Giải pháp giúp doanh nghiệp xuất khẩu phòng ngừa rủi ro về tỷ giá
Tỷ giá ngoại tệ có nhiều biến động khiến doanh nghiệp lo lắng, mặc dù đồng USD tăng giá khiến doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam sẽ tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi.
Tuy nhiên, doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu và giá USD tăng khiến doanh thu cũng bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics), kho bãi và phải gánh khoản chênh lệch giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.
Bà Kim Thu, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đồng yên Nhật đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ nới rộng khi Cục Dự trữ iên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất. Điều này dẫn tới xuất hiện tình trạng nhà nhập khẩu Nhật Bản đề nghị đàm phán lại giá nhập khẩu đề bù đắp những thiệt hại cho họ khi đồng yên sụt giá.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng khách hàng đã ký hợp đồng từ trước, nhưng đề nghị đàm phán nhận hàng chậm lại. Do chịu thiệt nhiều khi đồng nội tệ mất giá, các nhà nhập khẩu của Nhật Bản cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch cũng như nhu cầu nhập hàng trong giai đoạn này.
Theo bà Thu, không chỉ đồng yên Nhật hay đồng eur của châu Âu giảm giá mạnh so với USD và mặc dù các doanh nghiệp Việt không bị ảnh hưởng quá nhiều do hầu hết giao dịch xuất nhập khẩu bằng USD, song lợi nhuận của nhà mua hàng đều giảm dẫn tới việc họ có thể giảm nhu cầu đối với nhà xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, khi đồng nội tệ yếu đi, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, người tiêu dùng châu Âu cũng sẽ cân nhắc việc chi tiêu, lựa chọn những mặt hàng thiết yếu có giá hợp túi tiền, điều này làm giảm sức cầu.
Video đang HOT
Từ thực trạng doanh nghiệp, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho hay, sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể, cộng với biến động tỷ giá làm cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn từ đầu tháng 8/2022.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành này phản ánh, thị trường có độ ổn định rất cao như Nhật Bản cũng phải điều chỉnh giá, mức tăng khoảng 20% để bù đắp lạm phát. Người tiêu dùng nước này vốn rất nhạy cảm với sự biến động của giá cả nên việc này khiến sức mua giảm mạnh. Các đối tác nhập khẩu không hủy đơn nhưng điều chỉnh lịch nhận hàng từ 3 – 5 tháng để chờ người tiêu dùng làm quen với mức giá mới.
Tương tự, ông Mai Bá Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu tôm Việt chia sẻ, nhiều nhà máy hiện đang đẩy mạnh đàm phán, chia sẻ hài hoà giá thu mua nguyên liệu và giá xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường sản xuất hàng tinh chế để tạo sức cạnh tranh cho thuỷ sản Việt khi Liên minh châu Âu và Nhật Bản đều rất ưa chuộng các sản phẩm này.
Trong khi đó, trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa đồng VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, Thạc sĩ Phan Minh Hòa, Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật tình hình lạm phát, lãi suất, tác động của dịch bệnh COVID-19 hay căng thẳng Nga-Ukraine… Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn thị trường xuất, nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.
Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.
Về lâu dài, việc gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm luôn là điều doanh nghiệp cần hướng tới. Đối với các công ty nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí. Đây là bài toán khó đã đặt ra cho doanh nghiệp từ trong đại dịch.
“Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng phải đảm bảo sự cân đối giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Nếu VND mất giá quá nhanh, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu bị lên cao ảnh hưởng đến sản xuất, lạm phát sẽ gia tăng trong bối cảnh đã có rất nhiều sức ép. Ngoài ra, còn tăng gánh nợ nước ngoài hay nguy cơ dễ bị Mỹ xem xét việc thao túng tiền tệ. Ngược lại, nếu tỷ giá bị kiềm chế quá mức, trong khi những đồng tiền khác đã mất giá, hàng hóa xuất khẩu cũng lại sẽ mất sức cạnh tranh”, Thạc sĩ Phan Minh Hòa lưu ý.
Phú Yên nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' của EC
Ngày 15/6, tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại, kết nối với ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương về kiểm soát khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên phát biểu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 4.100 tàu cá với khoảng 20.520 ngư dân tham gia khai thác thủy sản; trong đó, có khoảng 660 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi. Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Phú Yên đã chú trọng thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác chống khai thác IUU.
Đặc biệt, công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua hệ thống VMS được thực hiện triệt để. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, không có tàu cá của Phú Yên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Đây là những kết quả nổi bật trong nỗ lực chống khai thác IUU của tỉnh, góp phần cùng ngành thủy sản cả nước nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).
Ngư dân thành phố Tuy Hòa phát biểu tại Hội nghị.
Tại buổi đối thoại, ngư dân Phú Yên bày tỏ phấn khởi khi 3 năm qua không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị xử lý và đồng thuận trong việc nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của EC. Bên cạnh đó, ngư dân chia sẻ những khó khăn trên biển khi đối mặt với tàu lạ; việc nhắn tin từ tàu cá về bờ thường xuyên gặp trục trặc; xăng dầu, nguyên vật liệu, ngư lưới cụ tăng giá khiến chi phí chuyến biển tăng cao và mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ giám sát hành trình cho tàu cá dưới 15m...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho biết, từ năm 2019 đến nay, Phú Yên không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Đây là nỗ lực rất lớn của ngư dân và cơ quan chức năng của tỉnh. Tuy nhiên, trong năm 2021 vẫn còn một số tàu cá tắt thiết bị hành trình, gây khó khăn cho công tác quản lý; việc báo cáo sản lượng, nhật ký khai thác, sự phối hợp của cơ quan chức năng và doanh nghiệp còn thiếu sót.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP phát biểu tại Hội nghị.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP, để gỡ "thẻ vàng" của EC phải kiên quyết không để xảy ra một trường hợp nào vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài. Việc cần thiết phải làm là các địa phương giảm cường độ đánh bắt trực tiếp, nâng cao giá trị sản phẩm đánh bắt thông qua các phiên đấu giá để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. VASEP cũng đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngành thủy sản số hóa hệ thống dữ liệu minh bạch từ ngư dân đến doanh nghiệp vì đây là giải pháp quan trọng để EC gỡ "thẻ vàng" đối với Việt Nam.
Trước đó, đoàn công tác của VASEP đã làm việc với Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá tỉnh Phú Yên về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU. Qua đó, nắm bắt tình hình hoạt động, những thuận lợi, khó khăn trong công tác chứng nhận thủy sản khai thác và các nhiệm vụ chống khai thác IUU; công tác kiểm tra tàu cá xuất, cập bến, ghi chép, đo lường sản lượng, loài hải sản khai thác cập bến, xác nhận nguyên liệu và các nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đoàn công tác của VASEP cũng đã gặp gỡ các công ty thủy sản để trao đổi, hỗ trợ tổ IUU của các doanh nghiệp nhằm hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ, quy trình, thủ tục và thực tế thực thi công tác IUU...
Xuất khẩu thủy sản tháng 5 giảm nhiệt Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) sau khi đạt kỷ lục trên 1,1 tỷ USD trong tháng 4/2022 với mức tăng trưởng trên 50%, bước sang tháng 5/2022, xuất khẩu thủy sản không duy trì được mức tăng trưởng nóng nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ...