Giám đốc Công an TPHCM nói về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM, cho biết năm nay xâm hại trẻ em tăng 35 vụ so với cùng kỳ năm ngoái và số vụ được xử lý cũng nhiều hơn năm trước: khởi tố 52 vụ với 44 bị can.
Theo ông Phong, công tác quản lý trẻ em trong cộng đồng còn nhiều sơ hở.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp 17 của HĐND TPHCM khóa IX diễn ra sáng 9/12, Giám đốc Công an TPHCM đăng đàn trả lời nhiều vấn đề nóng như tội phạm ma túy, tín dụng đen, đặc biệt là tình trạng xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận.
Giám đốc Công an TPHCM trả trả lời về nhiều vấn đề nóng trên địa bàn thành phố
Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo cho biết tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong đó các đối tượng xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, từ người có nghề nghiệp ổn định đến người có trình độ dân trí cao, kể cả người có địa vị xã hội.
“Đứng trước thực trạng đó thì ngành Công an có biện pháp nào để đấu tranh phòng chống tội phạm này? Vì việc này gây ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ em”, bà Thảo đặt câu hỏi.
Đại biểu HĐND TPHCM phản ánh nhiều vấn đề nóng như xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm ma túy, tín dụng đen
Trả lời đại biểu, Giám đốc Công an TP cho biết, xâm hại trẻ em năm nay tăng 35 vụ so cùng kỳ. Qua phân tích, tại các khu vực vắng địa bàn ngoại thành xảy ra 13 vụ; khách sạn, nhà trọ, xưởng làm việc, phòng khám tư là 67 vụ; nơi công cộng là 18 vụ, trong đó 15 vụ là các cháu đi một mình… mà không có cha mẹ hay người lớn chăm sóc.
Video đang HOT
“Trong năm nay, kết quả xử lý được nhiều vụ hơn hẳn năm ngoái. Theo đó, khởi tố 52 vụ với 44 bị can”, ông Phong thông tin.
Về giải pháp thời gian tới, Giám đốc Công an TPHMC cho biết sẽ tập trung chuyên đề đấu tranh phòng chống, tham mưu triển khai kế hoạch để chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ chuyên trách… nhằm phát hiện hành vi xâm hại trẻ em.
Khi tiếp nhận thông tin về xâm hại trẻ em, các đơn vị liên quan nhanh chóng xác minh, xử lý; cán bộ được tập huấn kỹ năng tiếp xúc trẻ em, bố trí nơi làm việc riêng để các trẻ em ổn định tâm lý và cung cấp lời khai.
Giám đốc Công an TPHCM cho biết năm 2019 xử lý nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em
Theo ông Phong, phân tích địa điểm xâm hại cho thấy, công tác phòng ngừa, công tác quản lý trẻ em trong cộng đồng vẫn còn nhiều sơ hở… Trong khi đó, Luật Trẻ em có quy định hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi nghiêm cấm. Hành vi này là của cha mẹ, người chăm sóc khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ…
“Trên thế giới quy định cụ thể trẻ em tuổi nào trở xuống thì khi đi có người lớn đi kèm, đây là điều cần quan tâm. Quy định trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc cụ thể là giải pháp căn cơ để bảo vệ các cháu không bị xâm phạm bởi đối tượng xấu. Ngoài ra trang bị kỹ năng cho các cháu cũng cần thiết”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn TP giai đoạn 2015-2019 của UBND TPHCM, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn TP có 782 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục (43 trẻ em trai và 739 trẻ em gái), trong đó có 695 trẻ bị xâm hại tình dục. Trước đó, từ năm 2011-2014, trên địa bàn thành phố có 691 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.
Việc xâm hại gây hậu quả cho trẻ ở các mức độ khác nhau. Trong tổng số vụ xâm hại trẻ em nêu trên, có 6 trẻ em tử vong, 6 trẻ em bị thương tật, 14 trẻ em bị rối loạn tâm thần, 86 trẻ em có thai, 9 trẻ em phải bỏ học và 661 trẻ em bị tác động khác về thể chất, tinh thần.
Tuy nhiên, con số này có thể chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do yếu tố văn hóa, nhiều gia đình chọn cách im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại chưa cao.
Theo UBND TP, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, có cả người có nghề nghiệp ổn định, trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên.
Thủ đoạn của các đối tượng (phần lớn là nam giới) chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại với trẻ em.
Trước tình trạng trên, UBND TP kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt bảo vệ trẻ em.
TPHCM cũng kiến nghị Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định việc chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.
Đồng thời, tạo nguồn lực để thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng của công chức, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án trong tiếp xúc, làm việc với trẻ em để tăng cường hiệu quả xét xử đối với các vụ án hình sự xâm hại trẻ em.
Quốc Anh – Phạm Nguyễn
Theo Dân trí
Cần lắm việc phổ cập bơi trong trường học
An Giang có hệ thống sông ngòi chằng chịt, mỗi năm đều xảy ra tai nạn đuối nước.
Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, trẻ em là việc làm cần thiết, qua đó thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em ở trường học, trong gia đình và cộng đồng.
Tăng cường phổ cập bơi trong trường học, tránh tai nạn đuối nước
Từ năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai công tác phổ cập bơi và đưa nội dung bơi lội vào giảng dạy chính khóa môn thể dục (phần thể thao tự chọn) và ngoại khóa ở những nơi có đủ điều kiện. TP. Long Xuyên là đơn vị tổ chức thực hiện thí điểm, với mục tiêu giúp học sinh biết ít nhất một kiểu bơi, kỹ năng an toàn dưới nước và kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước.
Giữa tháng 9-2019 đã xảy ra 1 vụ tai nạn đuối nước thương tâm, khiến 3 học sinh thiệt mạng. Thời điểm đó, 7 học sinh Trường Tiểu học "A" An Tức (xã An Tức, Tri Tôn) chạy xe đạp ra hồ Soài Chek (xã Núi Tô, Tri Tôn) chơi và tắm. Tắm được một lúc thì 3 em: Chau C., Chau Ga V. và Chau T. bị đuối nước. Thấy 3 bạn bị đuối nước, các em học sinh còn lại trong nhóm đã hô hoán và chạy tìm các công nhân đang thi công nạo vét lòng hồ kêu cứu. Dù mọi người đã tức tốc chạy đến, nhảy xuống hồ đưa các cháu lên bờ, nhưng cả 3 em đã tử vong.
Mới đây, 2 em học sinh Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu bị đuối nước được cứu sống ở TP. Long Xuyên, do các em tự đi tập bơi để chuẩn bị kiểm tra môn thể dục (môn học sinh tự chọn). Có ý kiến cho rằng, không nên quy định đưa môn này vào môn thi, mà chỉ nên khuyến khích học bơi, để học sinh tự nguyện lựa chọn môn học. Sở GD&ĐT cho rằng, nếu nội dung bơi lội nằm trong hoạt động ngoại khóa của nhà trường thì sẽ không tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh, chủ yếu là khuyến khích để học sinh rèn luyện kỹ năng bơi. Nếu nội dung bơi nằm trong chương trình chính khóa, mà học sinh đã tự chọn (tự nguyện theo năng khiếu) để học thì nội dung này phải tham gia kiểm tra, đánh giá với hình thức và mức độ phù hợp với năng lực người học.
Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT) Nguyễn Quốc Khanh cho biết, đối với dạy học tự chọn trong giờ học chính khóa, nội dung bơi lội không là nội dung bắt buộc đối với học sinh. Vì việc tự chọn nội dung học là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với năng khiếu, kỹ năng người học và cơ sở giáo dục có đủ điều kiện đáp ứng (đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, điều kiện học tập...). Đối với dạy học ngoại khóa, nội dung bơi lội là nội dung học khuyến khích các em tham gia, nhằm giúp các em phòng tránh tai nạn đuối nước.
Nhiều năm nay, các địa phương làm tốt công tác phổ cập bơi trong dịp hè, đưa bơi lội vào trường học nhằm nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em và học sinh. Các đơn vị, địa phương, trường học tùy tình hình, điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức tổ chức phổ cập bơi phù hợp, đảm bảo chất lượng và an toàn. Xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều hồ bơi ở các địa phương, nhằm phục vụ cho hoạt động dạy và học bơi của người dân. Tại các hồ bơi đều hoạt động rất hiệu quả, thu hút khá đông người dân đến tập luyện, bơi lội.
Ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết, để học sinh từ mầm non đến THPT biết bơi, tự bảo vệ mình và phòng, chống tai nạn đuối nước, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác dạy bơi cho học sinh. Bên cạnh đó, huy động các lực lượng địa phương tham gia phối hợp tổ chức phổ cập bơi trong hè, gắn với việc giám sát của các tổ chức và cá nhân về an toàn và vệ sinh bơi. Sở GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát, nắm tình hình dạy bơi và công tác phổ cập bơi của các trường. Ban hành văn bản chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị quan tâm đến an toàn trong dạy bơi, các trường phối hợp tuyên truyền về an toàn bơi trong học sinh và phụ huynh, nhằm giúp phụ huynh biết và quản lý tốt con em. Tiếp tục chỉ đạo về chuyên môn dạy và học đối với nội dung bơi, trong đó có việc hướng dẫn kiểm tra đánh giá phù hợp với năng lực học sinh. Chỉ đạo các trường quan tâm triển khai các kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho học sinh, như: qua phà, qua đò phải mặc áo phao; không tự tiện tắm sông; đi bơi phải có người lớn hoặc phải có bạn cùng đi để khi xảy ra sự cố sẽ có người hỗ trợ...
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Theo baoangiang
Phòng ngừa xâm hại trẻ em: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"! Xâm hại trẻ em, không phải đến bây giờ mới được đề cập song vấn đề này vẫn đang diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, để phòng ngừa và giảm thiểu xâm hại trẻ em, bên cạnh công tác bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ, phòng ngừa của các cấp chính quyền, đoàn thể, gia đình và cộng đồng xã hội...