Giải quyết nạn thất nghiệp bằng dự án vốn nhà nước
Theo dự thảo luật Việc làm, khi kinh tế suy thoái, thất nghiệp tăng cao, các dự án sử dụng vốn nhà nước sẽ được thực hiện để giải quyết việc làm tạm thời cho người dân trong khoảng thời gian ngắn.
Chiều 23/9, phiên họp toàn thể của Ủy ban các vấn đề xã hội đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật việc làm. Về chính sách việc làm công, nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến cần làm rõ mục tiêu, nguồn vốn, cách thức tổ chức nhằm đảm bảo tính khả thi vì đây là một chính sách an sinh xã hội mới. Theo dự thảo, việc làm công là việc làm tạm thời có trả công được tạo ra thông qua việc thực hiện các dự án sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình kinh tế xã hội địa phương.
Ông Phạm Đức Châu, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, chương trình việc làm công rất có ý nghĩa trong giai đoạn kinh tế suy thoái, người lao động gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, theo ông Châu, cần chú ý đến vấn đề thời gian thực hiện chính sách bởi trên thế giới cũng đặt ra chính sách việc làm công áp dụng khi kinh tế khó khăn, trong thời gian ngắn.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng, việc làm công được tổ chức trong điều kiện thất nghiệp tăng cao, nền kinh tế bị suy thoái. Tuy nhiên, nếu không có quy định cụ thể thì dễ khiến chương trình tạo việc làm bình thường. “Nhà nước phải đứng ra tổ chức các dự án, thu hút người dân vào làm việc, giúp họ vượt qua khó khăn trong cú sốc về kinh tế. Chương trình này chỉ diễn ra trong những giai đoạn nhất định”, bà Mai nói.
Việc làm công sẽ được ưu tiên cho lao động nông thôn, người chưa có việc làm, bị mất đất, dân tộc thiểu số… trong điều kiện kinh tế suy thoái. Ảnh: Trần Minh.
Một chính sách hỗ trợ việc làm nữa cho người lao động được nêu trong dự thảo luật Việc làm là chính sách tín dụng ưu đãi. Nhà nước thực hiện chính sách này nhằm hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.
Theo báo cáo của ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 30/6/2013, tổng nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm đạt 5.770 tỷ đồng, trong đó quỹ quốc gia về việc làm trung ương đạt 4.333 tỷ đồng, địa phương là 1.437 tỷ đồng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù quỹ quốc gia về việc làm có mục đích trực tiếp hỗ trợ, duy trì và tạo việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động song còn một số nguồn vốn tín dụng khác liên quan đến việc làm. Do vậy ngoài quy định về chính sách tín dụng ưu đãi, dự thảo luật đã bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc về việc cho vay ưu đãi đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành.
Video đang HOT
Vấn đề Trung tâm dịch vụ việc làm cũng được các đại biểu mổ xẻ. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, hiện nay số lượng Trung tâm dịch vụ việc làm rất lớn. Chỉ tính riêng trung tâm thuộc Sở lao động Thương binh xã hội đã có 64, chưa tính trung tâm thuộc hệ thống chính trị xã hội khác và trung tâm thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo ông Hòa, những Trung tâm dịch vụ việc làm không thuộc Sở lao động hoạt động kém hiệu quả, do đó cần dẹp bỏ. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng lại cho rằng vẫn nên duy trì các trung tâm này để người lao động có thêm cơ hội tiếp cận với dịch vụ giới thiệu việc làm.
Hai ngày tiếp theo của phiên họp toàn thể Ủy ban các vấn đề xã hội, các đại biểu sẽ thẩm tra luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân gia đình, nghe giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành trong công tác giảm nghèo, thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế…
Hoàng Thùy
Theo VNE
Lại tranh cãi về ly thân, mang thai hộ
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, có nhiều vấn đề như hôn nhân đồng tính, ly thân... Nhà nước chưa công nhận nhưng thực tế phát sinh thì vẫn phải giải quyết.
Sáng 24/9, Ủy ban các vấn đề xã hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân gia đình. Dự án luật này có một số điều chỉnh như cho phép người đồng tính sống chung; cho phép mang thai hộ; ly thân cũng phải thông qua tòa án; giảm độ tuổi kết hôn cho nam xuống còn 18...
Trước việc dự án luật cho phép người đồng tính sống chung nhưng lại chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới, đại biểu Đặng Ngọc Tùng cho rằng, không công nhận hôn nhân đồng tính cũng khó vì đây là thực tế. Sửa đổi luật là cần thiết nhưng cần thêm định chế để đảm bảo quyền cho những người có hôn nhân đồng tính.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho rằng không quy định nhưng cũng không cấm tức là Luật còn bỏ ngỏ vấn đề hôn nhân đồng tính. Không được công nhận song hiện các cặp đôi vẫn tổ chức cưới không đăng ký kết hôn.
Dự án luật hôn nhân gia đình sửa đổi chấp nhận người đồng tính sống chung nhưng không công nhận hôn nhân đồng giới. Ảnh: Hoàng Hà.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM nhận định, đồng giới hiện nay ở các thành phố rất lộn xộn, thậm chí có cả đồng giới giả. Hơn nữa, trên thế giới cũng chỉ có 16 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới nên ban soạn thảo cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa vào luật.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu nhấn mạnh, không thể có hôn nhân đồng tính, càng không thể có khái niệm kết hôn đối với những người này. Người đồng tính có quan hệ với nhau, một là về mặt tình cảm, hai là về về tài sản (nếu chung sống). Vì vậy, giải quyết vấn đề của họ chỉ đơn giản về tình cảm, không phân biệt đối xử, còn pháp luật không cần thiết phải đề cập.
"Hãy coi quan hệ giữa những người đồng tính là quan hệ xã hội. Khi họ tranh chấp tài sản thì đưa ra tòa dân sự", ông Châu bày tỏ.
Việc xác định ranh giới giữa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay thương mại cũng được các đại biểu tranh luận. Theo Bộ Tư pháp, dự thảo Luật cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Quy định như vậy mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh. Hiện, Việt Nam có khoảng 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn.
Theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng, mang thai hộ là nhu cầu nhưng cần có quy định chung nhằm đảm bảo quyền lợi của phụ nữ mang thai hộ. "Trong trường hợp con sinh ra bị khuyết tật, người nhờ mang thai không nhận thì mang thai hộ phải làm gì? Cơ quan soạn thảo đã bàn tiêu chí thế nào với người mang thai hộ?", ông Tùng đặt câu hỏi.
Đại biểu Kim Chi cũng lưu ý ban soạn thảo quan tâm đến trường hợp mang thai hộ, khi người mẹ không muốn nuôi con, mà người nhờ không đủ điều kiện chi trả. Quy định mỗi người chỉ được một lần mang thai hộ nhưng cơ sở nào để xác định điều này và nếu phát hiện mang thai lần 2 thì xử lý ra sao?
Lấy dẫn chứng câu chuyện mới đây cậu bé một tuổi đã được thừa kế gia sản hàng chục nghìn tỷ đồng, đại biểu Hồng Hà cho rằng cần phải làm rõ mối quan hệ giữa đứa trẻ với người mang thai hộ và người nhờ mang thai. Hiện dự luật sửa đổi chưa quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ như bố mẹ của hai bên. "Nếu trong quá trình đó phát sinh tranh chấp tài sản của đứa trẻ thì làm thế nào", bà Hà thắc mắc.
Vấn đề ly thân quy định trong dự án sửa đổi cũng bị nhiều đại biểu phản đối. Đại biểu Châu (Quảng Trị) đề nghị ban soạn thảo suy nghĩ kỹ về bản chất của ly thân bởi đó là vợ chồng không sống chung với nhau dù trong một mái nhà, nhưng không làm chấm dứt các quan hệ khác như nghĩa vụ với con cái, gia đình.
"Có cần thiết phải quy định tòa án quyết định ly thân không? Bản chất ly thân không đánh đồng với ly hôn vì họ có thể quay trở lại với nhau. Quy định là gượng ép và không cần thiết", ông Châu nói.
Giải trình những thắc mắc nêu trên, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, khi soạn thảo luật năm 2000, vấn đề ly thân, mang thai hộ, người đồng giới... đã được thảo luận sôi nổi. Sau hơn 10 năm, những điều này vẫn diễn ra và nhiều người đồng giới đã gửi thư lên các cơ quan chức năng bày tỏ nguyện vọng được bình đẳng. Còn phân biệt mang thai hộ vì mục đích thương mại và nhân đạo cũng không khó. Nếu lấy tiền công, lặp đi lặp lại là thương mại, còn chỉ mang thai hộ một lần giữa người thân thiết là nhân đạo.
Năm 2005, người dân có nhu cầu giải quyết ly thân nhưng tòa án trả lời pháp luật không quy định nên không giải quyết. "Việc cơ quan nhà nước không thụ lý vấn đề của người dân là không ổn. Nhà nước chưa công nhận nhưng thực tế phát sinh thì vẫn cần được giải quyết", Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói và cho hay, những quy định bổ sung này nhằm mục đích lấp khoảng trống của pháp luật.
Còn Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai khẳng định, hôn nhân là số phận của từng người nhưng ảnh hưởng lớn đến xã hội. Hiện nay gia đình hiện đại một thế hệ đã nhiều hơn, sự thay đổi trong hôn nhân cũng nhiều. Dự án sửa đổi bổ sung luật hôn nhân gia đình đã thể hiện quyền con người, quyền công dân tốt hơn, tạo cơ hội lựa chọn cho người dân. Tuy nhiên, ban soạn thảo phải có chế tài xử lý ly thân, ly hôn bởi bản chất của hai vấn đề này không giống nhau.
"Nên khuyến khích họ lựa chọn khuôn khổ pháp lý vì như vậy sẽ được bảo vệ tốt hơn. Có những cái đạo đức truyền thống sẽ bảo vệ được như cha mẹ nói con cái phải nghe. Chúng ta không yêu cầu người dân phải theo cái này cái kia mà được quyền lựa chọn phương án phù hợp hơn, đảm bảo quyền lợi của cho mình", bà Mai nói.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Tiếp dân để giải quyết khiếu nại - không làm "phồng" bộ máy Kiến nghị trao quyền cho hệ thống cơ quan tiếp dân có con dấu độc lập, Thanh tra Chính phủ khẳng định sẽ không làm phồng to bộ máy nhà nước. Nhiều ủy viên Thường vụ QH vẫn lo bộ phận này quy mô lớn, quyền hạn to nhưng đơn vẫn... lòng vòng. Dự thảo luật Tiếp công dân được trình UB Thường...