Giám đốc cùng 7 nhân viên vượt bão biển cứu sống hơn 200 người
Trong lúc cơn bão đang càn quét trên vùng biển, 8 người đàn ông đã dũng cảm dùng ca nô vượt bão cứu hơn 200 ngư dân đang gặp nạn.
Ngày 6/11, nhiều người dân khu vực cầu cảng thuộc tổ 9, thị trấn Vạn Giã ( huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn đang khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra. Lẫn trong cảnh hoang tàn, đổ nát là những gương mặt thấn thờ của người dân vùng biển này vì toàn bộ tài sản đã tiêu tan theo bão.
Tuy nhiên, trong lúc khó khăn và tuyệt vọng nhất, giữa tâm bão lại sáng lên câu chuyện về anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và 7 đồng nghiệp đã dũng cảm lao mình ra biển cứu hơn 200 người.
Hiện trường khu vực cầu cảng tổ 9 sau khi cơn bão đi qua
Nhớ lại về thời điểm ấy, anh Luân kể: “Trước lúc bão số 12 đổ bộ đất liền, tôi cùng 7 người khác là nhân viên của công ty thu dọn vật dụng và đồ đạc tại công ty để tránh bão. Lúc ấy gió ở vịnh Bắc Vân Phong đã lớn, chúng tôi phát hiện một số chủ lồng bè cố bơi vào bờ cầu cứu. Biết rằng có thể còn nhiều người đang mắc kẹt ngoài kia nên tôi cùng các nhân viên dùng 3 chiếc ca nô ra biển để cứu nạn”.
Theo anh Luân, cảnh tượng khi ấy thật khủng khiếp, hoang tàn và đổ nát, tất cả mọi thứ nằm ngổn ngang, lộn xộn trên mặt nước. Phần lớn bè nuôi hải sản của người dân đều bị đánh chìm. Nhiều ngư dân bám víu vào thùng phuy hoặc bất cứ vật gì nổi trên mặt nước và họ đã cạn kiệt sức lực do gió và sóng biển đánh tới tấp.
“Chúng tôi dùng đèn pin, đèn pha dò tìm người gặp nạn. Hơn 30 phút sau, chúng tôi đưa được những người đầu tiên bị đuối sức vào bờ. Cứ hết chuyến này đến chuyến khác, chúng tôi tiếp tục quay ra cứu các ngư dân còn lại. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 200 ngư dân bị gặp nạn được anh em đưa vào bờ an toàn”, anh Luân nhẩm tính.
Ông Dương, một trong những nạn nhân may mắn được trở về bờ an toàn nhờ nhóm anh Luân
Ông Dương, một ngư dân may mắn được anh Luân cứu sống cho biết, do mấy chục năm chưa có bão đổ bộ vào vùng biển này nên người dân có phần lơ là, thiếu cảnh giác. Bên cạnh đó, lồng bè nuôi thủy sản là cả cơ nghiệp của ngư dân nên nhiều người vẫn bất chấp cơn bão, ra biển để bảo vệ lồng bè.
Video đang HOT
“Nếu so với cơn bão năm 1993 thì nó không là gì với cơn bão này. Gió to lắm, chỉ mấy phút mà những luồng gió đã xoáy mạnh, đánh chìm toàn bộ bè cá của người dân ở đây. Nhiều người trên bè bị rơi xuống biển mà chỉ biết bấu víu vào mấy chiếc thùng nhựa với hy vọng sống sót.”, ông Dương cho hay.
“Thời điểm ấy chỉ có bộ đội biên phòng với người của chú ấy ra cứu người gặp nạn chứ không ai dám ra cả. Nếu không nhờ anh Luân và nhóm thanh niên, người làm cho anh ấy đến cứu hộ thì không biết bây giờ chúng tôi ra sao. Người dân ở đây biết ơn các chiến sĩ và người công ty Sơn Nam lắm”, chú Lơn, một trong những ngư dân may mắn được đưa vào bờ an toàn thời điểm đó cho hay.
Người dân khu vực cầu càng tổ 9 kể lại sự việc cứu sống hơn 200 người của người của công ty Sơn Nam
Cảm động trước hành động nghĩa hiệp của anh Luân và nhóm nhân viên của mình, chúng tôi đề nghị được chụp hình lưu niệm. Tuy nhiên vị giám đốc này cho biết, đó là việc làm bình thường, nếu như trong hoàn cảnh đó, anh tin rằng sẽ có nhiều người hành động như anh.
“Đừng gọi đó là anh hùng, vì sẽ có rất nhiều người suy nghĩ như chúng tôi. Họ gặp nạn nên nên giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn là việc nên làm. Mong báo chí không sử dụng hình ảnh của chúng tôi”, anh Luận chia sẻ thêm.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Công Bằng, Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã cho biết, sáng nay khi ra khắc phục hậu quả của bão số 12 gây ra, ông đã được người dân thông tin thêm về sự việc. Hiện tại địa phương có 2 người chết và nhiều người đang mất liên lạc, nên việc anh Luân cùng 7 nhân viên của mình cứu sống rất nhiều ngư dân thì đó là việc làm có ý nghĩa rất to lớn.
Dương Phong
Theo Dantri
Nạn nhân kể lại giây phút kinh hoàng bão "nuốt" 9 tàu ở Quy Nhơn
Sự kiện 9 tàu hàng bị chìm là con số kỷ lục chưa từng xảy ra trong lịch sử tại tỉnh Bình Định, 80 người may mắn thoát khỏi "tử thần", nhiều nạn nhân đang bị mất tích.
"Sóng cao đến 8m, mạng người như chiếc lá"
May mắn trở về từ cõi chết, ông Nguyễn Văn Tài (45 tuổi, quê Thanh Hóa, thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26, trọng tải hơn 2.500 tấn) hốt hoảng: "Tôi vừa trải qua một bộ phim kinh dị nhất trong cuộc đời, quá khiếp sợ".
Ông Tài kể, tàu của ông có 11 người chở hàng từ TP.Hải Phòng đến Cần Thơ, khi vào trú bão số 12 tại vùng biển Bình Định thì nhiều mảnh vỡ của tàu vỏ gỗ trôi dạt cuốn vào chân vịt, khiến máy chính bị chết, không hoạt động được. Trong khi đó, gió giật rất mạnh, sóng biển cao đến 8m đánh cuộn vào thân tàu, làm gãy nhiều lan can, vật dụng.
"Cơn sóng dữ dội như muốn nuốt chửng tàu và người xuống biển, tôi phát tín hiệu cứu hộ nhưng sóng to quá, nhiều tàu khác đã bị chìm nên tàu cứu hộ chưa đi được. Tàu tôi thả trôi chừng 3 lý thì bị sóng đánh sập, tàu chìm, anh em bỏ tàu xuống phao cứu sinh thoát thân", ông Tài nhớ lại.
Tàu lớn bị đắm chìm trên biển Quy Nhơn. Ảnh: D.T
Kể lại giây phút kinh hoàng, ông Tài thở dài: "Lúc đó, mạng người như chiếc lá giữa cơn sóng dữ tợn. Tôi đã nghĩ đến cái chết, bỗng dưng nhớ về người vợ và 2 đứa con ở nhà, nếu từ giã cõi đời lúc này thì vợ con chắc chắn sẽ rất đau khổ. Thú thật, chiếc áo phao mang trên người chỉ với ý nghĩ có chết thì xác cũng nổi để người thân dễ tìm, chứ không hi vọng được sống".
Thế nhưng, sau nhiều giờ vật lộn trên biển, những đợt sóng "khủng" đã đẩy 11 thuyền viên trên tàu ông Tài vào bờ. Ai cũng "no" nước, mệt lả, có người bị sóng đánh bầm tím thân thể, đầu đập vào đá đau đớn, chảy máu liên hồi.
Với khuôn mặt thất thần, ông Bùi Quang Tú (hành khách tàu Nam Khánh 26) kể: "Lúc tàu chìm, rất nhiều đợt sóng cao đến 8m ném tôi nhào lộn tứ tung, hết chỗ nào đến chỗ khác. Có lúc sóng ném mạnh đưa đầu tôi đập vào bờ đá đến rỉ máu. Lúc đó, buông xuôi ngừng thở thì đợt sóng lớn tiếp theo đã đưa tôi vượt hơn 10m để vào bờ. Nhiều người vào đến bờ đá như tôi nhưng không thoát chết vì sóng quá mạnh, tôi là trường hợp quá may mắn".
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tài kể lại giây phút kinh hoàng. Ảnh: D.T
"Khẩn trương cứu người, xử lý dầu tràn"
Theo báo cáo của ngành chức năng, có 9 tàu hàng/99 thuyền viên (còn 1 tàu chưa xác định số thuyền viên) bị chìm trên biển Quy Nhơn do bão số 12. Hiện, các lực lượng đã cứu vớt được 80 thuyền viên, phát hiện 3 người thiệt mạng và công tác cứu hộ người mất tích đang được diễn ra rất khẩn trương. Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã huy động 15 tàu tham gia tìm kiếm các thuyền viên mất tích do tàu bị chìm.
Người dân địa phương đang lo ngại đến sự cố tràn dầu, ảnh hưởng đến môi trường sống.
"Có tàu bị sóng đánh trôi dạt vào mỏm đá, chúng tôi rất lo lắng những vết dầu lan về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường và tôm cá. Dân ở đây đa số đánh bắt tôm hùm giống là chính nên việc dầu tràn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thủy hải sản, đặc biệt là tới đây, vùng biển này đang vào vụ bắt tôm giống. Mong chính quyền sớm có phương án để xử lý", ông Nguyễn Thanh Hùng (48 tuổi, trú phường Ghềnh Ráng, TP,Quy Nhơn) cho hay.
Xuất hiện nhiều vệt trắng nghi ván dầu, bốc mùi hôi trên biển sau sự cố tàu hàng bị chìm, mắc cạn. Ảnh: D.T
Ghi nhận tại hiện trường, con tàu số hiệu nước ngoài FEI YUE 9 vẫn còn nằm mắc kẹt bên mỏm đá tại vùng biển Ghềnh Ráng. Theo thông tin cơ quan chức năng, có 15 người trên tàu (9 người Trung Quốc và 6 người ở Myanmar). Một số vị trí vết dầu vẫn còn lan rộng, mùi dầu vẫn bốc lên. Công an, bộ đội được huy động để trực tại các vị trí có tàu hàng mắc cạn, bảo vệ hiện trường.
Ông Phan Xuân Hải - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định cho biết: "Trên các tàu bao giờ cũng có dầu. Khi bị sự cố, vấn đề xử lý tràn dầu luôn được đặt ra bên cạnh việc tìm kiếm để đảm bảo về môi trường. Hiện, lãnh đạo tỉnh Bình Định đang chỉ đạo thực hiện, xử lý. Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cử đoàn công tác vào để xử lý".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 10 thành viên xử lý tràn dầu (Cục Cứu hộ cứu nạn) đã vào đến Quy Nhơn và mang theo nhiều dụng cụ để xử lý như: phao hút dầu, giấy thấm dầu, phao quây dầu (mỗi loại khoảng 250m).
Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - lo ngại: "Việc tràn dầu là có, tôi đi thực tế vùng biển gần phao số 0 thấy nhiều ván dầu nhưng mức độ như thế nào hiện nay chưa nắm rõ".
Theo ông Châu, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã làm việc với các chủ tàu bị nạn để kê khai về số lượng người, hàng hóa chở, lượng dầu hiện có trên tàu.
"UBND tỉnh đã giao cơ quan chức năng tiếp tục khảo sát tại vùng biển các tàu bị chìm. Cùng với việc có số liệu chính thức từ các chủ tàu cá sẽ có biện pháp xử lý lượng dầu tràn, theo phương châm thấy đến đâu làm đến đó, tuyệt đối không để dầu tràn vào bờ biển trung tâm TP.Quy Nhơn. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa về mặt lực lượng và phương tiện phối hợp cùng với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, xử lý sự cố dầu tràn", ông Châu khẳng định.
Theo Danviet
Hình ảnh lũ khủng khiếp ở miền Trung khiến dân chịu trận Mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ khiến hàng ngàn nhà dân ở các tỉnh miền Trung bị ngập sâu, nhiều trường hợp nhà bị ngập tới nóc. Do mưa lớn trong những ngày qua đã làm nhiều địa bàn tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định bị ngập sâu. Quốc lộ 1 (đoạn qua Thừa Thiên...