Giảm cân quá nhanh rất nguy hiểm
Sau khi uống vài viên thuốc giảm cân, chị Thủy (Hải Dương) lúc nào cũng thấy đầy lên cổ họng nên chả thiết ăn uống gì. Một tháng sau, chị phải vào viện vì suy nhược cơ thể.
Cũng như chị Thủy, nhiều phụ nữ đã suy sụp khi sử dụng thuốc giảm cân như “cứu cánh” để lấy lại vóc dáng mảnh mai.
“Hàng xách tay đấy, em cứ về dùng thử, chỉ 2 tuần là hiệu quả ngay, sẽ giảm được 5 kg mà không gây mệt mỏi và cũng không cần ăn kiêng hay tập thể dục đâu”. Nghe lời quảng cáo của người bán hàng, Hoa – một nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội – chẳng ngần ngại rút 500.000 đồng mua hơn 10 viên thuốc giảm cân.
Mấy ngày đầu uống thuốc, Hoa thấy người hơi mệt nhưng cô rất vui vì người gầy đi được một chút. Tuy nhiên, 4 ngày sau, Hoa lại thấy bụng mình tóp đi vì luôn phải “túc trực” trong nhà vệ sinh. Cô còn cảm thấy buồn nôn và chóng mặt. Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong mấy ngày sau đó khiến Hoa bơ phờ và không dám dùng thuốc nữa.
Video đang HOT
Giảm cân quá nhanh cũng rất nguy hiểm. Ảnh: Thumbs.dreamstime.com.
Bên cạnh những phụ nữ đành phải giảm cân vì thân hình “quá khổ”, nhiều chị em muốn giữ “vóc hạc” đang có cũng dùng thuốc chán ăn để không tăng cân. Hòa là một trường hợp điển hình. Thủa chưa chồng, Hòa luôn tự hào với bạn bè về thân hình chuẩn bởi cô cao trên 1,65 m, nặng chỉ 50 kg.
Sau khi cai sữa cho con, Hòa bắt đầu tập luyện và đã lấy lại được vẻ đẹp của thời xuân sắc. Tuy vậy, có nữ đồng nghiệp ghen tức khi Hòa được sếp ưu ái hơn đã dè bỉu: “Chồng con rồi, chắc chỉ tập được vài bữa là chán, khi ấy bụng lại sổ ra ngay ấy mà”. Nghe vậy, Hòa tức lắm. Và quả thật, dạo này con trai hay quấy khóc nên Hòa cũng không còn hứng thú trong việc tập luyện. Vậy là thuốc giảm cân được cô sử dụng như một giải pháp hay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam có khoảng 100 nhãn hiệu thuốc giảm cân đang lưu hành.
Tiến sĩ Trần Nhân Thắng, Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc giảm cân được chia thành 3 loại chính: Thuốc làm no đầy ống tiêu hóa, thuốc làm chuyển hóa các chất béo trong cơ thể và loại thuốc làm chán ăn. Ngoài ra, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại trà được cho là có tác dụng giảm béo.
Thực tế, nhiều loại thuốc và trà giảm cân thường không làm mất đi khối mỡ cần tiêu hao trong cơ thể mà chỉ làm mất nước – yếu tố đáng lẽ không được giảm. Trong đó, nguy hiểm nhất là loại thuốc gây chán ăn vì thuốc thường chứa Amphetamin, Benzedrine, Phenamin… Khi hấp thụ vào cơ thể, các chất này tác động lên hệ thần kinh trung ương gây khó ngủ, làm mất cảm giác đói ăn, ăn mất ngon và không muốn ăn.
Sử dụng thuốc lâu dài sẽ hình thành phản xạ chán ăn, khiến người uống trở nên gầy ốm và có thể gây chướng bụng, đầy hơi, tắc ruột. Hơn nữa, nếu lạm dụng người dùng có thể trở nên nghiện thuốc.
Cũng theo tiến sĩ Thắng, người “quá khổ” uống thuốc để giảm cân đã phản khoa học, người bình thường dùng thuốc để chán ăn càng nguy hiểm. Thực chất, thuốc này chỉ bớt cân nặng do làm mất nước của cơ thể, khi uống nhiều nước trở lại, trọng lượng cơ thể lại như ban đầu. Vì thế, thuốc sẽ khiến người uống phải dùng thường xuyên, nếu không muốn tăng cân trở lại.
Điều này rất nguy hiểm, bởi nếu mất nước kéo dài có thể gây những hậu quả nghiêm trọng như mất điện giải, tụt huyết áp, thậm chí là suy thận, suy gan, khiến người bệnh tử vong.
Bác sĩ Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội cho biết, có thể giảm cân một cách khoa học bằng cách vận động và ăn uống hợp lý nhằm duy trì cân bằng calo trong cơ thể như: giảm ăn đồ mỡ, béo, ngọt và tăng cường nhiều rau, hoa quả, sữa đậu nành, không ăn bữa chiều quá no và quá muộn, không thức khuya hoặc dậy muộn, tích cực tập thể dục mỗi ngày…
Tuy nhiên, chế độ ăn trong giảm cân chỉ bớt đi tổng số calo nạp vào, có nghĩa là bạn vẫn phải ăn đủ nhóm dinh dưỡng để cơ thể được cung cấp đủ năng lượng. Hơn nữa, muốn giảm cân theo phương pháp này, bạn phải kiên trì và theo thời gian nhất định, chỉ nên giảm 1-3 cân một tháng để cơ thể thích nghi từ từ.
Muốn tránh béo phì trở lại, người thực hiện giảm cân phải luôn giữ thói quen trong ăn uống và vận động hằng ngày.
Theo Phụ nữ Việt Nam