Giải quyết bằng được chỗ học cho cấp mầm non, tiểu học
20 quận, huyện của Hà Nội đã có thống kê số học sinh tăng bởi tăng dân số cơ học. Không chỉ căng thẳng với các quận nội thành, Sóc Sơn cũng đang phải gấp rút lên kế hoạch đủ sắp xếp chỗ học với việc trội lên 1.800 học sinh so với năm học trước. Việc chủ động lên kế hoạch tuyển sinh đã được UBND Thành phố ưu tiên triển khai. Chiều 3-5, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã làm việc với các quận, huyện và ban, ngành liên quan về vấn đề này.
Tăng 11.000 học sinh lớp 1
Năm học mới 2013-2014, tình trạng gia tăng học sinh ở tất cả các cấp học đang khiến các nhà quản lý lo lắng. Theo ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, để chủ động giải quyết tình trạng này, Sở đã làm việc với những quận, huyện có dự báo số lượng học sinh tăng mạnh để lên phương án tuyển sinh phù hợp. Theo đó, có hơn 20 quận, huyện có số học sinh tăng ở các bậc học như: Ba Vì, Ba Đình, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hoàng Mai, Long Biên, Hoàn Kiếm, Đống Đa… Thống kê ban đầu cho thấy số học sinh các cấp học đều tăng. Với mầm non, năm 2013 dự kiến tăng hơn 5.000 trẻ, lớp 1 tuyển hơn 125.000, tăng 11.000 học sinh, lớp 6 cũng tăng gần 4.000 học sinh.
Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, số học sinh lớp 1 năm học mới là 4.799 học sinh tăng 816 học sinh so với năm trước. Quận Đống Đa năm học tới cũng tăng 901 học sinh lớp 1. Đặc biệt, việc tăng dân số cơ học không chỉ xảy ra ở các quận nội thành. Huyện Sóc Sơn cũng đã thống kê số học sinh vào lớp 1 năm học mới sẽ tăng hơn 1.800 học sinh. Lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn cho biết, do là năm “lợn vàng” nên số học sinh vào lớp 1 năm học 2013-2014 tăng chưa từng có. “Với tổng số tăng hơn 1800 học sinh, học sinh tăng đều ở trên địa bàn xã, thị trấn, tuy nhiên, một số trường ở gần các khu công nghiệp có tập trung tăng nhiều hơn” – lãnh đạo Phòng GD-ĐT Sóc Sơn cho biết. Về cơ bản sẽ đảm bảo đủ phòng học cho học sinh nhưng Sóc Sơn vẫn sẽ phải xin ý kiến thành phố cho sĩ số trên 35 HS/lớp nhưng đảm bảo không tăng quá 40 HS/lớp.
Chủ động phân tuyến và tăng phòng học
Về công tác tuyển sinh đầu cấp cho năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý, rút kinh nghiệm năm học trước vẫn còn nhiều quận, huyện công tác điều tra còn làm chưa đạt yêu cầu, việc phân tuyến tuyển sinh cũng chưa hợp lý, có trường tuyển vượt chỉ tiêu, trường tuyển thiếu chỉ tiêu. Có những quận, huyện như Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông… có số học sinh trái tuyến quá lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ quan nên ngoài học sinh có hộ khẩu thường trú, còn có nhiều học sinh theo cha mẹ về thành phố. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục phải chủ động để tạo điều kiện cho trẻ đúng độ tuổi đều được đến trường. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Năm nay thành phố đã chủ động họp với 29 quận, huyện. Tuy số học sinh các cấp tăng khác nhau nhưng công tác tuyển sinh cũng có nhiều thuận lợi do thành phố đã đầu tư tăng cường điều kiện cơ sở vật chất các trường. Năm 2012, thành phố đã xây mới gần 6.000 phòng học ở các quận, huyện. Riêng với mầm non, Hà Nội sẽ hoàn thành 6 trường mới ở 6 phường “trắng” trường mầm non”. Thành phố cũng đã giao trách nhiệm cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc rà soát lại quỹ đất khu vực nội thành mà các đơn vị tham mưu để xây trường. “Hiện thành phố đã giải quyết xong việc các phường đều có trường mầm non. Sang năm, Hà Nội quyết tâm xây thêm trường học ở khu vực nội thành, giải quyết tình trạng thiếu chỗ học cho trẻ mầm non và tiểu học” – bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.
Việc tuyên truyền đến người dân biết về công tác tuyển sinh cũng được thành phố đặt ra với yêu cầu cần công khai, đưa lên cổng điện tử của các quận, huyện và đưa lên mạng Sở GD-ĐT. “Thành phố đề nghị các quận, huyện phải bảo đảm đủ chỗ cho học sinh trong độ tuổi được đi học, công khai công tác tuyển sinh, không để xảy ra điểm nóng…” – Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu.
Theo ANTD
Nhiều sở ngành, quận huyện bị phê bình
UBND TP Hà Nội vừa có cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Theo đó, nhiều sở ngành, quận huyện bị phê bình, nhắc nhở vì lơ là thực hiện chỉ đạo của thành phố.
Hà Nội đang nỗ lực tối đa để gia tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Làm rõ trách nhiệm
Phân tích về chỉ số PCI của Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, UBND TP đã có kế hoạch, chủ trương đúng (Kế hoạch số 141) nhưng việc thực hiện ở các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã còn chưa nghiêm túc, chưa thường xuyên hoặc bị xem nhẹ. Thực tế, đa số các đơn vị chưa xây dựng kế hoạch hành động của riêng mình theo yêu cầu của UBND TP. Đơn cử, Sở KH-ĐT với vai trò là cơ quan đầu mối thường trực, có tổ chức thực hiện nhưng còn thiếu, có một số khuyết điểm như chậm triển khai kế hoạch của TP; chưa kịp thời, thường xuyên phối hợp với các sở ban ngành, quận huyện, thị xã trong triển khai thực hiện kế hoạch cũng như chưa theo dõi, đôn đốc, chủ động tham mưu, đề xuất với UBND TP trong quá trình triển khai kế hoạch cũng như tham vấn với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Sở KH-ĐT cũng chưa xây dựng, công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư.
Liên quan tới chỉ số tiếp cận đất đai (Hà Nội đứng đội sổ 63/63), Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, Sở TN-MT cần kiểm điểm những nhiệm vụ được giao, tìm rõ nguyên nhân khiến chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của TP luôn ở nhóm cuối. TP cũng chỉ đạo Sở TN-MT phải tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, công khai, minh bạch trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt, phải có biện pháp ngăn chặn hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn của một số cán bộ, công chức trong toàn ngành.
Tiếp tục làm rõ nguyên nhân khiến PCI Hà Nội sụt giảm, Phó Chủ tịch UBND TP nêu đích danh Văn phòng UBND TP chưa hoàn thành nhiệm vụ phối hợp với Sở KH-ĐT, chưa chủ động tham mưu, đề xuất với UBND TP trong quá trình triển khai Kế hoạch 141. Bên cạnh việc biểu dương một số đơn vị đã thực hiện tốt Kế hoạch 141 như Cục Thuế TP, Cục Hải quan TP đã triển khai tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; Sở Công Thương, TP cũng "điểm danh" một số đơn vị không xây dựng kế hoạch để triển khai như Sở Tài chính, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Sở Khoa học và Công nghệ...
Chậm trễ sẽ bị xử lý nghiêm
Từ phân tích thực tế, UBND TP đã phê bình Sở KH-ĐT chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung công việc theo phân công tại Kế hoạch 141 của UBND TP. Đồng thời, TP nhắc nhở nghiêm khắc một số sở, ban, ngành, Văn phòng UBND TP và UBND các quận, huyện, thị xã năm 2012 chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo Kế hoạch 141.
Rút kinh nghiệm năm 2012, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai năm 2013 và tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch 141, gửi về Văn phòng UBND TP và Sở KH-ĐT. Sau ngày 22-4, nếu đơn vị nào không hoàn thành, UBND TP sẽ xem xét trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xử lý theo Chỉ thị 01 của Chủ tịch UBND TP về thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2013" và các quy định hiện hành.
Chỉ số PCI của Hà Nội năm 2012 được tính toán trên kết quả điều tra 257/90.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động, bằng 0,28% (tỷ lệ điều tra chung của cả nước là 2,1%), theo công bố của VCCI, Hà Nội đạt 53,4 điểm, giảm 4,9 điểm, giảm 15 bậc so với năm 2011 và xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố. Trong đó có một số chỉ số giảm sâu như chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, giảm 0,74 điểm, xếp thứ 63/63; chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, xếp thứ 54/63; chỉ số chi phí không chính thức giảm 0,4 điểm, xếp thứ 56/63; chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo giảm 7 bậc, xếp thứ 61/63; chỉ số thiết chế pháp lý giảm 22 bậc, xếp thứ 56/63...
Theo ANTD
Khuyến khích người dân sử dụng xe đạp: Giảm được ô nhiễm, khó giảm ùn tắc Sở Công Thương Hà Nội vừa có tờ trình UBND TP nghiên cứu Đề án sử dụng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đồng thời kích cầu tiêu dùng loại sản phẩm công nghiệp đang bí đầu ra này. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng quá tải với xe máy và ô tô thì sự phát triển xe...