Giảm 10% biên chế: Chuyện cái ghế và trách nhiệm
Trong đó, Bộ Chính trị chỉ rõ đến năm 2021, tỉ lệ tinh giản tối thiểu là 10%. Thông tin này vui quá, thực sự là nó mang theo đầy hy vọng.
Bộ Chính trị đã chính thức có Nghị quyết 39-NQ/TW về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Trong đó, Bộ Chính trị chỉ rõ đến năm 2021, tỉ lệ tinh giản tối thiểu là 10%. Thông tin này vui quá, thực sự là nó mang theo đầy hy vọng. Nhưng thực tình, tôi thấy vẫn nửa mừng nửa lo.
Tin rằng, những công chức giỏi nghề, có trách nhiệm, làm được việc sẽ hoan hỉ lắm. Vì ít nhất, họ cũng sẽ tiến gần hơn tới nấc thang của sự công bằng – cho dù chỉ là tương đối.
Nhưng lo là bởi trong suốt mười năm qua, chúng ta đã có ba lần thực hiện tinh giản biên chế. Vậy mà, kết quả lại ở mức đáng buồn khi bộ máy không những không giảm mà lại ngày càng phình to hơn.
Dễ dàng nhận thấy, trong các cơ quan công quyền hiện nay còn quá nhiều bất cập tồn tại. Nó không chỉ kìm hãm sự phát triển chung mà còn tạo ra tâm lý chán chường, bất mãn, tự ti với những người trong cuộc.
Bộ Chính trị yêu cầu phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế. (Ảnh minh họa)
Lâu nay, việc tinh giản biên chế còn nhiều trúc trắc cũng một phần vì hầu như khi rà soát, không có bất cứ cơ quan nào lại tự nhận mình thừa biên chế (nếu không muốn nói đến việc tất cả đều viện lý do này khác để xin thêm). Mà thông thường, việc tinh giản phải do chính cơ quan, đơn vị từ dưới đề xuất lên.
Video đang HOT
Hơn nữa, điều quan trọng là chúng ta xác định được chỗ nào cần tinh giản và đối tượng tinh giản. Không loại trừ việc tinh giản nhiều khi lại loại bỏ những người thiếu vây cánh hay đi ngược với nhóm lợi ích nào đó trong guồng quay chung, còn những người có ô, có dù thì vẫn ung dung yên vị cho dù năng lực và cống hiến có hạn.
Lâu nay, chúng ta chưa có chế tài thực sự mạnh với người đứng đầu. Nếu cơ quan nào tinh giản không thành công thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và nghiêm túc xử lý, không phải chỉ kiểm điểm qua loa rồi đâu lại vào đấy. Trách nhiệm gắn liền với chiếc ghế ngồi. Nếu không hoàn thành trách nhiệm của mình thì chiếc ghế đó cũng nên nhường lại.
Có lẽ, mấu chốt của tinh giản biên chế đi liền với việc chống tham nhũng. Nếu chúng ta chống tham nhũng thành công nghĩa là bộ máy công quyền đã thanh sạch, gọn gàng.
Hy vọng rằng, với Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, câu chuyện tinh giản biên chế sẽ không chỉ còn là một lời hứa của Bộ trưởng bộ Nội vụ như đã từng nhiều lần đăng đàn trước dư luận. Bởi lời hứa suy cho cùng cũng chỉ là lời nói, mà “lời nói gió bay”. Lời nói phải đi đôi với hành động thì nó mới phát huy được hết những tinh tú tốt đẹp mà nó bao hàm.
Hàng triệu người dân Việt Nam vẫn ngày ngày mơ về một bộ máy công quyền tinh gọn, hiệu quả, sạch, gần dân, không quan liêu, không quan tham, không tham nhũng. Là một người dân, tôi cũng mơ đến một cuộc tinh giản thực sự công bằng, hiệu quả, không làm theo kiểu hô hào “đánh trống bỏ dùi”. Có như vậy, dư luận mới thôi không còn phải nhức nhối nghi ngại nhiều hơn con số 30% công chức cắp ô như thời gian qua.
Người ta vẫn nói, hy vọng chính là một nghệ thuật sống! Vậy thì không có cớ gì, chúng ta không hy vọng.
Phong Thu
Theo_Người Đưa Tin
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Càng tinh giản, bộ máy càng phình to
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận, ba lần tinh giản trước, chúng ta càng tinh giản, bộ máy càng "phình to".
Bộ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời rằng, năm 2015, Bộ này sẽ tiến hành tinh giản biên chế lần thứ tư và có thể hoàn thành chương trình vào năm 2021. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận, ba lần tinh giản trước, chúng ta càng tinh giản, bộ máy càng "phình to". Dư luận thắc mắc, liệu lần tinh giản này có lặp lại "chiến tích" của những lần trước?
6 giải pháp để tránh "vết xe đổ"
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận, 10 năm qua, sau 3 lần tinh giản biên chế, bộ máy không những không giảm mà ngày càng phình to. Tuy nhiên, đề án tinh giản biên chế lần thứ tư sẽ tiến hành từ năm 2015 và có thể hoàn thiện vào năm 2021 sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm tránh "vết xe đổ" từ những lần trước.
Theo đó, bộ Nội vụ đề xuất 6 giải pháp để kế hoạch tinh giản lần này đạt hiệu quả như mong muốn gồm: Tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo nhận thức và đồng thuận của các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân khi tổ chức triển khai thực hiện; Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất, đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm.
Trên cơ sở đó bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời tinh giản biên chế đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong quá trình thực hiện đề án chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế tinh giản và nghỉ hưu theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Xây dựng, cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý; Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Vẫn "tắc" ở khâu giải quyết nhân sự sau tinh giản
Đó là nhận định của PGS. TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng viện Khoa học hành chính, Học viện hành chính Quốc gia. PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho biết: "Thực ra chúng ta đã tiến hành tinh giản biên chế tổng cộng 5 lần nhưng thống kê cho thấy sau mỗi đề án tinh giản thì số lượng cán bộ, công chức lại tăng gấp đôi. Nguyên nhân dẫn tới việc càng tinh giản, bộ máy càng phình to do rất nhiều yếu tố, trong đó có việc giải quyết nhân sự sau tinh giản không tốt.
Tôi lấy ví dụ, ông thủ trưởng cơ quan A. có quyền quyết định nhân sự ở cơ quan A. mà ông thủ trưởng cơ quan B. không can thiệp được. Như vậy, việc tuyển dụng nhân sự giữa các đơn vị hành chính hoàn toàn độc lập với nhau. Đến khi chúng ta tiến hành tinh giản, nhân sự cơ quan A. bị thừa ra và với cơ chế hiện hành, nhân sự thừa ra đó sẽ được điều sang cơ quan B. hoặc các đơn vị hành chính khác. Vòng luân chuyển nhân sự như vậy, thử hỏi chúng ta giảm thế nào? Xét từng cơ quan, việc tinh giản đã được thực hiện, nhưng khi tính tổng nhân sự ở các cơ quan hành chính trong cả nước, số nhân sự lại phình ra".
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri.
Từ những phân tích như trên, PGS Nguyễn Hữu Tri cho biết: "Từ kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, chúng ta cần phải có một cơ quan đặc trách, chuyên quản lý vấn đề công chức một cách thống nhất. Có như vậy, chúng ta mới khắc phục được những hạn chế trong giải quyết nhân sự sau tinh giản".
Đồng tình với quan điểm đổi mới nhân sự là khâu quan trọng, TS. Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (học viện Hành chính Quốc gia) cho biết: "Chúng ta muốn thiết kế lại bộ máy, trước hết nằm từ khâu tổ chức. Tổ chức khéo thì tạo ra những nhà lãnh đạo giỏi, còn tổ chức không khéo sẽ tạo ra những nhà lãnh đạo tồi.
Trước mắt chúng ta phải thấy, mình cần có tổ chức không? Và từ tổ chức đó, chúng ta cần bao nhiêu người để thực hiện công việc ấy. Phân công công việc theo vị trí việc làm (tức là mỗi vị trí đảm trách đều được xác định bằng việc mô tả công việc và người ta có thể đánh giá theo vị trí này), đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Chúng ta rõ ràng mới chỉ đang hướng tới chứ chưa thực hiện được".
Phạm Thiệu
Theo_Người Đưa Tin
Tăng lương phải là khoản ưu tiên chi hàng đầu Lộ trình tăng lương đã phải lùi 2 năm vì kinh tế khó khăn và năm 2015 tới cũng chưa bố trí được nguồn để tăng lương... Nguy cơ hiện hữu này khiến nhiều đại biểu Quốc hội không thể nén bức xúc, lo lắng... Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Lương tăng đúng lộ trình cũng...