Giải quyết khủng hoảng nợ: Châu Âu sử dụng biện pháp ngoại lệ
Khu vực đồng tiền chung châu Âu ( Eurozone) ngày 27-10 đã thông qua một thỏa thuận quan trọng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng nghiêm trọng tại khu vực này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận xử lý khủng hoảng nợ
Trong cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu chiều 26-10 và kết thúc vào sáng sớm 27-10 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận trong đó các ngân hàng chấp thuận xóa 50% trong khoản nợ 350 tỷ euro của Hy Lạp. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp Hy Lạp giảm nợ công xuống còn 120% GDP của nước này vào năm 2020.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đồng ý cho Hy Lạp vay thêm 100 tỷ euro (140 tỷ USD). “Đây là những biện pháp ngoại lệ cho những thời điểm ngoại lệ. Châu Âu phải tìm cách để không bao giờ rơi vào hoàn cảnh tương tự”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Cũng theo thỏa thuận đạt được, các ngân hàng châu Âu sẽ phải tăng thêm vốn dự trữ để tự bảo vệ họ khỏi nguy cơ vỡ nợ chính phủ trong tương lai. Động thái này là một bước quan trọng hướng đến ổn định khu vực Eurozone.
Cùng với đó, các nhà lãnh đạo châu Âu có kế hoạch tăng Quỹ ổn định tài chính châu Âu lên khoảng 1 nghìn tỷ euro (1,4 tỷ USD) để bảo vệ các nền kinh tế lớn hơn như Italia và Tây Ban Nha và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng. “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận cho phép chúng tôi phản ứng đáng tin cậy và toàn diện đối với cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp”, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói với các phóng viên.
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá, thỏa thuận này sẽ tái khẳng định với thế giới về tương lai của Eurozone. “Chúng ta có thể hy vọng rằng đã có hành động đúng đắn cho Eurozone”, bà Merkel nói, “Thỏa thuận này giúp chúng ta đạt được một bước tiến xa hơn trên con đường hướng tới một liên minh ổn định hơn”. Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang gây sức ép mạnh mẽ lên ông Silvio Berlusconi, Thủ tướng Italia – nước có nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu – nhằm đưa ra các kế hoạch cải cách đúng đắn và rõ ràng.
Theo ANTD
Khủng hoảng nợ công làm hé lộ một châu Âu rạn nứt
Cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) - thảm họa kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu - đang đe dọa đẩy nhanh quá trình rạn nứt giữa một bên là các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung và bên kia là các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU), cùng với lời cảnh báo của Anh rằng những nước không nằm trong liên minh tiền tệ có thể sẽ bị gạt ra rìa.
Thủ tướng Anh David Cameron. (Nguồn: Getty)
Phát biểu trước báo giới sau hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 23/10, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng mâu thuẫn nảy sinh là do 17 quốc gia Khu vực đồng euro thảo luận các chính sách đối phó với khủng hoảng kinh tế mà không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của toàn bộ 27 nước thành viên EU, chính điều này càng làm gia tăng lo ngại về một châu Âu có hai xung lực.
Theo ông, điều nguy hiểm là những nước không thuộc Eurozone có thể phải chứng kiến các nước thành viên Eurozone đưa ra các quyết định làm ảnh hưởng đến thị trường chung.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng bất cứ quyết định nào của Eurozone cũng cần phải "tôn trọng đầy đủ tính nhất thể của toàn bộ EU".
Cùng với sự khó chịu đang gia tăng về cách thức "bộ đôi" Pháp, Đức áp đặt với Khu vực đồng euro, các quốc gia nằm ngoài Eurozone cũng bắt đầu tỏ ra bất mãn về việc những nước thuộc nhóm đồng tiền chung đặt họ vào tình thế "việc đã rồi."
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên tuyên bố các quốc gia thuộc Eurozone không thể tự đẩy mình vào chân tường rồi lại thông qua những quyết sách ảnh hưởng đến toàn bộ EU. Hai nước thành viên Khu vực đồng euro là Hà Lan và Phần Lan cũng cho rằng tất cả mọi quốc gia thành viên EU đều phải được tham gia trong việc thông qua các quyết định có ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu.
Sự chia rẽ càng trở nên sâu sắc sau một quyết định được thông qua vào cuối phiên họp, theo đó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy được giao thêm trọng trách là nhà lãnh đạo chính thức của Khu vực đồng euro, cương vị hiện do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Jean Claude Juncker đảm nhiệm không chính thức.
Hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc đã không đưa ra được bất kỳ quyết định cụ thể nào. Mọi quyết định quan trọng sẽ phải chờ tới ngày 26/10, khi các nhà lãnh đạo EU và Khu vực đồng euro có một hội nghị thượng đỉnh kép bàn về việc tái cấp vốn cho các ngân hàng châu Âu và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ./.
Theo TTXVN
Đức, Pháp sẽ có cách giải quyết nợ công Eurozone Tuyên bố tại một cuộc họp báo chung ở Berlin, Đức cuối ngày 9/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cam kết sẽ sớm đưa ra những biện pháp khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng euro (Eurozone). Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh minh họa....