Giám đốc CIA bất ngờ mời tiệc Đại sứ Việt
Khi đang làm Đại sứ tại Mỹ, ông Lê Công Phụng bất ngờ được Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mời dự tiệc Giáng sinh, cho dù theo truyền thống, họ chỉ mời đại sứ các nước đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Mỹ George W. Bush tiếp Đại sứ Lê Công Phụng ngày 22/1/2008 tại Nhà Trắng
Nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, ông Lê Công Phụng, Đại sứ thứ ba của Việt Nam tại Mỹ (nhiệm kỳ 2008-2011), chia sẻ với Tiền Phong những kỷ niệm cá nhân sâu sắc, phản ánh bước chuyển trong cách nhìn của Mỹ đối với Việt Nam.
Việt Nam là điểm gặp của hai đảng Mỹ
Ông Lê Công Phụng nói rằng, Đại sứ đầu tiên Lê Văn Bàng khá vất vả vì sự chống đối Việt Nam, chống đối quan hệ Việt – Mỹ quá lớn. Đại sứ thứ hai Nguyễn Tâm Chiến cũng không “khỏe” lắm. Nhưng khi ông sang nhận nhiệm vụ, thời cơ đã rất thuận lợi. Vì đến năm 2007, sau 12 năm bình thường hóa quan hệ, hai bên đều đã ngấm hậu quả của sự thù địch và thấy cần phải thay đổi. “Tôi sang là thời kỳ thuận lợi nhất. Thủ tướng nước ta thăm Mỹ 2-3 lần, Chủ tịch nước cũng sang 2-3 lần, lãnh đạo cấp cao hai bên gặp gỡ, đưa ra những tuyên bố thuận lợi”, ông Phụng kể.
Cựu Đại sứ cho biết, khi tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt – Mỹ tại Washington, ông đã mời cựu Tổng thống Bill Clinton và nhiều Thượng nghị sĩ, quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ. Điều khiến ông ấn tượng nhất là việc ông Clinton theo lịch chỉ đến phát biểu xong rồi về, nhưng khi thấy không khí vui quá, ông xin phép Đại sứ Việt Nam được ở lại thêm. “Lúc tôi đứng cạnh, ông Clinton nói rằng, ở Mỹ có hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau nắm quyền. Hai đảng đấu tranh nhau quyết liệt trong nhiều vấn đề, nhưng trong quan hệ với Việt Nam thì hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thống nhất với nhau, nhất là các ông John McCain, John Kerry…”, ông Phụng kể. Cựu Đại sứ nói thêm rằng, lúc đó, ông cảm nhận thực sự Mỹ có nhu cầu rất lớn và khá thống nhất trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Ông Phụng nói rằng, nhu cầu đó một phần thể hiện ở việc năm 2010, Mỹ chủ động đề nghị Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ, yêu cầu các nước để Việt Nam tham gia, cho dù trình độ phát triển của Việt Nam vẫn khiêm tốn.
Ông Phụng cho rằng, trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ từ thời kỳ Tổng thống George Bush đến Tổng thống Barack Obama trong hai nhiệm kỳ, Mỹ cần quan hệ tốt với Việt Nam nếu muốn thành công. “Nếu thiếu Việt Nam, ASEAN không phải chỗ dựa của Mỹ. Việt Nam có bờ biển dài, có những vị trí địa chiến lược hết sức nhạy cảm, quan trọng với khu vực. Cho nên, họ không thể không thúc đẩy quan hệ với Việt Nam”, ông Phụng nhận định.
Những bữa tiệc đặc biệt
Ông Lê Công Phụng kể rằng, một trong những kỷ niệm ở Mỹ mà ông nhớ mãi là vào năm 2010, ông tự dưng được Giám đốc CIA Leon Panetta mời dự tiệc Giáng sinh cùng các Đại sứ Thái Lan, Singapore, Philippines. “Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là họ đã chuyển cách nhìn đối với Việt Nam. Tuy mình không phải là đồng minh, nhưng họ rất cần mình là đồng minh. Điều này cho thấy nhu cầu của họ, bước chuyển của họ trong chính sách với Việt Nam rất rõ và mang tính chiến lược”, cựu Đại sứ chia sẻ. Một điều khác biệt nữa là vào dịp năm mới, trong số Đại sứ các nước ASEAN, có những lúc chỉ Đại sứ Lê Công Phụng được Tổng thống Mỹ mời dự tiệc.
Cựu Đại sứ cho biết, khi còn làm nhiệm vụ tại Mỹ, ông đã đi nhiều bang, gặp đại diện nhiều địa phương và nhận thấy một điều giống như ông Bill Clinton nói. Đó là sự quan tâm đến Việt Nam, sự quan tâm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trở thành trào lưu, thành xu thế chung của các địa phương ở Mỹ. Dù mỗi bang đều có luật riêng, nhưng họ đều quan tâm, hỗ trợ làm việc rất nghiêm túc, nhất là trong lĩnh vực quân sự.
Cựu Đại sứ kể, trước khi về nước, ông đến Hawaii và làm việc với Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và được 37 tướng tá tiếp long trọng cả buổi sáng. “Họ thúc giục tôi khi về nước tìm cách đẩy nhanh hợp tác quốc phòng – an ninh. Điều chúng ta thấy mừng là họ đang cố hết sức thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, nâng cấp quan hệ”, ông Phụng nói.
Theo Trúc Quỳnh
Tiền phong
Việt - Mỹ: "Quá khứ không quyết định tương lai"
Việt Nam và Mỹ đã bước vào thời kỳ mới của hợp tác và thân hữu. Mối quan hệ này là một minh chứng rõ nét rằng quá khứ không quyết định tương lai - Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến nói.
Được sự đồng ý của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), với sự bảo trợ của Bộ ngoại giao và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam, Hội Việt - Mỹ, VTV4 Đài truyền hình Việt Nam và Tạp chí Việt - Mỹ đã phối hợp tổ chức Cuộc thi và Triển lãm ảnh "Quan hệ Việt-Mỹ & Nước Mỹ qua ống kính các nhà nhiếp ảnh Việt Nam".
Video đang HOT
Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Tâm Chiến, phát biểu tại buổi lễ
Tới dự buổi lễ có Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osisus, các cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson và Michael Michalak, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng.
Tại buổi khai mạc triển lãm sáng nay (3/7), nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, Nguyễn Tâm Chiến nói, sau những nỗ lực của cả hai bên, từ cựu thù Việt Nam và Mỹ đã tiến tới một khuôn khổ đối tác toàn diện. Hai nước, hai nhân dân đều có cố gắng mới để tiếp tục đưa hợp tác và lòng tin lẫn nhau lên tầm cao hơn.
Vượt qua giai đoạn đầy khó khăn của lịch sử, nhưng người Việt Nam vẫn thường nói "cái gì đến sẽ đến". Hai mươi năm qua, quan hệ hai nước và giữa nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ đã bước vào thời kỳ mới của hợp tác và thân hữu.
Chủ tịch Hội Việt-Mỹ Nguyễn Tâm Chiến và cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson
Ông Chiến cho rằng những bức ảnh được triển lãm lần này đã cho thấy mốc son trong tiến trình phát triển của quan hệ Việt - Mỹ với vai trò hàng đầu của các vị lãnh đạo và sự tham gia rộng rãi của nhân dân trước những thành công và cả những vấn đề còn ở phía trước. Những bức ảnh mà người Việt Nam chụp về nước Mỹ đã cho thấy cái nhìn đầy thiện cảm của người dân Việt Nam về một nước Mỹ.
"Tôi hy vọng rằng khi xem triển lãm, các bạn sẽ cảm nhận về một đất nước, một dân tộc Việt Nam rất hữu nghị luôn chào đón các bạn Mỹ bằng nụ cười", ông Chiến phát biểu.
Tại Lễ Kỷ niệm quốc khánh Mỹ và 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ đươc tổ chức tại Hà Nội tối qua (2/7), cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vẫn nhắc lại những kỷ niệm và cảm xúc tốt đẹp khi thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 2000.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osisus (thứ 4 từ trái sang) tặng hoa Ban Giám khảo cuộc thi
Ông Chiến cũng nhắc lại chuyến thăm của Tổng thống George W. Bush: "Khi thăm Việt Nam năm 2006, Tổng thống Bush đã từng hạ cửa kính ô tô của mình để tiếp nhận trực tiếp những tình cảm mến khách của hàng nghìn người dân Việt Nam chào đón ông mà không ngại về an ninh".
Bà cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuốn hồi ký mới xuất bản đã viết: "Ở tất cả những nơi tới thăm, chúng tôi đều nhận được sự ấm áp và lòng hiếu khách của người dân Việt Nam. Đó là sự phản ánh về thiện chí đã phát triển giữa hai nước chỉ mới qua một thế hệ và đã là minh chứng rõ ràng là quá khứ không quyết định tương lai".
Cuộc thi và Triển lãm ảnh về quan hệ Việt-Mỹ là một hoạt động đối ngoại nhân dân, lần đầu tiên được tổ chức, nhưng đã thu hút được sự quan tâm rộng lớn của giới truyền thông và những người yêu thích nhiếp ảnh Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Sau hơn 6 tháng phát động cuộc thi, từ 15/10/2014 đến ngày 30/4/2015, Ban tổ chức đã nhận được 2.016 tác phẩm ảnh của 82 tác giả trong và ngoài nước gửi về tham gia cuộc thi. Trong số các tác phẩm dự thi, có 415 tác phẩm về thể loại Chính trị - Ngoại giao, 738 tác phẩm thuộc thể loại Văn hóa - Xã hội, và 863 tác phẩm thuộc thể loại Phong cảnh, thiên nhiên nước Mỹ.
Khách xem triển lãm
Mối quan tâm của công chúng nói chung và sự tích cực hưởng ứng cuộc thi của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng đã thể hiện tình cảm của người dân Việt Nam đối với quan hệ đang ngày càng phát triển giữa hai nước Việt - Mỹ, đó là tính nhân văn, hòa hiếu và lòng vị tha của người Việt Nam, sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới một tương lai tươi sáng.
Kết quả cuộc thi với 15 giải thưởng được trao, bao gồm 1 Giải nhất, 1 Giải Nhì, 1 Giải Ba, và 2 Giải Khuyến khích cho mỗi thể loại, đã thể hiện chất lượng cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia này. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng chọn lựa hơn 100 tác phẩm có chất lượng nhất để in trong cuốn sách ảnh "Việt Nam-Hoa Kỳ: Lịch sử- Hiện tại và Tương lai".
Cuộc triển lãm kéo dài tới này 7/7/2015 cũng là một trong những hoạt động của Hội Việt-Mỹ trong năm 2015 nhằm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập "Việt-Mỹ thân hữu Hội"- Tiền thân của Hội Việt-Mỹ ngày nay (1945-2015), và kỷ niệm 20 năm thiết lập bình thường hóa quan hệ ngoai giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2015).
Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm (Ảnh chụp tại triển lãm):
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tham dự lễ động thổ xây nhà nhân đạo ở tỉnh Hưng Yên năm 2009 (Ảnh: VUFO)
Tri ân! Ngày 11/1/1996 tại Hà Nội, Thượng nghị sĩ John McCain gặp lại cụ Mai Văn Ôn, người đã cứu ông ở Hồ Trúc Bạch năm 1967 (Ảnh: Nguyễn Khang)
Dạ hội tại khách sạn Thắng Lợi - Hà Nội nhân dịp chính phủ Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (4/2/1994) (Ảnh: Nguyễn Đức Tám)
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tặng quà cho trẻ em mồ côi nhiễm HIV tại chùa Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội tháng 7/2010 (Ảnh: Trần Việt Dũng)
Bà Hillary Clinton và con gái Chelsea đến thăm quỹ tín dụng dành cho người nghèo ở ngoại ô Hà Nội vào tháng 11/2000 (Ảnh: Nguyễn Đức Tám)
Hai người lính, Tp. Hồ Chí Minh (7/2006) (Ảnh: Huỳnh Trí Dũng)
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara tại Hà Nội (23/6/1997) (Ảnh: Trần Tuấn)
Tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt tay một nhóm trẻ Việt Nam từ ban công một tòa nhà đối diện Văn Miếu-Quốc Tử Giám (17/11/2000) (Ảnh: Trần Việt Dũng)
Cựu Tổng thống Bill Clinton với người Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam 2006 với tư cách là nhà quản lý của Tổ chức Sáng kiến chống AIDS toàn cầu (Ảnh: Trần Việt Dũng)
Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright thăm Việt Nam (Hà Nội-9/1999) (Ảnh: Nguyễn Khang)
Hòa nhập văn hóa! (Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius thắp hương tại Đại Nội-Huế tháng 2/2014) (Ảnh: Nguyễn Tấn Tôn Nữ Ý Nhi)
Quà tặng sau chiến tranh! (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)
Đại tướng Mỹ John Vessey thăm Việt Nam (1993) (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn)
Vượt qua nỗi đau! Cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ Việt-Mỹ cùng có con hy sinh trong cuộc chiến tranh Việt Nam (Ảnh: VUFO)
Mong cho thành công hơn nữa! (Ảnh chụp ngày 26/1/2015 tại Hà Nội trong khôn khổ Hội nghị Quốc tế về quan hệ Việt-Mỹ) (Ảnh: Nguyễn Khánh).
Bài và ảnh: Nam Hằng
Theo Dantri
Đại sứ Hoa Kỳ: "Tương lai mối quan hệ Việt - Mỹ là vô hạn" "Tôi đã học cách trân trọng quá khứ. Tôi có lý do để chào mừng thành công của 20 năm qua. Tôi biết rằng, tương lai mối quan hệ giữa hai nước là vô hạn. Tôi tin dân Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục cùng nhau tiến lên, hợp tác nhiều hơn trên mọi lĩnh vực". Đó là những tuyên bố chắc...