Giám đốc công ích nhận lương ‘khủng’ lan tới Nha Trang
Công nhân hốt rác đứng đơn tố cáo giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nha Trang nhận lương cao bất thường.
Công nhân Công ty Môi trường đô thị Nha Trang dọn vệ sinh trên đường phố
Đó là chuyện xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Theo kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa, ban giám đốc công ty đã có bốn sai phạm nghiêm trọng nhưng không bị đặt vấn đề trách nhiệm.
Đứng đơn tố cáo ban giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (MTĐT) Nha Trang là hai công nhân hốt rác Nguyễn Minh Tâm và Nguyễn Ngọc Quỳnh. Một trong 14 nội dung tố cáo của hai công nhân là “lương bình quân của công nhân trực tiếp lao động thấp hơn 10 lần so với lương của ban giám đốc và cán bộ văn phòng công ty”.
Lương lãnh đạo đột nhiên tăng vọt
Theo kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2012 bình quân lương hằng tháng của giám đốc Lương Khánh Thuận là 31,5 triệu đồng, phó giám đốc Nguyễn Đăng Khoa 24,5 triệu đồng, còn lương bình quân của công nhân tổ một đội môi trường 1 là gần 8,2 triệu đồng/người. Riêng sáu tháng đầu năm 2013, lương ông Thuận lên trên 75,2 triệu đồng/tháng, ông Khoa hơn 58,1 triệu đồng/tháng, công nhân tổ một đội môi trường 1 là 11,7 triệu đồng/người/tháng. UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng tố cáo lương lãnh đạo cao gấp 10 lần lương công nhân là không chính xác, mà chỉ tăng từ 2,99 lần đến 6,4 lần.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết kết luận trên không chính xác. “Tổ một đội môi trường 1 là nơi công nhân nhận mức lương tương đối cao so với các tổ còn lại của công ty. Tôi làm ở tổ này, đến nay đã có thâm niên 13 năm, lương cao so với mọi người trong tổ, nhưng năm 2012 chỉ 6,6 triệu đồng/tháng, còn sáu tháng đầu năm 2013 chỉ 7,7 triệu đồng/tháng, nếu so lương tôi thực nhận với lương của giám đốc thì tôi thua gần 10 lần chứ còn gì nữa. Tôi không biết số liệu bình quân lương công nhân 11,7 triệu đồng/tháng là ở đâu ra” – ông Tâm nói.
Điều ông Tâm thắc mắc nhất mà trong kết luận không làm rõ được là khoản “lương hiệu quả” tăng vọt bất thường của ban giám đốc. “Theo kết luận của UBND tỉnh, lương hiệu quả cả năm 2012 của giám đốc chỉ trên 3,6 triệu đồng, còn phó giám đốc thì không có đồng nào, khối văn phòng làm việc gián tiếp có gần 60 triệu đồng, trong khi cả tổ 1 gồm 22 công nhân chúng tôi chỉ được 51 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng năm 2013, lương hiệu quả của ban giám đốc tăng đột biến, ông Thuận chỉ trong sáu tháng đã nhận hơn 222 triệu đồng, ông Khoa trên 180 triệu đồng, khối văn phòng gần 61 triệu đồng, còn của 22 công nhân tổ một “teo” lại chỉ còn 45 triệu đồng. Vì sao ban giám đốc được hưởng lương hiệu quả rất lớn trong khi năm 2013 công ty không có thỏa thuận hay thay đổi gì về chế độ lương?” – ông Tâm phân tích.
Video đang HOT
Công nhân bị nợ lương
Kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định lãnh đạo Công ty MTĐT Nha Trang có bốn sai phạm như tố cáo của công nhân. Theo đó, năm 2011 lương tối thiểu vùng tăng, nhưng đến cuối năm 2012 công nhân mới nhận được một đợt truy trả của công ty, số tiền còn lại hơn 26,4 tỉ đồng đến nay vẫn chưa trả. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu công ty làm việc với UBND TP Nha Trang tìm nguồn chi trả. Tuy nhiên chiều 10-4, ông Nguyễn Văn Danh – chủ tịch UBND TP Nha Trang – cho biết: “Trách nhiệm trả số tiền tăng lương này là của công ty chứ TP không có nguồn để trả”.
Cũng theo kết luận trên, trong giai đoạn 2006-2012 ban giám đốc Công ty MTĐT Nha Trang chỉ tổ chức thi nâng bậc lương cho công nhân một lần vào năm 2008, sáu năm còn lại không tổ chức thi, mãi đến năm 2013 mới tổ chức thi lại. Lý do mà ban giám đốc công ty này nêu ra là bộ đề thi cũ không đáp ứng yêu cầu nên không tổ chức thi nâng bậc lương cho công nhân trong thời gian chờ hội đồng soạn đề thi mới. “Theo quy định thì ba năm công ty tổ chức thi nâng bậc cho công nhân. Tôi là công nhân bậc 5 từ năm 2003, nhưng hơn 10 năm nay không lên thêm bậc nào nữa. Khi tôi thắc mắc thì giám đốc bảo phải đến Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp hoặc Trường cao đẳng nghề Khánh Hòa để thi lên bậc 6, bậc 7. Nhưng tôi sang đó người ta bảo làm gì có dạy nghề hốt rác hoặc cắt cây cảnh mà tổ chức thi nâng bậc. Vậy là tôi phải nằm ở bậc 5 mãi cho đến nay” – công nhân Nguyễn Ngọc Quỳnh bức xúc. Còn ông Tâm cho hay ông là công nhân bậc 2 từ năm 2005, mãi đến năm 2014 công ty mới tổ chức thi nâng lên bậc… 3. Sau khi có các khiếu nại của công nhân thì công ty “lùi” thời gian nâng bậc của ông về năm 2008 để hợp thức hóa.
Sai nhiều nhưng không xử lý trách nhiệm
Một vi phạm khác là từ năm 2006 đến trước tháng 9-2013 công ty chỉ ký các thỏa thuận giao và nhận khoán đối với những công việc có tính chất thường xuyên như ở các đội môi trường, cây xanh… mà không ký hợp đồng lao động thời vụ, khiến công nhân không được hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa cho thấy công ty ký với người lao động nhiều biên bản thỏa thuận giao và nhận khoán công việc với thời gian hai tháng, có trường hợp một lao động ký liên tục đến 12 biên bản loại này. Đến tháng 9-2013, công ty mới tổ chức ký hợp đồng lao động đối với người lao động đúng với quy định pháp luật. Theo ông Tâm, sở dĩ lãnh đạo công ty vội vàng “sửa sai” việc này là vì thời điểm đó báo chí phanh phui sai phạm lương khủng của lãnh đạo bốn công ty công ích ở TP.HCM.
Kết luận cũng chỉ ra một sai phạm khác của ban giám đốc công ty này là từ năm 2010 đến 2013 không tăng lương chính thức cho công nhân theo luật, chỉ tăng lương năng suất – chất lượng – hiệu quả lao động.
Với những vi phạm trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Công ty MTĐT Nha Trang thực hiện một loạt biện pháp khắc phục… Tuy nhiên, kết luận không nêu trách nhiệm để xảy ra những vi phạm trên thuộc về ai, cũng không thấy chỉ đạo xử lý vi phạm đối với ban giám đốc công ty.
Theo những người tố cáo, họ không thấy thỏa mãn với bản kết luận và chỉ đạo xử lý của UBND tỉnh Khánh Hòa về những vi phạm của ban giám đốc Công ty MTĐT Nha Trang, càng không chấp nhận việc thấy rõ sai phạm mà không xử lý trách nhiệm những người gây ra nên vừa làm đơn phản hồi gửi các cấp chức năng.
Chiều 10-4, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Lương Khánh Thuận nhưng ông không nghe máy. Còn ông Lê Xuân Thân – phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – cho biết: “Trước các dư luận về mức lương cao của ban giám đốc Công ty MTĐT Nha Trang, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, giải trình rõ vấn đề này và một số nội dung khác. Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ trả lời đầy đủ cho báo chí và công luận vào cuộc giao ban báo chí quý 1 dự kiến tổ chức vào tuần tới”.
Mất quyền chăm sóc cây xanh vì “ngốn” nhiều ngân sách
Theo Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang, trước đây hằng năm TP chi khoảng 120 tỉ đồng để thực hiện các dịch vụ công ích liên quan đến vệ sinh môi trường và đều giao khoán cho Công ty MTĐT Nha Trang. Năm 2013, TP Nha Trang quyết định tổ chức đấu thầu thu gom rác và chăm sóc cây xanh một số khu vực để nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí ngân sách. Kết quả, Công ty MTĐT Nha Trang chỉ trúng gói thầu thu gom rác với giá 6,4 tỉ đồng, một liên doanh ba công ty ngoài tỉnh Khánh Hòa trúng gói thầu chăm sóc cây xanh gần 14 tỉ đồng. Theo đánh giá của Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang, việc mở thầu này giúp ngân sách tiết kiệm được 10,7 tỉ đồng.
Theo Xahoi
Lương GĐ 2,6 tỷ: "Thủ thuật" lách luật
Sai phạm trong quản lý và sử dụng lao động tại các doanh nghiệp công ích ở TP HCM khiến người lao động bị tước đoạt nhiều quyền lợi.
Trong quá trình thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương tại các doanh nghiệp (DN) dịch vụ công ích, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB- XH) TP HCM đã phát hiện nhiều "thủ thuật" lách luật để chèn ép, tước đoạt quyền lợi người lao động (NLĐ). "Bằng việc tái ký nhiều lần hợp đồng lao động (HĐLĐ) dưới 3 tháng trái quy định pháp luật, DN đã biến lao động thường xuyên thành lao động thời vụ để không tham gia BHXH cho NLĐ" - kết luận của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP nêu rõ.
Luồn lách, qua mặt cơ quan chức năng
Tại Công ty TNHH MTV Công viên Cây Xanh TP HCM, qua thanh tra đã phát hiện công ty lách luật bằng việc ký HĐLĐ 2,5 tháng, 15 ngày tiếp theo với danh nghĩa nghỉ việc và sau đó tiếp tục tái ký hợp đồng 2,5 tháng với số lượng 347 người. Với thủ thuật này, lao động thời vụ hưởng mức lương thấp hơn lao động thường xuyên dù làm cùng công việc, trong cùng điều kiện lao động. Đơn cử, năm 2012, mức lương của số lao động thời vụ là 9 triệu đồng/người/tháng trong khi đó mức lương bình quân toàn công ty là 15 triệu đồng/người/tháng (chênh lệch thu nhập từ 40% -50%). Càng thiệt thòi hơn khi lao động thời vụ không được nhận các khoản tiền lương bổ sung, các khoản phúc lợi khác như lao động thường xuyên được hưởng.
Sai phạm tồn tại trong nhiều năm như vậy, song ông Trần Thiện Hà, giám đốc công ty, chỉ thừa nhận "chưa sâu sát, chậm phát hiện dẫn đến thiếu sót". Đặc biệt, kết quả thanh tra cho thấy số lao động thực tế sử dụng tại công ty và số lao động định mức khi lập kế hoạch để duyệt kinh phí có sự chênh lệch rất lớn: năm 2011 là 1.523/4.439 lao động (số lao động sử dụng chỉ bằng 34,30% kế hoạch), năm 2012 là 1.634/4.458 lao động (bằng 34,16%). Điều này chứng tỏ bộ định mức lao động hiện hành không còn phù hợp với điều kiện thực tế và đã bị lợi dụng.
Không chỉ Công viên Cây Xanh TP HCM mà các công ty công ích khác cũng đã sử dụng "chiêu" này để qua mặt từ Sở Giao thông Vận tải TP, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và cả... UBND TP!
Do doanh nghiệp cố tình lách luật, công nhân thời vụ tại Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM bị thiệt thòi quyền lợi. Ảnh: Tấn Thạnh
Cố ý làm sai
Bên cạnh đó, không biết bằng cách nào, các đơn vị này còn "dùi" được một số sở - ngành chức năng để tham mưu cho UBND TP ban hành các văn bản (số 5626/UBND-ĐTMT ngày 10/11/2011 và 6274/QĐ-UBND ngày 27-12-2011) cho phép áp dụng mức lương tối thiểu của 3 tháng cuối năm 2011 và cả năm 2012 là 2 triệu đồng/tháng (cho các quận, huyện, trừ huyện Cần Giờ) và 1.780.000 đồng/tháng đối với huyện Cần Giờ. Là cơ quan "gác cổng" cho UBND TP về chính sách lao động, tiền lương, Sở LĐ-TB-XH TP đã phát hiện việc áp dụng mức lương tối thiểu này là sai với các quy định hiện hành nên đã kiến nghị UBND TP chấn chỉnh, sửa đổi. Tuy vậy, ý kiến của Sở LĐ-TB-XH TP vướng phải ý kiến trái chiều của Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải. Ba đơn vị vẫn bảo lưu quan điểm áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2 triệu đồng/tháng để tính đơn giá tiền lương cho năm 2012.
Chính vì sự không thống nhất trên mà ngày 9/7/2012, UBND TP đã có thông báo 537/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà: "Trong thời gian chờ các sở rà soát, các công ty tạm ứng tối đa không quá 80% mức đơn giá tiền lương năm 2011 đã được duyệt và 70% tiền lương, thù lao bình quân thực hiện năm 2011 của viên chức quản lý...". Sau đó, tiếp thu các ý kiến đề xuất, tham mưu của Sở LĐ-TB-XH TP, UBND TP đã ban hành Công văn 3767/UBND-CNN ngày 23/7/2013 "cho phép áp dụng mức lương tối thiểu không quá 1.512.000 đồng/tháng để tính đơn giá tiền lương năm 2012". Thế nhưng, trong khi chờ có quyết định cuối cùng thì các đơn vị đã tự chi theo đơn giá tính với mức lương tối thiểu vùng 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, không thể nói 3 cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải vô can trong chuyện này!
Chi lương vượt 7 lần mức trần tối đa
Trong văn bản báo cáo tình hình khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của UBND TP, ông Trần Thiện Hà cho biết đã chỉ đạo các bộ phận liên quan của Công ty TNHH Công viên Cây xanh ký hợp đồng lao động đúng luật với số lao động thời vụ (131 trường hợp đến thời điểm thanh tra). Tương tự, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị cũng cam kết tiến hành ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại đối với 163 NLĐ thường xuyên hợp đồng lao động thời vụ với thời hạn dưới 3 tháng và 355 NLĐ ký hợp đồng ký hợp đồng dưới 1 năm. "Đến ngày 15/9, chúng tôi sẽ khắc phục xong" - ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị, cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, rất bất ngờ về mức lương "khủng" của lãnh đạo các DN công ích tại TP HCM. Ông Huân cho biết mức tối đa để trả lương cho lãnh đạo các DN nhà nước chỉ 36 triệu đồng/tháng, nếu DN nào làm ăn có hiệu quả thì được phép chi thêm 50% lương của mức trần tối đa (thêm 18 triệu đồng/tháng). "Không thể hiểu được các DN đó căn cứ vào đâu và tính toán theo các quy định nào để ra được mức tiền lương vượt tới 7 lần mức trần tối đa chi lương theo quy định. Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu Sở LĐ-TB-XH TP HCM báo cáo cụ thể vụ việc vì các trường hợp này do sở quản lý. Tuy nhiên, tôi chắc chắn cách tính "có vấn đề" mới ra được mức lương như vậy hoặc họ tính không căn cứ vào quy định nào cả" - ông Huân nói.
Kiểm toán Nhà nước vào cuộc Chiều 29/8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước khu vực 4 (trụ sở tại TPHCM), cho biết: Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm tra các DN nhà nước thuộc lĩnh vực dịch vụ công ích của TP HCM. Do đang trong tiến trình thực hiện nên Kiểm toán Nhà nước chưa có kết luận đúng, sai về việc chi trả lương ở những DN này. Theo một nguồn tin, Bộ LĐ-TB-XH vừa có công văn gửi lãnh đạo TP HCM đề nghị tiến hành kiểm tra và thanh tra toàn bộ các DN công ích trên địa bàn TP. Chiều 29-8, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã cử đoàn công tác vào TP HCM để tìm hiểu vụ việc.
Theo V.Duẩn - T.Thơ (Người Lao Động)
Kiến nghị Thủ tướng giải quyết tình trạng doanh nghiệp nợ lương Ngày 20.2, UBND TP.HCM có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất hướng xử lý liên quan đến tình trạng doanh nghiệp nợ lương người lao động. Công nhân chờ đòi nợ lương tại một doanh nghiệp có chủ bỏ trốn Theo Phó chủ tịch...