Giám đốc BHXH Hà Tĩnh nói gì về lương hưu cô giáo 1,3 triệu đồng?
“Căn cứ các quy định của Nhà nước thì BHXH tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu hàng tháng đối với bà Trương Thị Lan là hoàn toàn đúng quy định” – ông Hoàng Văn Minh (Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh) trả lời phỏng vấn Báo Dân trí.
Cô giáo về hưu mếu máo nói về mức lương không đủ sống Cô Trương Thị Lan kể cô không ngủ mấy hôm nay, cứ nhắm mắt là khóc thầm. Nguồn video Zing
Liên quan đến vụ việc cô giáo Trương Thị Lan ngã quỵu khi nhận quyết định lương hưu 1,3 triệu đồng mà Dân trí đưa tin đang gây xôn xao dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Minh – Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh để làm rõ sự việc.
PV: Thưa ông, sau khi Báo Dân trí đăng tải sự việc, dư luận cả nước có nhiều băn khoăn. Nhiều người cũng thử đặt phép tính và vẫn không hiểu tại sao mức lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan với quá trình công tác 37 năm (hơn 22 năm đóng bảo hiểm xã hội – BHXH) lại thấp đến vậy. Liệu có sự nhầm lẫn/ chưa chính xác nào ở đây khiến cô giáo thiệt thòi? Ông có thể cho biết cụ thể việc tính lương hưu hàng tháng đối với trường hợp cô giáo Lan?
Ông Hoàng Văn Minh: Bà Trương Thị Lan, có quá trình công tác có đóng BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 8/2017, với tổng thời gian tham gia BHXH là 22 năm 8 tháng.
Mức đóng BHXH: Từ tháng 1/1995 đến 12/2012 là giáo viên hợp đồng, truy đóng và đóng BHXH bắt buộc theo Công văn số 3658/BHXH-BT của BHXH Việt Nam, mức đóng mức tiển lương tối thiểu chung từng thời kỳ.
Từ 1/2013 đến tháng 6/2013 mức lương 3,06; từ 7/2013 đến 12/2013 mức lương 2,86; từ tháng 12/2015 mức lương 3,06; từ tháng 1/2016 đến 12/2016 mức lương 3,26; từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2017 mức lương 3,46.
- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 62 Luật BHXH thì bà Lan vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Nên khi tính lương bình quân tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại khoản 1, Điều 62 Luật BHXH.
Cụ thể: Từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2012 đóng BHXH theo mức tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (đóng BHXH theo mức lương tối thiểu chung từng thời kỳ), tổng thời gian: 216 tháng, với tổng số tiền sau khi đã được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ là: 249.818.200 đồng.
Video đang HOT
Từ tháng 1/2013 đến 8/2017, tổng số tháng 56 tháng, đóng, với mức lương bình quân của các tháng đóng BHXH theo hệ số tiền lương do Nhà nước quy định cộng với thâm niên ngành là: 247.728.260 đồng.
Căn cứ các quy định của Nhà nước thì BHXH tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu hàng tháng đối với bà Trương Thị Lan là hoàn toàn đúng quy định.
Trả lời PV Báo Dân trí, ông Hoàng Văn Minh – Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc giai quyêt chê đô hưu trí hàng tháng đối với trường hợp cô giáo Trương Thị Lan (Giáo viên Trường Mần non Lê Duẩn) hoàn toàn đúng quy định (Ảnh: baohatinh)
Vì sao mức lương hưu của nhóm giáo viên mầm non thấp?
PV: – Trường hợp lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan dù gây bất ngờ nhiều người nhưng theo như lãnh đạo BHXH Hà Tĩnh và đại diện Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đây không phải chuyện hiếm, thậm chí thực trạng lương hưu của đối tượng là giáo viên mầm non rất thấp rất phổ biến. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Minh: Tiền lương hưu phụ thuộc vào 2 yếu tố đó là:
Mức tiền lương tham gia BHXH
Thời gian tham gia BHXH
Căn cứ theo quy định của pháp luật, trước năm 1999, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia BHXH. Từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, trong thực tế, phải vài năm sau đó, giáo viên mầm non ngoài công lập mới chính thức đăng ký tham gia và đóng BHXH cho cơ quan BHXH.
Để tạo điều kiện cho những giáo viên mầm non nói trên có đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng Ngày 22/3/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo, BHXH Việt Nam cũng đã có Công văn số 2150/GDĐT-BHXH về thực hiện BHXH, bảo hiểm y tế đối với người lao động thuộc các cơ sở giáo dục mầm non.
Trường hợp giáo viên mầm non nhận lương hưu thấp như cô giáo Trương Thị Lan không hiếm.
Tại mục 1; 4 của hướng dẫn quy định rõ: 1. Người lao động làm việc trong biên chế hoặc hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, tại các cơ sở giáo dục mầm non đều được tham gia BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định hiện hành của Nhà nước (không kể độ tuổi của người lao động, không phân biệt loại hình trường công lập, bán công, dân lập hay tư thục)… 4.
Những người lao động có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP mà chưa tham gia đóng BHXH, thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH. Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương do Nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp.
Do đó, những giáo viên mầm non hết tuổi lao động vào giai đoạn 2011-2014 thực tế chỉ từ 10-15 năm đóng BHXH. Lúc này, họ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần chứ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Với những giáo viên nghỉ hưu vào giai đoạn 2011-2014, họ sẽ có từ 16-20 năm đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ vẫn không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng.
Đến năm 2011, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho giáo viên mầm non chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu háng tháng (theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 18/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ)
Trên cơ sở đó, giáo viên mầm non tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2011; đến hết năm 2014, họ có vừa đủ 20 năm đóng BHXH, đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Như vậy, với các chính sách và việc tạo nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng như quá trình tham gia đóng góp của bản thân người lao động, giáo viên mầm non ngoài công lập từ chỗ không thuộc đối tượng tham gia BHXH đã thuộc diện tham gia BHXH, từ chỗ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần đã tích lũy đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Tóm lại, nguyên nhân khiến mức lương hưu của nhóm giáo viên mầm non lại thấp, đầu tiên là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp, dẫn đến lương hưu được tính trên nền tiền lương này thấp. Thêm nữa, do thời gian đóng BHXH của giáo viên mầm non ngắn, khiến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp.
Thực tế, điều kiện về kinh tế của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở nông thôn chỉ bảo đảm trả lương cho giáo viên ở mức ngang hoặc trên một chút so với mức lương tối thiểu.
Xin cám ơn những trao đổi của ông!
Theo Lệ Thu (thực hiện) (Dân trí)
"Hy sinh cả đời cho giáo dục, về hưu được 1,3 triệu sống sao nổi?"
"Trường hợp của cô Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) vừa rồi tôi rất trăn trở khi nhìn cô khuỵu xuống, khóc ngất. Đứng về mặt Nhà nước quy định là như thế nhưng thực tế thì các thầy, cô hy sinh gần như cả đời cho giáo dục, bây giờ về hưu chỉ được 1,3 triệu đồng thì sống sao nổi", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trăn trở khi trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng 30.10.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (ảnh VPQH).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vấn đề giáo viên nghỉ hưu lương thấp thực ra đây không phải riêng giáo viên mầm non, không phải chỉ có trường hợp cô Trương Thị Lan mà đây là thực trạng phổ biến của các thầy, cô giáo. Thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu công việc, nhất là yêu cầu đổi mới nên Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ phải có đánh giá một cách công bằng khi các thầy, cô đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực
Nói về trường hợp cô Trương Thị Lan (Hà Tĩnh), Bộ trưởng Nhạ nói: "Trường hợp của cô giáo Lan vừa rồi tôi rất trăn trở khi nhìn cô ấy khuỵu xuống và khóc ngất. Chúng tôi làm việc thì Bảo hiểm xã hội trả lời thế. Đứng về mặt Nhà nước quy định là như thế nhưng thực tế thì các thầy, cô hy sinh gần như cả đời cho giáo dục, bây giờ về hưu mới được 1,3 triệu đồng thì sống sao được. Tôi rất suy nghĩ về việc này và đang làm việc với Bộ Nội vụ, và các cơ quan chức năng. Khi sửa Luật giáo dục tới đây, chúng tôi cũng mong muốn làm sao vị trí, chế độ đãi ngộ của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ".
Vẫn theo Bộ trưởng Nhạ, qua trường hợp như của cô giáo Lan thấy quy định có những gì bất cập thì phải sửa, những vấn đề khác còn liên quan đến nhiều luật như như Luật Bảo hiểm xã hội, liên quan đến tài chính, Bộ GD -ĐT sẽ kiến nghị.
Trả lời câu hỏi khi sửa những quy định còn bất cập trường hợp như cô Trương Thị Lan có được hưởng mức lương hưu cao hơn, Bộ trưởng Nhạ cho biết: Vấn đề đó phụ thuộc vào các bộ ngành cho ý kiến nhưng tinh thần có lợi nhất cho các thầy cô.
Báo chí đặt câu hỏi trường hợp như cô Trương Thị Lan có nhiều không, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Con số cụ thể đang được thống kê nhưng có thể không ít trường hợp như cô Lan. Trường hợp các cô giáo mầm non có một thời rất dài khởi điểm lương thấp, chế độ, chính sách như vậy chưa bảo đảm trong khi các cô bị áp lực rất lớn.
"Đây là những vấn đề ưu tiên giải quyết, làm sao cho chế độ làm việc gắn với sự đãi ngộ phù hợp mới tạo được động lực. Trong Nghị quyết T.Ư 9 cũng đã nói thang bảng lương của các thầy cô phải được xếp cao nhất. Với tư cách là người phụ trách ngành chúng tôi đang tích cực, phối hợp với các Bộ ngành để làm sao theo đúng Nghị quyết của Đảng", Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, việc tuyển dụng giáo viên ở các địa phương còn nhiều bất cập và Bộ đang rà soát. Ông cho rằng, có những trường hợp nếu xét theo quy định chế độ họ được hưởng như vậy nhưng còn nhiều trường hợp đặc thù cần đang tập hợp lại để có kiến nghị.
Mới đây, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Duẩn ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa câu chuyện lên mạng xã hội để cộng đồng chia sẻ.Câu chuyện được cô Hà viết như sau: Ở trường mầm non Lê Duẩn xã Cẩm Duệ chúng tôi có 1 giáo viên vừa có quyết định nghỉ hưu vào tháng 9.2017. Tên cô là Trương Thị Lan. Ngày vào ngành 5.9.1980, có 37 năm cống hiến, phục vụ dạy học trong bậc mầm non. Năm đóng bảo hiểm kể cả đóng lùi là 22 năm 8 tháng. Hệ số lương hiện hưởng đến ngày nghỉ hưu là 3,46. Đến ngày nghỉ hưu được hưởng số tiền 1.268 ngàn đồng/tháng và được nhà nước cho bù thêm 32 ngàn đồng. Tổng cộng 1.300 ngàn đồng/tháng.Cầm quyết định vừa được nhận trên tay mà cô Lan đã khóc không thành tiếng làm cho cả tập thể giáo viên của nhà trường không biết động viên cô bằng cách nào, chỉ có khóc theo. Chúng tôi nghĩ cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân của cô đã cống hiến như vậy, giờ đây ra về chỉ còn tấm thân già cỗi, bệnh tật cộng thêm hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn, chồng con ốm đau, bệnh tật. Với mức lương như vậy thì thử hỏi sẽ sống sao đây?Tôi kính mong các Bộ, các ban ngành hãy vào cuộc và quan tâm đến các cô giáo mầm non trong cả nước nói chung và trường hợp của cô TrươngThị Lan của trường tôi nói riêng để khỏi thiệt thòi cho ngành học mầm non.
Theo Danviet
35% lao động tự do muốn tham gia bảo hiểm xã hội Tin vui này được đưa ra tại hội thảo "Một số vấn đề về việc làm và tiếp cận chính sách liên quan của lao động phi chính thức ở Việt Nam" trong ngày 6.10. Tuy nhiên, nhiều lao động cho biết vẫn chưa tiếp cận được với bảo hiểm xã hội (BHXH). Lao động muốn điều chỉnh mức đóng Trong buổi hội...