Giải pháp mới cho trẻ em nói thều thào, giọng yếu, phát âm sai vì dị tật môi vòm
Các phẫu thuật dị tật khe hở vòm miệng có thể khắc phục được về thẩm mỹ bên ngoài giúp trẻ trở lại bình thường. Tuy nhiên, sau phẫu thuật nhiều trẻ có tình trạng phát âm sai, phát âm yếu thều thào không rõ ràng…
ThS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khe hở môi và vòm miệng là một dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay gặp. Trên thế giới, tỷ lệ mắc dị tật này trong số trẻ mới sinh là 1/600 đến 1/1000. Ở Việt Nam, tỷ lệ này dao động từ 0,1 đến 0,2%. Trong đó khe hở vòm miệng chiếm 40%.
Khe hở vòm miệng gây ra các rối loạn trầm trọng cho trẻ như khó ăn-bú, hay bị sặc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý… Phẫu thuật cho trẻ bị khe hở vòm đã rất phổ biến, giúp trẻ khắc phục được tình trạng hở vòm.
Tuy nhiên,có một thực tế các bệnh nhi sau khi được phẫu thuật “đóng kín” các “khe hở” ở môi và vòm thường gặp vấn đề về phát âm, giọng nói yếu.
Hệ thống ống nội soi mềm được tài trợ sẽ giúp các bác sĩ tìm ra chính xác nguyên nhân để khắc phục tình trạng nói ngọng, phát âm sai, giọng nói yếu sau mổ dị tật môi vòm cho bệnh nhi. Ảnh: H.Hải.
BS Lan cho biết, rất nhiều bệnh nhi được bố mẹ đưa trở lại BV khám do trẻ phát âm sai, phát âm không rõ ràng, giọng nói yếu, thều thào, yếu nên mọi người xung quanh rất khó nghe. Vì thế, dù bề ngoài đã được khắc phục nhưng trẻ lại tiếp tục tự ti về giọng nói nên càng ngại giao tiếp, sống khép kín. Các hiện tượng phát âm sai, phụ âm yếu, hơi thoát qua mũi, cộng hưởng,… là do rối loạn chức năng vòm hầu, tức là vòm mềm đã không đóng một cách hợp lí trong suốt quá trình tạo phát âm thanh.
Thường có 3 dạng rối loạn chức năng vòm hầu gồm: thiểu năng vòm hầu gây ra các khiếm khuyết về giải phẫu hoặc cấu trúc mà ngăn cản vòm hầu đóng kín khi phát âm; Vòm hầu di động kém, thường do rối loạn thần kinh sinh lí mà kết quả là việc cấu trúc vòm hầu di động yếu, không thể đóng kín hoặc đóng chậm trong suốt quá trình phát âm; Do thói quen cũ để lại làm cho vòm hầu đóng sai vị trí để thích nghi.
Ở nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng phương pháp nội soi bằng ống mềm qua đường mũi để chẩn đoán ba dạng rối loạn chức năng vòm hầu trên để tìm ra nguyên nhân nói ngọng, giọng yếu ở trẻ em.
Tại BV Nhi Trung ương cũng may mắn là được tài trợ một máy nội soi ống mềm từ Đài Loan. Ngày 18/12, bệnh viện đã nhận được tài trợ thiết bị nội soi này.
Video đang HOT
“Với thiết bị nội soi ống mềm sẽ giúp bác sĩ tìm nguyên nhân vì sao trẻ nói ngọng, phát âm sai để có hướng can thiệp kịp thời.Nhờ có thiết bị này, chúng tôi đã nhìn được khả năng di động của vòm hầu trong suốt quá trình phát âm và chúng tôi chẩn đoán chính xác được tỉ lệ đóng kín của vòm hầu. Nhờ đó mà chúng tôi lựa chọn từng kĩ thuật mổ sao cho phù hợp nhất trên từng ca bệnh”, BS Lan cho biết.
GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối nên mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận một lượng bệnh nhân rất lớn đến khám và điều trị.
Riêng trong lĩnh vực hàm mặt, chuyên sâu hơn là các dị tật môi vòm, với hệ th ống nội soi mềm này không chỉ giúp nội soi chẩn đoán chính xác các vấn đề của trẻ khuyết tật vòm miệng từ đó tìm ra giải pháp phù hợp nhất, mà còn góp phần đào tạo nâng cao tay nghề cho các y bác sĩ hai bên. Với các ca bệnh khó sẽ được chuyên gia 2 bên trao đổi, hỗ trợ điều trị để mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Ý tưởng sửa ngọng 'l, n' ở Hà Nội hình thành như thế nào?
Chương trình sửa ngọng tại trường tiểu học ngoại thành Hà Nội được xây dựng sau cuộc họp với 28 trên 29 hiệu trưởng nói sai "l, n".
Đầu tháng 9/2008, cuộc họp triển khai kế hoạch, nhiệm vụ đầu năm cấp tiểu học huyện Phú Xuyên do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) chủ trì. Đây là năm học đầu tiên tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội.
Trong cuộc họp, nhiều hiệu trưởng phát biểu ngọng, lãnh đạo Phòng Giáo dục Phú Xuyên cũng ngọng "l, n". Ban đầu lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học chỉ thấy hơi buồn cười, nhưng sau đó về họp lại với nhau.
"Hiệu trưởng ngọng nhiều như thế, chắc rằng giáo viên, học sinh ở các trường đó cũng ngọng. Phát âm sai có thể dẫn đến viết sai chính tả. Cần nhìn nhận việc nói ngọng nghiêm túc và đưa ra giải pháp", ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội (khi đó là Trưởng phòng Giáo dục tiểu học) nhớ lại.
Ông Nguyễn Trí Dũng, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội, hiện đã nghỉ hưu. Ảnh: Tất Đinh
Từng nhiều năm phụ trách cấp tiểu học của Sở Giáo dục, ông Nguyễn Trí Dũng (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội) hiểu rõ phương ngữ của vùng nên nhận nhiệm vụ khảo sát, xây dựng kế hoạch sửa ngọng với mục tiêu "góp một phần tích cực cho việc nói đúng, viết đúng l, n trong nhà trường và trong cuộc sống hàng ngày, nhằm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt".
Những phiếu khảo sát phát âm đúng hai phụ âm "l, n" đầu tiên phát cho lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên và 29 hiệu trưởng trường tiểu học. Ban giám hiệu nhà trường giao phiếu khảo sát cho giáo viên, học sinh. Kết quả 28/29 hiệu trưởng phát âm ngọng; 30% trong 890 giáo viên và 48% trong hơn 13.560 học sinh được khảo sát bị ngọng, viết sai chính tả. Trong đó, Tiểu học thị trấn Phú Xuyên, Tiểu học Hồng Thái dẫn đầu danh sách với 97% giáo viên phát âm sai.
"Sửa nói ngọng phải bắt đầu từ chính lãnh đạo phòng giáo dục, hiệu trưởng rồi mới đến giáo viên, học sinh. Một giáo viên ngọng mà không sửa được ảnh hưởng đến hàng chục thế hệ học sinh. Phiếu khảo sát dựa trên tinh thần tự giác, nhưng thầy cô đều không ngại ngần nhìn thẳng vào vấn đề", ông Dũng nhận xét.
Dựa trên kết quả khảo sát, ông Dũng lập kế hoạch thí điểm "luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n" đối với giáo viên và học sinh tiểu học tại huyện Phú Xuyên. Tài liệu hướng dẫn xây dựng dựa trên cơ sở lồng ghép bài tập đọc trong sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5.
Sở Giáo dục đưa ra mẫu biểu "danh sách giáo viên sửa phát âm sai hai phụ âm "l, n", yêu cầu ban giám hiệu theo dõi sự tiến bộ của giáo viên, lưu trong hồ sơ quản lý của nhà trường. Trường cũng lập danh sách học sinh sửa phát âm để giáo viên chủ nhiệm theo dõi quá trình sửa của từng em từ lớp 1 đến lớp 5. Khi học sinh chuyển lớp, danh sách sẽ đính kèm học bạ để giáo viên khác theo dõi.
Tháng 4/2009, chương trình "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n" thí điểm tại Phú Xuyên. Phòng Giáo dục tiểu học cử chuyên viên lần lượt đến các trường đào tạo kỹ năng phát âm chuẩn "l, n" cho giáo viên, hiệu trưởng cũng tham dự. Sau đó, giáo viên dạy lại cho học sinh, chuyên viên dự giờ theo dõi.
Học sinh tiểu học Hà Nội trong lễ khai giảng năm 2015. Ảnh: Q.Đ.
Từ Phú Xuyên mở rộng ra 12 huyện ngoại thành
Tháng 9/2010, theo đánh giá của Sở Giáo dục Hà Nội, chương trình thí điểm tại Phú Xuyên đạt hiệu quả tốt, tỷ lệ giáo viên phát âm ngọng đã giảm từ 30% xuống 23,5%, học sinh phát âm ngọng giảm mạnh từ 48% xuống 28,1%. Sở tiếp tục khảo sát toàn thành phố.
Kết quả 13 huyện ngoại thành có tỷ lệ giáo viên, học sinh phát âm ngọng "l, n" nhiều gồm: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn.
Đầu năm 2011, Sở tổ chức hội thảo chuyên đề cấp thành phố tập hợp kinh nghiệm, giải pháp "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm l, n". Nhóm ba huyện thành một cụm tổ chức chuyên đề hàng tháng. Năm học 2011-2012, Sở đưa chương trình này triển khai tại 13 huyện ngoại thành, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, tiêu chí thi đua của nhà trường, giáo viên.
"Hồi đó, Phòng Giáo dục Thanh Trì còn đưa ra đề nghị không cho giáo viên ngọng đứng lớp cho đến khi sửa xong. Nhiều thầy cô còn sáng tác cả những câu thơ vui để luyện phát âm như: Nói năng nên luyện luôn luôn/ Nói lời lưu loát luyện luôn lúc này", ông Dũng nhớ lại.
Mỗi năm, Sở Giáo dục Hà Nội đều khảo sát, đánh giá kết quả. Kết quả chữa ngọng của giáo viên, học sinh tại 13 huyện giảm 2-10% mỗi năm. Theo ông Dũng, khi đưa ra chương trình, những người thực hiện không ảo tưởng sẽ sửa ngọng, chuẩn hóa giọng Hà Nội. Tuy nhiên, chương trình đã lan tỏa tích cực ra cộng đồng, nhiều người lớn cũng tích cực sửa.
Đề tài "Sáng kiến kinh nghiệm luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n đối với giáo viên, học sinh tiểu học" của ông Nguyễn Trí Dũng sau đó đoạt giải A Sáng kiến - Sáng tạo Thủ đô 2012.
"Để xóa ngọng, 10 năm vẫn là quãng thời gian quá ngắn ngủi. Học sinh ngọng ảnh hưởng từ gia đình, thói quen ngôn ngữ lâu đời của địa phương. Sửa ngọng cho học sinh không có điểm kết thúc, hết lứa này đến lứa khác. Nhưng chuẩn hóa phát âm cho giáo viên, làm tích cực có thể hạn chế", ông Dũng nhận định.
Từ năm 2015, Sở Giáo dục chỉ còn triển khai chương trình "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n" với hình thức nhắc nhở Phòng Giáo dục các huyện tự thực hiện. Chính vì không sát sao, tỷ lệ học sinh bị ngọng ở nhiều huyện vẫn rất cao. Như Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên, đến tháng 4/2018 còn 12 giáo viên (chiếm 25%), 338 học sinh (chiếm 30%) phát âm ngọng.
Tất Định
Theo VNE
Bị chê hát ngọng, giọng ca "Buồn của anh" đắp trả cực "gắt" Đạt G khẳng định mình không hát ngọng mà đó là phát âm đơn thuần kiểu Sài Gòn. Chính thức đánh dấu trên đường đua âm nhạc với nhiều ca khúc hit, đặc biệt là bài hát "Buồn của anh" đã giúp Đạt G được nhiều khán giả biết hơn. Tuy nhiên, dù đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng và...