Giảm án cho các bị cáo vụ ‘tòa yêu cầu VKS đọc cáo trạng… hai lần’
Sau một tuần nghị án kéo dài, chiều 1-8 trong phiên xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên giảm án cho năm bị cáo trong vụ án bị truy tố về tội cướp tài sản.
Cụ thể tòa phạt bị cáo Dương Ngọc Hải chín năm tù (giảm một năm), Nguyễn Minh Thiện bảy năm sáu tháng tù (giảm bốn tháng), Võ Công Ánh, Nguyễn Ngọc Tý và Nguyễn Văn Sơn mỗi người ba năm tù (cùng được giảm sáu tháng).
Dương Ngọc Hải (bìa phải) và bốn bị cáo khác trong vụ án
Theo hồ sơ, Hải điều hành một quán karaoke tại phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh), bốn bị cáo Thiện, Ánh, Tý, Sơn là nhân viên của quán. Trong quá trình hoạt động, cuối năm 2013, Hải và bốn bị cáo đã hai lần đánh khách đến hát để lấy tiền dịch vụ khi khách chưa chịu thanh toán vì cho rằng giá quá cao so với thực tế.
Sau phiên xử sơ thẩm lần thứ nhất vào năm 2014 bị cáo Hải kháng cáo kêu oan, trong khi VKS tỉnh Đồng Tháp kháng nghị đề nghị TAND tỉnh xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm về tố tụng và nội dung…
Xử phúc thẩm lần thứ nhất TAND tỉnh Đồng Tháp đã chấp nhận kháng nghị tuyên hủy án cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại, trong đó có một vi phạm tố tụng khá hi hữu là thẩm phán chủ tọa… đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử hai lần, giải thích quyền và nghĩa vụ của các bị cáo hai lần, yêu cầu VKS đọc cáo trạng hai lần.
Cuối năm 2015 TAND TP Cao Lãnh xử lần hai tiếp tục xử về tội cướp tài sản. Sau đó cả năm bị cáo kêu oan, các bị hại thì có đơn yêu cầu miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo do họ cũng có phần lỗi vì sử dụng dịch vụ nhưng chê đắt nên không trả tiền và có đập làm hư micro của quán.
Video đang HOT
Tại phiên xử phúc thẩm này, các bị cáo thừa nhận có hành vi đánh khách nhưng không nhằm cướp tài sản mà chỉ thu lại đúng số tiền khách hát karaoke còn thiếu. Bốn luật sư của các bị cáo cũng cho rằng tòa phải xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích mới đúng.
Vì các bị cáo không được hưởng lợi gì từ tài sản lấy được ngoài số tiền còn thiếu quán. Tang vật vụ án không có, không có sự phân công bàn bạc khi phạm tội vì đều là người làm công. Ngoài ra quá trình điều tra, điều tra viên có nhiều vi phạm tố tụng, không khách quan…
Tòa nhận định tuy từ đầu không có ý định cướp tài sản nhưng khi xảy ra sự việc khách đến hát karaoke không chịu trả tiền thì lại dùng vũ lực ngay tức khắc để lấy tiền và điện thoại của các bị hại. Giả sử nếu các bị cáo không dùng vũ vực thì các bị hại không trả tiền. Hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.
Tuy nhiên, do các bị hại cũng có một phần lỗi vì nhậu sau cự cãi và gây sự trước, chủ quán cũng tích cực hỗ trợ tiền để khắc phục hậu quả, nên giảm nhẹ hình phạt như trên.
THANH TÙNG
Theo PLO
Sau 1-7, xử hình sự hành vi kinh doanh trái phép đúng hay sai?
Nhiều bạn đọc băn khoăn, việc xử lý những người có hành vi kinh doanh trái phép này có đúng quy định pháp luật khi mà BLHS 2015 tuy bị lùi hiệu lực thi hành nhưng những quy định có lợi cho bị can, bị cáo thì vẫn được áp dụng. Đặc biệt, BLHS 2015 đã xóa bỏ tội phạm kinh doanh trái phép.
Ngày 26-7, TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Trình (43 tuổi) một năm tù treo, Trần Tuấn Anh (32 tuổi, cấp dưới của Trình) chín tháng tù treo cùng về tội kinh doanh trái phép. Ngoài ra, tòa còn phạt Trình hơn 1 tỉ đồng về tội trốn thuế.
Theo cáo trạng, từ tháng 8-2008, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ánh Dương bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh các loại rượu. Tuy nhiên, công ty chưa làm thủ tục và chưa được cấp giấy phép sản xuất rượu.
Ngày 24-3-2011, công ty lập hồ sơ xin cấp giấy phép theo hướng dẫn nhưng không được Sở Công thương giải quyết vì còn thiếu hai thủ tục về phòng cháy chữa cháy và đánh giá chất lượng bảo vệ môi trường. Sau đó, công ty này cũng không bổ túc hồ sơ đầy đủ.
Sau đó, công ty này hai lần bị xử phạt hành chính vì sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, sản xuất rượu công nghiệp khi không có giấy phép sản xuất, bán rượu các loại có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng đã công bố.
Đến tháng 9-2013, Công an TP Cần Thơ kiểm tra trụ sở và kho chứa hàng phát hiện và thu giữ 32.162 chai rượu các loại. Thời điểm này công ty vẫn chưa có giấy phép sản xuất rượu.
Qua thống kê số lượng rượu bán ra từ tháng 3-2011 đến ngày 16-9-2011 của công ty có tổng doanh số gần 1,23 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo kết luận giám định, Công ty Ánh Dương đã trốn các loại thuế hơn 514 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tấn - người bị truy tố tội kinh doanh trái phép được VKS Bình Chánh trao quyết định minh oan vì hành vi của ông là không cấu thành tội phạm (vụ quán cà phê Xin Chào).
Nhiều bạn đọc băn khoăn, việc xử lý những người có hành vi kinh doanh trái phép này có đúng quy định pháp luật khi mà BLHS 2015 tuy bị lùi hiệu lực thi hành nhưng những quy định có lợi cho bị can, bị cáo thì vẫn được áp dụng. Đặc biệt, BLHS 2015 đã xóa bỏ tội phạm kinh doanh trái phép.
Lý giải, thạc sĩ Đồng Mạnh Hùng (Công ty Luật Phạm Nghiêm) và luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) đồng quan điểm trường hợp này, hành vi phạm tội xảy ra trước 1-7-2016, sau thời điểm này vụ án đang trong quá trình xét xử thì áp dụng BLHS 1999, toà tiếp tục xét xử và ra bản án là đúng quy định.
Hai chuyên gia này lý giải, theo điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015, các điều khoản của BLHS 2015 về xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt... và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử... Còn theo điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016, kể từ ngày 1-7-2016, thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 về việc thi hành BLHS...
Tuy nhiên, theo điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015, đối với hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 BLHS 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS 1999 để xử lý.
"Nghị quyết 144/2016 không bãi bỏ hoàn toàn Nghị quyết 109/2015. Do đó, khi xử lý theo BLHS 1999 thì không thể căn cứ vào BLHS 2015, Nghị quyết 109/2015 và Nghị quyết 144/2016 để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Bởi chính nội dung của hai nghị quyết này đã phủ định việc miễn trách nhiệm hình sự đối với tội danh này nếu việc truy tố xét xử xảy ra trước ngày 1-7-2016" - thạc sĩ Đồng Mạnh Hùng lưu ý thêm.
Luật gia Nguyễn Thanh Lương (Hội Luật gia TP.HCM) bổ sung: Các bị cáo đã bị xét xử theo Điều 159 BLHS 1999 thì không đươc áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết 144/2016 vì tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 hướng dẫn tiếp tục áp dụng quy định của BLHS 1999 để xử lý.
Trường hợp vụ án đã được xét xử và có quyết định của toà thì không căn cứ BLHS 2015 (không quy định tội kinh doanh trái phép) để kháng cáo, kháng nghị. Do đó, mặc dù Nghị quyết 144 có các quy định khác có lợi cho người phạm tội nhưng không thuộc phạm vị điều chỉnh và áp dụng trong trường hợp này.
PHƯƠNG LOAN
Theo PLO
Vụ Công an đánh chết người: Ủy ban Tư pháp yêu cầu giải quyết kiến nghị của LS Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa có văn bản yêu cầu chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chỉ đạo, xem xét giải quyết và trả lời kiến nghị của các luật sư (LS) về vụ án dùng nhục hình xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên. Kết quả giải quyết phải thông báo đến Ủy ban...