Giảm áp lực cho trò, thầy quá tải
Từ 15.10, giáo viên tiểu học sẽ không chấm điểm cho học sinh mà thay vào đó là những lời nhận xét, đánh giá. Việc này sẽ làm giảm áp lực điểm số đối với học sinh, nhưng lại tăng thêm gánh nặng công việc cho thầy cô.
Không còn bị đánh giá bằng điểm số, học sinh tiểu học sẽ giảm được áp lực. Ảnh: Hải Nguyễn
Từ 15.10, các trường tiểu học trong cả nước chính thức áp dụng việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GDĐT. Theo đó, giáo viên sẽ không chấm điểm cho học sinh mà thay vào đó là những lời nhận xét, đánh giá. Việc này sẽ làm giảm áp lực điểm số đối với học sinh, nhưng lại tăng thêm gánh nặng công việc cho thầy cô. Tuy nhiên nhiều giáo viên cho biết để giảm áp lực cho các học trò nhỏ đành chấp nhận vất vả hơn.
Tránh áp lực, “cái khó ló cái khôn”
Chia sẻ về quy định mới trong đánh giá HS tiểu học, cô giáo Bùi Thúy Ngân – GV Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) – cho biết, GV chắc chắn sẽ quá tải. Bởi, một lớp trung bình có hơn 40 HS, trước đây để chấm điểm, GV có thể tranh thủ chấm vào giờ giải lao hoặc chấm luôn tại lớp với những HS hoàn thành bài kiểm tra sớm. Tuy nhiên, với cách thức mới, chắc chắn GV sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian, thậm chí mang bài về nhà chấm. Chưa kể đến áp lực không nhỏ từ phía gia đình, nhà trường…
“Ưu điểm lớn nhất là những nhận xét mang tính chất động viên để HS không bị áp lực như khi mang điểm số về nhà. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là vô hình trung phụ huynh sẽ khó khăn để xác định được mức độ học tập của con ở mức độ nào nếu họ không thật sự sát sao tình hình của con và thường xuyên trao đổi với GV về tình hình học tập của con” – cô giáo Ngân chia sẻ. “Cái khó ló cái khôn”, Trường TH Tân Định đã dành thời gian một ngày để tập huấn cho GV các nội dung của Thông tư 30, các GV tìm hiểu, phân tích để đưa ra những phương án tối ưu vừa để thực hiện tốt thông tư này, vừa để phụ huynh có thể hài lòng nhất về các nhận xét về con mình.
Cô Huỳnh Thị Bực – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (TPHCM) – cho biết, GV trong trường cũng mới được tập huấn về cách đánh giá HS, sẽ phải vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Trách nhiệm của GV sẽ nặng nề hơn, đòi hỏi GV phải sát sao hơn nữa đối với từng HS thì mới có thể nhận xét, đánh giá được. Điều lo ngại trước mắt chính là tâm lý của phụ huynh. Nhiều người vẫn quen đánh giá mức độ học hành của con qua điểm số, sẽ chưa quen với việc nhận xét bằng lời. Thêm vào đó, nhà trường cũng khá lúng túng với việc cuối năm sẽ ghi bằng khen cho HS như thế nào khi không còn xếp loại học sinh giỏi, tiên tiến như cũ.
Việc hàng ngày phải nhận xét một lượng học sinh lớn, vì thế đòi hỏi thầy cô phải vượt khó, có nghiệp vụ, cha mẹ phải quan tâm, có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường thì việc đánh giá này mới có chuyển biến thực sự.
Video đang HOT
Bà Vũ Thúy Hà – Trưởng phòng Tiểu học, Sở GDĐT Quảng Ninh – cho biết, tỉnh áp dụng không chấm điểm với HS lớp một từ năm học 2013-2014. Ban đầu phụ huynh không thích vì không có điểm nên không ước lượng được trình độ học tập của con em mình, GV cảm thấy lúng túng về việc nhận xét, đánh giá năng lực, trình độ của HS, trong khi HS vẫn muốn có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, hết học kỳ 1, qua tổng kết từ các trường, qua khảo sát, tìm hiểu trực tiếp, không còn nhiều ý kiến về việc này. Đặc biệt, các bậc phụ huynh quan tâm trao đổi với thầy cô hơn về tình hình học tập, tu dưỡng đạo đức của con em mình.
Giáo viên cần chủ động, linh hoạt
Theo Bộ GDĐT, ngày 15.10 sẽ chính thức áp dụng việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Để triển khai tốt nhất thông tư, bộ đã tổ chức tập huấn cho khoảng 1.600 cán bộ quản lý, GV các trường tiểu học qua nhiều phương thức như đào tạo trực tiếp hay tập huấn trực tuyến để GV cả nước cùng biết và tham gia. Ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học – cho biết: “Không chỉ tập huấn đơn thuần, chúng tôi còn muốn lắng nghe các băn khoăn từ phía GV để từ đó có các chỉ đạo hợp lý hơn, phù hợp thực tế nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong nhận xét đánh giá. Quá trình tập huấn sẽ được diễn ra song song với thời gian triển khai, các trường vừa thực hiện vừa đúc rút dần kinh nghiệm để trao đổi”.
Học sinh tiểu học sẽ không còn bị đánh giá bằng điểm số. Ảnh: Hải Nguyễn
Một số GV tiểu học cho biết, với một lớp có sĩ số đông, việc nhận xét kỹ lưỡng hàng ngày là khó thực hiện. Cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể, làm sao để vừa có hiệu quả thiết thực nhất, vừa hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng cả về thời gian và sức lực của GV. Nhiều GV đề xuất những hình thức đánh giá linh hoạt như sử dụng con dấu, hình dán bông hoa, mặt cười… để vừa tạo hứng thú cho trẻ, cô giáo cũng đỡ mất thời gian và công sức. Khi nào cần thiết, GV sẽ ghi chú cẩn thận để phụ huynh và HS cùng biết.
Ông Phạm Ngọc Định nhấn mạnh, GV không nên quá căng thẳng trong cách thức thể hiện đánh giá của mình đối với bài tập của HS, cách nhận xét có thể bằng lời nói, hoặc viết, linh hoạt tùy thời điểm. “Những khía cạnh GV phải bám vào để nhận xét là sản phẩm của HS có đạt chuẩn kiến thức, đạt các kỹ năng cơ bản hay không, tâm lý HS khi thể hiện bài làm như thế nào… Mỗi HS là một cá nhân riêng biệt, có hoàn cảnh khác nhau nên GV sẽ dựa vào các yếu tố này để có sự khích lệ kịp thời cho các em” – ông Phạm Ngọc Định nói.
Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về Đánh giá HS tiểu học sẽ có hiệu lực từ ngày 15.10.2014. Nội dung thông tư là đánh giá thường xuyên quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học; đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực, phát triển phẩm chất của HS. GV sẽ chỉ đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10 đối với bài kiểm tra định kỳ, không cho điểm 0 hoặc điểm thập phân, cùng với các nhận xét, sửa lỗi, đánh giá ưu khuyết điểm cho bài kiểm tra này.
Theo LDO
Tạm biệt câu hỏi 'Hôm nay con được mấy điểm'
Năm học này, học sinh tiểu học sẽ không nhận sự đánh giá thường xuyên bằng điểm số, mà thay vào đó là những lời nhận xét của thầy cô. Hãy xem phụ huynh và giáo viên nói gì.
Phụ huynh mừng
"Tôi thấy như thế là hơn, vì điểm số hay gây áp lực cho trẻ. Trước đây đi học tôi đã từng phải nghĩ kiểu trả lời "8 điểm 3 chỗ" để "thông báo" cho bố mẹ về 3 điểm 8 của mình. Đến lượt con trai bây giờ đi học, mỗi lần được 7, 8 điểm nó hay nói lảng khi bị hỏi hôm nay mấy điểm. Mà câu "hôm nay mấy điểm?" nhiều lúc chỉ là câu cửa miệng, mình hỏi theo thói quen" - anh Nguyễn Sơn bày tỏ ý kiến.
Ảnh: Văn Chung.
Chị Mai Hương cho biết từ đầu năm học tới giờ cô con gái học lớp 2 chưa mang về một "con" điểm nào. Trên các bài tập về nhà cô giáo chỉ đóng dấu đỏ "Đã kiểm tra". Đoán rằng trường sẽ phổ biến phương pháp mới vào buổi họp phụ huynh đầu năm sắp tới, nhưng chị Hương chia sẻ luôn quan điểm "Con số thuần túy không có chỗ cho lời động viên. Mà tôi cũng không mấy tin vào thang đánh giá ở trường công. Chương trình tiểu học nói chung nằm trong trình độ của bố mẹ, nên không khó, không cần phải lo lắng quá mức về việc nếu không cho điểm bố mẹ sẽ không nắm được con học ở mức độ nào".
"Tôi thấy nhận xét hay hơn điểm ở chỗ linh hoạt hơn trong ứng xử, còn điểm hơi cứng nhắc. Ví dụ như trường hợp một bé làm bài kiểm tra ở mức độ 7 điểm. Nếu như chỉ chấm điểm đơn thuần phụ huynh sẽ không thể biết được điểm 7 này là sự tiến bộ hay thụt lùi của bé. Trong khi đó, nếu nhận xét với bé học giỏi mà chỉ làm được bài như thế cô giáo có thể ghi "con cần cố gắng hơn", nhưng với bé có sức học trung bình cố có thể ghi nhận, động viên ngay".
Đã có con học lớp 4, chị Hà Thuỷ cho rằng "Với các trường công lập hiện nay ở Hà Nội thì... còn khuya giáo viên mới nhận xét tỉ mỉ được. Việc nhận xét hơi vất vả cho các cô công lập, cho điểm đỡ mất thời gian hơn.
"Nhưng tôi thấy bây giờ có kiểu nhận xét bằng con dấu sẵn nên cũng nhanh, như "Con cần cố gắng hơn", "Bài làm tốt"... Tôi thấy không nên cấm giáo viên tiểu học sử dụng những mẫu nhận xét này vì về cơ bản, trò tiểu học mắc những lỗi giống nhau, cá tính chưa quá rõ ràng như với trẻ lớn hơn. Quan trọng bắt viết tay nhiều quá là làm mất thời gian không đáng của giáo viên, nên để cho các cô để dành sức cho bao nhiêu việc khác".
Cho rằng nhận xét kỹ càng là lý tưởng nhất, nhưng theo chị Thuỷ, trong một số trường hợp đặc biệt mới nên, "như với học sinh xuất sắc, học sinh cá biệt, học sinh vừa qua một trận ốm nặng, hay biến cố gia đình gây sốc... thì lúc đó, rất cần lời động viên mang dấu ấn riêng".
"Nói cho cùng, nhận xét ở các lớp lớn còn quan trọng hơn, nhất là với tuổi mới lớn, cá tính hình thành mạnh, cái tôi cá nhân muốn được người khác để ý hơn bao giờ, nhất là thầy, và cũng đủ trình độ để hiểu hơn. Và phù hợp hơn trong các môn xã hội" - anh Sơn bình luận.
Giáo viên: Hãy để chúng tôi làm theo cách riêng
"Ấm ức" vì đã phải miệt mài ghi tay nhận xét cho học sinh suốt một năm qua, một giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ở Hà Nội tha thiết mong muốn được áp dụng những cách thức nhận xét khác để vừa tạo hứng thú cho trẻ, vừa đỡ mất thời gian và công sức một cách không cần thiết cho cô.
"Nên để cho chúng tôi sử dụng con dấu, đôi khi linh hoạt bằng các hình dán như ngôi sao, bông hoa, mặt cười, nhân vật hoạt hình thay cho lời nhận xét. Làm như vậy các con sẽ thích hơn nhiều so với vài chữ viết tay của cô giáo, vì nói với trẻ nên bằng ngôn ngữ của trẻ. Khi nào cần thiết chúng tôi sẽ ghi chú cẩn thận để phụ huynh và học sinh cùng biết".
Đón nhận tin sẽ phải nhận xét thay cho cho điểm thường xuyên, cô Thanh Hà, giáo viên lớp 3 một trường tiểu học ở Hà Nội, khẳng định "Khi nhận xét thay thế con điểm, nếu cô làm tỉ mỉ, thì những cuốn sổ liên lạc và các quyển vở bài tập sẽ là kỷ vật đáng giữ lại cho con và bố mẹ. Đồng thời tạo sợi dây tình cảm giữa cô và trò, phụ huynh và nhà trường hơn.
Tuy nhiên, với một lớp có sĩ số đông việc nhận xét kỹ lưỡng hàng ngày là khó thực hiện. Cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể, làm sao để vừa có hiệu quả thiết thực nhất, vừa hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng cả về thời gian và sức lực của giáo viên".
Tán đồng việc có thể dùng con dấu, cô Hà nghĩ rằng "có thể mỗi cô giáo nên tự nghĩ ra các mẫu câu cho mình, thể hiện cá tính của mình hơn. Nó sẽ như một thứ danh thiếp để cô tự giới thiệu bản thân mình trước học sinh và phụ huynh".
"Và nếu dùng con dấu thì nên có một đoạn ngắt quãng để cô đề tên trò vào. Một chút viết tay, dấu ấn cá nhân rất có lợi về tâm lý với học sinh tiểu học mà không làm mất thời gian của cô quá nhiều. Ví dụ con dấu "cần cố gắng hơn con nhé!" cô giáo chỉ việc viết tay tên của học sinh lên đầu câu "Ngọc Anh cần cố gắng hơn con nhé!".
TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch hội tâm lý Hà Nội cũng chia sẻ, việc hàng ngày phải nhận xét một lượng học sinh lớn sẽ dẫn tới tình trạng giáo viên sẽ ngại việc. "Đây là hướng đổi mới rất tốt, nhưng đòi hỏi thầy cô phải có nghiệp vụ. Thầy cô phải vượt khó, cha mẹ phải quan tâm, có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô để giúp đỡ con, được như vậy mới có chuyển biến thực sự".
Theo Chi Mai/Báo Vietnamnet
Không chấm điểm học sinh tiểu học Từ việc áp dụng không cho điểm đối với học sinh lớp 1 thực hiện năm học trước, dự kiến năm học 2014-2015 Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đổi mới đánh gá đối với học sinh tiểu học hướng này. Ông Phạm Ngọc Định, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã biên soạn quy định mới về...