Giám đốc bãi xử lý rác cúi đầu xin lỗi dân vì gây ô nhiễm
Thừa nhận bãi xử lý rác gây ô nhiễm khiến hàng trăm người bức xúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa (Khánh Hòa) cúi đầu xin lỗi dân trong buổi đối thoại.
Ngày 27/4, Chủ tịch UBND Khánh Hòa ông Lê Đức Vinh cùng lãnh đạo các sở ngành đối thoại trực tiếp với người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa.
Đại diện người dân phản ánh, bãi xử lý rác thải Hòn Rọ tại thôn Ninh Ích nhiều năm nay gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nước cùng chất thải từ bãi rác bốc mùi nồng nặc, khiến 42 hộ dân trong thôn này và những khu vực lân cận bị ảnh hưởng.
Người dân phản ánh tình trạng rác ở thị xã Ninh Hòa với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Xuân Ngọc.
Bày tỏ bức xúc trước người đứng đầu tỉnh, bà Nguyễn Thị Lê nói rằng, nhà ở sát khu bãi xử lý rác và phải luôn đóng kín cửa vì bụi. “Đặc biệt, mùi thối bốc lên dữ dội vào những hôm trời gió hay trước và sau mưa. Chúng tôi phải đeo khẩu trang vì mùi hôi thối xộc vào nồng nặc và luôn cảm giác buồn nôn”, bà Lê ngán ngẩm.
Bà Trần Thị Lan (58 tuổi) thừa nhận, dân địa phương đã nhiều lần chặn không cho xe chở rác vào bãi xử lý. “Hành động này cực chẳng đã chúng tôi mới làm vì quá bức xúc, nhiều lần yêu cầu đơn vị xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nhưng đâu lại vào đó”, bà Lan nói.
Lo ngại về sức khỏe trong khu vực, bà giãi bày, chồng đã mất hai năm trước vì ung thư và có nhiều người ở đây cũng mắc căn bệnh tư tượng. Trước đây, trong thôn đều sử dụng giếng khoan, nhưng giờ chất lượng nước không đảm bảo, người dân phải lấp lại.
“Bãi rác đã gây ô nhiễm lắm rồi, chính quyền chưa giải quyết dứt điểm, sao nay tính thêm xây thêm nhà máy xử lý chất thải nguy hại ở địa phương”, người phụ nữ 58 tuổi đặt hoài nghi với lãnh đạo tỉnh và mong muốn đóng cửa bãi rác.
Video đang HOT
Người dân cũng đề nghị tỉnh giám sát chặt chẽ về việc vận chuyển rác thải vào Hòn Rọ, tránh rơi và thành lập đường dây nóng để họ phản ánh ô nhiễm.
Lãnh đạo Sở Tài Nguyên – Môi Trường khẳng định, Công ty Cổ phần đô thị Ninh Hòa có nhiều vi phạm. Quy định phần bạt lót đáy phải dày 2 mm, song đơn vị chỉ dùng 0,7 mm. Điều này khiến mỗi lúc mưa lớn, nước thải tràn ra môi trường, gây ô nhiễm. “Người dân phản ánh, bức xúc là có cơ sở”, đại diện Sở nói.
Giám đốc Công ty Cổ phần đô thị Ninh Hòa cúi đầu xin lỗi người dân vì để xảy ra ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.X
Ông Dương Văn Lúc – Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa – thừa nhận đơn vị đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm khiến người dân bức xúc và hứa hẹn sẽ sớm xử lý. Người đứng đầu công ty cúi đầu nhận lỗi, bày tỏ mong được bà con tha thứ.
Về thực trạng môi trường, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi trường) – ông Nguyễn Thành Yên – cho hay, sau sự cố Formosa ở miền Trung, Chính phủ và Bộ rất coi trọng vấn đề về môi trường.
Theo ông, trên cả nước Bộ Tài nguyên – Môi trường đã cấp phép khoảng 100 nhà máy xử lý chất thải nguy hại hoạt động, nhưng cũng rút giấy phép 30 nhà máy, do không đạt chuẩn. “Chúng tôi không thỏa hiệp với những trường hợp nhà máy gây ô nhiễm”, ông Yên nói.
Phản hồi ý kiến người dân, ông Lê Đức Vinh cho biết tỉnh đang nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là đối với xã Ninh An và hạn chế sự ảnh hưởng bãi rác tới cuộc sống của người dân. “Trường hợp đơn vị hay cá nhân để xảy ra ô nhiễm, tỉnh sẽ xử lý nghiêm”, ông Vinh khẳng định.
Tỉnh yêu cầu Sở Y tế về địa phương kiểm tra toàn bộ sức khoẻ toàn diện đối với 42 hộ dân tại thôn Ninh Ích và xem xét giảm 50% chi phí sử dụng nước sạch.
Ông Lê Đức Vinh (đứng) giải đáp các thắc mắc của người dân. Ảnh: Xuân Ngọc.
Người đứng đầu tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc, thanh tra lại toàn bộ việc vận hành bãi xử lý rác Hòn Rọ và xử lý dứt điểm mùi thối. Sở Xây dựng xem xét, đặt máy quan trắc quanh khu bãi rác để người dân theo dõi các thông số về ô nhiễm.
Công trình cải tạo bãi rác Hòn Rọ hoạt động hồi năm 2015, gồm hố chôn lấp rác có diện tích 14.000 m2 với sức chứa 121.000 tấn rác.
Xuân Ngọc
Theo VNE
Hút nước kênh Nhiêu Lộc để giảm cá chết
Việc hút nước từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ra sông Sài Gòn là biện pháp giảm nồng độ ô nhiễm trên kênh, ngăn ngừa tình trạng cá chết.
Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM cho biết, để phòng ngừa tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sẽ vận hành trạm bơm 64.000 m3 mỗi giờ, rút nước thải trong lòng cống và nước kênh (khu vực thượng lưu qua hệ thống giếng S0 và S15) ra sông Sài Gòn.
Hệ thống này sẽ vận hành liên tục từ tháng 4 đến tháng 11. Đồng thời, trung tâm sẽ điều chỉnh mức đóng mở cửa cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè hợp lý, tăng cường nước từ sông Sài Gòn pha loãng, giảm ô nhiễm nước trong kênh.
Ngoài ra, đơn vị này cũng phối hợp nạo vét hầm ga, lòng cống... nhằm giảm các chất ô nhiễm đổ trực tiếp ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong những cơn mưa đầu mùa.
Sau vài cơn mưa trái mùa đầu tháng 4, cá lại chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Phú Mỹ.
Liên tục nhiều năm qua, cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại chết hàng loạt sau những cơn mưa đầu mùa. Nghiêm trọng nhất là giữa năm 2016, có đến 70 tấn cá chết.
Mới đây, sau vài cơn mưa trái mùa đầu tháng 4, tình trạng cá chết tái diễn. Ngành chức năng thành phố phải rải gần 20 tấn hóa chất để xử lý môi trường. Dù đã đưa ra bàn thảo nhưng đến nay một số giải pháp được đề xuất như: giảm đàn cá, nạo vét lòng kênh vẫn chưa thực hiện được.
Chi cục bảo vệ thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM) cho biết, để giảm tình trạng cá chết đã trình phương án tỉa thưa 1/3 trong số 470 tấn cá có trên toàn kênh Nhiêu Lộc, đang chờ thành phố duyệt. Đơn vị cũng kiến nghị các quận dọc kênh tuyên truyền bà con phật tử hạn chế phóng sinh cá, tránh gia tăng đàn cá đang quá tải.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Nước sạch màu đen, ký sinh trùng lổm ngổm ở khu đô thị Hà Nội Nhiều hộ dân ở khu đô thị mới Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt có màu vàng đen với ký sinh trùng bơi loăng quăng. Nhiều hộ dân ở hai tòa CT15 và CT16 Khu đô thị Hồng Hà Eco City còn gọi là Khu đô thị mới Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) 8 tháng...