Giám đốc bị khởi tố vì dính vụ Vũ “nhôm” từng mất trộm gần 2 tỷ đồng
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, người cùng 3 lãnh đạo cấp cao của TP.HCM vừa bị khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, từng bị mất trộm gần 2 tỷ đồng tại chính văn phòng làm việc.
Liên quan đến diễn biến mới nhất vụ việc “Khởi tố cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và 7 bị can liên quan vụ Vũ “nhôm”", phía Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có những thông tin điều tra về vụ việc.
Ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa bị khởi tố cùng 3 lãnh đạo.
Như Dân Việt đã đưa tin, ông Đào Anh Kiệt từng có 10 năm với 2 nhiệm kỳ làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Đến 12.2015, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân ký Quyết định số 388 về chấp thuận cho ông thôi giữ chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Vào ngày 1.6.2015, ông Đào Anh Kiệt có ký văn bản đề xuất UBND TP.HCM xem xét quyết định cho Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” thuê hơn 2.300m2 đất tại số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1 với mục đích sử dụng làm văn phòng làm việc, thời hạn thuê đất 50 năm.
Trong một diễn biến khác, phóng viên đã tìm hiểu về ông Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) để thông tin rõ hơn tới bạn đọc. Theo điều tra trước đây, ông Kiệt khi còn làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã từng mất trộm gần 2 tỷ đồng.
Cụ thể, vào một ngày đầu tháng 8.2014, khi đến nhiệm sở Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tại Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 làm việc, ông Kiệt phát hiện bị mất số tiền lớn cất trong bàn làm việc tại cơ quan. Được biết, số tiền bị mất là 1 tỷ đồng và 30 ngàn USD.
Ông Đào Anh Kiệt từng khai báo bị mất số tiền lớn cất trong bàn làm việc tại cơ quan. Ảnh: C.T
Sau đó, ông C.T.T (bảo vệ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) đến công an địa phương trình báo theo yêu cầu của ông Kiệt. Công an đã vào cuộc xác minh.
Khi làm việc, ông Kiệt khai báo số tiền bị mất là tiền cá nhân của ông dành dụm, tiết kiệm được và để tại cơ quan. Tuy nhiên, đến nay, thông tin về thủ phạm chưa được công bố ra dư luận.
Ngoài ra, liên quan đến trách nhiệm công tác trên cương vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, vào tháng 5.2017 (thời điểm ông Kiệt đã nghỉ hưu), UBND TP.HCM đã có văn bản phê bình ông Kiệt vì để xảy ra sai phạm khi chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở tại khu đất số 1A, phường Phú Hữu, quận 9.
Trước đó, vào tháng 7.2015, trong phiên chất vấn tại kỳ họp 18 HĐND TP.HCM khóa VIII, đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy đã “truy” ông Kiệt về vấn đề ô nhiễm của TP.HCM. Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, thành phố đã có kế hoạch di dời hơn 1.400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư từ năm 2002, đến năm 2005 kết thúc.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đến năm 2005 vẫn chưa di dời xong và gia hạn đến năm 2006. Nhưng, đến năm 2007 vẫn chưa hoàn thành việc di dời khi còn tới 141 cơ sở. Từ năm 2007 đến nay vẫn tiếp tục di dời và còn 6 cơ sở (theo chương trình, chưa tính phát sinh). Ông Kiệt cho biết, với 6 cơ sở còn lại, UBND TP chỉ đạo đến giữa năm 2016 phải di dời dứt điểm. Trong số 6 doanh nghiệp chưa di dời, có đến 5 doanh nghiệp Nhà nước.
Ông Kiệt từng bị đại biểu “truy” về vấn đề ô nhiễm của TP.HCM. Ảnh: C.T
Trong buổi làm việc, một số đại biểu không hài lòng và thông tin thêm, UBND quận 9 đã quy hoạch địa phương theo mô hình du lịch sinh thái. Đó là chưa kể người dân ở đó đã phản ánh tình trạng ô nhiễm rất nhiều. Như vậy, tại sao lại chuyển Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 về đây?
Ông Kiệt trả lời, vấn đề di dời còn phụ thuộc quy hoạch, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, trong khi nhiều cơ sở ỷ lại là công ty Nhà nước, cơ quan chuyên môn thiếu kiên quyết… Đối với Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 và xưởng Ba Son, việc di dời không phải thuộc trách nhiệm riêng của Sở Tài nguyên và Môi trường TP mà phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành có liên quan.
Theo Danviet
Vì sao cựu Phó Chánh Văn phòng UBND Đà Nẵng Đào Tấn Bằng bị bắt?
Ông Đào Tấn Bằng được nhiều người ở thành phố Đà Nẵng nhắc đến khi "phù phép" lô đất L09 về tay người thân.
Như tin đã đưa , ngày 18/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Đào Tấn Bằng (sinh năm 1975, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, nay là Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng, hiện trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và các bị can về hành vi "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Đào Tấn Bằng cũng là người có nhiều liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm").
Ông Đào Tấn Bằng.
Phù phép" đất Nhà nước vào tay người thân
Ông Đào Tấn Bằng được nhiều người ở thành phố Đà Nẵng nhắc đến khi "phù phép" lô đất L09 về tay người thân. Lô đất có ký hiệu L09, diện tích 300m2 nằm trong 41 lô đất biệt thự Khu vực Suối Đá, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được Chủ tịch UBND thành phố đồng ý chuyển quyền sử dụng đất cho bà Lê Thị Ngọc Oanh (là chị dâu của ông Đào Tấn Bằng) để đầu tư xây dựng biệt thự.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng khu đất này, bà Lê Thị Ngọc Oanh đã mở rộng diện tích sử dụng sang phần diện tích đất rừng thuộc khu vực Bán đảo Sơn Trà. Theo đó, từ 300m2 được giao ban đầu bà Lê Thị Ngọc Oanh được UBND quận Sơn Trà cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AE 440695 ngày 25/12/2006 với diện tích đất 8.500m2.
Trong đó, đất xây dựng biệt thự là 300m2, thời hạn sử dụng đất lâu dài, nguồn gốc sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Đất quản lý vườn cây là 8.200m2, thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 27/11/2056, nguồn gốc sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Sau khi có Giấy chứng nhận, bà Oanh lập thủ tục bổ sung tài sản gắn liền với đất và có hồ sơ xin nhập thêm phần đất giao để phát triển hệ sinh thái rừng. Ngày 23/9/2011, bà Oanh được UBND quận Sơn Trà cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BG 631677 với diện tích đất lên đến 12.413m2. Trong đó, ngoài 300m2 đất ở dưới hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất còn có 8.200m2 đất thuê trả tiền hàng năm dùng để trồng cây, hồ nước, đường giao thông, phụ trợ và 3.913m2 đất giao không thu tiền sử dụng đất để phát triển hệ sinh thái rừng.
Công an khám xét nhà ở của ông Đào Tấn Bằng.
Ngày 13/4/2015, bà Oanh nộp hồ sơ đề nghị đăng ký biến động điều chỉnh diện tích đất thuê trả tiền hàng năm từ 8.200m2 xuống còn 4.700m2, đất Nhà nước giao đất không thu tiền từ 3.913m2 lên thành 7.413m2.
Đến tháng 4/2015, bà Oanh đã lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho ông Lê Hữu Tiến và bà Võ Thị Thanh Vân. Tại Hợp đồng có nêu rõ chuyển quyền sử dụng đất đối với 300m2 đất xây dựng biệt thự, phần diện tích còn lại đề nghị 2 bên có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định, các bên đã hoàn tất thủ tục chuyển quyền và chỉnh lý biến động cho ông Tiến và bà Vân vào ngày 25/4/2015.
Về nghĩa vụ nộp tiền tiền thuê đất, bà Oanh chỉ nộp từ năm 2006 đến năm 2011 theo đơn giá quy định tại Quyết định số 3351/QĐ-UBND ngày 29/5/2006 của UBND thành phố và từ năm 2012 đến trước khi chuyển nhượng, bà Oanh không nộp do UBND thành phố chưa ban hành giá đất thuê đối với khu đất nêu trên.
Qua sự việc này cho thấy, diện tích sử dụng đất được giao từ tháng 3/2006 là 300m2 lên đến 12.413m2 vào tháng 9/2011 (tăng gấp 41,3 lần). Trong 12.413m2 có diện tích nước giao đất không thu tiền từ 3.913m2 lên 7.413m2. Mặc dù, mục đích sử dụng đất trong quyết định là "để phát triển hệ sinh thái rừng" nhưng trên thực tế toàn bộ diện tích trên đều nằm trong khuôn viên đất khép kín của bà Oanh, chỉ duy nhất hộ bà Oanh sử dụng trực tiếp trên cơ sở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đến tháng 4/2015 đã chuyển nhượng cho hộ ông Tiến và bà Vân.
Điều đáng nói là hàng loạt văn bản của UBND thành phố được ban hành nhằm hợp thức hóa cho việc mở rộng diện tích sử dụng đất nêu trên và những văn bản đó được tham mưu bởi chính ông Đào Tấn Bằng với tư cách là Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị và sau đó là Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, phụ trách lĩnh vực đô thị.
Bỏ qua các sở ngành, tham mưu trái pháp luật
Tại Dự án Khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy sản của Công ty Cổ phần Đầu tư Mũi Nghê, ông Đào Tấn bằng đã có nhiều tham mưu, đề xuất trái pháp luật.
Công ty Cổ phần Đầu tư Mũi Nghê được thành lập vào ngày 18/10/2007, trụ sở chính đặt tại số 17 đường 3-2, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Công an khám nhà ở của ông Đào Tấn Bằng.
Vào ngày 19/10/2007 (ngay sau khi thành lập 1 ngày), Công ty có văn bản đề nghị được cấp 90 ha đất thuộc Khu Du lịch Bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang (trong đó có 30 ha tại khu vực Mũi Nghê và 60 ha đối diện Bãi Nam) để làm khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Mặc dù hồ sơ hoàn toàn không có dự án đầu tư, không có ý kiến tham mưu của các Sở ngành liên quan nhưng ngay trong ngày tiếp nhận văn bản của Công ty Mũi Nghê (22/10/2007), Phòng Quản lý Đô thị đã lập Phiếu trình báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xin báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và đến ngày 31/10/2007, Công ty được UBND thành phố đồng ý chủ trương cho chọn địa điểm đầu tư.
Đây là một trong những dự án được cấp không đúng quy định. Sai phạm này có vai trò quan trọng của cá nhân ông Đào Tấn Bằng, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị.
Cụ thể, ông Đào Tấn Bằng chỉ căn cứ duy nhất vào Công văn của Công ty Cổ phần Đầu tư Mũi Nghê để tham mưu Chủ tịch UBND thành phố cấp chủ trương đồng ý chọn địa điểm, triển khai dự án không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá đất hoặc đấu giá đất.
Ông Bằng đã trực tiếp tham mưu để giao đất cho nhà đầu tư không thông qua các Sở, ngành. Mặt khác, ông Bằng tham mưu chuyển mục đích sử dụng đất rừng vượt thẩm quyền của UBND thành phố.
Theo quy định của Luật đất đai năm 2003, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đất từ đất rừng, đất lâm nghiệp sang đất ở, nếu trên 5 ha đến dưới 100 ha thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi. Trong khi đó, ở lần điều chỉnh quy hoạch ngày 04/02/2010 diện tích đất làm biệt thự được tăng thêm lên 12,79 ha nhưng đã không tham mưu UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật.
"Hô biến" sân vận động Chi Lăng
Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng hiện là tài sản phải thi hành án liên quan đến đại án tham nhũng của bị cáo Phạm Công Danh.
Trong vụ việc này, một trong những vi phạm nghiêm trọng được xác định chính là tách dự án nêu trên thành 10 Giấy chứng nhận để cấp cho 10 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh.
Ngày 24/01/2011, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có Tờ trình số 15/TTr-VP đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 Công ty thành viên và miễn lệ phí trước bạ trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 10 Công ty thành viên. Văn bản này được chuyển đến Văn phòng UBND thành phố vào ngày 27/01/2011.
Ngay trong ngày 27/01/2011, ông Đào Tấn Bằng cùng các cán bộ của Phòng Quản lý Đô thị - Văn phòng UBND thành phố (Trưởng phòng Phan Xuân Ít, chuyên viên Nguyễn Viết Vĩnh) đã lập Phiếu trình "Gấp" và dự thảo văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, việc tham mưu nêu trên hoàn toàn không có sự tham gia của các Sở, ngành chức năng.
Hành vi trên của ông Đào Tấn Bằng và các cá nhân khác của Phòng Quản lý Đô thị - Văn phòng UBND thành phố là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thuế, phí. Nghiêm trọng hơn, sự việc trên mặc dù đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố yêu cầu Công ty phải nộp lệ phí trước bạ theo đúng quy định nhưng vẫn được cá nhân ông Bằng tham mưu cho miễn đã gây thất thoát ngân sách hàng tỷ đồng, bỏ qua các nguyên tắc, quy định trong công tác tham mưu, trực tiếp báo cáo lãnh đạo thành phố ký văn bản không có ý kiến tham mưu của các Sở, ngành chuyên môn. Làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng, dẫn đến việc 10 Công ty trên sử dụng các Giấy chứng nhận được cấp đã vay hàng nghìn tỷ đồng trong vụ án Phạm Công Danh.
Còn nhiều dự án khác đã được ông Đào Tấn Bằng tham mưu trái pháp luật, gây thất thu ngân sách và tạo tiền lệ xấu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch./.
Theo nhóm PV/VOV-Miền Trung
Khởi tố nguyên Phó chủ tịch TP.HCM vì liên quan Vũ 'nhôm' 8 người vừa bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố đều liên quan đến vi phạm của Phan Văn Anh Vũ trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở TP.HCM và Đà Nẵng. Quá trình điều tra sai phạm tại các dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") tại TP.HCM, ngày 18/9,...