Giám đốc chờ nghỉ hưu vẫn ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ
Trong thời gian chờ nghỉ hưu, ông Nguyễn Đức Hiền – nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ. Thanh tra tỉnh Kiên Giang vào cuộc, phát hiện nhiều sai phạm và đề nghị thu hồi các quyết định bổ nhiệm của ông Hiền.
Theo Kết luận thanh tra tỉnh Kiên Giang, dù ông Nguyễn Đức Hiền đã hết hạn giữ các chức vụ của UBND tỉnh Kiên Giang giao cho và chờ nghỉ hưu, nhưng ông Hiền vẫn ký bổ nhiệm thăng chức cho 4 cán bộ cấp trưởng phó phòng, một Phó giám đốc công ty và tuyển dụng 13 cán bộ nhân viên mới.
Theo kết luận Thanh tra số 05/KL-TTr, ngày 20.6, nội dung thanh tra theo đơn tố cáo về trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, đầu tư, xây dựng và mua sắm tài sản… ở Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang từ năm 2014 – 2016.
Sự việc ông Nguyễn Đức Hiền – nguyên Chủ tịch, kiêm Giám đốc công ty cấp thoát nước Kiên Giang ký bổ nhiễm hàng loạt cán bộ trong thời gian chờ nghỉ hưu đã gây bất bình trong dư luận.
Theo kết luận, ông Hiền – nguyên Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang (vốn 100% nhà nước) được UBND tỉnh Kiên Giang bổ nhiệm lại nhiệm kỳ 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu là ngày 29.6.2016, hết thời gian giữ các chức vụ.
Thế nhưng trong lúc chờ nghỉ hưu, ông Hiền vẫn ký bổ nhiệm “thăng chức” cho 4 cán bộ cấp trưởng phó phòng, một Phó giám đốc công ty và tuyển dụng 13 cán bộ nhân viên mới.
Cụ thể, như ngày 13.8.2016 ông Hiền ký bổ nhiệm cho ông Âu Văn Tâm từ Trưởng Phòng kỹ thuật lên chức Phó giám đốc công ty; ngày 3.7.2016 ký bổ nhiệm ông Trương Văn Châu lên chức Phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước Hà Tiên; ngày 3.7.2016 ký bổ nhiệm Nguyễn Văn Sul lên chức Phó Trạm trưởng Trạm cấp nước Hòn Chông; ngày 13.7.2016 ký bổ nhiệm Vũ Văn Thắng lên chức Phó trưởng Trạm Cấp nước Giồng Riềng….
Video đang HOT
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Hiền còn tranh thủ ký 13 Hợp đồng tuyển dụng lao động mới cho 13 người vào các ngày trong tháng 7 và tháng 8.2016. Theo đó làm tăng thêm tổng số Cán bộ nhân viên toàn công ty lên gần 500 người. Trong đó, người nhà ông Hiền chiếm hàng chục cán bộ nhân viên là các em cháu, dòng họ bà con trong gia đình.
Trước những dấu hiệu vi phạm nêu trên, thanh tra tỉnh Kiên Giang đề nghị thu hồi các Quyết định bổ nhiệm và tuyển dụng lao động do ông Nguyễn Đức Hiền ký trong thời gian đã hết hạn giữ các chức vụ. Đồng thời, thanh tra tỉnh này còn kiến nghị UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang xem xét kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với nguyên Giám đốc Nguyễn Đức Hiền.
Theo P.V (Dân trí)
Lo bị giảm lương hưu: Đồng loạt xin nghỉ hưu trước 2018
Từ năm 2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với người lao động có sự thay đổi. Nhiều người lao động đang có tâm lý muốn giám định y khoa để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018 nhằm "né" quy định này.
Tuy nhiên, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, khẳng định: "Không phải ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi".
Muốn nghỉ hưu sớm
Chị V.T.Đ. (53 tuổi, đang làm việc tại một công ty nhà nước ở quận 8, TPHCM) cho hay, đến cuối năm 2017, chị đã làm việc và đóng BHXH được 20 năm. Tuy nhiên, so với điều kiện được hưởng hưu trí, lúc đó chị mới 53 tuổi, còn thiếu 2 tuổi theo quy định.
"Năm 2018 áp dụng luật mới rồi, cuối năm 2017 tôi muốn nghỉ hưu sớm", chị V.T.Đ. cho biết. Điều chị Đ. băn khoăn là chưa rõ nghỉ sớm có lợi hay nghỉ hưu đúng tuổi có lợi.
Người dân nhận lương hưu và chế độ BHXH tại Bưu điện trung tâm thị trấn Nhà Bè
Cũng muốn nghỉ hưu sớm, anh N.V.C. (59 tuổi, công chức một sở tại TPHCM) kể anh đã có 33 năm công tác. Anh muốn nghỉ hưu trước tuổi nhưng cơ quan không giải quyết. Cơ quan anh C. đưa ra 4 nội dung/lý do mà người lao động được nghỉ hưu trước tuổi và cho rằng anh C. không nằm trong 4 diện đó.
Còn anh L.V.M. (ngụ quận Gò Vấp) lại muốn nghỉ hưu ở tuổi 45! Anh M. cho biết đang làm việc ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và có 24 năm đóng BHXH. Công việc của anh M. thuộc diện lao động nặng nhọc, độc hại và giờ đây, anh chỉ muốn nghỉ hưu ngay.
Trước đó, cuối năm 2015, TPHCM đã diễn ra tình trạng ồ ạt đi giám định y khoa để nghỉ hưu sớm. Lượng người nghỉ hưu sớm tăng 30% so với năm 2014 nhằm tránh lộ trình bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu sớm (nam từ 50 lên 51, nữ từ 45 lên 46 tuổi và tăng dần hàng năm cho đến khi nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi) theo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ năm 2016. Liệu có tái diễn tình trạng nghỉ hưu sớm hàng loạt vào năm 2017?
Ông Trần Dũng Hà, Trưởng phòng Chế độ BHXH TP.HCM, phân tích: Từ năm 2018, có một số thay đổi trong chế độ hưu trí. Bên cạnh việc tăng dần tuổi nghỉ hưu do giám định y khoa và tăng tỷ lệ trừ phần trăm (từ 1% lên 2%) tương ứng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì từ 2018 trở đi có sự thay đổi về cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với cả nam và nữ.
Cụ thể, với nam giới, tỷ lệ lương hưu 45% tương ứng với số năm đóng BHXH là 16 năm (nghỉ hưu năm 2018; hiện nay là 15 năm); 17 năm (nghỉ hưu năm 2019); 18 năm (năm 2020); 19 năm (năm 2021); 20 năm (từ năm 2022 trở đi). Sau đó cứ thêm 1 năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, tối đa mức hưởng hưu trí là 75%. Với nữ giới, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45% tương ứng 15 năm đóng BHXH; tuy nhiên, sau đó cứ thêm 1 năm đóng BHXH thì tính thêm 2% (trước năm 2018 là 3%), tối đa 75%.
Theo ông Trần Dũng Hà, với quy định trên thì cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối người lao động, đặc biệt là người nghỉ hưu trước tuổi từ năm 2018 trở đi sẽ ảnh hưởng nhiều đến mức lương hưu. Do đó, người lao động có tâm lý muốn giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018, nhằm hưởng tỷ lệ phần trăm lương hưu cao hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
Lợi thì có lợi, nhưng...
Quy định tính tỷ lệ phần trăm lương hưu từ năm 2018 trở đi ảnh hưởng đối với cả lao động nam và nữ. Ông Trần Dũng Hà phân tích, nếu người lao động suy nghĩ theo hướng nghỉ hưu sớm trước năm 2018 để 15 năm đầu đóng BHXH được tính hưởng 45% thì cũng cần lưu ý quy định sóng đôi là nghỉ hưu sớm mỗi năm sẽ bị trừ tương ứng 2% (trước năm 2016, tỷ lệ trừ chỉ là 1%)! Điều đó có nghĩa là, nếu lao động nghỉ hưu sớm 5 tuổi thì tỷ lệ phần trăm lương hưu sau khi tính tương ứng với số năm đóng BHXH, sẽ bị trừ tiếp 10%.
Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm 1 năm thì tỷ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%. Chưa kể, từ năm 2018, mức đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở tổng thu nhập của người lao động nên khi tính lương hưu thì có thể lương hưu cao hơn.
"Có thể khẳng định rằng tỷ lệ phần trăm lương hưu sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm và càng thấp hơn nếu thời gian đóng BHXH không nhiều. Chẳng hạn, lao động nam đủ điều kiện nghỉ hưu năm 2017 do suy giảm sức khỏe (nam 52 tuổi, suy giảm sức khỏe 61%), có thời gian đóng BHXH 20 năm (mức thấp nhất đủ điều kiện hưởng lương hưu) thì tỷ lệ phần trăm lương hưu chỉ là 39%", ông Cao Văn Sang nhận xét.
Do lương hưu là chế độ người lao động được hưởng lâu dài, có khi đến mấy chục năm, nên nếu mức lương hưu khi bắt đầu nghỉ hưu thấp thì sẽ ảnh hưởng suốt cả thời gian về sau. Theo ông Cao Văn Sang, mỗi người có những yếu tố khác nhau về tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức lương đóng BHXH, điều kiện làm việc,... nên khi giải quyết chế độ hưu trí cũng khác nhau. Do đó, không phải ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
(Theo Lao Động)
Hai phương án tuổi nghỉ hưu Theo đề xuất của Bộ Lao động, tuổi nghỉ hưu có thể giữ như hiện hành (nữ 55 tuổi, nam 60) hoặc tăng lên 60-62 tuổi. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có tờ trình Chính phủ dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lao động. Trong đó, Bộ đưa ra hai phương án tuổi nghỉ hưu:...