‘Giai thoại’ đằng sau sự quý hiếm của tờ 2 USD
Từ trước đến nay, nhiều người sẵn sàng trả mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế của tờ 2 USD để sở hữu đồng tiền nổi danh là “ thần hộ mệnh” này.
Tuy nhiên, bên cạnh những giai thoại tiếng tăm cũng có không ít “sự thật phũ phàng” về tờ tiền mà người sở hữu nó không biết.
Hiếm mà… không hiếm
Dù là một đồng tiền có mệnh giá thấp nhưng đồng 2 USD vẫn là một trong những đồng tiền hiếm gặp nhất ở Mỹ. Chúng hầu như không còn xuất hiện trong lưu thông hàng ngày. Nhiều máy bán hàng tự động cũng không được thiết kế cho loại tiền này. Do đó, người dân Mỹ và cả nhiều nước khác giờ đây coi 2 USD là đồng tiền hiếm vì cho rằng, hiện nay nó không còn được in ấn và đưa vào lưu thông nữa.
Tuy nhiên, nhận định này không hoàn toàn chính xác. Bộ Tài chính Mỹ mới đây còn khẳng định, chưa bao giờ đình chỉ việc lưu thông tờ giấy bạc có mệnh giá 2 USD. Và cho đến thời điểm này, tờ 2 USD vẫn là một trong những mệnh giá tiền tệ được Chính phủ Mỹ cho phép lưu thông.
Theo tỷ phú Buffet, 2 USD là một đồng tiền “đủ hiếm để sưu tầm, nhưng không đủ hiếm để thực sự có giá trị quá vượt trội so với giá trị thực tế của nó”.
Giới quan sát cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nhận định 2 USD là đồng tiền hiếm, chủ yếu là do mức sản xuất đồng tiền này tại Mỹ khá thấp so với các đồng tiền khác, chỉ chiếm khoảng 1% trong khi đồng 5 USD và 1 USD chiếm gần 50% tổng lượng bạc giấy do ngân hàng quốc gia Mỹ phát hành.
Đồng 2 USD vẫn được phát hành như các đồng tiền khác.
Đồng 2 USD được in lần đầu vào năm 1862, với tư cách là giấy bạc của Chính phủ Mỹ (loại tiền giấy đầu tiên của Mỹ, do Bộ Tài chính phát hành). Sau đó, khi giấy bạc của Chính phủ Mỹ không còn được lưu hành thì tờ tiền này được in với tư cách là giấy bạc của Cục dự trữ liên bang.
Số lượng tờ 2 USD mới được in ấn giảm mạnh hồi những năm 1950, khi các tờ tiền ở những mệnh giá khác nhau được chuyển sang in ở kích cỡ nhỏ hơn.
Đến năm 1976, tờ 2 USD được thiết kế và in lại giống như ngày nay. Khi tờ tiền với mẫu mã mới được phát hành, người dân hết sức ngạc nhiên và xem đó là đồ sưu tập hơn là một phương tiện lưu thông như dự định của Bộ Tài chính. Nguyên nhân chính là các cửa hàng không có nhu cầu sử dụng tờ 2 USD trong công việc hàng ngày của mình.
Vì nhu cầu hạn chế này, số lượng tờ 2 USD được in ấn giảm dần. Ngày nay, tờ 2 USD cũng không thường xuyên được in lại theo số series mới như các đồng tiền khác. Đồng tiền này được in theo nhu cầu. Vì vậy, rất nhiều người lầm tưởng tờ 2 USD không còn được lưu hành. Theo Bộ Tài chính Mỹ, họ nhận được rất nhiều thư từ của người dân hỏi rằng tại sao đồng 2 USD không còn được lưu thông nữa. Bộ Tài chính phải liên tục khẳng định rằng, tờ 2 USD vẫn là một tờ tiền được chính thức lưu hành trong hệ thống tiền tệ của Mỹ.
Tuy nhiên, được “chính thức lưu hành” chỉ có nghĩa là tờ tiền đó chưa bị chính thức thu hồi để tiêu hủy mà thôi, chứ không có nghĩa là được thực sự sử dụng trong trao đổi, mua bán hàng ngày của người dân.
Video đang HOT
May mắn “sánh vai” cùng xui xẻo
Chính mức in ấn đồng tiền này quá thấp dẫn đến việc người dân ngày càng ít biết đến nó và do đó tạo ra rất nhiều “truyền thuyết” về đồng tiền này ở mọi nơi.
Theo quan niệm của người phương Đông, số 8 biểu tượng cho sự tài lộc, số 2 cũng biểu tượng cho may mắn và hạnh phúc. Số 2 là cặp số chẵn biểu hiện cho đôi nên luôn mang lại may mắn, có người phù trợ bên cạnh. Đó là lý do vì sao người phương Đông cũng thích sưu tầm tờ tiền mệnh giá 2 USD như vậy.
Theo thống kê, có 590.720.000 tờ 2 USD năm 1976 được in. Tính đến tháng 2/1999, tổng số tờ 2 USD lưu hành khắp thế giới có tổng giá trị 1,17 tỷ USD. Khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng của mình đổi cho một số lượng đồng 2 USD nhất định. Và khi hệ thống ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang nhận thấy lượng cung về tờ 2 USD quá ít thì các ngân hàng sẽ đề xuất yêu cầu Cục in ấn in thêm.
Trong suy nghĩ của nhiều người Mỹ, đồng tiền 2 USD mang lại nhiều ý nghĩa hơn là một đồng tiền. Tờ 2 USD có sự khác biệt so với các đồng USD ở chỗ, mặt sau của nó có hình 42 vị Tổng thống các đời của nước Mỹ. Sự tụ họp đông đủ ấy là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực. Ai sở hữu tờ 2 USD sẽ “thuận buồm xuôi gió”, mọi việc đều thành công.
Tuy nhiên, bên cạnh những giai thoại về sự may mắn cũng có không ít quan niệm không hay về tờ 2 USD. Đồng tiền này trước đây được các con bạc xem là đồng tiền xui xẻo. Nguồn gốc của ý nghĩ này là: trong bài bạc, con bài thấp nhất trong cỗ bài là con 2 hay là Deuce.
Chính quan niệm không may mắn này, nhiều con bạc thậm chí xé hay cắt đi một góc của tờ 2 USD để tránh mọi bất hạnh có thể đến với mình. Một số bồi bàn còn thường xuyên hôn lên, hay giả vờ hôn lên đồng 2 USD để tránh xui xẻo mỗi khi nhận được nó.
Không chỉ các con bạc, những “thầy bói” của loại ma thuật dân gian trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi cũng thấy sự xui xẻo trong tờ tiền này. Vì thế, họ quan niệm rằng, để thoát khỏi điềm xấu thì phải xé một góc của tờ tiền và giấu nó vào trong túi.
Dù không thực sự hiếm và cũng chưa ai kiểm chứng rõ ràng về sự may mắn hay xui xẻo của tờ 2 USD, đồng tiền này vẫn được ưa chuộng và được coi là món quà giá trị.
Ngân hàng Việt Nam cũng hiếm đồng 2 USD
Bà Trần Bích Quân, Giám đốc truyền thông, Ngân hàng An Bình, cho biết, theo thông lệ thì các ngân hàng rất ít khi nhập tiền lẻ USD về để phục vụ nhu cầu lì xì Tết của khách. Còn với ngân hàng An Bình thì từ trước đến nay chưa hề có dịch vụ đổi tiền lẻ USD cho khách vào dịp cận Tết, mà chỉ có đổi tiền lẻ VND. “Theo tôi được biết thì lâu lắm rồi ngân hàng không có tờ 2 USD lưu hành. Tiền USD mệnh giá nhỏ nhất tại ngân hàng hầu như chỉ là 10 USD”, bà Quân nói.
Bà Quân cũng cho hay, nguồn cung tiền lẻ USD ngày thường cũng luôn trong tình trạng khan hiếm, nói gì đến ngày Tết. Thông thường khách tới mua USD thường thích các tờ mệnh giá lớn như 50 USD, 100 USD. Một trong những nguồn USD lớn của ngân hàng là từ các doanh nghiệp xuất khẩu, mà nguồn USD từ các doanh nghiệp này hầu như không có tiền lẻ.
Hầu hết các ngân hàng đều khẳng định không có dịch vụ đổi tiền 2 USD cho khách lì xì Tết, vì đồng tiền này khá khan hiếm. Chị Nguyễn Thị Bích Vân làm nhân viên giao dịch cho Ngân hàng Đại Á cũng thừa nhận rất ít khi gặp tờ 2 USD. Còn một nhân viên giao dịch của Ngân hàng Techcombank trên đường Hoàng Văn Thái cho biết, ngày thường, ngân hàng chỉ đổi tiền USD cho khách khi họ là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, còn nếu khách hàng cá nhân thì chỉ khi họ đi du lịch nước ngoài (đã có vé máy bay) hay đi chữa bệnh ở nước ngoài (khi có giấy chứng nhận từ bệnh viện). Còn khách hàng cá nhân đổi USD với mục đích lì xì Tết thì không được chấp nhận, dù họ cần tiền mệnh giá bé hay lớn.
Theo giải thích của tiến sĩ Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính ngân hàng, từng làm việc nhiều năm ở Mỹ, ngay cả dân Mỹ hiện cũng xem đồng 2 USD là đồng tiền hiếm và không ít người thường sưu tập hay giữ làm kỷ niệm, càng khiến đồng tiền này ít được lưu thông hơn. Ở Việt Nam hiện nay cũng vậy, nếu ai may mắn được sở hữu đồng 2 USD thì họ cũng có xu hướng cất giữ, khiến tờ 2 USD ngày càng hiếm.
Theo Vietnamnet
Cận Tết, đồng 2 USD 'đẹp' bị săn lùng
Với quan niệm đồng 2 USD mang lại may mắn, hạnh phúc, nhiều người Việt thích sưu tầm tờ tiền này. Đặc biệt, trong dịp Tết thì đổi 2 USD để lì xì đã trở thành một xu hướng của người dân.
Xôn xao mua "đồng đô-la may mắn"
Càng gần Tết, người dân càng có nhu cầu cao về đổi tiền lẻ. Trong đó đổi USD lẻ, mà đặc biệt là đổi đồng 2 USD "may mắn" rất được chú ý.
"Tại nhiều nơi trên thế giới, phần lớn tờ 2 USD được dùng làm quà tặng nhân các dịp sinh nhật, Valentine, đánh dấu một sự kiện vui vẻ nào đó. Đây cũng là xu hướng trong dịp Tết những năm trở lại đây".
Anh Nguyễn Đỗ Thế Anh - nhân viên văn phòng chia sẻ: "Lì xì bằng đồng 2 USD vừa "độc" lại ý nghĩa nên năm nào mình cũng chuẩn bị một ít để mừng tuổi con sếp, tặng bạn bè, người thân thiết dịp Tết".
Còn bác Nguyễn Thị Cúc - Hoàng Mai - Hà Nội tâm sự: "Muốn cho ngày Tết vui vui, tôi mất công đổi ít tiền đô lì xì cho con cháu phấn khởi. Tờ tiền 2 USD hiếm nên tôi cũng chuẩn bị một ít, mừng tuổi cho các cháu ruột".
Càng gần Tết người dân càng săn đổi đồng 2 USD để lì xì
Kì công hơn anh Thế Anh và bác Cúc, có người còn săn lùng những tờ 2 USD series đẹp, độc, năm sản xuất sớm nhất để làm "đẹp lòng" người nhận. Dựa vào đó mà người bán tha hồ "hét" giá.
Một tờ 2 USD có thể lên tới vài trăm nghìn, vượt xa giá trị "thực" của nó. Tờ 2 USD 1976 mới, series tam hoa 5 giá 350.000 đồng, tam hoa 9 giá 400.000 đồng/ tờ, 2 USD 2003 series ngày sinh giá 80.000 đồng/tờ...
Anh Chính, người có kinh nghiệm ba năm buôn đồng 2 USD cho biết: "Chê là đắt nhưng khách vẫn mua rất đông. Đến thời điểm này thì những đồng series tam hoa đều đã bán hết, tôi cũng không còn "hàng" mà bán nữa. Năm nào đến tầm này, dịch vụ buôn đồng 2 USD cũng rất hút khách".
Trên các phố Hà Trung, Hàng Bông, Hàng Bạc, dịch vụ bán, đổi 2 USD cũng rục rịch đón người mua. "Nhiều ngày nay cũng đã có không ít người tới khảo giá, hoặc đổi đô. Từ nay đến Tết có khi còn không có 2 USD mà bán ấy chứ"- chị Thanh, nhân viên một cửa hàng vàng bạc đầu phố Hàng Bạc, nhận định.
Ngân hàng "vào cuộc" có giải quyết được vấn đề?
Khảo sát của PV, VEF qua các cửa hàng vàng bạc, giá của đồng 2 USD khá cao và chênh lệch hẳn với nhau. Tại phố Hàng Bạc, một chủ cửa hàng vồn vã giới thiệu: "2 USD năm 1976 giá 350.000 đồng/ tờ. Chẳng mấy chỗ có bán đâu em ạ...".
Người dân vẫn tìm đến thị trường "chợ đen", e dè với dịch vụ đổi đô của ngân hàng
Theo người bán hàng, tờ 2 USD sản xuất năm 1976 được đẩy giá lên cao vì độ khan hiếm. Còn với 2 USD năm 2003, giá "mềm" hơn hẳn, khoảng 70.000 đồng/tờ. Nếu mua đô "chọn" số thì phải 250.000-300.000 tùy "số".
Tại cửa hàng vàng bạc Hồng Phát phố Hà Trung, chủ cửa hàng "hét" giá 70.0000/tờ 2 USD sản xuất năm 2003. Đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa qua, ngân hàng TMCP Sài Gòn cũng đã cho ra đời dịch vụ đổi 2 USD có tính phí.
Dư luận đã có những phản ứng trái chiều về hành động này. Một số ý kiến phê phán đây là hành động tiếp tay cho đô la hóa.
"Mỗi quốc gia đều có một đơn vị tiền tệ riêng của mình nhằm khẳng định vị trí nền kinh tế của mình trên thế giới. Chẳng lẽ với nhu cầu của nước ta hiện nay, dòng tiền VND chưa đủ để tiêu? 2 USD bằng khoảng 40.000 đồng, tại sao còn phải đổi sang với mức giá cao hơn vậy? Hay đó chỉ là chiêu thức lôi kéo một số người có tâm lí sính ngoại, mong được thể hiện mình thông qua giá trị của một tờ tiền đô la mà thôi?" - Lee Heasoo, thành viên một diễn đàn, chia sẻ.
Tuy nhiên không ít người lại đồng tình, cho đây là hành động của ngân hàng là đòn đánh mạnh vào thị trường chợ đen.
"Đồng tiền Việt Nam ngày càng mất giá, tình trạng đô la hóa ngày càng tăng. Người dân có tâm lý tích trữ USD, vàng chỉ 1 phần nhỏ là đầu cơ, còn với đa số, họ không muốn đồng tiền mình làm ra ngày một rẻ đi. Việc ngân hàng tung ra dịch vụ đổi USD cũng bắt nguồn từ nhu cầu thị trường, và cũng thật nực cười khi nói việc đổi những đồng 2 USD "bạc lẻ" là tiếp tay cho đô la hóa" - một thành viên khác phản bác.
Trên thực tế, người dân dường như vẫn khá hờ hững với dịch vụ của ngân hàng.
"Đổi đô để lì xì mỗi người có ai đổi nhiều đâu? Theo ngân hàng thì người có nhu cầu lại phải mất công đi đổi tiền mình sang đô chẵn mệnh giá lớn, rồi mới đổi sang 2 USD à?", bác Trần Văn Phúc - Hoàn Kiếm - Hà Nội thắc mắc.
Cũng bởi những bất cập đó, cùng với thủ tục dài dòng nên hiện tại, mua đồng 2 USD từ chợ đen vẫn là lựa chọn hàng đầu. Bởi như vậy dù đắt một chút nhưng nhanh, gọn vừa ý.
Theo Vef
Gia đình tan nát vì cây đa có... "ma" Cô con gái duy nhất trong nhà hàng chục năm phát điên vẫn "vô phương cứu chữa", người cha hơn 80 tuổi sau nhiều năm đi làm thuê bốc mướn kiếm tiền chữa bệnh bất thành cho con nên 3 lần tự tử hụt... Bi kịch của gia đình ông Cao Xuân L. (làng Choán, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh...