Giải quyết những lô hàng nhập khẩu nhưng chưa bốc dỡ xuống cảng Cát Lái
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết: Hải quan đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan để trình Bộ Tài chính nhằm khơi thông nhanh hàng hóa; đồng thời phối hợp Tổng công ty Tân Cảng Sài Sòn tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, Thành phố (TP) Hồ Chí Minh.
Bốc xếp container hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Cảng-Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Thanh Vũ/TTXVN.
Theo ông Mai Xuân Thành, đối với trường hợp Cát Lái, Tổng cục Hải quan đã họp trực tuyến với Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và các cục hải quan liên quan, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và doanh nghiệp liên quan để có những giải pháp tháo gỡ, trong đó tập trung tháo gỡ, giải quyết những lô hàng đã nhập khẩu nhưng chưa bốc dỡ xuống cảng Cát Lái.
Với trường hợp này, hải quan cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn được lưu giữ các container tạm thời tại cảng Cái Mép – Bà Rịa – Vũng Tàu. Đối với hàng nhập khẩu đang ùn tắc tại cảng Cát Lái sẽ được vận chuyển đến lưu giữ chờ làm thủ tục hải quan tại các cảng biển khác và các cảng cạn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. “Hải quan cũng khuyến khích doanh nghiệp thông quan hàng hóa tại cảng Cái Mép – Thị Vải; đồng thời bàn phương án thành lập Chi cục kiểm định hải quan hỗ trợ thông quan ngay hàng hóa tại Cái Mép – Thị Vải đề giảm tải hàng hóa cho cảng Cát Lái”, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết.
Theo Tổng cục Hải quan, về giải pháp lâu dài, để hoạt động xuất nhập khẩu không phụ thuộc hoàn toàn vào cảng Cát Lái, nhà nước cần có giải pháp kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giữa TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu để rút ngắn được thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, nhiều tình, thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan mới sắp tới sẽ đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ. Thông tư cũng tháo gỡ, giải quyết việc nộp, xuất trình chứng từ bản chính hiện nay của doanh nghiệp có thể thay thế bằng bản scan dưới dạng file điện tử để chuyển cho hải quan mà không phải nộp trực tiếp cho hải quan.
Đối với những doanh nghiệp nằm trong khu vực phong tỏa, không thể mang chứng từ gốc đến cảng làm thủ tục lấy hàng, cơ quan hải quan cũng đưa ra một số giải pháp tháo gỡ. Đối với chứng từ thuộc các bộ, ngành, cơ quan hải quan sẽ tập hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét có thể chấp nhập dưới dạng scan để sau khi kết thúc dịch COVID-19 có thể đối chiếu trực tiếp và doanh nghiệp nộp bản chính.
Video đang HOT
“Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, Tổng cục Hải quan đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố các giải pháp giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, khơi thông ‘dòng chảy’ hàng hóa, kể cả trong trường hợp xuất hiện F0, F1 trên địa bàn quản lý”, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan,, ông Đào Duy Tám cho biết,
Để giải quyết thông quan nhanh hàng hóa, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài quán triệt đến từng cán bộ, công chức tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan ngay trong ngày các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm…để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; xử lý nghiêm các cán bộ công chức có thái độ phiền hà, kéo dài thời gian thông quan.
Đồng thời, cơ quan hải quan thiết lập đường dây xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh qua điện thoại (zalo) hoặc thư điện tử (email) để kịp thời tháo gỡ, giải quyết thông quan cho các lô hàng phục vụ chống dịch COVID-19.
Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái
Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Các xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN.
Lượng hàng hóa, container tồn chạm ngưỡng 100% công suất
Theo Bộ Công Thương, cảng Cát Lái đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Báo cáo của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 (tuần 27, 28, 29), sản lượng container xuất nhập tàu, sản lượng container giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận hàng liên tục giảm so với cùng kỳ trước đó (so với tuần 24), kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao.
Theo đó, sản lượng container xuất nhập thông qua cảng giảm lần lượt theo các tuần là 0,2%; 18,03% và 5,4%. Sản lượng giao container hàng nhập, nhận container hàng xuất giảm lần lượt 4,78%; 10,48% và 18,13%. Lượt xe ra, vào cảng giảm lần lượt 3,14%; 10,05% và 15,59%. Sản lượng tồn bãi tiệm cận mức tối đa cho phép, đặc biệt sản lượng hàng nhập luôn trên 100% công suất.
Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài cảng Cát Lái làm các doanh nghiệp luôn rơi vào tình cảnh giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Năng lực vận chuyển hàng hóa cũng giảm hẳn, thay vì một ngày vận chuyển được từ 13 - 14 container nhưng vì ùn tắc giảm chỉ còn 5 - 7 container.
Ngoài tình trạng ùn ứ giao thông thường trực trên Liên tỉnh lộ 25B, xa lộ Hà Nội..., xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho cảng chỉ được chạy vào ban đêm, do đó chi phí cho một lần vận chuyển hàng cũng tăng lên.
Hiện nay lượng hàng hóa, container tồn bãi ở cảng Cát Lái luôn gần hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất. Với đặc thù hoạt động của cảng Cát Lái (từ trước đến nay thường xuyên trong tình trạng gần hết công suất), nếu hàng hóa tiếp tục chậm luân chuyển như vậy sẽ làm cho cảng hết sức chứa, phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi dẫn đến nguy cơ phải gián đoạn hoạt động như đã xảy ra tại các cảng của Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.
Theo Bộ Công Thương, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái phát sinh do nhiều nhà máy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ", "2 địa điểm, 1 cung đường" nhưng cũng đều phải cắt giảm sản lượng. Tình trạng này dẫn đến việc các doanh nghiệp dừng hoạt động không thể tiếp nhận các container nguyên liệu nhập khẩu, container bị lưu lại cảng nhiều gây ùn tắc tại cảng.
Cùng với đó là tình trạng thiếu nhân lực cho dây chuyền sản xuất tại cảng. Theo Báo cáo của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, để duy trì hoạt động liên tục cho cảng Cát Lái, lượng nhân sự cần thiết phải có mặt tại hiện trường trong ngày (3 ca sản xuất) khoảng 500 người. Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 (các trường hợp bị F0, F1, cách ly, phong tỏa trong các khu vực; quy định hạn chế đi lại ...) đã làm lực lượng lao động của cảng Cát Lái hiện tại giảm xuống khoảng 50% (chỉ còn 250 người/ngày). Cảng đã linh hoạt cắt giảm tối đa quân số cho mỗi dây chuyền, thay đổi bằng mô hình điều hành tập trung nhưng tình hình thiếu hụt nhân sự, nhất là công nhân xếp dỡ tàu ngày càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, cảng Cát Lái đã bố trí mô hình "3 tại chỗ", nhưng do đặc điểm sản xuất của cảng khác với các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất là hoạt động không tập trung trong nhà kín mà phân tán tại nhiều địa điểm ở ngoài trời (trên cầu tàu, bãi hàng, trên các phương tiện cơ giới...) nên mô hình này ít hiệu quả; mặt khác khi tập trung số lượng đông công nhân, người lao động ăn, ở, sinh hoạt cùng một địa điểm lại làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do vậy, năng suất bốc dỡ, giải phóng tàu cũng bị ảnh hưởng.
Đề xuất giải pháp tổng thể
Bộ Công Thương đánh giá, tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái còn có thể kéo dài và lan sang các cảng khác như Cái Mép, Hải Phòng, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với cảng Cát Lái nói riêng và các cảng biển lớn khác trên cả nước nói chung để khẩn trương đưa ra giải pháp cụ thể như: nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để đưa ra phương án thống nhất tháo gỡ vướng mắc sớm nhận hàng.
Đồng thời, phối hợp với các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng Cát Lái, tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, Hiệp Phước về Cát Lái mà các chủ hàng cần nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc Hiệp Phước, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình. Các chủ hàng, hãng tàu cần hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu cơ chế cho phép cảng Cát Lái vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung, trong đó có cả loại container tồn đọng trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng tại các cơ sở của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là cảng Tân cảng Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh), các ICD Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Qua đó giảm tải và tăng năng lực chứa tại cảng Cát Lái, giảm tình trạng ùn tắc hiện nay.
Về phía Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, nguyên container khi vận chuyển và lưu trữ.
Đồng thời, giao UBND TP Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cảng biển ưu tiên tiêm vaccine chống dịch COVID-19 cho những người công tác tại cảng, kể cả các nhân viên giao nhận, lái xe.
Do tính chất đặc thù của hoạt động tại cảng biển nói chung, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương có cảng biển xem xét phương án khi có ca nhiễm COVID-19 thì một mặt cách ly những đối tượng liên quan, mặt khác vẫn cho phép cảng hoạt động nhằm đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ đã đặt ra "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".
Đặc biệt, Bộ Công Thương kiến nghị Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xem xét giảm giá lưu container, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng Cát Lái của các doanh nghiệp đang bị dừng sản xuất do tác động của dịch COVID-19.
Giải quyết ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu khu vực phía Bắc. Đơn cử như tại cửa khẩu Lào Cai, nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu do không được chuyển đi tiêu thụ đã bị hỏng, gây thiệt hại nặng cho nhiều doanh nghiệp, tư thương. Lực lượng chức năng...