Giải pháp táo bạo gỡ kẹt xe Tân Sơn Nhất
Đề xuất mở hai chiều đường Nguyễn Kiệm, cầu vượt Lăng Cha Cả, đường Hoàng Văn Thụ bên hông công viên… nhằm tạo sự thông thoáng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
“Chúng tôi đã nghiên cứu, đề xuất phương án điều phối giao thông nhằm tháo gỡ tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là việc điều phối, không phải là các biện pháp công trình như làm cầu vượt, hầm chui hay metro cần rất nhiều thời gian trong khi việc tạo sự thông thoáng cho khu vực sân bay là rất cấp bách” – PGS-TS Hồ Thanh Phong (ảnh), Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, nói với Pháp Luật TP.HCM.
“Mở bung” cho khu vực sân bay
. Phóng viên: Qua nghiên cứu của mình, ông đánh giá như thế nào về tình trạng kẹt xe thường xuyên quanh sân bay Tân Sơn Nhất?
PGS-TS Hồ Thanh Phong: Tôi cùng các cộng sự của Trường ĐH Quốc tế đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu và đo đếm lượng xe lưu thông qua nhiều tuyến đường của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Kết quả cho thấy có hai luồng giao thông chính đi vào khu vực sân bay. Theo đó, luồng 1 từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn qua đường Bạch Đằng vào sân bay. Luồng còn lại từ các tuyến đường Cộng Hòa, Lê Văn Sỹ và Nguyễn Văn Trỗi đổ qua Trường Sơn để vào Tân Sơn Nhất.
Qua đo đếm lượng xe cho thấy 30% số xe máy đi qua các luồng này thực sự vào sân bay và 70% còn lại là mượn đường, có đi ngang qua khu vực sân bay. Đối với ô tô thì tỉ lệ này là 38% có vào sân bay và 62% không vào sân bay.
Nói cách khác, hiện giờ khu vực trước sân bay, đặc biệt là đường Trường Sơn đang quá tải bởi vì tỉ lệ lớn các xe máy, ô tô đi ngang qua mà không có nhu cầu vào sân bay.
. Việc lượng xe mượn đường như trên chứng tỏ đây là lộ trình thuận tiện cho người dân. Vậy thì làm cách nào để giao thông khu vực được thông thoáng mà không hạn chế việc đi lại, thưa ông?
Việc của chúng tôi là tìm con đường khác để lượng xe mượn đường Trường Sơn như trên họ đi. Chúng tôi sử dụng kỹ thuật mô phỏng, sử dụng chương trình máy tính giả lập cho xe chạy khi có sự điều chỉnh thì xem thử chuyện gì sẽ xảy ra.
Qua so sánh nhiều phương án, chúng tôi lựa chọn hai đề xuất. Đó là giữ nguyên tất cả và mở hai chiều đường Nguyễn Kiệm. Khi đó, vào buổi sáng, dòng xe từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đi vào trung tâm TP.HCM sẽ không phải đi qua khu vực sân bay mà sẽ đi thẳng theo đường Nguyễn Kiệm.
Phương án 2 là tổ chức hai chiều cầu vượt Lăng Cha Cả và đường Hoàng Văn Thụ, đoạn từ cầu vượt đến Nguyễn Văn Trỗi. Phương án này cần tính toán kỹ hơn vì sẽ ảnh hưởng đến giao thông khu vực đường Cộng Hòa.
Video đang HOT
Phương án mở hai chiều đường Nguyễn Kiệm, đường Hoàng Văn Thụ. Ảnh: MP
Cần phép thử, thay vì “cứ chịu đựng”
. Dựa vào các căn cứ nào, ông cho rằng đề xuất này sẽ mang lại hiệu quả?
Tôi tự tin với đề xuất này là căn cứ vào chương trình chạy mô phỏng (dựa trên đặc thù giao thông người Việt Nam như xe máy nhiều, chạy ngược chiều, leo lên lề…) mà chúng tôi đã thiết kế, áp dụng 15 năm nay.
Chương trình chạy mô phỏng này đã được áp dụng tại nhiều nơi và mang lại kết quả tốt, đơn cử như việc tổ chức giao thông khi hoàn thành cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh.
Trở lại với đề xuất trên, qua kết quả chạy mô phỏng tôi khẳng định chỉ cần mở hai chiều đường Nguyễn Kiệm thì lượng xe trên đường Trường Sơn sẽ giảm, vận tốc lưu thông tăng và đường sẽ thông thoáng.
. Nhưng ông có tiên liệu và có biện pháp về khả năng ùn tắc ở các điểm khác, đơn cử trước đây đường Nguyễn Kiệm là hai chiều đã được chuyển thành một chiều nhằm gỡ tắc cho ngã tư Phú Nhuận?
Thực tế, với lượng xe quá đông đúc như hiện nay thì không chỗ này, ở chỗ kia sẽ bị ùn tắc. Vấn đề là mở ra như vậy có tắc đường Nguyễn Kiệm, ùn ở ngã tư Phú Nhuận hay không? Đây là một câu hỏi được lãnh đạo Sở GTVT quan tâm khi chúng tôi đề xuất phương án với Sở GTVT.
Theo kết quả mô phỏng, việc tổ chức hai chiều trên đường Nguyễn Kiệm thì giao thông ở các đường Hồng Hà, Hoàng Minh Giám, Đào Duy Anh… sẽ bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Trong khi đó, giao thông ở Trường Sơn cải thiện lên rất nhiều và gỡ bớt ùn ứ ở nút Hồ Văn Huê – Hoàng Văn Thụ.
Với giải pháp này, điều quan trọng là chúng ta tạo thêm đường đi, thay vì chỉ có một đường độc đạo qua khu vực sân bay như hiện nay. Tôi cho rằng cần nghiên cứu, có sự điều chỉnh cần thiết, thay vì không làm gì cả mà ngồi than vãn trong khi ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.
. Xin cám ơn ông.
Nghiên cứu để tổ chức hiệu quả Sở GTVT đã nghe Trường ĐH Quốc tế trình bày các đề xuất trên. Chúng tôi trân trọng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, hiệu quả của cơ sở dữ liệu cùng các giải pháp đề xuất để giảm ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất do Trường ĐH Quốc tế nghiên cứu, đề xuất. Sở GTVT cũng giao Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 chủ trì, phối hợp với Trường ĐH Quốc tế thu thập dữ liệu, nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức giao thông tổng thể cho cả khu vực, kể cả các dự án giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay chuẩn bị triển khai. Đối với việc tổ chức giao thông đường Nguyễn Kiệm thì trên cơ sở số liệu nghiên cứu của Trường ĐH Quốc tế cần nghiên cứu, đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng của tuyến đường này để đề xuất tổ chức giao thông hiệu quả. Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT TP _________________________________ Làm hai cầu vượt giải tỏa ùn tắc cho khu vực sân bay Ngày 6-2, tin từ Sở GTVT TP.HCM cho hay ngày mai (8-2) sẽ cùng lúc khởi công xây dựng hai cầu thép vượt nút giao Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất và cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn. Hai cầu vượt này không chỉ kéo giảm ùn tắc cho các tuyến đường vào ra sân bay Tân Sơn Nhất mà còn tăng năng lực lưu thông nối giữa quận Gò Vấp với quận Phú Nhuận, Tân Bình và ngược lại.
Phối cảnh cầu vượt chữ Y trên đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Phối cảnh cầu vượt chữ N tại nút Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn. Ảnh: L.ĐỨC – H.TUYÊN
Theo Sở GTVT, cầu thép vượt đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất là loại cầu đi thẳng với hai nhánh rẽ hình chữ Y. Nhánh 1 từ đường Trường Sơn lên rộng 10,75 m, khi rẽ vào ga quốc tế được “vuốt” nhỏ lại rộng 7,5 m, chiều dài toàn nhánh 1 là 303 m. Nhánh 2 từ giữa cầu vượt rẽ trái vào ga quốc nội dài 153 m, rộng 7,5 m. Cùng với làm cầu vượt, các tuyến đường Trường Sơn, đường dưới mặt đất vào ga quốc tế, quốc nội cũng sẽ được mở rộng, cải tạo để tăng năng lực lưu thông. Tổng mức đầu tư cho toàn công trình là 242 tỉ đồng, thời gian thi công là sáu tháng. Cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn bằng thép có dạng chữ N với ba nhánh. Nhánh 1 từ đường Nguyễn Kiệm (phía BV 175, quận Gò Vấp) về đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận dài 367 m, rộng 7,5 m. Nhánh 2 từ đường Hoàng Minh Giám vượt qua nút đi thẳng về phía đường Nguyễn Thái Sơn dài 362 m, rộng 6 m. Nhánh 3 từ hướng đường Nguyễn Kiệm, phía quận Phú Nhuận vượt qua nút nối vào đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp có chiều dài 367 m, rộng 7,5 m. Theo Sở GTVT, tổng mức đầu tư cho cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn là 504 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 351 tỉ đồng; thời gian xây dựng là chín tháng. L.ĐỨC – H.TUYÊN
Theo Minh Phong (Pháp Luật TPHCM)
Kẹt xe khi tháo dỡ cầu gần 100 tuổi ở Sài Gòn
Cầu Nhị Thiên Đường 1 (quận 8, TP HCM) được chặn xe để tháo dỡ khiến mỗi giờ đi làm, tan tầm người dân chịu cảnh kẹt xe, khổ sở nhích từng chút một.
Từ ngày 31/1, cầu Nhị Thiên Đường 1 (quận 8, TP HCM) được rào chắn, tháo dỡ đến xây cầu mới khiến áp lực giao thông gia tăng ở cầu Nhị Thiên Đường 2 vào giờ cao điểm.
Chiều 7/2, ngay lối dẫn lên cầu Nhị Thiên Đường 2 đông nghẹt phương tiện. Các xe cộ nhích từng chút một để lên cầu.
Ông Tài (lái xe ôm) cho biết, trước khi cầu gần 100 tuổi sửa chữa thì cầu Nhị Thiên Đường 2 cho xe chạy một chiều hướng từ cầu Chà Và về quận 8. "Mấy ngày nay, cầu này phải cho xe chạy hai chiều nên mỗi buổi sáng và chiều đều kẹt dữ lắm", ông nói.
Tại lối lên cầu Nhị Thiên Đường 2 ở giao lộ đường Tùng Thiện Vương - Cao Xuân Dục, lượng xe đổ dồn từ cầu Chà Và xuống khiến nơi đây ùn tắc gần 500 m.
Xe buýt liên tục đổ về khiến lối lên cầu càng ùn tắc.
"Hai ngày nay cứ sáng chiều là đông đúc người xe. Sáng thì đầu bên kia kẹt, chiều đầu bên này ùn tắc. Bình thường tôi từ quận 8 sáng trung tâm đi làm mất 30 phút thì nay phải 45 phút mới đến", anh Phan Tuấn Long (ngụ quận 8) chia sẻ.
Người lớn, trẻ nhỏ chán nản bởi cảnh kẹt xe cùng bụi bặm từ công trình đang thi công.
Vào giờ cao điểm, hàng chục Cảnh sát giao thông, dân phòng điều tiết giao thông nên không xảy ra cảnh hỗn loạn do chen lấn.
Cầu Nhị Thiên Đường dài khoảng một km bắc qua Kênh Đôi quận 8, được xây dựng năm 1925. Đây là cầu có bề dày lịch sử, nằm ở cửa ngõ kết nối Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây, qua quốc lộ 50.
Điểm đặc biệt của công trình là hàng cột xanh rêu trên cầu (tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa) và các mái vòm cong dưới chân cầu giống nhưng các cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu. Ngoài ra, dù được thi công trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng Nhị Thiên Đường lại ngoại lệ khi xây hoàn toàn bằng bêtông cốt thép.
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4, cầu Nhị Thiên Đường 1 mới được thiết kế giữ nét kiến trúc cổ xưa. Công trình có tổng mức đầu tư 163 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong thời gian 360 ngày.
Quỳnh Trần
Theo VNE
"Kẹt xe hoài làm tụi con trễ giờ học" "Sáng nào con cũng phải dậy rất sớm để đi học vì đường kẹt xe mà nhiều khi vẫn bị trễ. Con mong các cô chú lãnh đạo quan tâm nhiều hơn về việc này để tụi con được đến trường đúng giờ hơn". Bạn Bùi Nguyễn Quỳnh Mai ở Q.9 đề nghị lãnh đạo thành phố phải có giải pháp cụ thể...