cầu kiểm điểm đối với Ban Quản lý Rừng Phòng hộ An Lão, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất... liên quan đến công tác bảo vệ rừng. Theo ông Nam, lý do kiểm điểm vì chưa thực hiện tốt...